Nam Cao - Nhà Văn Hiện Thực Xuất Sắc (PDF)

Summary

This book is a collection of essays on the life and works of Vietnamese writer Nam Cao. It explores Nam Cao's literary style, his portrayals of rural life, and his critique of social injustices.

Full Transcript

NAM CAO NHÀ VĂN HIỆN THỰC XUẤT SẮC PHƯƠNG NGÂN (Tuyển chọn và biên soạn) MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU NAM CAO TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM Phần I. NAM CAO CHÂN DUNG PHÁC THẢO NAM CAO (NGUYỄN ĐÌNH THI) NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM NAM CAO (TÔ HOÀI) NAM CAO (HÀ MINH ĐỨC) NHỚ NAM CAO VÀ NHỮNG BÀI HỌC CỦA ÔNG (N...

NAM CAO NHÀ VĂN HIỆN THỰC XUẤT SẮC PHƯƠNG NGÂN (Tuyển chọn và biên soạn) MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU NAM CAO TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM Phần I. NAM CAO CHÂN DUNG PHÁC THẢO NAM CAO (NGUYỄN ĐÌNH THI) NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM NAM CAO (TÔ HOÀI) NAM CAO (HÀ MINH ĐỨC) NHỚ NAM CAO VÀ NHỮNG BÀI HỌC CỦA ÔNG (NGUYỄN ĐĂNG MẠNH) NAM CAO - NHÌN TỪ CUỐI THẾ KỶ (PHONG LÊ) NAM CAO - NHÀ VĂN KHÔNG BIẾT KHÓC (VŨ BẰNG) NAM CAO (NGUYỄN MINH CHÂU) Phần II. ĐẾN VỚI THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO CỦA NAM CAO ĐỌC NHỮNG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO (NGUYÊN HỒNG) NAM CAO CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI CŨ (LÊ ĐÌNH KỴ) NAM CAO VÀ KHÁT VỌNG VỀ MỘT CUỘC SỐNG LƯƠNG THIỆN, XỨNG ĐÁNG (NGUYỄN VĂN HẠNH) BI KỊCH TỰ Ý THỨC - NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG CẢM HỨNG NHÂN ĐẠO CỦA NAM CAO (ĐINH TRÍ DŨNG) NHỮNG NHÂN VẬT, NHỮNG CUỘC ĐỜI VÀ NẺO ĐƯỜNG ĐI TÌM NHÂN CÁCH - Cảm nghĩ về chùm truyện ngắn của Nam Cao (VŨ DƯƠNG QUỸ) NAM CAO, NHÀ VĂN HIỆN THỰC CỦA CÁCH MẠNG VÀ KHÁNG CHIẾN (SÔNG THAI) NAM CAO VÀ CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC ĐẦU THẾ KỶ XX (LẠI NGUYÊN ÂN) ĐẶC TRƯNG BÚT PHÁP HIỆN THỰC NAM CAO (PHONG LÊ) PHONG CÁCH TRUYỆN NGẮN NAM CAO TRƯỚC CÁCH MẠNG (BÙI CÔNG THUẤN) MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA THI PHÁP TRUYỆN NAM CAO (PHẠM QUANG LONG) THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN TRONG THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT CỦA NAM CAO (TRẦN ĐĂNG XUYỀN) NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÂM LÝ CỦA NAM CAO (HÀ VĂN ĐỨC) CHẤT HÀI TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO (LÊ THỊ ĐỨC HẠNH) NHỮNG BIẾN HÓA CỦA CHẤT NGHỊCH DỊ TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO TRƯỚC 1945 (VƯƠNG TRÍ NHÀN) Phần III. TÁC PHẨM CỦA NAM CAO TIẾP NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ TỰA “ĐÔI LỨA XỨNG ĐÔI” (LÊ VĂN TRƯƠNG) “ĐÔI LỨA XỨNG ĐÔI” - TẬP TRUYỆN SỚM XÁC ĐỊNH PHONG CÁCH ĐỘC ĐÁO CỦA NAM CAO (HÀ MINH ĐỨC) QUA TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO BÀN THÊM VỀ CÁI NHÌN HIỆN THỰC CỦA NAM CAO (TRẦN TUẤN LỘ) CON NGƯỜI BỊ TỪ CHỐI LÀM NGƯỜI TRONG TRUYỆN CHÍ PHÈO CỦA NAM CAO (NGUYỄN VĂN TRUNG) TÍNH CHẤT LƯỠNG HÓA TRONG NHÂN VẬT CHÍ PHÈO (NGUYỄN QUANG TRUNG) CHẤT GIỌNG NAM CAO TRONG “CHÍ PHÈO” (NGUYỄN THÁI HOÀ) CÁI “TỨ” TRONG NHỮNG TRUYỆN NGẮN XUẤT SẮC CỦA NAM CAO (PHẠM VĂN PHÚC) LÃO HẠC (TRƯƠNG VĂN QUANG) VẺ ĐẸP CON NGƯỜI (HOÀNG THỊ HƯƠNG - QUẾ HƯƠNG) NGHỆ THUẬT VĂN XUÔI CỦA TRUYỆN NGẮN LÃO HẠC (CHU VĂN SƠN) TRUYỆN NGẮN NỬA ĐÊM CỦA NAM CAO HIỆN THỰC CHỦ NGHĨA HAY TỰ NHIÊN CHỦ NGHĨA (HÀ BÌNH TRỊ) “ĐỜI THỪA” (NGUYỄN HOÀNH KHUNG) MỘT TÁC PHẨM ĐẶC SẮC CỦA NAM CAO CHƯA ĐƯỢC CHÚ Ý: “TRUYỆN NGƯỜI HÀNG XÓM” (HÀ BÌNH TRỊ) “MỘT ĐÁM CƯỚI” (NGUYỄN ĐĂNG MẠNH) ĐỌC LẠI TRUYỆN NGẮN “ĐÔI MẮT” CỦA NAM CAO (NGUYỄN ĐĂNG MẠNH) ĐÔI MẮT CỦA NAM CAO (ĐỖ KIM HỒI) ĐỌC LẠI VÀ LẠI ĐỌC “SỐNG MÒN” (PHONG LÊ) HAI KHÔNG GIAN SỐNG TRONG SỐNG MÒN CỦA NAM CAO (ĐỖ ĐỨC HIẾU) TÁC PHẨM CỦA NAM CAO Ở LIÊN XÔ (N.I.NICULIN) Phần IV. NHỚ VỀ NAM CAO NHỮNG DÒNG KỶ NIỆM (TRẦN THỊ SEN - Vợ nhà văn Nam Cao) TƯỞNG NHỚ NAM CAO (NGUYỄN HUY TƯỞNG) CHÚNG TA MẤT NAM CAO (TÔ HOÀI) MỘT LẦN GẶP NAM CAO (HOÀNG TRUNG THÔNG) CHỈ MỘT LẦN GẶP NAM CAO (CHU VĂN) VÀI KỶ NIỆM VỀ ANH TRI (PHẠM LÊ VĂN - tức Thợ Rèn) TÔI LÀ NHÂN VẬT CỦA ANH (KIM LÂN) CÙNG VỚI NAM CAO LÀM HỌC TRÒ TRƯỜNG ĐẢNG (PHONG NHÃ) THIÊN DUYÊN CỦA NAM CAO VỚI LÀNG VŨ ĐẠI (ĐỖ ĐÌNH THỌ) LÀNG ĐẠI HOÀNG VÀ SÁNG TÁC CỦA NAM CAO (THANG NGỌC PHO - TRẦN QUANG VINH) NHỮNG MẨU TRUYỆN XOAY QUANH CÁC NHÂN VẬT TRONG “ĐÔI LỨA XỨNG ĐÔI” (HOÀNG CAO) LỜI GIỚI THIỆU Nam Cao (1917-1951) là một tài năng lớn, một cây bút hiện thực xuất sắc đã góp phần đáng quý vào quá trình cách tân và hiện đại hóa nền văn xuôi quốc ngữ. Ông là m ột trong số những nhà văn có vị trí vững vàng, ổn định và có tầm quan trọng trong nền văn học sử dân tộc. Chỉ với mười lăm năm cầm bút (1936-1951), nhà văn liệt sĩ Nam Cao đã để lại một sự nghiệp văn chương tuy không thật đồ sộ về khối lượng nhưng lại luôn ẩn chứa một sức sống khỏe khoắn, bền lâu của một giá trị văn chương đích thực, có sức vượt lên trên “các bờ cõi và giới hạn”, tìm đến được sự tri kỷ tri âm và tạo được sự ám ảnh kỳ lạ đối với nhiều thế hệ công chúng. Đối với văn chương bằng một quan niệm nghệ thuật nghiêm túc, sâu sắc và tiến bộ “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”; “Một tác phẩm thật có giá trị… phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó là cho người gần người hơn” (Đời thừa). Suốt đời văn của ông, Nam Cao đã gắn ngòi bút mình, sự nghiệp văn chương của mình với cuộc đời. Khơi từ những tầng vỉa sâu sa của đời sống “những nguồn chưa ai khơi”, bằng tài năng, tâm huyết và sự say mê đầy trách nhiệm của một trái tim lớn, một người nghệ sĩ lớn luôn thức đập với những buồn vui, đau khổ của con người, của cuộc đời, Nam Cao đã tạo dựng được một văn nghiệp lớn, với những tác phẩm nổi tiếng: Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa rồi Đôi mắt, Sống Mòn… và những điển hình bất hủ từ những người nông dân bị đày đọa, bị tha hóa ở chốn nhà quê xơ xác: Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc… đến những trí thức như Điền, như Hộ, như thứ… đang “chết mòn” ở chốn thị thành. “Không nói những cái người ta đã nói, không tả theo lối người ta đã tả, ông đã dám bước vào làng văn với những cạnh sắc riêng của mình” (Lê Văn Trương). Nhờ thế Nam Cao đã để lại được dấu ấn sâu đậm riêng trong văn học dân tộc. Để giúp bạn đọc có điều kiện tiếp cận và hiểu sâu kỹ về tài năng, phong cách nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ lớn Nam Cao, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin trân trọng giới thiệu cuốn sách: NAM CAO - NHÀ VĂN HIỆN THỰC XUẤT SẮC. Rất mong được sự hưởng ứng và đóng góp ý kiến của bạn đọc xa gần. NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - THÔNG TIN NAM CAO TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri sinh ngàv 29-10- 1917 tại làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nam Cao con một gia đình trung nông nghèo. Trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao sống bằng ngòi bút và nghề dạy học. Tác giả sử dụng nhiều bút danh trong thời kỳ đầu vào nghề như Thuý Rư, Nhiêu Kha, Xuân Du và ổn định hẳn với bút danh Nam Cao qua tác phẩm “Đôi lứa xứng đôi” (1941). Năm 1943 Nam Cao tham gia tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Thời kỳ Cách mạng tháng Tám, ông tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, cướp chính quyền ở phủ Lý nhân và làm Chủ tịch xã một thời gian ngắn. Sau đó Nam Cao lên công tác ở Hội Văn hóa Cứu quốc Trung ương là thư ký tòa soạn tạp chí “Tiên phong” của Hội, có mặt trong đoàn quân Nam tiến. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Nam Cao làm báo Cứu quốc trung ương và ông được kết nạp vào Đảng năm 1947. Từ năm 1940 Nam Cao công tác ở hội Văn nghệ. Là ủy viên Tiểu ban văn nghệ Trung ương. Ông tham gia chiến dịch biên giới (1950) và năm sau đi công tác vào vùng sâu địch hậu (Khu III) ở vùng Ninh Bình và hy sinh ở đây (30- 11-1951). TÁC PHẨM: - Đôi lứa xứng đôi (1941) - tập truyện. - Nửa đêm (1944) - Sống mòn (tiểu thuyết, viết 1944 và in năm 1956). - Nhiều truyện ngắn in đều kỳ trên báo Tiểu thuyết thứ bảy, Truyện người hàng xóm đăng ở nhiều kỳ trên Trung Bắc chủ nhật năm 1944, tập truyện Cười (1946), Truyện biên giới (1951), tập truyện Đôi mắt (1954). - Các tuyển tập Nam Cao qua nhiều lần tuyển chọn Nam Cao tác phẩm tập I (1976), Nam Cao tác phẩm tập II (1977), Tuyển tập Nam Cao tập I (1987), Tuyển tập Nam Cao tập II (1993) và Nam Cao toàn tập, 1999. Nam Cao được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) 1996. Phần I. NAM CAO CHÂN DUNG PHÁC THẢO NAM CAO (NGUYỄN ĐÌNH THI) Đầu tháng 11 năm 1951, nhà văn Nam Cao, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam đã hy sinh ở Liên khu Ba trong khi vượt vòng đai trắng, vào vùng địch làm thuế nông nghiệp. Anh chết mới ba mươi sáu tuổi. Nam Cao là con một gia đình trung nông ở Hà Nam giữa đồng bằng Bắc Bộ. Trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của anh luôn luôn hiện lên cái làng lam lũ ở ven sông, quanh năm gần như không có tiếng hát, nhà nọ cách xa nhà kia, rải rác trong những khu vườn “hẻo lánh tựa bãi tha ma”. Bắt đầu biết suy nghĩ, Nam Cao hiểu một cách sâu xa sự hà hiếp của bọn cường hào. Anh đã thấy những “ông Bá Kiến sai trói một lúc mười bảy người và đánh một người lòi một mắt”, những cảnh thuế má bóp hầu bóp cổ mỗi năm lại diễn ra, và những người dân cùng khổ càng ngày càng khổ mãi. Đang đi học, bị bệnh phù và đau tim, Nam Cao bỏ học, vào miền Nam. Ở Sài Gòn, Nam Cao tham dự những cuộc biểu tình rầm rộ của phong trào bình dân, và như lời anh tự thuật trong cuốn “Sống Mòn”: “Y kiếm ăn bằng rất nhiều nghề, kể cả những nghề mà những người tự xưng là trí thức không làm. Y trà trộn với phu phen, với thợ thuyền. Y mặc đồ bà ba đi trích thuốc thí ở nhà thương. Còn chút thì giờ thừa nào, y học rất chăm. Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu…” Mấy năm sau trở về quê, gia đình anh đã khánh kiệt, sống vất vả túng đói. Làng anh “vẫn như xưa, khổ hơn xưa. Vải Tây rẻ như bèo, nghề dệt cơ sở của làng chết hẳn rồi”. Nam Cao ra Hà Nội làm nghề dạy học tư và cứ luôn luôn, cuộc đời túng thiếu, tù hãm, quấn chặt lấy anh, không buông tha lúc nào. Nam Cao bắt đầu bước thẳng vào nghề văn khoảng 1940, giữa lúc phát xít Nhật đã đặt chân lên Đông Dương, phát xít Pháp Pêtanh càng bóp nghẹt đất nước Việt Nam. Ty kiểm duyệt Pháp, sở hiến binh Nhật nuôi những tờ báo tống tiền, ca tụng Pêtanh, Đờcu, “Cách mạng quốc gia”, Thiên hoàng, phi công Nhật, rượu xa-kê và gái điếm Phù Tang. Trong văn chương công khai, bọn thống trị phát xít chỉ còn cho tồn tại những tiểu thuyết lãng mạn cuối mùa. đưa ra những “chàng, nàng” trưởng giả chen với những “người hùng” trắng trợn côn đồ, hay những kẻ chán đời than vãn, ca tụng quan lại, ước ao “trật tự, đạo lý, cái đẹp” phong kiến trở lại. ◦ Nam Cao đã không chịu khuất với cái chế độ ngạt thở ấy. Nhà văn mảnh khảnh thư sinh ăn nói ôn tồn nhiều khi đến rụt rè, mỗi lúc lại đỏ mặt, mà kỳ thực mang trong lòng một sự phản kháng mãnh liệt. Anh thù ghét những sách phù phiếm, nói những truyện rắc rối của những kẻ ăn no ngồi rồi, không biết làm gì cả. Anh nhìn rõ cái chế độ nó đầy đọa và làm trụy lạc con người. Anh muốn phá tung ra, vạch cho mọi người thấy cái khổ đang vây kín chung quanh, nó len lỏi cả vào đến những chỗ sâu nhất, tốt đẹp nhất của tâm hồn. Anh nguyền rủa cái văn chương thi vị hóa cái khổ của bọn nhà văn tư sản “cúi mình xuống dân chúng”. Trong nền văn học hiện thực đang tìm đường và đang chiến đấu với các xu hướng phản động bấy giờ, thiên truyện Chí Phèo của Nam Cao nổi bật lên, thật xuất sắc. Chí Phèo đã nói những cái khổ cùng cực của thôn quê dưới ách cường hào ở trước mắt, với quan lại và thực dân ở phía sau. Anh cùng đinh liều mạng Chí Phèo giãy giụa giữa những người nông dân bị bóc lột đến cái khố không còn, càng dễ bảo càng bị dúi cổ xuống, dúi cho đến không còn thở được cũng chưa thôi, suốt đời sống không ra con người, chưa biết đến đời thuở nào mới thoát được nanh vuốt của sự nghèo đói, ngu tối, nó hành hạ bóp rúm người ta lại, hoặc đẩy người ta đến Sở mộ phu, đồn điền cao su và những tội ác cùng đường. Cuối 1944, Nam Cao viết xong “Sống mòn”. Tập tiểu thuyết ấy quăng đi, ném lại, không lọt qua được lưới kiểm duyệt để xuất bản tuy rằng soi từng chữ không có chỗ nào bắt bẻ được. “Sống mòn” tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra”, không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm tủi nhục, trong đó đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc. Văn Nam Cao. ngay trong những tác phẩm đầu, đã thực sắc sảo. Anh nhìn sâu vào sự thật một cách sắc cạnh, nhiều khi mỉa mai. Không ve vuốt ngay bản thân mình và giai cấp mình như một vài nhà văn tiểu tư sản tìm an ủi trong một triết lý hàng phục chế độ đương thời, anh tạo được những điển hình giai cấp thật sống và cảm động. Trong lúc văn lãng mạn tư sản đã xa rời lời ăn tiếng nói của nhân dân, viết lai Tây như văn dịch, càng ngày càng trống rỗng, hình thức, anh đã tạo cho mình một lối văn mới, đậm đà bản sắc bình dân, nhưng không rơi vào chỗ thô tục. Và qua những lời phẫn uất, cũng đồng thời thấy biết bao thương yêu. Nam Cao yêu trìu mến cái làng khổ sở của anh, anh yêu những bến đò hiền lành, những buổi sáng, buổi trưa của thôn quê Việt Nam. Mỗi khi nói đến những cái ngốc dại quanh quẩn của những người đau khổ quằn quại, biết bao nhiêu xót xa độ lượng trong câu văn của anh. Trong những tâm hồn chất phác, bị nghèo khổ làm cho mụ mị cằn cỗi, ngay trong một con người u mê cục súc như Chí Phèo, Nam Cao tìm ra những rung động trong sáng của tình yêu, của niềm khát khao được sống cho ra người, những rung động ấy đột ngột hé lên từng lúc rồi lại bị đời sống vùi dập. Đó là chất thơ quý báu nhất, cảm động nhất trong các truyện tả thực của anh. Đó cũng là cái làm chúng ta càng cảm thấy thấm thía sự tàn bạo của chế độ cũ. Nam Cao chưa hiểu sức mạnh bị cùm trói của những con người cùng khổ, nhưng chính những ánh ý thức đó làm cho truyện của anh không đen tối, tuyệt vọng và vượt qua cả ý định của người viết mà hứa hẹn một sự thay đổi tương lai, như một ánh bình minh còn xa mờ. Nhờ biết quý trọng đời sống làm lụng vất vả, nên Nam Cao biết nhìn rõ những truyện nhỏ mọn hàng ngày trong cuộc đời đầu tắt mặt tối của bao nhiêu người chung quanh, và làm nổi rõ lên cho ta thấy tất cả những sự vô lý của một chế độ thối nát, trong những truyện tầm thường lặng lẽ nhất. * Nhưng cái xã hội ngột ngạt ấy đi tới đâu, ai sẽ phá tan nó, phá thế nào và phá rồi thì làm gì, những câu hỏi ấy Nam Cao chưa đặt được rõ và chưa trả lời được. Nam Cao nhìn thấy người nhà quê nghèo khổ, ngu muội, bị đè nén muôn đời, anh chưa nhìn thấy người nông dân có thể vùng dậy đạp đổ bọn thống trị. Anh nhìn sự thật phũ phàng bằng con mắt của một người đang bị giày xéo, anh chưa nhìn được vào sự thật ấy bằng con mắt một người lãnh đạo nó, thay đổi được nó. Những khát khao trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao hồi đó như những tiếng kêu gào xé ruột, nhưng hy vọng còn leo lắt làm sao! Mấy trăm trang uất ức và đau xót của Sống mòn, cuối cùng mới hé ra một tia sáng nhỏ bé. Bom nổ trong phố Hà Nội, thành phố tản cư. Thứ, vai chính trong truyện, cũng rời cái trường tư của anh để về quê. Trên tầu hỏa chật chội, một người nhà quê đọc báo, nhiều tin chiến tranh. “Bao nhiêu người chết! Bao nhiêu thành phố tan nát! Cái thảm sông máu núi thây thật là rùng rợn. Nhân loại lên cơn sốt rét, đang quần quại nhăn nhó, rên la, tự mình lại cắn mình, tự mình lại xé mình, để đổi thay. Cái gì sẽ trồi ra ?… Lòng Thứ đột nhiên hé ra một tia sáng mong manh. Thứ lại thấy hy vọng một cách vu vơ. Sau cuộc chiến tranh này, có lẽ cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, công bình hơn, đẹp đẽ hơn… Nhưng y lại đỏ mặt ngay. Người ta chỉ hưởng được cái gì mình đáng hưởng mà thôi. Y đã làm gì chưa?” Cách mạng đã chìa tay đón lấy tia hy vọng thắc mắc ấy của Nam Cao, và chỉ rõ cho anh thấy tương lai. Chiến tranh trở nên ác liệt, xã hội Việt Nam lay chuyển. Đời sống càng cùng khốn đến kinh khủng. Những người chết đói nằm la liệt ngoài hè phố. “Người chưa chết hẳn bị đẩy xuống hố cùng với những xác chết cho tiện chuyến chôn”. Nạn đói lan tới bè bạn Nam Cao, đe dọa bản thân anh. Vợ anh viết thư cho anh: “Con Hường, thằng Thiên ăn cháo hơn một tháng nay rồi. Ba hôm nữa, cháo cũng không có mà ăn. Trông thấy chúng nó cứ lả dần, em đứt ruột”. Nhưng giữa cảnh tượng như tuyệt vọng ấy, Nam Cao đã đọc “Đề cương văn hoá” của Đảng cộng sản Đông Dương và vào hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, học chương trình huấn luyện Việt Minh. Giữa cảnh chết chóc ghê gớm chưa từng thấy, anh trông rõ sự sống đang đào lên vũ bão. Và không phải một mình anh trông thấy. Cả nhân dân Việt Nam đã trông thấy ánh sáng. Cờ đỏ sao vàng mọc ra khắp nơi. Những con người khốn khổ, xưa nay ngậm hột thị, “hèn quá là hèn, ngu quá là ngu”, mà bây giờ làm những truyện Nam Cao không thể tưởng tượng được. Nam Cao đã bừng thấy sức mạnh của nhân dân, và trong đường sống của dân tộc đã tìm thấy đường sống của mình. Cuộc đấu tranh gay gắt và rộng lốn đẩy anh đi lên mở đường cho anh. Lần đầu tiên, Nam Cao thấy đời sống có ý nghĩa và hiểu rõ mình phải làm gì. Nhật - Pháp bắn nhau, anh về quê, không kịp khóc đứa con chết đói, anh mê mải tổ chức Việt Minh rồi cướp chính quyền ở huyện và làm chủ tịch xã. * Khỏi nghĩa tháng Tám như một lưỡi cày khổng lồ đào xới mảnh đất Việt Nam đau thương, để gieo sự sống trở lại lên những luống đất đẫm máu và nước mắt. Bao nhiêu vấn đề đều phải đặt lại tất cả cùng một lúc. Nam Bộ vừa đứng lên đã phải kháng chiến, chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Nhưng niềm vui đã tràn ngập trong lòng mấy chục triệu con người tái sinh. Nam Cao cũng như mọi anh chị em viết văn, sống những ngày ào ạt, sôi nổi, nhiều lúc quên cả công việc viết của mình. Không làm gì có thì giờ viết tiểu thuyết dài lúc này, người ta say sưa làm việc túi bụi. Đi theo Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào mặt trận miền Nam, lúc trở về, Nam Cao viết bài cho báo Tiên phong, câu đầu tiên của anh là một câu hớn hở: “Con đường vô Nam là con đường vui”. Sau những năm đau xót tủi nhục, niềm vui sướng lớn của dân tộc được giải phóng đã chiếu sáng tâm hồn anh. Nam Cao đón lấy những đường lối chính trị của đoàn thể, của chính phủ như một kẻ bị giam mãi trong ngục tối, phồng ngực thở hít khí trời, khi được ra ngoài tự do. Qua bao nhiêu bước quằn quại, mò mẫm, nên anh biết rõ giá trị của ý thức, của tư tưởng chính trị, nó mở mắt cho ta hiểu được sự việc hằng ngày, và giúp ta nắm lấy đời sống mà hướng về tiến bộ. Anh lại viết truyện làng anh, tìm cách nhìn rõ sự thể hiện của đường lối đại đoàn kết ngay trong những con người trước đây dân làng thù ghét, ngày nay đang được cách mạng cảm hoá. Những truyện mới của anh còn khổ, có khi bị gò ép. Có bạn trách anh bắt những nhân vật mới của anh diễn thuyết quá nhiều. Mặc, anh nắm cổ nghệ thuật của anh, bắt nó phục vụ cho cuộc chiến đấu sống chết của dân tộc. Nhân vật nói nhiều cũng chưa sao miễn nói cho đúng đường lốì. Những ngày đầu kháng chiến toàn quốc, Nam Cao giúp việc tuyên truyền ở Hà Nam, phụ trách một tờ tin tức địa phương, làm ca dao tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ kháng chiến. Anh trực tiếp tham gia tổ chức kháng chiến ở làng anh, một trong những làng đầu tiên bị quân giặc uy hiếp, rồi tràn ra đốt phá, càn quét. Mùa thu năm 47, anh lại từ biệt một lần nữa người vợ hiền và ba con để lên Việt Bắc, theo sự điều động của đoàn thể. Trong trận giặc tấn công Việt Bắc, anh chịu trách nhiệm cùng điều khiển báo Cứu quốc Việt Bắc ở trong lòng địch, giữa Bắc Cạn bị chiếm đóng. Và ngay giữa những tiếng súng giặc, anh được vinh dự vào Đảng tiền phong, đứng cùng hàng ngũ với các người con yêu của Cách mạng, của nhân dân. Trong tập nhật ký Ở rừng anh viết hồi đó, người cán bộ quần chúng đã xuất hiện bên cạnh nhà văn. Anh gần gũi và thương yêu những con người chất phác “Đã ăn củ hàng tháng để nhường gạo cho những người cách mạng, những người Mán đói rách và ngu dốt cũng biết yêu cách mạng, làm cách mạng chân thành”. Giữa những người ấy, anh thấy an toàn, chắc chắn lạ lùng, mặc dầu vẫn nghe thấy tiếng súng rất gần. Hằng ngày viết báo, anh đọc cho một đồng chí giao thông người Thổ nghe, và sửa từng câu, từng chữ, để ai xem cũng có thể hiểu mà tiến lên giết giặc. Anh phụ trách lớp huấn luyện chính trị cho huyện, cho xã địa phương. Một đôi lúc sống hẻo lánh trong rừng thẳm, những kỷ niệm đau xót của quãng đời cũ thoáng trở lại, ngậm ngùi. Nhưng sự phấn khởi, tin tưởng lôi cuốn anh mạnh mẽ. Anh viết: “… Càng thấy phải khuân vác, phải vất vả, càng vui. Cách mạng đã đổi hẳn óc mình. Kháng chiến chẳng những làm già dặn thêm khối óc đã đổi mới kia, còn thay đổi ngay chính thân thể mình… Lúc này mình mới biết được sức mình. Thì ra mình khỏe chẳng kém gì ai. Thường thường người ta chưa bao giờ dùng đến tất cả sức lực của mình. Một phần khả năng của ta vẫn bị bỏ phí hoài, đến nỗi ta không biết rằng ta có nó”. Mấy năm kháng chiến, Nam Cao đã viết khá nhiều trên các báo, nhất là trên báo và tạp chí Cứu quốc. Trong những sách anh viết, phải kể cả những cuốn địa dư phổ thông. Lâu lâu, anh đưa in một truyện ngắn hoặc một bài bút ký. Đôi mắt, Bốn cây số cách một căn cứ địch, Nụ cười v. v…, mỗi năm anh viết càng sát chính trị hơn, càng cố gắng thể hiện bằng sáng tác những chính sách lớn của kháng chiến. Ý thức trách nhiệm ngày càng rõ rệt trong những trang anh viết. Anh muốn sáng tác của anh phải có ích. Và dai dẳng trong mấy năm, anh viết đi viết lại cuốn tiểu thuyết mới về quê hương anh, mỗi lần viết lại bỏ dở vì thấy chưa đủ tài liệu, mỗi lần bỏ dở lại tìm thu thập tài liệu thêm, tài liệu ghi chép, học tập, và tài liệu sống, lượm trong những dịp anh về qua vùng địch, hoặc được gặp những người làng, nhân vật tiểu thuyết cũ của anh nay đã trở thành những phần tử cốt cán của cuộc chiến đấu ở quê anh. Đầu năm 50, trở về chuyên công tác văn nghệ, anh làm việc một cách yên tâm, với thái độ dứt khoát và cương quyết thực hiện những đường lối văn nghệ của đoàn thể. Anh nhận mọi phần việc của anh vô luận to nhỏ. Soạn một bản tin, hay phụ trách một lớp huấn luyện cho các đồng chí giao thông trong cơ quan, hay viết một truyện ngắn, anh đều đem vào đấy hết khả năng và cố gắng của mình. Anh qua đoàn nhạc, thúc giục nhạc sĩ, gợi đề tài, tỏ ý kiến về những bản nhạc gửi đến Hội. Anh tới trường Mỹ thuật nói truyện với anh chị em học sinh về chính sách tạm vay và thuế nông nghiệp, để anh chị em vẽ và dặn dò kỹ lưỡng, hẹn đi công tác rồi cùng về kiểm điểm. Anh đi chiến dịch Cao Lạng, làm báo tay cho đơn vị, phục vụ công tác chính trị trong cuộc chiến đấu. Ít khi anh phàn nàn về công tác. Không bao giờ anh nhận công tác mà không thủy chung làm. Tập “Truyện biên giới” về chiến dịch Cao Lạng, anh sửa đi sửa lại, bỏ hàng chục trang không tiếc để được mỏng, dễ in, dễ phổ biến. Ngành kịch cần đề cao, anh soạn kịch. Đi công tác thuế nông nghiệp nhận thấy ca dao có tác dụng lớn, anh làm ca dao. Hình thức nào tới được nhân dân đối với anh đều tốt cả. Bất cứ dùng hình thức nào, sáng tác đối với anh trước hết cũng phải nhằm động viên, giáo dục được nhân dân. Trong tập “Truyện biên giới” nói trên, anh chỉ chọn lấy những sự việc, những điển hình tích cực, có lợi cho người đọc sách của anh. Ban tuyên huấn Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc đã trích truyện “Nói thẳng” trong tập ấy làm tài liệu học tập và kiểm thảo trong quân đội. Khi nhận đi công tác thuế nông nghiệp Liên khu Ba, anh giản dị lên đường. Liên khu Ba, giặc đang lập vòng đai trắng. Nhưng anh nhận nhiệm vụ, cũng như trong mọi công tác anh vẫn nhận lấy cái phần khó khăn. Báo cáo gửi lên đều: anh học tập thuế nông nghiệp - anh trình bày những khó khăn của văn nghệ Liên khu Ba - anh đề nghị phương châm chống văn hóa đầu độc của giặc. Trước ngày vào vùng địch làm thuế nông nghiệp, anh viết thư về: “… Tới một vùng chiến tranh nhân dân trước đây rất khá. Hiện nay bị giặc quấy đảo dữ dội, địch phục kích chặn đường luôn, nhưng cũng có hy vọng vào nhanh chóng được… Đi với anh em cán bộ, tôi không bỡ ngỡ lắm… Vì công việc của họ với tôi là một, không lúc nào phải đứng ngoài xem những việc mình không thể nào dự nên không bỡ ngỡ… Sau thời gian làm việc, nếu giời còn chứng sống và không bị bắt, tôi sẽ dự hội nghị tổng kết. Viết được gì sẽ viết…” Những lời lo lắng trách nhiệm và đùa cợt với nguy hiểm ấy, là những lời cuối cùng của anh. Nam Cao đem lòng yêu cuộc sống đằm thắm mà đi vào một nơi cuộc sống treo trên sợi tóc, giặc đang ra sức giết chóc, đốt phá. Quân giặc giết Nam Cao nhưng không thể giết được tác phẩm của anh và lòng yêu nước, yêu nhân dân của anh. Anh chết giản dị, dũng cảm, làm vẻ vang cho truyền thống đấu tranh và phục vụ của những người văn nghệ Việt Nam. Tháng 2 -1952 Trích sách: Mấy vấn đề văn học, Nxb Văn nghệ, H., 1956 NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM NAM CAO (TÔ HOÀI) Những người bạn mới gặp Nam Cao thường nói: anh ta lạnh lùng quá. Kéo mép lên mới nở được một nụ cười khó nhọc. Chính Nam Cao cũng đã tả mặt mình trong một truyện ngắn Cái mặt không chơi được. Và tự diễu một cách mỉa mai là “chẳng may trời chỉ phú cho mình Cái mặt không chơi được ấy thì mình phải chịu”. Thật ra thì, mặt anh ta lạnh lùng, nhưng lòng anh rất sôi nổi. Sự trái ngược trong con người Nam Cao, thể hiện ở cả những việc nhỏ bé như vậy. Vốn là một người yếu đuổi (cả người lẫn tâm tính), sợ thay đổi, sợ cái gì khỏe quá, nhưng chống những cái sợ đó, bao giờ Nam Cao cũng tìm cách tạo cho mình một tính nết ngược lại, một thói quen mới. Trong nền nếp cải tạo tư tưởng, nhân tố cưỡng lại ấy, tôi cho là một điểm đặc biệt, đáng chú ý nhất ở cuộc sống tư tưởng và nghệ thuật của Nam Cao. Tôi còn nhớ những năm sóng gió nhất ở tình hình Đông Dương sau khi Mặt trận Bình dân tan vỡ, tiếp đến thời kỳ đen tối, đẩy theo bao nhiêu thanh niên sa ngã, trụy lạc, bấy giờ thanh niên Nam Cao, người thì gầy yếu, tiền thì không có, nhưng có rất nhiều mộng, anh cũng liêu biêu trong cái tác phẩm ngập ngụa, sặc thuốc súng và hố rác, anh cũng lởn vởn như những thiêu thân cứ nối nhau lao vào trụy lạc đến cháy cánh. Có những đêm bi đát, rượu chán rồi đánh nhau, rạch máu tay ra viết lên tường, rồi nắm tóc nhau cùng khóc, có những đêm tối thăm thẳm, họ muốn không bao giờ hết, để bọn người chán đời tiện rúc vào bóng tối mà sống thoi thóp, có những đường phố cứ dài tưởng không bao giờ tận cùng, người chán đời lùi lũi đi vào bóng tối, tưởng như cứ thế thì tới Âm ty. Lòng người thanh niên cùng quẫn, đau khổ, không một chút muốn trông thấy ngày mai. Trải qua những trống rỗng tuyệt vọng ấy, tầm thường mà nói, vô số bạn bè nghệ sĩ của anh đem phấn sáp trát lên sự thật ê chề, để, trước nhất tự đánh lừa mình - như bọn người chán đời chỉ muốn rúc đầu vào bóng tối - và quăng ra đầu độc người đọc bằng những tiếu thuyết bịa tạc, nhảm nhí, trống rỗng. Nam Cao không làm thế. Noi gương những đàn anh và bạn tốt của mình như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, vục vào những cay đắng, và cả những xấu xa, của xung quanh và bản thân, Nam Cao không che giấu, không màu mè gì hết, nói toạc cái cuộc sống cùng đường tận lối và nhơ nhớp của những người như anh. Anh đã viết nhiều truyện ngắn đặc sắc đăng trong “Tiểu thuyết thứ bảy” bấy giờ và tự truyện “Sống mòn” năm 1944. Hoặc như anh đã viết Chí Phèo. Bọn cường hào làng anh, mà anh thù hằn chúng. Ta chẳng lạ cái thế lực bạo ngược của địa chủ cường hào ở những nơi đầu tỉnh cuối huyện như làng ấy. Nhà anh là một nhà trung nông lép vế. Truyện Chí Phèo in ở Hà Nội, chính là cái truyện anh cu Chí Phèo thật đã giết một tên tổng lý cường hào thật đã xảy ra mười mấy năm về trước ở làng anh; vì truyện ấy mà cường hào dọa đánh và kiện anh, triệt đường anh về làng. Mỗi sáng tác của anh đều là tiếng nói một thái độ của ngòi bút. Không ngủ gật hoặc ừ hữ che màn với cuộc sống bấy giờ, mà anh đã quăng vấn đề ra cho bạn đọc suy nghĩ. Những cái bất công bạo ngược mà anh cảm, anh đã viết nó lên. Những cái bạo ngược, hèn yếu, vẩn vơ, bệnh thời đại, bệnh của chính Nam Cao, mà anh đã viết, nghĩa là vạch trần, chống lại nó, trước nhất ở ngay trong con người mình. Sau này, vào cuộc kháng chiến, cũng nhiều dịp cho tôi thấy được cái dũng cảm ấy của Nam Cao. Hiển nhiên là nếp suy nghĩ này, nhờ đời sống cách mạng rèn giũa, đã trở nên một thói quen, một nền nếp tư tưởng, một bản chất của con người mới. Còn nhớ những khi gian nan nhất mà chúng tôi có hoàn cảnh cùng ở làm việc với nhau, bao giờ tôi cũng thấy bản lĩnh cần thiết ấy ở Nam Cao. Cho đến cuối cùng, khi bị hy sinh, Nam Cao đã ngã xuống trong tinh thần trách nhiệm rất cao. Những người sống sót ở trận giặc phục kích chập tối ngày 30 tháng 11 năm 1951 trên cánh đồng Chiêm ở Hoàng Đan (Ninh Bình) kể