Lịch Sử Nước Hoa PDF
Document Details
Uploaded by WellRegionalism
Tags
Summary
Bài viết này tóm tắt lịch sử nước hoa, bắt đầu từ Ai Cập cổ đại, qua Hy Lạp và La Mã cổ đại, đến các nước Hồi giáo và châu Âu thời Trung cổ. Bài viết mô tả cách thức sử dụng nước hoa trong các nghi lễ tôn giáo, đời sống hàng ngày và việc buôn bán nước hoa.
Full Transcript
LỊCH SỬ NƯỚC HOA Theo tiếng Anh “Perfume” (nước hoa) được lấy từ tiếng Latin “per fumum” (một số tài liệu khác là “per fumare”): trong đó “per” nghĩa là “thông qua” và “fumum” hay “fumare” nghĩa là “khói”. Người Pháp sau đó gọi là “parfum” để miêu tả những mùi hương dễ chịu t...
LỊCH SỬ NƯỚC HOA Theo tiếng Anh “Perfume” (nước hoa) được lấy từ tiếng Latin “per fumum” (một số tài liệu khác là “per fumare”): trong đó “per” nghĩa là “thông qua” và “fumum” hay “fumare” nghĩa là “khói”. Người Pháp sau đó gọi là “parfum” để miêu tả những mùi hương dễ chịu trong không khí khi đốt hương. I. Cổ đại Ngày nay, nếu bất chợt được hỏi "Nước hoa bắt nguồn từ đâu?" thì có lẽ không ít người sẽ trả lời Châu Âu hoặc Pháp bởi nơi đây đã quá nổi tiếng với những thương hiệu nước hoa danh tiếng như Chanel, Christian Dior, Lancôme, Versace, Bvlgari,... tuy nhiên, đáp án thật sự sẽ khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của nước hoa, nhưng thường thì người Ai Cập cổ luôn được cho là những người sáng tạo nước hoa đầu tiên trên thế giới. 1. Ai Cập cổ đại Thời cổ đại, nước hoa được sử dụng phổ biến dưới dạng chất đốt thơm trong các buổi lễ tôn giáo hay dạng thuốc mỡ trong các hoạt động ngày thường. Nguồn gốc của việc làm này khởi nguồn từ tín ngưỡng tôn thờ các vị thần của người Ai Cập. Họ sử dụng các loại gỗ thơm, thảo mộc có mùi hương hoặc rễ cây cỏ để làm hương liệu cho các nghi lễ tế thần. Trong đó phải kể đến loại hương vô cùng nổi tiếng có tên Kyphi được chiết xuất từ nhựa thơm, mộc dược, hồ trăn, mật ong và một số nguyên liệu khác. Mỗi đêm, Kyphi được đốt để làm "hài lòng" (và xoa dịu) các vị thần, khi họ bắt đầu cuộc hành trình về thế giới của sự vĩnh hằng, và để đảm bảo sự trở lại an toàn của Thần mặt trời Ra vào sáng hôm sau. Ngoài chất đốt thơm, người Cổ đại còn sử dụng hương trầm. Hương trầm lần đầu tiên được phát hiện bởi người Lưỡng Hà khoảng 4000 năm TCN. Trong tự nhiên, có rất nhiều thực vật có tinh dầu toả hương ra không gian, nhưng chỉ có trầm là nguyên liệu mà nguồn tỏa ra hương không bao giờ cạn, từ lúc trong rừng núi cho đến khi đem ra chế tác và lưu giữ. Ngày nay trầm còn được dùng làm chất định hương cho mỹ phẩm, nước hoa. Hương trầm xuất hiện ở Ai Cập khoảng 3000 năm TCN và tới thời Nữ hoàng Hatshepsut thì nó trở nên rất phổ biến. Nàng dẫn đầu cuộc thám hiểm trong cuộc tìm kiếm hương trầm và các hàng hóa có giá trị khác, đã được ghi lại trên các bức tường của những ngôi đền cổ. Những chữ viết tượng hình trên ngôi mộ cổ Ai Cập nói lên rằng nước hoa từ xa xưa đã đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống của họ. Người Ai Cập mang nước hoa bên người từ khi sinh ra cho đến tận sau khi qua đời. Vì thế mà 3300 năm sau cái chết của vua Tutankhamun, dấu tích của mùi hương được phát hiện khi ngôi mộ được khai quật được cho là bột nhựa thơm, quế và những loại hương hoa khác được sử dụng trong quá trình ướp xác. Nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập là một người rất yêu thích các mùi hương để làm thơm cơ thể. Dưới thời kỳ thịnh trị của bà, các loại hương liệu được sử dụng rộng rãi và tôn nghiêm hơn bao giờ hết. Người Ai Cập đã tạo ra nhiều loại thuốc mỡ, tinh dầu (từ phương pháp ngâm chiết), thậm chí là sáp có mùi thơm và đóng khuôn trong những khối hình nón. Dưới tác động của ánh mặt trời, sáp sẽ chảy ra để làm thơm tóc và cơ thể. