Hướng dẫn Học tập Chương trình Đào tạo Đổi mới Ngành Y Khoa PDF
Document Details
Uploaded by Deleted User
Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng
Tags
Summary
Đây là tài liệu hướng dẫn học tập chương trình đào tạo y khoa, bao gồm các mục tiêu, nội dung chi tiết, và phương pháp học tập tích cực. Nó hướng đến việc phát triển tư duy, kỹ năng, và việc làm việc nhóm của sinh viên.
Full Transcript
HƯỚNG DẪN HỌC TẬP CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐỔI MỚI NGÀNH Y KHOA Mục tiêu: 1. Trình bày được đặc điểm của chương trình đào tạo đổi mới ngành y khoa. 2. Diễn giải được các nguyên tắc cơ bản để học tập hiệu quả. 3. Áp dụng được một số phương pháp học tập tích cực trong quá...
HƯỚNG DẪN HỌC TẬP CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐỔI MỚI NGÀNH Y KHOA Mục tiêu: 1. Trình bày được đặc điểm của chương trình đào tạo đổi mới ngành y khoa. 2. Diễn giải được các nguyên tắc cơ bản để học tập hiệu quả. 3. Áp dụng được một số phương pháp học tập tích cực trong quá trình học tập. Nội dung: 1. Đặc điểm của chương trình đào tạo đổi mới ngành y khoa 1.1. Chương trình đào tạo ngành Y khoa đáp ứng chuẩn năng lực Chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa đã được Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 1854/QĐ-BYT ngày 18/5/2015; Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã dựa vào Chuẩn năng lực này và căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay để xây dựng và ban hành Chuẩn đầu ra phù hợp với Tầm nhìn và Sứ mạng của trường. Mọi hoạt động dạy và học trong chương trình đều hướng tới việc đạt chuẩn năng lực này. 1.2. Chương trình lồng ghép/tích hợp kiến thức Chương trình đào tạo đổi mới ngành Y khoa được thiết kế xây dựng theo hướng lồng ghép/tích hợp kiến thức dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp. Chương trình lồng ghép/tích hợp thể hiện trong cấu trúc khung chương trình đào tạo 6 năm, trong nội dung của các học phần/module, các bài giảng lý thuyết, thực hành, các ca lâm sàng, trong phương pháp dạy - học và phương pháp lượng giá. Việc dạy và học theo hướng lồng ghép/tích hợp sẽ giúp sinh viên gắn kết và tổng hợp được kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, y học lâm sàng, y tế công cộng, y đức, tính chuyên nghiệp trong suốt 6 năm học để hình thành năng lực nhằm phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp sau này. 1.3. Phương pháp dạy-học Lấy sinh viên làm trung tâm nhằm phát huy tối đa khả năng tư duy, suy nghĩ độc lập, tổng hợp kiến thức, giải quyết vấn đề, thực hành thành thạo các kỹ năng, như quan sát, làm việc nhóm, ra quyết định, giao tiếp với bệnh nhân đồng nghiệp và cộng đồng, tiến tới khả năng tự học suốt đời. 1 Mỗi sinh viên được cung cấp tài khoản (account) và mật khẩu (password) riêng của mình để: - Truy cập thông tin cá nhân, xem các thông báo liên quan đến chương trình đào tạo. - Đăng nhập hệ thống e-Learning để biết chương trình học tập chi tiết từng học phần/module, tải tài liệu học tập, làm bài tập, trao đổi với giảng viên và các bạn sinh viên cùng học, phản hồi ý kiến cho giảng viên và Nhà trường về nội dung và phương pháp giảng dạy, lượng giá, về tổ chức đào tạo. - Vào thư viện điện tử truy cập tài liệu học tập, nghiên