lại: Nam Cao đi trong một chiếc thuyền đầu của đoàn thuyền vượt khu trắng đêm ấy vào địch hậu Ninh Bình. Tôi nghĩ lại và nghĩ về tất cả những cố gắng, những trường hợp đương đầu với tình thế sống mái, bao giờ Nam Cao cũng có được bản lĩnh chống với thói xấu bạc nhược của mình - kể cả nhiều mặt của một người cán bộ cách mạng, một nhà văn. Bất cứ một cuộc đi thực tế nào, làm công tác gì, Nam Cao cũng chỉ thấy Đảng đã mở đường cho mình. Tôi chưa thấy Nam Cao ngần ngừ một công tác nào trong kháng chiến. Anh là người viết giỏi, anh cũng thừa khách quan và chủ động được cái giỏi đó của mình, nhưng đồng thời, anh cũng rất biết là công tác nào Đảng giao cũng giúp cho mình thực tế hiểu biết và cho nghệ thuật của mình. Thực tế nào cũng có ích, làm công tác nào cũng cần thiết. Bởi vì Nam Cao biết rằng cái giỏi của mình, không viển vông, không mộng mị gì hết, nhất định nó phải trải qua vô vàn thực tế mới phát triển được. Cũng như anh biết rằng anh cần phải là một người nông dân tốt, trước khi là một nhà văn. Không phải tự dưng mà Nam Cao kết luận được đầy đủ thế đâu. Thiếu gì những lúc bồi hồi mà con ma “thiên tài” đến tưng nịnh, xui giục anh, công kênh anh ngồi lên đầu cuộc sống của mọi người. Những bạn gần Nam Cao bây giờ nhắc lại còn cười với nhau vì đã lắm lần vui truyện hoặc quá chén, cái anh chàng gầy gò leo khoeo ấy đỏ mặt đỏ tai lên vừa rung đùi vừa nói băm băm bàn tay, chửi bới rất hùng hổ, coi giời bằng vung, coi ai cũng bằng cứt. Nào Gorki viết cũng xoàng. Lỗ Tấn thì khá một tý. Mình sâu tý nữa, có thể kịp Tsêkhôp, Trần Đăng lạnh như đá. Tao ấy à, tiểu thuyết của tao sẽ… Và rung đùi, hoa chân múa tay… Nhưng khi cái “bốc” ấy qua rồi, thì Nam Cao cả ngày ngồi lừ rừ suy nghĩ. Ấy là anh đương chửi anh và xem mình đáng xấu hổ quá. Rồi anh lại cặm cụi làm việc. Không phải như thế nghĩa là chỉ có lại vào lúc bốc thì Nam Cao mới dám đưa mình lên giời. Không, Nam Cao rất hiểu khả năng nghệ thuật của mình. Nhưng, bình tĩnh và tỉnh táo đấu tranh với những tàn tích rất thầm kín và sang trọng thường đến phỉnh phờ nịnh hót mình, Nam Cao lại biết được bất cứ một việc, một dịp nào tiếp xúc với mọi mặt của thực tế, người ta đều được tôi luyện và chỉ có lợi cho nghệ thuật. Với quan điểm trên, chẳng bao giờ anh ta cho mình làm như thế là đã hy sinh cái gì đâu. Không bao giờ, trong công tác thực tế, Nam Cao đặt cái anh nhà văn ra trước công việc mà đầu tiên, chúng ta chỉ trông thấy anh cán bộ Nam Cao. Do đó, Nam Cao cảm thông được với thực tế, qua cảm nghĩ và công việc của một người bình thường, vì vậy mà sự sống đã đến với anh trăm màu nghìn vẻ vui buồn, mừng giận, phấn khởi của con người. Ở đây tôi không nói đến phương thức và bố trí lực lượng văn nghệ của Hội Văn nghệ trong kháng chiến. Đó là một vấn đề khác. Ở đây chỉ muốn nói: lối sống của con người và vấn đề sáng tác của Nam Cao biểu hiện một cách sâu sắc sự nhất trí của thực tế cuộc sống và tác phẩm, sự thống nhất của tư tưởng Đảng và nghệ thuật. Một lúc nào chệch ra ngoài khuôn thước đó, nhất định ngã. Có người nói rằng tác phẩm Nam Cao viết trước Cách mạng hay hơn tác phẩm Nam Cao viết trong kháng chiến. Cái đó là một sự thực. Nhưng hiểu sự thực ấy như thế nào thì mỗi người nghĩ một cách. Có người cho là tại người ta đã phân công không hợp lý cho Nam Cao nhiều năm làm công tác linh tinh cho nên sáng tác Nam Cao bị thui chột đi. Có người cho là tại đường lối lãnh đạo sáng tác hẹp hòi, cho nên Nam Cao đã đâm ra viết khô khan, công thức. Có người lại đoán già: Nam Cao viết truyện Đôi mắt mà hay được như thế là vì anh viết trước chỉnh huấn. Rồi nhân đấy mà tưởng tượng miên man ra những điều bi đát khác. Tôi nghĩ đó chỉ là đoán già đoán non, hoặc những điều dẫn chứng trên chỉ là những nguyên nhân khác mà thôi. Rất nhiều khi suy nghĩ về nhân vật và tác phẩm, Nam Cao thường bị quanh quẩn một lo lắng: xã hội đã biến đổi, con người đã biến đổi. Ngay cả những người cũ trong sách mình, bây giờ họ vào xã hội mới, họ cũng đương có những hoạt động mới, ý nghĩ mới. Khác trước lắm, những nào hội họp, tập thể, nào đoàn thể. Đảng, những tiếng và việc mới lạ: những đoàn kết, lừng khừng, tích cực… toàn cái mới. Lại như tình yêu là lẽ sống muôn thuở kia bây giờ cái quan niệm phổ biến về nó cũng khác rồi. Cuộc sống mới khó nhọc và thú vị biết bao. Có lý nào người viết sách lại ngủ gà trước những điều ấy? Có lý nào người viết sách lại nhát gan đến nỗi đóng cửa, không dám cho nhân vật mình ra tiếp xúc với xã hội mới? Nếu thế thì cái anh ấy nhất định xuống dốc rồi. Truyện ngắn Đôi mắt là một cái tuyên ngôn về thái độ mới của Nam Cao nhà văn. Truyện ngắn ấy viết dựa vào truyện thật. Cuối năm 1947, Nam Cao qua vùng Cống Thần gặp Vũ Bằng tản cư ở đấy. Bằng chính là cái anh văn sĩ Hoàng nọ. Hoàng kể cho Nam Cao nghe những truyện giễu cợt khinh bỉ của mình về những người nông dân, trong khi những người nông dân đang lăn lưng ra gánh vác cuộc kháng chiến, trong khi anh và một số người nhàn rỗi khác vẫn tiếp tục cuộc sống ăn chơi giả dối, lộn mửa: đánh bài, đánh chén, chim vợ chim chồng nhau, chào nhau vờn vỡ nhưng sau lưng lại nhem nhẻm nói xấu nhau. Nam Cao nói cho người bạn văn lâu ngày gặp lại của mình biết là giờ đây mình nghĩ khác rồi, không còn chán đời, mà lại yêu cuộc sống, sống có suy nghĩ hơn. Rồi Nam Cao đi, bạn ở lại. Mỗi người theo một con đường. Bằng cả truyện ngắn ấy, Nam Cao muốn nói với xung quanh và chính cả với mình rằng cách nhìn cũ của chúng ta nó xanh xám quá thôi, đừng tìm cách che đậy nó bằng một thói quen mòn mỏi nào nhé, hãy can đảm đổi mới, chưa quen thì tập, có cộm mắt, đau người, khó chịu chi đó thì cứ gắng lên, nhất định sẽ thích hợp và có được tấm lòng tha thiết. Từ đấy Nam Cao lăn mình vào thực tế. Anh làm bất kỳ việc gì - như trên tôi đã kể - cốt sao để mình bắt kịp thời đại, có được những cảm giác mới nhất, nhạy nhất về các sự việc nóng hổi mà cuộc kháng chiến hàng ngày đưa tới. Nói như chúng ta thường nói bây giờ “để tư tưởng lúc nào cũng đứng ở mũi nhọn của cuộc sống”. Anh thường lý luận về một số vấn đề sáng tác: Xưa nay, chúng ta thường nói nhiều về những việc mới như hội họp, công tác, tình cảm chiến đấu, hãy nên viết những cái ấy nhiều và say như đã viết về tình yêu. Nói và Nam Cao đã làm như thế. Điển hình như kịch “Đóng góp” là cả một cuộc đối đáp giải thích thuế. Kể ra nghĩ và làm cực đoan như vậy, nó cũng khá giản đơn và “quá tả”. Nhưng mặt khác, nó bộc lộ một thiết tha sôi nổi của một người muốn “luôn luôn đứng ở mũi nhọn cuộc sống”. Chính là anh muốn biết, quen thuộc, tạo thành sự suy nghĩ, thành tính nết thấm thía tận gốc gác những vấn đề mới, sự việc mới và tư tưởng mới. Có phải Nam Cao theo đuổi hòa mình vào cách sống khó khăn và sâu sắc như thế, cốt chỉ để biểu hiện thời sự, theo sát thời sự? Nam Cao không đến nỗi nghĩ thô sơ như vậy. Một nhà văn nào dựng truyện muốn nhân vật mình có chiều sâu của cá tính, không thể chỉ đơn giản như vậy. Cái điều anh hằng ôm ấp, và đã có làm, trong kháng chiến, là viết một tiểu thuyết lớn về làng anh, qua ba thời kỳ: làng trước cách mạng, làng khởi nghĩa, làng kháng chiến. Cuốn tiểu thuyết hàng nghìn trang ấy sẽ thể hiện được tất cả những thương yêu say đắm của anh đối với đất quê hương. Cái làng quê hàng trăm năm cũ sẽ sống lại. Muốn nó sống lại được thật thì trước nhất người viết phải có sự thấu đáo đầy đủ, kịp thời và nhất định xúc cảm của anh phải chan hòa với sự sống hôm nay. Bởi vì, chỉ nói đơn giản thôi, thì những Chí Phèo cùng khổ, ngỗ ngược, cảm tính ngày trước, cuối cùng họ đã vùng lên. Có lý nào mà người viết không nắm được trước nhất đời sống mới ấy của “Chí Phèo”? Hai lần, Nam Cao đã bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này. Một lần, anh tự ý bỏ. Một lần, anh em phê bình, bảo là “gượng” quá, thì anh xé bản thảo đi. Mỗi lần viết là một lần đo sức. Sức còn đuối thì luyện tập lại. Cái đó, tôi tưởng, hơn ai hết, Nam Cao đã tự nâng trách nhiệm của mình trước cuộc đời. Cuốn tiểu thuyết lớn vẫn ám ảnh anh, cho tới khi anh chết. Đó là một sự thật. Tôi không được biết ý nghĩ cuối cùng khi Nam Cao vào địch hậu đồng bằng tuyên truyền thuế nông nghiệp, nhưng trước đấy, đã nhiều lần, Nam Cao thường nói: “Chỉ về làng một tua, bắt tay nhìn mặt chúng nó một cái, thì phần cuối cùng cuốn truyện mình nhất định viết xong”. Cuốn tiểu thuyết đã nằm sẵn trong óc. Nhưng mà, chưa tới nơi, anh đã chết. Cuốn tiểu thuyết bỏ dở trang đầu. Cái gì làm cho Nam Cao chưa viết xong? về nghệ thuật mà nói, chính cái thực tế cuộc sống kháng chiến mà anh lúc nào cũng hâm hở đòi hỏi, cái ấy chịu trách nhiệm trước nhất. Tôi trở lại kết luận. Cuộc đồi tư tưởng và nghệ thuật Nam Cao luôn luôn chống trọi trước nhất với những yếu đuối, bạc nhược trong mình. Soi qua đấy Nam Cao đã sáng tác. Để mình trở nên hiện đại, nắm vững thực tế, càng về sau Nam Cao càng hiểu thực tế và lãnh đạo đời sống nghệ thuật, là hai mặt của một vấn đề nghệ thuật và chính trị. Nam Cao chỉ nghĩ và sáng tác trên cơ sở đó, bởi vậy, mặc dầu Nam Cao viết ít, nhưng trước sau đã để lại cho chúng ta một mẫu mực nhà văn, cho văn học một số tác phẩm giá trị. Báo Văn nghệ, số 145, 1956 NAM CAO (HÀ MINH ĐỨC) Từ những năm 1937-1938 Nam Cao đã cho in những sáng tác đầu tiên của mình Năm 1941, bút danh Nam Cao mới chính thức được giới thiệu trong làng văn qua tập truyện “Đôi lứa xứng đôi”. Không dễ qua một tập truyện đầu tay đã có thể gây được tiếng vang sâu rộng giữa lúc văn đàn đang chìm ngập trong sự đua chen lẫn lộn giữa các khuynh hướng văn chương phức tạp; nhưng rõ ràng Nam Cao đã mang tới một phong cách mới mẻ. Một cây bút đương thời nhận xét: “Giữa lúc người ta đang đắm chìm trong những