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy được bình đựng hương liệu thơm có niên đại 4000 năm TCN được chế tác khá tỉ mỉ và nghệ thuật. 2. Hy Lạp và La Mã cổ đại Chất thơm được sử dụng và lan truyền mạnh mẽ, du nhập sang các vùng lân cận. Sau khi người Ai Cập thống trị vùng thương mại ở Địa Trung Hải, những thương gia người Phoenicia đã vận chuyển, buôn bán nước hoa sang Hy Lạp. Mặc dù, tại đây những lái buôn này gặp phải sự hạn chế dưới các chính sách nhằm ngăn cản sự áp đảo của nước hoa du nhập, người Hy Lạp vẫn coi nước hoa như một biểu tượng, và họ sử dụng chúng nhưng một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Những cuộc thám hiểm đến phương Đông qua Con đường Tơ lụa đã cho phép họ khám phá thêm nhiều nguyên liệu mới quý hiếm. Con đường Tơ lụa: Có lẽ là một trong những mạng lưới thương mại sớm nhất và lớn nhất trong lịch sử loài người, đóng một vai trò quan trọng đối với nhiều nền văn minh khác nhau. Con đường Tơ lụa được hình thành từ 200 năm TCN, bắt nguồn từ Trung Quốc qua Mông Cổ, Ấn Độ, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp,… xung quanh vùng Địa Trung Hải đến tận Châu Âu. Khi ấy, Trương Khiên (sứ thần nhà Hán) nhận lệnh từ Hán Vũ Đế đi về phía Tây tìm người Nguyệt Chi (người Trung Á cổ đại) nhằm kết đồng minh chống lại quân Hung Nô (Mông Cổ ngày nay). Trải qua nhiều gian khổ, Trương Khiên đã tìm được người Nguyệt Chi ở nơi là miền Bắc Ấn Độ ngày nay. Trên đường về ông cùng tùy tùng đã mang theo nhiều sản vật mà triều đình rất quan tâm. Nhờ đó những tuyến đường nhỏ trước đây đã được kết nối lại với nhau, nhiều tuyến mới được khai phá và an toàn hơn do được sự bảo hộ của triều đình. Tuyến đường mà Trương Khiên đã khai phá được người đời sau gọi là Con đường tơ lụa, vì tơ lụa chính là thương phẩm chính và đầu tiên trên con đường này. Trong lịch sử, người Trung Hoa đã tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa sớm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tơ lụa thời đó chỉ dành riêng cho tầng lớp vua chúa và quý tộc. Kể từ khi tuyến đường giao thương quan trọng này được tìm ra, các thương gia Trung Quốc quyết định đem sản phẩm này tới phương Tây, đồng thời những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa. Từ đây, Con đường Tơ lụa phát triển với tốc độ chóng mặt. Những bậc đế vương hay quý tộc La Mã rất thích lụa Trung Hoa. Họ mong muốn sở hữu thứ hàng này đến mức sẵn sàng đổi bằng vàng với cân nặng tương đương. Đến thời nhà Minh, Con đường Tơ lụa đã bị vương triều này khống chế và bắt mọi người phải nộp thuế rất cao khiến cho người buôn bán nước ngoài phải tìm đến những con đường vận chuyển khác. Từ thế kỷ VII, Con đường Tơ lụa trên biển ra đời bởi các thương gia Ả Rập. Sau đó, các quốc gia như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan lần lượt kéo đến Trung Quốc buôn bán qua đường biển. Nhận thấy lợi nhuận khổng