cứu, làm quen với việc tự học. 2. Các nguyên tắc cơ bản để học hiệu quả Trong chương trình đổi mới này, để việc học đạt kết quả tốt, đạt được các chuẩn năng lực khi tốt nghiệp, hình thành năng lực tự học, tự đào tạo sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên cần chủ động trong quá trình học tập, giảng viên đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập. 2.1. Chuẩn bị trước khi vào lớp học Sinh viên phải vào website của trường (https://dhktyduocdn.edu.vn), mục e- Learning tải đề cương chi tiết học phần, bài giảng, các bài hướng dẫn thực hành, bài thực tập, bài học nhóm, các hướng dẫn học tập theo từng bài và thực hiện theo hướng dẫn này, các ca lâm sàng/tình huống lâm sàng. - Đọc kỹ và đảm bảo hiểu rõ các mục tiêu học tập, học trước tất cả các nội dung tải về. - Tìm và đọc tất cả các tài liệu học tập (giáo trình), tài liệu tham khảo được giảng viên hướng dẫn và công bố trong hướng dẫn học tập cho sinh viên trước khi vào lớp học. - Sau khi đọc xong tài liệu, sinh viên phải tóm tắt được các vấn đề chính của nội dung, những vấn đề còn thắc mắc, tự tìm giải pháp cho những vấn đề này bằng kiến thức sẵn có. - Sinh viên sẽ phải làm các bài kiểm tra việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp (RAEs) theo từng bài học (online). Mục đích để giảng viên biết mức độ chuẩn bị bài và hiểu bài của sinh viên, từ đó lượng giá việc tự học của sinh viên và biết các lỗ hổng kiến thức của sinh viên. Lưu ý bài kiểm tra này sẽ được tính điểm kiểm tra thường xuyên của học phần/module (là điểm trung bình cộng của các bài RAE). - Xem lịch học để biết nội dung học, địa điểm học, thời gian học, nhóm học của 2 mình và giảng viên phụ trách. 2.2. Trong lớp học Sinh viên sẽ được nghe giảng các bài giảng/được hướng dẫn thực hiện các kỹ năng thực hành, trong quá trính đó sinh viên được yêu cầu làm việc cá nhân, nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn để thảo luận, đưa ra vấn đề cần giải quyết, rèn luyện kỹ năng quan sát, nhận định vấn đề, ra quyết định… Sau này khi hành nghề y, người bác sĩ luôn phải làm việc với các đồng nghiệp trong môi trường y khoa (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên,…). Chính vì vậy, ngay từ khi học, nhà trường sẽ tổ chức cho các bạn sinh viên học tập và làm việc theo nhóm, chuẩn bị cho khả năng làm việc nhóm sau này. Để làm việc nhóm tốt, sinh viên cần tuân thủ các quy định sau: - Thực hiện đúng giờ. Phải xin phép nếu vắng mặt (không chấp nhận việc vắng mặt cho các buổi học thực hành, học nhóm, học ca/tình huống lâm sàng, nếu vắng mặt bắt buộc sinh viên phải học lại). - Tuân thủ đúng nội quy, quy định của nơi học tập và thực hành (mặc áo blouse, đội mũ, mang khẩu trang, rửa tay, mang găng, nơi lấy và đặt dụng cụ, phân loại rác thải…) - Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các bạn sinh viên cùng hoặc khác nhóm. - Phản hồi ý kiến cho các bạn với thái độ tôn trọng và đóng góp. - Trình bày ý kiến của bản thân và tôn trọng thời gian của nhóm. - Hỗ trợ bạn học nhưng không làm thay, nói thay. 2.3. Học tập hướng tới ứng dụng trong thực hành lâm sàng và cộng đồng. Để đạt được chuẩn năng lực khi tốt nghiệp, thực hành tốt trên lâm sàng và cộng đồng sau này, trong quá trình học tập sinh