truyện tình thơ mộng và hùa nhau phụng sự cái thị hiếu tầm thường của độc giả, ông Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối riêng, nghĩa là ông không thèm đếm xỉa đến cái sở thích của độc giả. Những cạnh của tài ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới, sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình, ở thiên chức của mình”. Nói cho rõ ra, đó là cái thiên chức của một ngòi bút có trách nhiệm, một nhà văn hiện thực. Nam Cao sinh năm 1917 trong một gia đình trung nông ở làng quê nghèo thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Gia đình Nam Cao sống cũng chật vật. Trong số anh em, chỉ mình Nam Cao được ăn học. Học hết bậc Trung học nhưng vì ốm nặng, Nam Cao lại trở về làng. Ôn tập lại vốn học và thi đậu, nhưng vì sức khỏe yếu nên không có việc làm. Sau có người làng mở trường tư ở Hà Nội cần một chân dạy có bằng Trung học, Nam Cao được mời dạy. Được ít lâu trường phải đóng cửa vì Nhật chiếm chỗ làm chỗ nuôi ngựa. Xam Cao sống vất vả, khi viết văn, khi làm gia sư nhưng cũng không đủ kiếm sống. Thời kỳ này Nam Cao được giác ngộ cách mạng và tham gia sinh hoạt tổ Văn hóa Cứu quốc (1943). Khi cơ sở Văn hóa Cứu quốc ở Hà Nội bị khủng bố, Nam Cao về làng tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Tổng khởi nghĩa, Nam Cao tham gia cuộc đánh chiếm phủ Lý Nhân và làm chủ tịch xã một thời gian trước khi được điều lên công tác văn hoá, văn nghệ ở các báo trung ương. Trong những ngày sôi nổi của tuổi trẻ lớn lên, cũng như buổi đầu đến với văn học. Nam Cao làm một số thơ lãng mạn và viết những truyện tình thơ mộng. Ở thời kỳ này, ngòi bút Nam Cao đang dò dẫm để tìm một lối đi, tâm hồn Nam Cao đang dần đổi thay để có được một cách nhìn đúng đắn cuộc sống. Những áng mây xốp bồng bềnh trôi nổi, ánh trăng xanh huyền ảo, ngọn gió mát lành thơm tho thoảng ra từ những mái tóc và tà áo thiếu nữ, những cuộc tình duyên với những lá thư màu nhiều hẹn hò, trang sức… tất cả những chất liệu ấy đã có lần đến với ngòi bút của tác giả. Mang theo nhiều mơ ước xa xôi và những nỗi buồn vẩn vơ của lứa tuổi học sinh chịu ảnh hưởng của sách báo lãng mạn, Nam Cao trong tuổi trẻ không khỏi có lúc: Tâm hồn tan tác làm trăm mảnh Vương vấn theo ai bốn góc trời. hoặc “buồn như một con chim lạc vào cái buổi chiều thẫm cho đất trời trở thành mênh mông”. Nhưng Nam Cao đã chóng trở về với cuộc đời thực “ở những người trẻ tuổi nhà nghèo, những cái buồn đến sớm thường nhường chỗ cho những cái lo”… nỗi lo cơm áo, bệnh tật, công ăn việc làm. Nam Cao không thích sự mơn trớn, vuốt ve. “Nghệ thuật không thể là ánh trăng lừa dối”. Nam Cao muốn tìm đến sự thật. Với tấm lòng yêu thương cực độ những lớp người và những cảnh đời đau khổ, với sự căm giận xót xa đến cháy lòng trước bao ngang trái, bất công của chế độ cũ, Nam Cao muốn phơi bày sự thật của cuộc đời và của lòng người, Cũng theo những trang sách hò hẹn, trong tuổi trẻ của mình, Nam Cao đã tiến hành những chuyến phiêu du. Tác giả vào Sài Gòn để mong tìm một sự giải thoát, “hy vọng được nhìn rộng biết xa”, kiếm được một nghề dễ chịu, nhưng thực tế phũ phàng của cuộc đời đã ném Nam Cao về lại mảnh đất làng sau trận đau ốm. Mở ra nhiều phương nhưng cuộc đời thu lại gần gũi và quen thuộc nhất vẫn là chốn làng quê với những cảnh đời lầm than, đau khổ và rồi đây cái làng quê ấy đã đi vào trang viết rất chân thực, rất sinh động. Tiếp xúc và cọ xát với nhiều kiểu người, nhiều số phận khác nhau, Nam Cao đã từ cái bao quát chung mà càng thấm thía để suy nghĩ và chiêm nghiệm cho thân phận của tầng lớp và của riêng mình. Con người trí thức tiểu tư sản nghèo, thầy giáo tiểu học, nhà văn quanh năm túng thiếu, con người chứa chất nhiều mâu thuẫn vừa yêu đời vừa chán đời, thất vọng và hy vọng, cao thượng và yếu hèn ấy là tấm lăng kính nhiều màu sắc hút về từ nhiều phía chất liệu của cuộc đời để tự phân tích và biểu hiện một cách sâu sắc. Qua những trang viết Nam Cao không lấy mình làm mục đích để tự huyễn hoặc mình. Cái tôi của nhà văn như một số phận lênh đênh bị dập vùi lên xuống trong chiều sóng xô đẩy của cuộc đời. Qua những tâm trạng chân thực của mình luôn mở rộng về phía cuộc đời, anh đã có thể nói về hiện thực cuộc sống theo một cách riêng. Dấu ấn chủ quan trên chất liệu bề bộn của cuộc sống không làm cho sự sống bị bóp méo, hoặc bị cắt xén nghèo nàn đi mà luôn tạo nên những suy nghĩ, triết lý sắc sảo và những tình cảm nén sâu đầm ấm tỏa trong văn mạch. Có khi ngòi bút của Nam Cao như một con dao trích lạnh lùng lách sâu vào cơ thể bệnh tật của xã hội, phơi bày ra không tiếc thương trên trang giấy những ung nhọt tấy đau đang hủy hoại hoặc thầm lặng, hoặc gấp rút cuộc sống con người. Ngòi bút Nam Cao tỉ mỉ đi vào mọi ngõ ngách của cuộc đời ghi lấy từng chi tiết, từng hơi thở của cuộc sống, bắt sự sống hiện hình như nó đang bị hủy hoại, giãy giụa quằn quại ngoài kia. Biết giữ lại lòng mình để cho trang giấy nổi lên những nét vẽ sắc sảo và cho sự thực phô bày đến như lạnh lùng, tàn nhẫn, nhưng rồi tác giả cũng không kìm được những tiếng nấc đau thương, nghẹn ngào khi thấy những con người lương thiện bị xô đẩy vào vòng tội lỗi, và những cuộc đời đầy hứa hẹn đã khép vội vã, non yểu. Nam Cao có một tâm hồn biết lắng nghe, một tiếng nói tha thiết biết an ủi và vỗ về từ bên trong để chia sẻ lòng mình đến mọi cuộc đời nghèo khổ. Nam Cao đến thẳng với nhân vật và người đọc bằng một tấm lòng. Tấm lòng ấy được nuôi dưỡng và lớn lên từ những cảnh đời nghèo khổ. Hình ảnh bà mẹ gia ngồi tróm trém nhai cơm nguội mỗi buổi chiều, những đứa em thiếu ăn, thiếu mặc quây quần trong cảnh đời vất vả, những người hàng xóm giàu tình thương mà lại nhiều bất hạnh, một mái rạ, một mảnh vườn xơ xác sau những trận bão, khuôn mặt xanh xao của những người phụ nữ chịu đựng và thương chồng… tất cả những hình ảnh đó luôn gắn bó, ám ảnh day dứt và theo suốt cuộc đời tác giả cho dù có những tháng năm xa cách sống giữa đời nhộn nhịp đua chen. Một nhà văn nghèo và ham viết sự thực, một thầy giáo tiểu học… những nghề nghiệp ấy trong xã hội cũ phải chăng cũng tạo nên phần mực thước trong nhân cách sống, giữ lại cho con người khỏi ném mình chạy theo dục vọng hoặc buông xuôi tuyệt vọng trước nhiều thử thách đắng cay. Nam Cao vẫn là mình, tấm lòng ấy trước sau vẫn thủy chung, trọn vẹn trước sức xô đẩy từ nhiều phía cuộc đời. Trên trang sách đó là lòng tin cậy và yêu thương con người nghèo khổ, bất hạnh, là những ước mong da diết một cuộc sống tốt đẹp hơn và công bằng hơn. Chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao phát triển ra từ nguồn mạch đó nên nó mang những đặc điểm và phẩm chất riêng đáng quý. Nam Cao là người “đến muộn”, Nam Cao có mặt khi trên văn đàn đã xuất hiện nhiều tác phẩm hiện thực xuất sắc của một thời kỳ lịch sử. Nguyễn Công Hoan đã gây ấn tượng về nhiều mặt qua những truyện dài và đặc biệt là những truyện ngắn với sức châm biếm sắc sảo và nụ cười thâm thuý. Nguyên Hồng với tâm hồn thiết tha sôi nổi, luôn biết vượt lên mọi khó khăn để vươn tới qũy đạo đấu tranh cách mạng. Ngô Tất Tố mực thước, nhân hậu trong tình người và sắc sảo trong quan sát, tường thuật của ngòi bút báo chí. Làng quê đã phơi bày ra nhiều cảnh tượng bi kịch qua những trang viết của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Đời sống lớp dân nghèo thành phố đọng lại chân thực và sinh động qua tác phẩm của Nguyên Hồng. Vũ Trọng Phụng cũng góp phần lật bộ mặt trái xấu xa nhơ nhớp của bọn tư bản giàu có. Nam Cao cũng khai thác lại những đề tài trên, những cơn xoáy lốc mới của một thời kỳ lịch sử đen tối nặng nề, kiếp sống con người đau đớn phũ phàng hơn. Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Giặc Nhật ùn ùn kéo vào Đông dương gieo rắc bao thảm hoạ. Kinh tê khủng hoảng trầm trọng, thiếu gạo, thiếu dầu, thiếu vải, thiếu giấy… Cả xã hội bị xáo trộn trong cơn điên đảo như con tàu tròng trành trước khi đắm. Như một định mệnh, không một ai thoát khỏi guồng máy ác nghiệt trên. “Đôi lứa xứng đôi” ra đời trong không khí bế tắc đó. Nam Cao đã tả được sự ngột ngạt tù hãm đến không chịu đựng nổi của giờ lột xác. “Buổi chiều rất nặng nề. Trời oi bức lạ. Một cơn gió cũng không. Vũ trụ như chín nẫu, âm ỉ tan ra thành một thứ nước đặc hâm hấp nóng. Người ta chìm trong cái nồng nực ẩm ướt như con sâu uể oải bơi trong quả thối”. Thân thể rã rời muốn rữa ra cùng mọi vật. Trái tim rụng giữa cảnh tàn phá ấy đập khẽ và hấp tấp như một kẻ thất vọng gần kiệt sức. Gân óc chùng ra. Ý nghĩ mất sáng suốt, hỗn loạn như trong cơn sốt. Những đau đớn phẫn uất, oán hờn, bứt rứt quằn quại trong một trái tim cũng bắt đầu thối luỗng”. Hoàn cảnh ấy sẽ làm nảy sinh bao tấn bi kịch và những kiểu người mới lạ. Chí Phèo - nhân vật kỳ lạ này đã đến trong văn học giữa lúc ngoài đời loại người ấy đã xuất hiện đây đó trong thôn xóm. Nông thôn Việt Nam ở thời kỳ này lại chịu đựng những chuỗi ngày đen tối hãi hùng của bao cảnh hà hiếp bất công, bao cảnh tan cửa nát nhà; guồng máy thống trị xiết chặt tàn bạo, bọn lý dịch hoành hành, tệ nạn xã hội tràn lan, quy luật bần cùng hóa diễn ra với nhịp độ gấp rút. Số phận đau khổ của một anh Pha hoặc tiền đồ như đen tối của chị Dậu phải chăng đã là “bước đường cùng”! Một bộ phận nông dân còn bị đẩy sâu hơn nữa vượt khỏi ranh giới cuối cùng để rơi vào vòng tội lỗi, thành những kẻ phẫn chí đến liều lĩnh. Họ là nạn nhân nhưng rồi cũng trở thành kẻ mù quáng gây tội lỗi. Nam Cao không chỉ chụp lại hình bóng một vài cá nhân điển hình riêng biệt. Chí Phèo là một vấn đề xã hội, vấn đề có tính quy luật phổ biến của đời sống nông thôn. Nông thôn đang ở vào tình trạng kêu cứu, đang lao nhanh xuống vực thẳm để dẫn