Giải phẫu học - Giáo trình PDF
Document Details
Uploaded by Deleted User
Tags
Summary
Đây là giáo trình giải phẫu học tổng quan. Nội dung chính của giáo trình bao gồm các khái niệm cơ bản, phạm vi và lịch sử của giải phẫu học, các mặt phẳng giải phẫu, động tác và những mối liên quan, cũng như tầm quan trọng của giải phẫu học trong y học.
Full Transcript
BÀI 1: NHẬP MÔN GIẢI PHẪU HỌC Mục tiêu 1. Trình bày được nội dung và phạm vi của giải phẫu học. 2. Mô tả tư thế giải phẫu, các mặt phẳng giải phẫu, các từ chỉ mối quan hệ vị tri và so sánh trong giải phẫu học, các động tác giải phẫu. 1.1. Định nghĩa và lịch sử Giải phẫu học người là môn khoa họ...
BÀI 1: NHẬP MÔN GIẢI PHẪU HỌC Mục tiêu 1. Trình bày được nội dung và phạm vi của giải phẫu học. 2. Mô tả tư thế giải phẫu, các mặt phẳng giải phẫu, các từ chỉ mối quan hệ vị tri và so sánh trong giải phẫu học, các động tác giải phẫu. 1.1. Định nghĩa và lịch sử Giải phẫu học người là môn khoa học nghiên cứu về cấu trúc cơ thể con người. Lịch sử nghiên cứu giải phẫu có từ rất lâu. Trong quá trình phát triển đó đã xuất hiện những nhà giải phẫu học nổi tiếng như: Hippocrate (460-377 TCN), cha đẻ của y học tây phương, đã đưa ra thuyết cấu tạo về con người là thuyết thể dịch “các cơ quan được tạo thành từ các thành phần là máu, khi, mật vàng và mật đen, các cơ quan có cấu tạo khác nhau là do tỷ lệ các thành phần trên khác nhau). - André Vésalius (1514 – 1519) được xem là cha đẻ của giải phẫu học hiện đại với tác phẩm nổi tiếng “De humani corporis fabrica". Với phương pháp nghiên cứu giải phầu là quan sát trực tiếp trên việc phẫu tích xác. Sau đó giải phẫu học không ngừng phát triển cho đến ngày hôm nay, nhờ các công trình nghiên cứu của nhiều nhà giải phẫu học nổi tiếng. 1.2. Nội dung và phạm vi của giải phẫu học - Tuỳ thuộc vào phương tiện quan sát, giải phẫu học được chia thành giải phẫu đại thể nghiên cứu các cấu trúc có thể quan sát bằng mắt thường và giải phẫu vi thể nghiên cứu các cấu trúc nhỏ chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi. - Tùy theo mục đích nghiên cứu của từng chuyên ngành, giải phẫu học được chia thành: + Giải phẫu y học: là ngành giải phẫu nghiên cứu cấu trúc và mối liên quan của các cơ quan và bộ phận cơ thể người, phục vụ cho các môn khác của y học để đào tạo nên các người làm nghề y. + Giải phẫu mỹ thuật: là ngành giải phẫu chú trọng đến việc nghiên cứu giải phẫu bề mặt con người phục vụ cho việc đào tạo của các trường mỹ thuật. + Giải phẫu học thể dục thể thao: nghiên cứu về hình thái, đặc biệt là cơ quan vận động cũng như sự thay đổi hình thái khi vận động. Phục vụ cho các trường thể dục thể thao. + Giải phẫu học nhân chủng: nghiên cứu đặc điểm các quần thể người còn sống cũng như các di cốt khảo cổ để tìm hiểu quá trình phát triển của loài người. + Giải phẫu học nhân trắc: đo đạc các kích thước của cơ thể để tìm ra các tỷ lệ mối liên quan của các phần nhằm tạo ra các công cụ phục vụ đời sống và lao động, hay mối liên quan của các loại hình với bệnh tật. + Giải phẫu học so sánh: nghiên cứu so sánh từ động vật thấp đến cao để tìm ra quy luật tiến