lồ từ thị trường mới, ngày càng có nhiều thương gia Trung Quốc tăng cường vận chuyển hàng hóa tới La Mã, Ai Cập. Đồng thời, người dân phương Tây cũng lên đường tới Trung Quốc để buôn bán và truyền bá tôn giáo. Sau một thời gian, số lượng hàng hóa trên con đường tơ lụa ngày một đa dạng: từ đá quý, các loại gia vị, nước hoa, khoáng sản, thuốc súng, giấy,… hay cả các loài động vật. Hy Lạp được xem là nơi làm ra nước hoa dạng lỏng đầu tiên, mặc dù nó khá khác so với nước hoa ngày nay mà chúng ta biết vì hoàn toàn không chứa cồn mà được tạo nên từ bột thơm và dầu nặng. Chất lỏng được lưu trữ trong các bình làm bằng thạch cao và vàng. Dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Đông và Hy Lạp, người La Mã cũng đã hòa nhập với xu thế xã hội và bị lôi cuốn bởi thứ hương thơm quyến rũ này. Họ không chỉ sử dụng hương liệu thơm trong các nghi lễ tôn giáo, lễ tang mà còn coi chúng là vật dụng thiết yếu cho cuộc sống cá nhân như để tắm rửa. Họ đã phát triển, chiết xuất ra các mùi hương đa dạng để làm phong phú thế giới nước hoa. Họ bổ sung thêm các loại tinh dầu làm từ hoa lily, hoa hồng, rễ diên vĩ và cây hồi trộn với dầu ô liu và dầu hạnh nhân. Những gia đình quý tộc còn sử dụng tinh dầu để cho vào các đài phun nước khiến cho nơi ở của họ mang thêm sự ấm nồng, ngọt ngào và quý phái. Ở thời kỳ này, điểm nổi bật trong việc chế tạo nước hoa đó là họ đã biết bảo quản nước hoa trong những ống thủy tinh và các vật liệu quý để khiến cho mùi hương không bị thoát ra bên ngoài không khí. Hương liệu sử dụng cũng đa dạng hơn gồm có amber, các loại hoa như hoa nhài, hoa hồng, xạ hương và thảo mộc. Ngoài ra, việc sở hữu các loại thảo mộc thơm là bằng chứng của sự giàu có. 3. Các nước Hồi giáo cổ đại Là vùng đất có nhiều nguyên liệu đặc biệt để tạo ra được các loại tinh dầu mới lạ, Ả Rập thống trị ngành xuất khẩu nguyên liệu thô trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ. Nước hoa chỉ được sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc của Ba Tư thời cổ đại. Vì thế, hình ảnh các vị vua Ba Tư thường được gắn liền với lọ nước hoa, điển hình là những tác phẩm hội họa với chi tiết chai nước hoa cầm trong tay của hai nhà cai trị huyền thoại: Darius và Xerxes. Họ được coi là người phát minh ra nước hoa không chứa dầu. Mặc dù việc buôn bán các vật liệu có mùi thơm đã được chứng minh là xuất hiện ở phương Đông, Hy Lạp và La Mã cổ đại, dầu được sử dụng không phải là tinh dầu mà là “lấy hoa, rễ và các vật liệu thực vật khác ngâm vào chất béo để có chất lượng tốt nhất, sau đó đưa các chai thuỷ tinh có chứa hỗn hợp này ra ánh nắng mặt trời để làm nóng và cuối cùng là tách dầu thơm ra khỏi các thành phần rắn. Đế chế Sassanid - triều đại cuối cùng ở Ba Tư nổi tiếng với việc trồng các loại hoa thơm khác nhau để lấy nước hoa (perfume) và nước hoa hồng (rose water) được đặc biệt săn đón. Avicenna, thầy thuốc, nhà hóa học, triết gia người Ba Tư là người đã tìm ra phương pháp chưng cất hơi nước (phương pháp phổ biến nhất hiện nay) từ những cánh hồng bị nghiền nát để cho ra chất lượng tinh dầu tinh tế hơn. II. Châu Âu thời Trung cổ (thế kỷ V - thế kỷ XIV) Năm 410, người Goth đánh chiếm và cướp phá thành La Mã, khiến Đế chế này suy yếu đáng kể và sụp đổ vào năm 476. Đi cùng với sự biến mất của đế chế La Mã, ở phương