đến thảm họa hàng triệu người chết đói năm 1945. Cùng loại với Chí Phèo không chỉ có Binh Chức, Năm Thọ, Binh Tư… Cái vòng “Luân hồi” luẩn quẩn của kiểu người Chí Phèo cũng không chỉ do cái mầm mống gieo rắc của Chí Phèo để lại mọc lên những Chí Phèo con ở một nơi lò gạch cũ xa xôi nào. Thực ra trong toàn bộ sáng tác của Nam Cao có nhiều kiểu người nông dân đang trở thành Chí Phèo với những mức độ khác nhau. Đó là những kẻ ăn mất phần vợ con (Trẻ con không được ăn thịt chó), những tên chơi bời, cò bạc như kiểu Binh Hựu, Cả Tuynh, Mao Khiểng, tham lam lầy là như anh cu Lộ “Tư cách mõ” hoặc bắt đầu mon men vào truyện cờ bạc rượu chè như anh cu Thiêm “Thôi, đi về”, anh Tẻ “Rình trộm”… Chí Phèo là cái cột mốc cuối cùng đi tới của những số phận đó, Họ vốn là những người nông dân lương thiện sống bằng sức lao động của mình. Trong gia đình, họ là những người chồng thương vợ, người cha thương con, lại biết cư xử tốt bụng với hàng xóm. Chí Phèo vốn hiền như đất và đã có thời mơ ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn làm thuê, vợ dệt vải… Thai cao kều (Làm tổ) đã có những ngày sống êm ấm trong đời sống gia đình với “cái ổ rơm ấm nóng, mẻ ngô rang thơm ngọt, tiếng trẻ con cười giòn…”. Nhưng rồi tai họa gieo đến bất ngờ đẩy họ tới chỗ cùng đường, hoặc cảnh sống thay đổi làm biến chất con người. Họ bắt đầu trở thành những người khác đi hẳn với chính mình, sau những năm tù tội, phiêu bạt ở đất người. Tiên chỉ làng Vũ Đại nhận xét rằng “đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng đi là dại. Mười thằng đã đi ra thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa”. Nhưng rồi phải chăng cứ phải ra đi đến nơi “trai tứ chiến gái giang hồ” mới trở thành những tay anh chị? Môi trường làm biến chất con người chẳng phải chỉ ở nơi phương xa mà ngay chính từng thôn xóm, nơi đang diễn ra khốc liệt cuộc đấu tranh giai cấp với bộ máy bóc lột tàn bạo của kẻ thù. Bằng ngòi bút sắc sảo, Nam Cao đã vạch mặt bọn lý dịch cường hào, những kẻ tay sai hà hiếp, nhũng nhiễu dân nghèo. Từ tên Bá Kiến, con mọt già đục khoét dân làng đến tên “chánh hội làng Vũ Đại là một thằng ăn cướp, nó cướp của cướp người chưa thỏa chí, nó muốn cướp cả quyền hành của dân”. Mụ phó Thụ độc ác, cay nghiệt. Tên Lý Nhưng tham lam ăn bẩn đến mức có trần ngôn: “Ai về tôi gửi cái mo, Lý Nhưng có thiếu thì cho mà dùng. Lý Nhưng ơi hỡi Lý Nhưng. Tưởng là ông hóa ra thằng ăn dơ” “Rửa hờn”. Bọn chúng xâu xé bóc lột dân làng, đẩy hàng loạt gia đình nông dân vào cảnh tan cửa nát nhà, sống hôm nay không biết có ngày mai. Chiến tranh, kinh tế khủng hoảng, gạo thóc đắt đỏ với giá cắt cổ, tệ nạn xã hội tràn lan, tất cả… xô vào vây hãm người nông dân, dẫn họ vào ngõ cụt và đẩy một bộ phận nông dân vào con đường tội lỗi. Cái cảnh đi trương tuần là truyện có thực. Đói kém rồi sinh liều, tìm cách giải thoát ở canh bạc, một quán rượu. Từ chỗ là những nạn nhân của xã hội, họ dần trở thành những kẻ gây tội tình cho mọi người, cho dân làng và trước hết cho gia đình mình. Miêu tả loại nhân vật này, Nam Cao muốn thật khách quan để lột tả cho hết, cho chân xác những mâu thuẫn đang tha hoá, đang dần dà biến chất. Ngòi bút chuyển dần từ chỗ thân quen đến lạnh lùng quan sát và nhiều lúc có hàm ý phê phán qua một cách miêu tả, một lối châm biếm. Đó là những kẻ say từ cơn này tràn sang cơn khác, những kẻ thâu đêm chầu bên canh bạc để rồi tan cửa nát nhà… Chưa bao giờ trong nông thôn lại nhiều tệ nạn xã hội lan tràn đến thế. Nam Cao có những truyện ngắn nói về nạn cờ bạc “Thôi, đi về”, Từ ngày mẹ chết, “Mua nhà”. Những người nông dân ở đây không phải là tay chuyên cờ bạc. Họ ít vốn, không biết mánh khoé bịp bợm. Họ đến đám bạc với thái độ liều lĩnh của kẻ cùng đường, cầu mong một vận may để hòng đổi thay số phận qua một canh bạc. Không được thì thôi đi về. Nhưng phổ biến hơn là đuổi theo canh bạc như kẻ khát nước để rồi trắng tay. Những cảnh bán nhà, dỡ nhà với những tiếng vồ, tiếng đục gõ vang chát chúa cũng giống như tiếng gõ, tiếng đục quan tài qua tâm hồn liên tưởng đau xót của trẻ thơ trong ngày mẹ mất (Từ ngày mẹ chết). Cờ bạc rồi rượu chè… Những cơn say kéo dài qua nhiều trang sách. Có kẻ say tưởng như không bao giờ tỉnh như Chí Phèo. Phải có sự gặp gỡ và mối tình lạ kỳ với Thị Nở, phải qua cơn ốm làm dịu hẳn đi cái tính hung hăng như cố hữu ở hắn, Chí Phèo mới có điều kiện trở lại với trạng thái bình thường để nghe ra tiếng chim, nhận ra một tiếng người cười nói. Từ chỗ bình thường để đi đến một cơn say và từ một cơn say trở lại bình thường, ở cả hai trạng thái đó kẻ say đều có những cách để hành hạ những người thân thuộc. Chí Phèo, Trương Rự, Tự Lãng, Trạch Văn Đoành đều là những tên bợm rượu. Cơn say càng dễ làm cho biến chất và méo mó con người. Họ bắt đầu sống một cách bản năng, thô bạo. Có kẻ trong đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến “màu xanh của một chai rượu Văn Điển và màu vàng của một đùi thịt chó nước (Trẻ con không được ăn thịt chó). Có kẻ ăn tham mất phần con và suy luận một cách tệ hại: “Có lẽ trẻ con nó không biết đói. Không biết đói thì không đói. Không đói thì không cần phải ăn” “Trẻ con không biết đói”. Tai hại hơn có lúc chúng là những tên hung thần tham gia vào việc đốt nhà, đánh người. Cơn say rượu còn có giới hạn, còn chúng thì dường như không bao giờ tỉnh, càng ngày càng bị đẩy xa khỏi cuộc sống bình thường của con người. Nam Cao dựng lên hàng loạt kiểu người này từ lúc chúng bắt đầu trượt dốc cho đến khi hoàn toàn hư hỏng. Trừ một vài trường hợp cách giải thích còn chịu ảnh hưởng của một quan niệm di truyền theo huyết thống, theo nòi giống tự nhiên “Nửa đêm”, còn trong hầu hết trường hợp khác, tác phẩm Nam Cao đều góp phần chứng minh cho một quy luật khá phổ biến: chế độ thực dân phong kiến đang xô đẩy hàng loạt những người nông dân đến chỗ kiệt quệ để rơi vào cảnh cùng đường liều lĩnh. Trong xã hội ấy, con đường dẫn đến tội lỗi luôn được mở rộng và thuận chiều. Và ngược lại, chế độ thống trị luôn chặn đứng mọi con đường trở lại lương thiện của con người. Nam Cao chỉ rõ những mặt tốt đẹp thuộc về bản chất giai cấp của người nông dân ngay ở những lúc họ bị xô đẩy vào vòng tội lỗi. Khởi điểm của cuộc đời Chí Phèo là lương thiện. Tình yêu của Thị Nở đánh thức dậy ở Chí Phèo tình cảm và lương tri tỉnh táo của con người để Chí Phèo lại có thể trở lại với mơ ước bình thường và quen thuộc của người nông dân. Nam Cao đã hư cấu nên hình ảnh Thị Nở và mối tình giữa Thị Nở và Chí Phèo để tạo điều kiện cho Chí Phèo từ cơn say trở về với con người thật của mình. Trong bản chất của nó, người nông dân ở Chí Phèo luôn muốn cưỡng lại số phận, muốn trở về với cuộc đời lương thiện. Cái kết thúc của thiên truyện này thật tích cực và hợp lý. Chí Phèo chưa có ý thức giai cấp rõ rệt nhưng đây không phải là hành động trả thù có tính chất hoàn toàn bản năng và mù quáng. Đau đớn đến phẫn uất khi mơ ước chính đáng để được trở lại làm người và có được hanh phúc giản dị của con người bị khước từ, Chí Phèo đã truy tìm nguyên nhân. Phù hợp với trạng thái như chập chờn say tỉnh của Chí Phèo, Nam Cao chưa để cho Chí Phèo có ý thức trả thù Bá Kiến ngay tự ban đầu. Chí Phèo trước tiên nghĩ đến bà cô Thị Nở, kẻ gây trở ngại trực tiếp chuyện tình duyên của mình. Nhưng phải chăng rồi chỉ vì quen chân y đã đến thẳng nhà Bá Kiến? Không phải chỉ vì chuyện quen chân mà sâu xa hơn là một nhân tố mới đã xuất hiện trong ý thức của người nông dân nghèo khổ này. Theo lệ thường thì Chí Phèo đòi tiền, nhưng lần này lại đòi lương thiện. Hai chữ “lương thiện” thốt lên ở cửa miệng con người khốn khổ vừa là một lời cầu mong, một niềm phẫn uất mà cũng đồng thời là một điều tuyệt vọng. Chí Phèo trong trạng thái tỉnh của một cơn say đã lần ra đầu mối của mọi vấn đề. Lương thiện, Chí Phèo hiểu rõ bọn giàu có độc ác đã tước của anh cái quyền được là người lương thiện và khả năng trở lại làm một người lương thiện. Tiếng gọi đòi trả lương thiện mang nội dung xã hội và có ý nghĩa giai cấp. Nó như một tia sáng vụt dậy qua suốt cả cuộc đời cực nhọc tăm tối và đó cũng là giây phút tỉnh táo, có ý thức nhất, vượt lên khỏi trạng thái bản năng tự nhiên. Chí Phèo muốn được trở lại với chính mình, trở về với bản chất vốn có của người nông dân sau những năm tháng dài bị tha hóa đi. Nam Cao đã nâng cao tính tư tưởng và ý nghĩa xã hội của nhân vật hơn hẳn nguyên mẫu vốn có của loại người này. Sự thực thì cái chết của Chí Phèo và những người cùng loại thường xảy ra do tuổi già, bệnh tật, hoặc do một cơn say ở một chốn bụi bờ nào. Tác giả đã hư cấu nên tình huống kết thúc có tính bi kịch và tình huống này đã góp phần nâng cao tư tưởng của câu truyện. Miêu tả loại nhân vật nông dân cùng đường liều lĩnh, Nam Cao đã tỏ ra rất sắc sảo, bộc lộ nhiều mặt mạnh của ngòi bút. Bám sát quá trình đổi thay và biến chất của các nhân vật, nắm bắt được nhiều chi tiết chân thực và sinh động, tạo không khí giỏi, khắc họa tài tình chân dung nhiều nhân vật, Nam Cao cố giữ tính khách quan để cho cuộc sống tự nó xô đẩy, nhân vật tự nó phát triển. Nhưng cũng chính ở loại người này, ngòi bút Nam Cao phạm nhiều hạn chế sai lầm khi miêu tả một bộ phận nông dân. Tuy có chạnh xót thương nhưng khi nhân vật đã bắt đầu biến chất, hư hỏng, Nam Cao tỏ ra lạnh lùng khách quan, thậm chí có khi đến “tàn nhẫn”. Nhân vật có khi trở thành một biếm họa được tạo nên bằng nhiều thậm xưng, ngoa dụ, đặc biệt là về ngoại hình và lối sống. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào thì đằng sau những hành động của kẻ cùng đường liều lĩnh vẫn thấy hình bóng của bọn thực dân phong kiến. Thông qua loại hình tượng này, những mặt chính diện của người nông dân có thể bị hiểu lệch đi. Thực ra Nam Cao không có dụng ý làm nổi lên ở những tính cách trên những phẩm chất tốt đẹp ở người nông dân. Nam Cao chú ý đến sự biến chất của những tính cách để đề xuất những vấn đề của giai cấp và của xã hội. Chí Phèo là điển hình về tính cách và cũng là điển hình của vấn đề. Tuy nhiên điều tác giả chưa tránh khỏi là sự sa đà trong khi miêu tả, làm lộ rõ ở nhân vật những nét méo mó quái dị. Con người chất phác nhân hậu bị lấn át nhường chỗ cho con người thô bạo bản năng. Khát vọng trở về cuộc sống lương thiện không thể hiện rõ rệt và đồng đều ở các nhân vật. Hình ảnh tiêu cực của nhân vật nhiều lúc che lấp chiều sâu và sự đúng đắn của vấn đề đặt ra. Lạm dụng những yếu tố ngoa dụ một cách sắc sảo và lạnh lùng làm cho nhiều trang viết như thiếu đi sự thông cảm tiếc thương. Đời sống nông thôn trong những tháng năm này cũng bị xáo trộn nhiều về mặt tinh thần. Guồng máy thống trị tàn ác và cuộc chiến tranh khốc liệt hàng ngày gây bao thảm họa cho con người. Trong tình cảnh đói rét, bệnh tật và các tệ nạn xã hội lan tràn thì lối suy nghĩ mê tín, dị đoan cũng phát triển. Nhiều câu truyện hoang đường, quái dị lan truyền. Nông thôn có lúc nhiễm trong bầu không khí nặng nề, bí ẩn. Những tai nạn xã hội, những cái chết ngẫu nhiên, những truyện kỳ lạ thường được giải thích theo lối thần bí duy tâm. Nam Cao cũng đã có lần phê phán lối mê tín dị đoan đó (Mong mưa). Nhưng rồi tác giả cũng viết một số truyện hoang đường. Chắc chắn rằng người viết không hề tin một chút nào vào nội dung những sáng tác trên, nhưng rồi do tính chất ly kỳ và hấp dẫn theo cách riêng nào đó của từng câu truyện, Nam Cao cũng chăm chú kể lại nhằm gây hứng thú với một số độc giả nhất định. Truyện “Ma đưa” viết về hai em bé nông thôn giữa trưa bị ma đưa lối vào một gốc cây trong một khu vườn kín. Truyện “Chú Khì”, một người đã chết nhưng vẫn tham dự một chân vào các cuộc đánh tổ tôm nên còn gọi là người đánh tổ tôm vô hình. Những giai thoại đầy tính ca hát bí ẩn ma quái xung quanh truyện vợ chồng của đứa con trai Trương Rự “Nửa đêm” v. v… Những sáng tác loại này nằm chung trong hạn chế của Nam Cao về lối miêu tả cuộc sống có tính chất tự nhiên chủ nghĩa. Một đóng góp quan trọng nữa của Nam Cao trên những sáng tác về nông thôn là hàng loạt những truyện ngắn chân thực và giàu cảm xúc yêu thương về người nông dân. Qua những sáng tác này chúng ta gặp một hệ thống chủ đề và một thế giới nhân vật hoàn toàn khác với những kiểu Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức. Những người nông dân nghèo khổ ở đây không phải là những kẻ cùng đường liều lĩnh. Họ không hề gây tội lỗi mà là những nạn nhân về nhiều mặt của chế độ thực dân phong kiến. Họ mang nhiều phẩm chất quen thuộc của người nông dân và ít bị biến chất trước những đổi thay của cuộc đời. Họ đã phải chịu đựng đến tột cùng những đau thương và những nỗi thống khổ của kiếp người. Đó là vợ chồng anh đĩ Chuột (Nghèo), lão Hạc (Lão Hạc), bố con cái Dần (Một đám cưới), Dì Hảo (Dì Hảo), anh Phúc (Điếu văn) … Họ là những người dân chất phác, hiền lành, được dân làng mến chuộng. Chế độ cũ đẩy dần họ đến bên vực thẳm và cho dù đến hơi thở cuối cùng họ vẫn giữ được phẩm chất trong sạch. Viết về những nhân vật này, ngòi bút Nam Cao không lạnh lùng khách quan mà tha thiết gắn bó. Tác giả không châm biếm, mỉa mai, cười cợt, mà chân thành, xúc động. Tác giả xem mình cũng là một người trong cuộc. Và thật sự họ cũng không xa lạ, mà chính là hình bóng những người nông dân trong làng xóm gần gũi sớm hôm tắt lửa tối đèn đối với tác giả. Tuy cảnh ngộ có khác nhau nhưng qua những khổ đau của họ, tác giả cũng thấm thía nỗi đau riêng của chính mình. Cái tôi của tác giả có dịp bộc lộ, thông cảm và chia sẻ nỗi đau qua nhiều trang sách. Nam Cao hiểu rõ nỗi buồn của lão Hạc khi phải bán con chó vàng, con vật duy nhất sớm hôm gần gũi với ông lão trong cảnh sống đơn độc. Tình cảm ấy cũng giống như cảnh ngộ của tác giả phải bán đi những cuốn sách cuối cùng mà mình yêu quý và giữ gìn vì nghèo túng. Truyện ngắn Điếu văn cũng là lời ai điếu của tác giả với số phận của anh Phúc, người nông dân nghèo xấu số. Tác giả ghét mọi biểu hiện tình cảm giả dối bên ngoài. Tác giả cố ý “đóng cũi sắt tình cảm” và bộc lộ tình cảm một cách thầm kín, mà thiết tha sâu lắng. “Tôi cố làm thinh khi người ta khóc đưa anh. Nhưng bây giờ đây khi mọi người đã im rồi, tôi đóng kín cửa phòng ngồi một mình trước bàn viết của tôi, bùi ngùi đưa đám ma anh trong tâm tưởng. Cái đám ma cũng đường trường lắm. Tôi theo dõi anh từ lúc chúng ta mới quen nhau cho đến lỗ huyệt người ta vừa vùi anh xuống. Như vậy họa chăng mới là trọn nghĩa”. Và chính cái cơ sở tạo nên sự thông cảm yêu thương đó là hai người cùng cảnh ngộ “hai chúng ta cùng khổ”. Đa số các nhân vật trên đều kết thúc số phận mình bằng cái chết bi thảm. Mở đầu là cái chết thảm thương của anh đĩ Chuột “Nghèo”. Mặc dù chị vợ và bầy con đã phải ăn cám trừ bữa nhưng vẫn hết lòng chăm sóc thuốc thang cho anh. Anh đĩ Chuột không muốn kéo dài những ngày sống bệnh tật của mình để khổ cực cho vợ con. Sợi dây thừng đã kết liễu đời anh. Tình cảnh ấy cũng đau đớn như cái chết vật vã của lão Hạc, cái chết ai oán của bà cái Tí, cái chết rất xót xa của Dì Hảo, của anh Phúc… Họ từ biệt cõi đời nhưng không ai chìm ngập trong tội lỗi hoặc chán nản đến tuyệt vọng. Mỗi người đều để lại trên đời những người thân yêu, những mầm sống và nguồn hy vọng khác nhau. Họ không muốn kéo dài những ngày tháng bệnh tật, già nua làm ảnh hưởng đến cuộc sống vốn quá vất vả khổ cực của những người thân. Cái chêt của các nhân vật là lời tố cáo đanh thép bản chất tàn bạo, vô nhân đạo của chế độ thực dân phong kiến. Trong những sáng tác về nông thôn. Nam Cao đặc biệt yêu thương và quan tâm đến số phận đau khổ của những người phụ nữ và các em nhỏ. Tuy tác giả chưa tạo được một nhân vật đậm nét như chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, nhưng qua nhiều truyện ngắn của Nam Cao, cũng đọng lại hình ảnh người phụ nữ nông dân cần cù chịu đựng, giàu đức hy sinh, yêu thương chồng con và luôn có tinh thần quật khởi và những phản ứng mạnh mẽ trước những hàng động tội lỗi của giai cấp thống trị, nhưng họ có sức mạnh bên trong để giữ được mình trước mọi xô đẩy và của cuộc đời. Trừ đi một vài trường hợp lẻ tẻ còn nhìn chung nhân vật phụ nữ của Nam Cao ít biến chất hư hỏng. Trong tổ ấm gia đình, họ là người cần cù xây dựng hạnh phúc. Họ luôn tìm cách níu giữ lại nếu người chồng lâm vào cảnh chơi bời, hư hỏng. Nhưng cũng thật là thảm thương khi sức chống đỡ của một tâm hồn lương thiện thường không ngăn chặn nổi căn bệnh lan nhanh như một quy luật phũ phàng của xã hội. Và rồi họ trở thành những nạn nhân trực tiếp của chính những tên đàn ông hung dữ vốn là những người thân thuộc của mình. Từ cuộc đời nhiều lo toan chịu đựng của chị đĩ Chuột, cái Dần, Dì Hảo, cho đến những người phụ nữ xấu số phải làm vợ của Trương Rự, của những “hắn” những “y” phũ phàng tàn ác… tất cả đều nói lên số phận đau đớn của người phụ nữ nông dân trong xã hội cũ. Có những cuộc đời phải kéo dài nỗi chịu đựng từ tấm bé đến đời chồng, đời con, đời cháu - mà nỗi khổ cực vẫn không chịu buông tha như bà cái Tí (Một bữa no). Nam Cao ân cần chăm sóc những người phụ nữ nghèo khổ nhưng giàu có về tâm hồn. Tinh thần cần cù chịu đựng, tình cảm yêu thương chăm sóc chồng con, tấm lòng nhân hậu với cuộc đời là những phẩm chất gần gũi và quen thuộc của người phụ nữ lao động, vốn có trong truyền thống tốt đẹp của phụ nữ dân tộc. Những phẩm chất ấy không thể nào có ở bọn giàu có. Nam Cao chỉ ra những kẻ tàn ác, cay nghiệt như mụ Huyên “Nghèo” và mụ phó Thụ. Những kẻ “ăn lắm đứng nhiều” và chỉ “nồng nộng chơi không” như vợ Lý Kiến “Chí Phèo”, mụ Hựu, cô Đính “Ông Lang Rận” bọn người luôn bày ra những trò độc ác để mua vui. Nam Cao đã có thái độ phê phán mạnh mẽ những hạng người trên để bảo vệ những nạn nhân nghèo khổ. Tấm lòng yêu thương nhân đạo của tác giả cũng luôn hướng về các em nhỏ. Bầy trẻ nhỏ ngây thơ không tội lỗi ấy đã phải chịu hắt hủi quá sớm. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành và thiếu cả đến tình thương. Ngoài những truyện viết trực tiếp cho các em, hình bóng các em được miêu tả qua nhiều trang sách, có lúc chỉ thấp thoáng mà gợi bao xót thương đau đớn. Trong cảnh ngộ từng gia đình, bầy trẻ nhỏ ngoài nỗi buồn chung lại dễ phải chịu đựng những mất mát riêng không bù đắp được. Chúng là nạn nhân thật sự của bất kỳ tai họa nào. Nạn cờ bạc và cảnh bán nhà đã đẩy bầy trẻ nhỏ vào chốn bơ vơ không nơi nương tựa. Những cặp mắt ngây thơ, ngơ ngác, rồi oán trách, giận hờn của những đứa trẻ vô tội nhìn cảnh dỡ nhà, cũng là ánh mắt trừng phạt, là câu hỏi xoáy sâu vào lương tâm của những kẻ gây nên tội lỗi. Các nhân vật trẻ em trong các tác phẩm của Nam Cao rất dễ thương và cũng thật đáng thương. Chúng thường ngoan ngoãn, biết nhường nhịn nhau, biết giúp việc gia đình trong cảnh nhà nghèo khổ. Chúng quây quần tíu tít trong tổ ấm như một bầy chim nhỏ, nhưng rồi cái tổ ấm ấy cũng bao phen tan tác và bầy trẻ nhỏ sớm chịu cảnh chia lìa đau đớn. Đó là kể Từ ngày mẹ chết, những đứa trẻ trở thành mồ côi và thiếu tình thương đùm bọc. Và từ khi người cha bước vào chơi bời hư hỏng, thì cuộc đời chúng hoàn toàn mất chỗ dựa. Đó là những trẻ nhỏ đáng thương của gia đình anh Phúc (Điếu văn) khi người bố nhắm mắt lại và hắt ra hơi thở cuối cùng. Rồi đây chúng sẽ nương tựa vào đâu? Số phận của bầy trẻ nhỏ vô tội ấy chỉ có thể giải quyết được trong viễn cảnh tốt đẹp của ngày mai chung của dân tộc. Thế giới những nhân vật nông dân nhiều màu sắc đó của Nam