hóa của động vật thành loài người. - Tuỳ theo cách mô tả giải phẫu, giải phẫu học chia thành: + Giải phẫu hệ thống: là mô tả cấu trúc giải phẫu theo từng hệ thống các cơ quan, bộ phận (cùng thực hiện một chức năng) nhằm giúp cho người học hiểu được chức năng của từng hệ cơ quan. Các hệ cơ quan trong cơ thể là: hệ da, hệ xương, hệ khớp, hệ cơ, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, hệ tiết niệu, hệ sinh dục và hệ nội tiết. Các giác quan là một phần của hệ thần kinh. + Giải phẫu vùng hay giải phẫu định khu: là nghiên cứu và mô tả các cấu trúc (thuộc các hệ cơ quan khác nhau) trong một vùng bao gồm cả những liên quan của chúng với nhau. Cơ thể được chia thành những vùng lớn như: ngực, bụng, chậu hông và đáy chậu, chi, lưng, đầu và cổ. Mỗi vùng lớn lại được chia thành nhiều vùng nhỏ hơn. + Giải phẫu bề mặt: là mô tả hình dáng bề mặt cơ thể người. đặc biệt là những liên quan của bề mặt cơ thể với những cấu trúc ở sâu hơn như các xương và các cơ. Mục đích chính của giải phẫu bề mặt là giúp người học hình dung ra những cấu trúc nằm dưới da để áp dụng thăm khám người bệnh, đánh giá thương tổn và can thiệp khi cần thiết. 1.3. Tầm quan trọng của giải phẫu học trong y học Giải phẫu học là môn cơ sở của các môn cơ sở cũng như các môn lâm sàng của y học. Mukhin, một thầy thuốc Nga nói: “Người thầy thuốc mà không có kiên thức về giải phẫu học thì chẳng những vô ích mà còn có hại". Nhà giải phẫu học nổi tiếng người Pháp Testut đã từng viết trong cuốn sách giải phẫu học đồ sộ của mình rằng: “Có thể khẳng định mà không sợ quá đảng là chỉ có trường phái giải phẫu và đặc biệt là giải phẫu định khu mới là nơi đào tạo những nhà phẫu thuật giỏi". GS Trịnh Văn Minh: “Con người đứng vững bằng đôi bàn chân, Y học bắt đầu từ giải phẫu học". 1.4. Tư thế giải phẩu Việc xác định đúng tư thế giải phẫu rất quan trọng trong việc đặt tên và mô tả. Tư thể giải phẫu là một người đứng thẳng với đầu, mắt và các ngón chân hướng ra trước, các gót chân và các ngón chân áp sát vào nhau, hai tay buông thõng ở hai bên với các gan bàn tay hướng ra trước. 1.5. Các mặt phẳng giải phẫu Đó là ba mặt phẳng trong không gian 1.5.1. Mặt phẳng đứng dọc Là mặt phẳng đứng theo chiều trước sau. Có nhiều mặt phẳng đứng dọc song song với nhau, song chỉ có một mặt phẳng đứng dọc giữa chia cơ thể ra làm hai phần: phải và trái đối xứng nhau. 1.5.2. Mặt phẳng ngang Là mặt phẳng nằm ngang, thẳng góc với trục đứng thẳng của cơ thể. Có nhiều mặt phẳng ngang khác nhau, song có một mặt phẳng ngang qua chính giữa cơ thể chia cơ thể thành phần trên và phần dưới. 1.5.3. Mặt phẳng đứng ngang Là mặt phẳng đứng theo chiều ngang từ bên nọ sang bên kia, thẳng góc hai mặt phẳng trên. Có nhiều mặt phẳng đứng ngang, song có một mặt phẳng đứng ngang qua giữa chiều dày trước sau của cơ thể, chia cơ thể làm hai phần: trước - sau. 1.6. Các từ chỉ mối quan hệ vị trí và so sánh Trước-sau: trước còn gọi là bụng, sau là lưng. Tuy nhiên, lòng bàn chân được xem là mặt bụng của bàn chân. Trên-dưới: trên là hướng về phía đầu còn gọi là đầu, dưới là hướng về phía chân còn gọi là đuôi. - Trong-ngoài: trong là gần với trung tâm của cơ thể, ngoài là gần với bề mặt của cơ thể. - Gần-xa: gần và xa với gốc hay nơi bắt đầu của cấu trúc cơ thể. - Phải-trái: là hai phải đối lập nhau. 1.7. Động tác giải phẫu học 1.7.1. Gấp - duỗi Động tác xảy ra ở mặt phẳng đứng dọc. Gấp là động tác hướng về mặt bụng. Duỗi là động tác hướng về mặt lưng. 1.7.2. Dạng - Khép Động tác xảy ra ở mặt phẳng đứng ngang. Khép là động tác hướng vào đường giữa. Dạng là động tác đưa ra xa đường giữa. 1.7.3. Xoay vào trong - xoay ra ngoài Động tác xảy ra với trục đứng. Xoay vào trong là động tác hướng mặt bụng vào giữa. Xoay ra ngoài động tác chuyển mặt bụng ra xa. 1.7.4. Sấp - ngữa Động tác của cẳng tay và bàn tay. Sấp là động tác quay vào trong của cẳng tay để lòng bàn tay có thể hướng ra sau. Ngữa là động tác quay ra ngoài, giữ lòng bày tay hướng ra trước. 1.8. Danh từ giải phẫu học Muốn giảng dạy, nghiên cứu tốt môn học, cần thiết phải có một hệ thống danh từ thống nhất. Đối với giải phẫu học cũng vậy, đã có nhiều hệ danh pháp. Hiện tại, bảng danh pháp PNA ra đời 1955 có khoảng 5000 danh từ giải phẫu học đang được sử dụng hầu hết trên thế giới là hệ danh pháp quốc tế. Việc đặt tên trong hệ danh pháp PNA dựa vào các nguyên tắc sau: - Mỗi phần cơ thể chỉ mang một tên gọi, trừ các trường hợp ngoại lệ, ví dụ: khẩu cái mềm còn gọi là màng khẩu cái. - Các từ dùng bằng ngôn ngữ la tỉnh, trừ trường hợp không có từ tương ứng trong tiếng La Tỉnh, ví dụ: tĩnh mạch đơn (Vena Azygos, tiếng Hy lạp). - Mỗi từ dùng phải tượng hình, có ý nghĩa, càng ngắn, càng đơn giản càng tốt. Tính từ được dùng sắp đặt theo cách đối nghịch nhau..., chính và phụ, trên và dưới. Không thay đổi những từ đã quen thuộc nếu chỉ vì lý do ngữ nghĩa hay để mang tính uyên bác. - Loại bỏ những danh từ riêng mang tên các nhà giải phẫu học, ngoại trừ “gân Achille" vì Achille không phải là nhà giải phẫu học Mỗi quốc gia có quyền dịch PNA sang ngôn ngữ của mình để tiện sử dụng. Ở Việt nam, cho đến nay, vẫn chưa có một sự thống nhất về danh từ giải phẫu học bằng tiếng Việt. Tình hình sử dụng danh từ Giải phẫu ở nước ta rất phức tạp. Chịu ảnh hưởng của các nguồn sách tham khảo khác nhau nên danh từ có được không đồng nhất. Bộ sách giáo khoa đầu tiên của Giáo sư Đỗ Xuân Hợp được dịch nguyên theo hệ danh từ Pháp. Các giáo trình của các trường ở miền Namlại sử dụng cuốn Danh từ cơ thể học của Giáo sư Nguyễn Hữu (dịch từ danh pháp PNA) hay cuốn tự điển Danh từ Y học Pháp - Việt của Lê Khắc Quyến. Các danh từ được dùng lại khác xa với Danh từ Y học do Bộ Y tế xuất bản 1976. Năm 1983, Nguyễn Quang Quyền xuất bản cuốn “Danh từ giải phẫu học" và 1986 xuất bản tài liệu “Bài giảng Giải phẫu học”. Đây là những tác phẩm đã tuân thủ triệt để danh pháp PNA và phần lớn danh từ của PNA đều có trong sách. Đáng tiếc cho đến nay, hệ danh pháp này tuy đã được dùng trong các bộ môn Giải phẫu trong cả nước, nhưng vẫn chưa được dùng rộng rãi trong các bộ môn lâm sàng,gây khó khăn nhiều cho sinh viên và cán bộ ngành y. Hy vọng một bảng danh pháp giải phẫu tiếng Việt hoàn chỉnh được sử dụng rộng rãi trong các lãnh vực y học nước nhà.