viên phải lưu ý: - Luôn tích hợp/lồng ghép các kiến thức của nhiều học phần/module, sử dụng kiếnthức khoa học cơ bản, y học cơ sở để giải quyết các vấn đề lâm sàng ngay từ năm học đầu tiên. - Kiến thức phải gắn liền với việc thực hành kỹ năng và làm được trên thực tế. - Thái độ chuyên nghiệp đối với bạn học, đồng nghiệp, bệnh nhân (kỷ luật, trách nhiệm, tôn trọng, lắng nghe, hỗ trợ, phản hồi, …) phải được thể hiện ngay từ năm đầu trong tất cả các bối cảnh khi học lý thuyết, học thực hành và học nhóm. 3 - Tóm tắt được những điểm cốt lõi về kiến thức, kỹ năng và thái độ sau mỗi buổi học. - Xác định được những vấn đề cần học thêm để mở rộng việc học tập của mình, là cơ sở cho việc tự học suốt đời. 3. Một số phương pháp học tập tích cực 3.1. Phương pháp câu hỏi ngắn trong 1 phút Thường khi bắt đầu buổi học hoặc kết thúc buổi học, giảng viên đưa ra các câu hỏi ngắn cho sinh viên về các nôi dung liên quan đến bài học, gần như tự phản hồi cho bản thân mỗi sinh viên. 3.2. Phương pháp suy nghĩ - bắt cặp – chia sẻ (Think-pair-share) Trong quá trình giảng, giảng viên có thể dừng lại và đưa ra một câu hỏi hoặc 1 vấn đề, sinh viên có từ 2 đến 5 phút để suy nghĩ độc lập, sau đó các sinh viên ngồi bên cạnh nhau có thể trao đổi với nhau về ý kiến và kinh nghiệm của mỗi người một khoảng thời gian nhất định (khoảng vài phút), sau đó chia sẻ với cả lớp. Giảng viên đi xung quanh phòng học và nghe thảo luận của các cặp đôi; gọi ngẫu nhiên các cặp để chia sẻ có thể làm cho sinh viên có trách nhiệm với các thảo luận của mình. Sinh viên ai cũng có thể tham gia được vào việc chia sẻ ý kiến của mình, tạo được sự tự tin cho người học dám nói ra những suy nghĩ của mình (đây là điểm yếu đối với đa số các sinh viên Việt Nam), giúp sinh viên tập trung vào chủ đề đang học, biết mình đang học gì và đã hiểu vấn đề đến đâu, thậm chí nêu lên cả những vấn đề mới cho bài học. 3.3. Học lý thuyết tích cực với các câu hỏi clicker (bài giảng với các câu hỏi clicker) - Sinh viên phải chuẩn bị trước khi vào lớp học. - Giảng viên trình bày bài giảng lý thuyết qua các slide. Trong lúc giảng, giảng viênsẽ dừng lại và đặt ra các câu hỏi trắc nghiệm để sinh viên tự kiểm tra mức độ hiểu bài và vận dụng kiến thức nhằm đạt được mục tiêu bài học. 4 SV lý giải cho lựa chọn của mình - Trước tiên sinh viên sẽ chọn câu trả lời cho riêng mình bằng cách chọn A/B/C/D/E trên bảng giấy màu hoặc trên bản phím clicker và không tham khảo ý kiến của bạn bên cạnh. Giảng viên sẽ quan sát các câu trả lời. - Sau đó giảng viên để dành thời gian vài phút, sinh viên sẽ thảo luận với bạn bên cạnh/hoặc thảo luận theo nhóm đã chia để lý giải đáp án mình chọn lựa, sau đó sinh viên sẽ đưa biểu quyết đáp án cuối cùng của mình sau khi bàn luận. - Sau khi nghe giảng viên giải thích và tóm tắt về các kiến thức cần lưu ý thông qua câu hỏi clicker, nếu chưa thỏa mãn, sinh viên có thể trao đổi với giảng viên trên diễn đàn của trang web hoặc trực tiếp với giảng viên tại lớp hoặc ngoài lớp học. 3.4. Học dựa trên nhóm – Lớp học đảo chiều (Team-Based Learning = TBL) Phase 1. Sinh viên phải chuẩn bị trước khi vào lớp học như đã hướng dẫn ở phần trước. 