Tây, nước hoa gần như không tồn tại từ thế kỷ V đến thế kỷ XI. Điều này được giải thích bởi lý do về tôn giáo: Kito giáo - tôn giáo thống trị thời kỳ này lên án mạnh mẽ việc sử dụng nước hoa, cho rằng điều đó xúc phạm thánh thần. Tuy nhiên, các cuộc thập tự chinh được tiến hành từ năm 1100 đến năm 1290 và sự phát triển của thương mại với Phương Đông đã mở ra con đường mới cho sự quay trở lại của nước hoa và mang về những mùi hương vẫn chưa được biết đến. Nhờ vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của thương mại hàng hải khắp châu Âu, Venice trở thành tâm điểm mới của ngành nước hoa từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Thành phố đảm bảo nguồn cung cấp hương liệu khổng lồ, thương nhân từ Trung Quốc, Malaysia đến buôn bán và mua hương liệu thường xuyên. Long não (camphora), nhục đậu khấu, hạt tiêu và các loại dầu dưỡng khác, thông qua đây dần được đưa vào đời sống sinh hoạt của người phương Tây. Bên cạnh đó, nhiều mùi hương ấm và nồng hơn như xạ hương, gỗ đàn hương, nhựa thơm hoặc quế, hồi,...cũng xuất hiện. Vào thời điểm những cuộc Thập tự chinh nổ ra, Trung Đông là trung tâm phát triển kinh tế, tri thức của nhân loại. Ngoài ra, đây là khu vực có vị trí chiến lược, nằm ở ngã tư Con đường tơ lụa, do đó được hưởng lợi từ cả 2 nền văn hoá Á và Âu. Những người lính viễn chinh sau khi tiếp xúc với những dân tộc ở Trung Đông, cũng là tiếp xúc với tri thức, nguồn tài nguyên mới, đã mang trở về Châu Âu phát minh mới, những nguyên liệu nước hoa từ đó cũng được sử dụng rộng rãi hơn. Thập tự chinh: Bắt đầu từ năm 1095, “Thập tự chinh” là một loạt các cuộc chiến tranh Tôn giáo, được kêu gọi bởi Giáo hoàng và được tiến hành bởi các vị vua và quý tộc Tây phương - là những người tình nguyện cầm lấy vũ khí và cây thập giá với mục tiêu chính là phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo với vùng Đất Thánh – Jerusalem. Hai lực lượng chính đối đầu nhau trong những cuộc thập tự chinh là những người Kitô giáo và Hồi giáo có quan điểm đánh giá rất khác nhau về những cuộc Thập tự chinh. Đối với phương Tây, Thập tự chinh là những cuộc viễn chinh mạo hiểm, những anh hùng, những người tham gia thập tự chinh, dù rất nhiều trong số họ đã bỏ mình nơi chiến địa được xem là tiêu biểu cho sự dũng cảm và tinh thần hiệp sĩ. Đối với người Hồi giáo, Thập tự chinh là những sự kiện đầy tàn bạo và dã man và những cuộc chiến đấu của họ chống lại Thập tự quân được gọi là Thánh chiến. Trong thực tế, có nhiều cuộc thập tự chinh khác nhau. Các nhà sử học không thống nhất về con số chính xác nhưng nhìn chung, có 9 cuộc thập tự chinh chính và nhiều cuộc thập tự chinh khác nhỏ hơn diễn ra trong vòng 2 thế kỷ. Vào năm 1174, vua Baudouin (1161-1185) của Jerusalem tặng cho Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh Frederick Barbarossa (1122-1190) một vật nhỏ chưa được nhìn thấy bao giờ, có hình một quả cầu. Ở bên trong có các chế phẩm thơm có nguồn gốc từ động vật, được biết đến với các công dụng chữa bệnh, chẳng hạn như xạ hương, hổ phách hoặc cầy hương. Từ đó, vật phẩm như vậy trở nên phổ biến với tầng lớp quý tộc và tư sản. Vật này được đeo ở khắp mọi nơi: cổ, thắt lưng hoặc nhẫn để vừa khẳng định vị trí xã hội, vừa giúp khử mùi hương độc hại. Cũng chính trong giai đoạn này, người dân bắt đầu cảm thấy