Cao đang bị xô đẩy trong vòng quay tròn của cuộc đời cũ. Họ đoàn tụ lại trong một gia đình dưới một mái rạ nghèo, bên những mảnh vườn xơ xác. Những mái tranh nghèo lại nương tựa vào nhau trên mảnh đất thân quen và trong những quan hệ xóm thôn ràng buộc lâu đòi. Không khí của làng quê, của đồng ruộng in rất đậm trên nhiều trang sách. Nam Cao khá thông thuộc những cảnh đời và con người ở nông thôn. Không phải từ nơi xa tới để tìm viết về những cảnh đời “bùn lầy nước đọng” đang diễn ra “sau lũy tre xanh”, Nam Cao lớn lên trên mảnh đất quê hương ấy với nhiều yêu thương, nhiều kỷ niệm. Nam Cao đã đưa được vào trong sáng tác các làng quê rất điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Làng đất chật mà đông dân, có nghề vườn, nghề bãi, nghề dệt cửi, nghề tằm tang. Nhưng rồi trăm thứ nghề cũng không đủ nuôi miệng. Vẫn phải ly tán đi bốn phương để kiếm sống… Nam Cao đã tả đến xót xa và thấm thía cái nghèo của làng quê. Cái nghèo cứ lặng lẽ thấm sâu vào mọi niềm vui, nỗi buồn, vào con người cảnh vật, cho đến cả phong tục tập quán. Cái nghèo cứ nối tiếp từ đời này sang đời khác càng ngày càng xác xơ, thảm hại hơn. Cho đến Một đám cưới trong cảnh nghèo cũng không đón đưa, không may mặc, không cỗ bàn. Bạn nghèo thương nhau và “thể tất” cho đến giới hạn cuối cùng của cuộc sống. “Đến tối đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái, nhà trai… Dần không chịu mặc cái áo dài của bà mẹ chồng đưa, thành thử lại chính bà khoác cái áo ấy trên vai. Dần mặc những cái áo vải ngày thường, nghĩa là một cái quần cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá đã xé gần cụt đến nách. Nó sụt sịt khóc đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt đứa em lớn của Dần. Còn thằng bé thì ông bố cõng. Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ”. Thật ít có những trang sách nói đến cảnh nghèo với nỗi xót xa thương cảm và chân thực đến thế. Nam Cao thiết tha yêu quý cái làng quê của mình, yêu quý những người dân nghèo cần cù chịu đựng bám chặt lấy mảnh đất quê hương và gắn bó với nhau bằng một tình thương yêu bền vững. Với ngòi bút sinh động, Nam Cao đã dựng lại nhiều bức tranh chân thực của cả làng quê đang vật vã trong cơn đau đớn của một thời kỳ lịch sử khốc liệt. Hãy giữ lấy những truyền thống tốt đẹp của quê hương và những phong tục tập quán lành mạnh tự lâu đời đang bị hủy hoại, tàn phá. Và xót xa hơn cả như một tiếng kêu cứu là hãy giữ lấy nhân phẩm cao đẹp của những người lao động đang bị đe dọa đổ vỡ. Viết về người nông dân, Nam Cao cũng còn có hạn chế. Còn thiếu đi những nhân vật khỏe khoắn, nổi lên ý chí đấu tranh và tinh thần quật khởi, những hình ảnh khắc họa thật tập trung bộ mặt tàn ác của giai cấp thống trị, những cảnh đốc sưu đốc thuế, phá lúa trồng đay. Còn thiếu một cái nhìn sáng tỏ mở ra một lối đi, một hướng giải thoát. Nam Cao bênh vực và đứng về phía những người nông dân nghèo khổ, nhưng nhận thức của tác giả chưa tiếp nhận được chân lý cách mạng, chưa vượt lên khỏi những giới hạn của giai cấp mình. Nhưng phần đóng góp được của Nam Cao cũng thật đáng kể. Rồi đây những sáng tác có giá trị về đề tài nông dân của Nam Cao như “Chí Phèo”, Một đám cưới, “Lão Hạc”, Điếu văn, “Nghèo”… sẽ mãi mãi là những bức tranh gây xúc động và có giá trị nhận thức về đời sống nông thôn trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt. * Từ tuổi trẻ của mình Nam Cao vẫn hằng mơ ước một cuộc sống tốt đẹp. Mơ ước ấy vượt lên trên thực tại bất công và nhiều lầm lỗi của cuộc đời cũ. Làm sao cho cuộc sống được công bằng hơn và chấm dứt được những cảnh đời quá tủi cực? Về phía mình đó là mong ước được sống có ích, sống có lý tưởng. Nam Cao cũng như những nhân vật mang bóng dáng mình đều ra đi từ một dòng suối trong của tuổi trẻ khao khát lý tưởng. Sau này khi đã dấn sâu vào cuộc đời với tất cả tính chất phức tạp và gian truân của nó, nhiều nhân vật đều có dịp suy nghĩ lại hình ảnh ban đầu của mình “cái hình ảnh tuổi hai mươi trong trẻo biết yêu và biết ghét” với nhiều kỷ niệm rất đáng trân trọng “kỷ niệm một thời đầy những say mê đẹp và cao vọng” “Lão Hạc”. Hình ảnh ấy càng trở nên hấp dẫn biết bao khi nhân vật đang bị chìm sâu trong cái tầm thường của cuộc sống hiện tại và từ đó mà suy nghĩ về “tuổi trẻ trong quá khứ”. “Đói rét không nghĩa gì đối với một gã tuổi trẻ say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn” (Đời thừa). Những nhân vật say mê tìm đến một con đường đi và một phương thức hiệu nghiệm nhất để đổi thay cuộc đời. Trong giới hạn của một tầm nhìn, người trí thức tiểu tư sản đã lấy sự học làm chìa khóa duy nhất để mở mọi cánh cửa và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Một nhân vật trí thức của Nam Cao đã từng suy nghĩ: “Những kẻ còn nghĩ đến giống nòi đều nghĩ đến việc đào tạo óc. Vì chỉ có sự học thôi, chỉ có sự học là cải tạo được con người. Xã hội Việt Nam muốn tiến, quốc dân văn học phải học. Yêu nước, lo đến tương lai của giống nòi không gì bằng học”. Cách nhìn nhận ấy là thiện chí, thiện tâm nhưng cũng không dễ dàng thực hiện. Cái gọi là sự học ấy hướng theo mục đích nào? Được tiến hành trong hoàn cảnh nào và bao gồm những tầng lớp xã hội nào? Trong lúc đất nước còn chìm đắm trong vòng nô lệ, trong lúc nhà trường của bọn thực dân luôn tìm cách nhồi sọ những kiến thức vô bổ và những tư tưởng nô dịch, trong khi đại đa số quần chúng còn thiếu cơm ăn áo mặc và mù chữ, thì sự học có thể xem là phương hướng duy nhất để yêu nước và lo đến tương lai của giống nòi không? Những suy nghĩ trên có phần thiện chí tốt đẹp nhưng không tránh khỏi ảo tưởng, thiếu một phương thức để tiến tới, thiếu cơ sở để thực hiện. Người trí thức nghèo ít nhiều tự huyễn hoặc về học vấn của mình và chưa đánh giá đúng mức vai trò của quần chúng lao động. Sự học ấy có nhằm phục vụ cho sự nghiệp của quần chúng và xét cho cùng quan điểm trên vẫn nằm trong khuôn khổ của những tư tưởng cải cách tiểu tư sản mà chưa phải là tư tưởng đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Trong thực tế, toàn bộ hoài bão, mơ ước của người trí thức tiểu tư sản ở Nam Cao đã thất bại. Nhà văn mong ước có những tác phẩm lớn làm kinh động đến dư luận lại trở thành con người đầy những dằn vặt, uất ức, hối hận (Đời thừa). Người trí thức say sưa thiết lập những dự kiến quy mô về giáo dục, nào mở trường tư, tổ chức lớp theo phương pháp tối tân… Nhưng tất cả chỉ là dự kiến trong đầu óc còn trong thực tế gia đình họ đang lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa. Thứ cũng là một nhân vật có nhiều hoài bão lớn. Thứ muốn nghĩ đến “những phương kế để xoay ngược lại, đồng thời xếp đặt cho sự giao tiếp giữa người và người ổn thỏa hơn”. Thứ muốn “dành sự uất hận cho những cơ hội lớn”, “những công việc lớn”. Trong tác phẩm, những phương kế ấy và cơ hội lớn ấy không đến, thậm chí cả công việc nhỏ để kiếm sống hàng ngày cũng bị tước đoạt. Nhân vật trí thức của Nam Cao đều rơi vào bi kịch vỡ mộng. Họ đau đớn vì hoài bão không chỉ đến với họ một lần trong tuổi trẻ nhiều ước mơ mà theo đuổi day dứt trong cuộc đời. Họ không dễ thỏa hiệp với cuộc sống tầm thường để chóng quên đi những ước vọng. Họ luôn nhức nhối về “những nguyện vọng bị đè nặng dưới những trở lực không bao giờ vượt nổi”, họ đau đớn về “số kiếp của tất cả những người có những chân ống sậy mà lại mang những nguyện vọng to tát quá?”. Nhiều lúc họ ở vào cảnh ngộ chán chường đến tuyệt vọng. “Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn hơn một kẻ vẫn khao khát làm một cái gì đó nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?” Bi kịch vỡ mộng đó chủ yếu là do những căn nguyên xã hội.Chế độ cũ đã chặt cánh những ước mơ, chà đạp nhân cách, hủy hoại vừa thầm lặng, vừa dữ dội tất cả những gì tốt đẹp của con người. Nhân vật trí thức của Nam Cao đang trượt trên con đường dốc do một sức đẩy vô hình rất mạnh mẽ của cảnh ngộ xã hội. Họ luôn cưỡng lại với tất cả sức mạnh của mình. Tính cách của họ vừa có phần thay đổi, vừa có phần giữ lại ổn định. Nam Cao với tất cả tính chất sắc sảo của ngòi bút đã miêu tả trung thực, không tô điểm, không che đậy bộ mặt thực của người trí thức tiểu tư sản. Con người ấy được miêu tả trong sự va chạm đấu tranh với cảnh ngộ. Họ cũng được biểu hiện từ bên trong như một lời tự bộc lộ. Họ có ưu điểm. Mặt tích cực của người trí thức tiểu tư sản xen lẫn với những hạn chế tiêu cực. Bản chất dễ dao động của họ luôn bị xô đẩy bởi hoàn cảnh, chịu sự tác động rất trực tiếp của những mối liên hệ trong đời sống xã hội. Cũng dễ nhận thấy là nhiều nhân vật tiểu tư sản của Nam Cao xuất thân từ những cuộc đời nghèo khổ và họ cũng phải chịu đựng suốt đời cảnh nghèo khổ. Trong ranh giới giữa kẻ giàu và người nghèo, họ luôn đứng về phía người nghèo. Nhiều lúc cũng ước mong một cuộc sống phong lưu nhưng họ rất chán ghét lối sống trưởng giả của bọn giàu có mà dốt nát, ích kỷ, độc ác. Họ biết chia sẻ chân tình niềm vui, nỗi buồn với những người nghèo khổ và nhiều khi cũng đau đớn, uất hận như chính mình là người trong cuộc. Họ căm ghét sự bất công vì trong quan niệm họ tha thiết với lẽ sống công bằng và trong thực tế họ dễ xúc động, xót xa trước những hành động ngược đãi đày đọa con người. Trước cảnh làm ăn vất vả của những ngư dân vùng biển mà trong một lần nghỉ mát có dịp biết đến. Hùng, một nhân vật của Nam Cao xúc động nghĩ đến những lúc họ nhọc nhằn cực khổ để kiếm mỗi ngày mấy bữa cơm gạo xấu, nghĩ đến cái dã tâm của bọn chủ nước mắm dìm giá để mua rẻ đến nỗi họ quần quật quanh năm suốt tháng mà không được mảnh áo lành để che thân. Hùng thấy hậm hực như chính mình phải chịu những sự bất công vô lý ấy. Nhâ

Use Quizgecko on...
Browser
Browser