5 Sinh viên vào lớp, chia nhóm theo sự phân nhóm của giảng viên. Phase 2. Làm bài kiểm tra đảm bảo sinh viên chuẩn bị bài - Bước 1: Sinh viên độc lập làm một bài trắc nghiệm (iRAT: individual Readiness Assurance Test) khoảng 10-20 câu hỏi dựa trên những bài giảng hoặc tài liệu yêu cầusinh viên đọc trước, những tài liệu này đã được đăng trên mục e-Learning. Bài trắc nghiệm này có thể được yêu cầu làm online vài ngày trước buổi học chính thức hoặc làm ngay trong buổi học. Bài trắc nghiệm này có mục đích là kiểm tra xem sinh viên có chuẩn bị bài trước ở nhà hay không và mức độ hiểu bài như thế nào nhằm phát hiện những lỗ hổng kiến thức của sinh viên. - Bước 2: Sinh viên sẽ thảo luận nhóm trong một thời gian hạn định và trả lời lại chính những câu trắc nghiệm này (tRAT: team Readiness Assurance Test) bằng cách dùng các phiếu phản hồi tức thì (cào câu trả lời đúng nếu dùng thẻ cào, hoặc có trợ giảng phản hồi tức thì). Nếu trả lời đúng lần đầu tiên cho một câu hỏi thì nhóm sẽ đạt điểm tối đa cho câu hỏi đó, nếu sai sẽ tiếp tục cho tới khi có có câu trả lời đúng. Càng nhiều trả lời thì điểm càng thấp. Bước này nhằm giúp sinh viên khắc phục lỗ hổng kiến thức ở cấp độ nhóm. - Bước 3: Tiếp theo sinh viên sẽ tham khảo tài liệu và thảo luận nhóm về những câu mà nhóm trả lời sai trong một thời gian hạn định. Thống nhất ý kiến và tự điều chỉnh những lỗ hổng kiến thức. Những câu hỏi mà sau khi thảo luận cả nhóm vẫn không thống nhất ý kiến sẽ được đưa ra trước lớp để làm sáng tỏ dưới sự điều phối của giảng viên và trợ giảng. Bước này nhằm giúp sinh viên củng cố kiến thức, điều chỉnh những hiểu biết kiến thức sai lầm của mình. - Bước 4: Giảng viên tóm tắt những gì sinh viên cần nhớ bằng một bài giảng ngắn gọn (mini lecture). 6 Khôngdùngtàiliệu Khôngdùngtàiliệu Đượcdùngtàiliệu Phase 3. Bài tập ứng dụng - Bước 1: Giảng viên đưa ra một số tình huống/ca lâm sàng kèm theo các câu hỏi yêu cầu sinh viên giải quyết vấn đề. Sinh viên ứng dụng các kiến thức đã học, thảo luận nhóm để giải quyết vấn đề trong thời gian hạn định. Bước này nhằm giúp sinh viên áp dụng những kiến thức đã học của mình vào việc giải quyết một vấn đề cụ thể. - Bước 2: Các nhóm sẽ đưa câu trả lời cho các vấn đề bằng cách biểu quyết A/B/C/D/E. Sự khác biệt giữa các câu trả lời của các nhóm sẽ được đưa ratranh luận trước lớp với sự điều phối của giảng viên và trợ giảng. Bước này nhằm giúp sinh viên học bằng cách tư duy, lắng nghe, tranh luận, học hỏi từ những điều đúng và cả từ những sai lầmcủa người khác trong giải quyết vấn đề. - Bước 3: Sinh viên sẽ điền vào phiếu phản hồi, góp ý cho buổi học và góp ý chọbạn học. 3.5. Học thực hành trong phòng thực hành (lab) - Sinh viên phải chuẩn bị trước khi vào học (như đã hướng dẫn ở phần trước). - Sinh viên vào phòng, ngồi đúng vị trí nhóm của mình theo sự phân nhóm. - Tuân thủ đúng nội quy, quy định của phòng thực hành (mặc áo blouse, rửa tay,nơi lấy và đặt dụng cụ, nơi bỏ rác thải…) - Sinh viên lắng nghe giảng viên hướng dẫn về: quy định an toàn, mục tiêu bài học,các thao tác, các bước thực hiện. - Sinh viên thực hành cá nhân và/hoặc theo nhóm dưới sự hướng dẫn giám sát củagiảng viên, trợ giảng, kỹ thuật viên. 7 - Viết báo cáo, thực hiện thao tác các kỹ thuật được hướng dẫn cho giảng viên vàlắng nghe phản hồi từ giảng viên và các bạn SV. - Sinh viên sẽ phản hồi, góp ý cho buổi học (tại chỗ hoặc online). 3.6. Học nhóm thảo luận ca lâm sàng - Sinh viên phải chuẩn bị trước khi vào học ca lâm sàng theo hướng dẫn. Đọc những tài liệu liên quan đến học ca lâm sàng được đăng trên hệ thống e-Learning theo từng học phần/module. - Trong lớp học, sinh viên được ngồi theo nhóm dưới sự phân nhóm của giảng viên. - Sinh viên lắng nghe giảng viên nhắc lại mục tiêu học tập, nhận tài liệu phát tay và các câu hỏi thảo luận. Khi thảo luận về các câu trả lời cho trường hợp lâm sàng, sinh viên sẽ có dịp ôn lại và tích hợp kiến thức từ nhiều bài giảng, nhiều học phần/module đã học và đem ra áp dụng để giải quyết các vấn đề trên trường hợp lâm sàng cụ thể. - Các nhóm sinh viên thảo luận từng câu hỏi trong thời gian nhất định dựa trên các tài liệu tham khảo đã được công bố trên hệ thống e-Learning. Giảng viên/trợ giảng giúp định hướng thảo luận, nhưng không trả lời thay sinh viên. - Sau đó đại diện các nhóm trình bày ý kiến trước lớp. Các đại diện của nhóm phải được luân phiên, đảm bảo các thành viên của nhóm có cơ hội trình bày ý kiến trước lớp. - Sinh viên lắng nghe ý kiến của các nhóm khác nhau, tham gia tranh luận, và lắng nghe phản hồi của giảng viên cho các nhóm. - Sinh viên phản hồi, góp ý cho buổi học. 4. Hướng dẫn sinh viên thi 4.1. Thi lý thuyết Sinh viên sẽ thi lý thuyết dưới hai hình thức: thi trắc nghiệm trên giấy hoặc trên hệ thống máy tính hoặc thi viết bài tự luận. Các câu hỏi thi sẽ được cấu trúc theo khung lượng giá nêu trong ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT HỌC PHẦN trên hệ thống e-Learning, nội dung của các câu hỏi thi được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra học phần. 4.2. Thi thực hành kỹ năng trong lab Có 2 hình thức: 8 - Chạy trạm (OSPE: Objective structured practical examination): Có nhiều trạm thực hành được xây dựng theo mục tiêu học tập, sinh viên sẽ đi qua từng trạm trả lờihoặc thực hiện các kỹ năng dưới sự quan sát của giảng viên và được cho điểm theo một bảng kiểm thống nhất. Bảng kiểm này có sẵn trên hệ thống e-Learning ngay sau các bài thực hành để khi học thực hành sinh viên có thể tự rèn luyện. - Thao tác kỹ thuật + Bảng kiểm: Giảng viên sẽ trực tiếp quan sát sinh viên trong quá trình thực hiện và chấm điểm theo một bảng kiểm thống nhất. Bảng kiểm này được để sẵn trên trang web, mục e-Learning ngay sau các bài thực hành để khi học thực hành sinh viên có thể tự rèn luyện. 4.3. Thi thực hành kỹ năng nhiều trạm OSCE Cấu trúc: vòng xoay 08-30 trạm, 5-10 phút/trạm và 30-45 phút/SV - Phân loại trạm theo bố trí nhân lực: + Trạm có GV: kỹ năng thao tác + Trạm không GV: kỹ năng tư duy - Phân loại trạm theo kỹ năng: + Trạm kiến thức và kỹ năng tư duy: test và bài tập giải quyết vấn đề (video – clip, XN, hình ảnh, mô hình); + Trạm kỹ năng: giao tiếp, thăm khám, thủ thuật, và/hoặc; + Trạm thái độ: video- clip mô tả tình huống giao tiếp. Câu hỏi lượng giá: 1. Trình bày đặc điểm của chương trình đào tạo đổi mới ngành y khoa? 2. Phân tích các nguyên tắc cơ bản của học tập hiệu quả để đạt được các chuẩn năng lực khi tốt nghiệp, hình thành năng lực tự học, tự đào tạo sau khi tốt nghiệp? 3. Mô tả các phương pháp học tập tích cực và ứng dụng của bản thân vào trong quá trình học tập? 9