sự cần thiết của việc vệ sinh. Trái ngược với quan điểm trước đó, nước hoa trở thành mối quan tâm đặc biệt trong suốt thời Trung cổ. Trong những bữa tiệc lớn nhất, người chủ nhà cung cấp những bát nước thơm để lau tay cho khách vì họ ăn bằng tay. Những phụ nữ giàu có hơn thường chuộng nước hoa có mùi oải hương và hoa cam. Họ giấu hoa dưới váy lót và những túi thơm trong quần áo của mình. Tắm cũng là một nghi lễ được mọi người coi trọng. Đối với giới quý tộc, việc tắm rửa được thực hành tại nhà trong những chiếc vại lớn làm bằng kim loại, đá hoặc gỗ, và trong đó có tẩm gia vị. Còn đối với dân thường, họ đến các phòng tắm công cộng để tắm nước nóng được tẩm hương liệu. Tuy nhiên, việc tắm rửa này sau đó đã bị cấm, nhiều phòng tắm công cộng cũng bị bắt đóng cửa. Nguyên nhân là do năm 1347, một chiếc thuyền của người Genova trở về từ Biển Đen và mang theo căn bệnh dịch hạch. Dịch bệnh đã lấy đi sinh mạng của ¼ dân số Châu Âu, biến nơi đây thành nơi đen tối và đáng sợ nhất thế giới. Để chữa bệnh, người dân thời Trung cổ có những phương pháp kỳ lạ như cố gắng vui vẻ, tránh suy nghĩ đến những điều tồi tệ, họ còn được khuyên là không nên tắm rửa để những cặn bẩn tích lại, che khít lỗ chân lông thì vi khuẩn sẽ không xâm nhập. Về thành tựu của thời kỳ này, có thể điểm tên hai thành tựu lớn góp phần thay đổi thế giới nước hoa. Thành tựu đầu tiên của người Trung cổ là việc khám phá ra cách thu được ethanol (sau đó được gọi là rượu mạnh) vào thế kỷ XII. Điều này đánh dấu một bước tiến cơ bản trong sự phát triển của kỹ thuật sản xuất nước hoa và mở đường cho một dạng nước hoa mới làm từ cồn. Nửa cuối thế kỷ XIV xuất hiện nước hoa dạng lỏng được gọi là Eau de Senteur, là sự pha trộn tinh dầu với cồn. Chai nước hoa “tân tiến” đầu tiên sử dụng cồn làm nền có tên “Hungary water” do chính công dân của nước này làm ra theo yêu cầu của hoàng hậu Elizabeth vào thế kỷ XIV. Mục đích ban đầu của loại nước này là để chữa bệnh thấp khớp và bệnh gút của nữ hoàng khi về già, đồng thời cũng là phương pháp giúp bà trẻ hóa. Công thức lâu đời nhất của “Hungary water” là chưng cất hương thảo tươi và cỏ xạ hương với rượu mạnh. Theo truyền thuyết, “Hungary water” lần đầu tiên xuất hiện bên ngoài Hungary vào năm 1370 khi Charles V của Pháp, người nổi tiếng với tình yêu nước hoa, đã được tặng để sử dụng. Việc dùng “Hungary water” đã phổ biến khắp châu Âu trong nhiều thế kỷ, và cho đến khi Eau de Cologne xuất hiện vào thế kỷ XVIII, nó luôn là mùi thơm và phương thuốc phổ biến nhất. III. Thời kỳ Phục Hưng (Kỷ nguyên Hoa mỹ) (thế kỷ XIV - thế kỷ XVII) Những nhà chế tạo nước hoa vĩ đại nhất của thời kỳ Phục Hưng là người Tây Ban Nha và Ý. Người Tây Ban Nha tận dụng bí quyết và kỹ thuật khoa học của các nước láng giềng Ả Rập và những người đi trước để dần dần mở rộng “ảnh hưởng hương” của mình ở Pháp. Người Ý được hưởng lợi từ sự giàu có nơi vùng đất của họ và sự cuồng nhiệt của quý tộc và tư sản đối với nước hoa. Ngay cả các hoàng tử Ý cũng thích tự làm tinh dầu cho mình. Mặc dù vậy, vị trí trung tâm ngành buôn bán nước hoa của Venice trong thời kỳ này đã chấm dứt do sự ảnh hưởng của các tuyến đường thương mại do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phát hiện. Tại Pháp, vua François I đã thành lập liên minh chiến lược với Ý bằng cuộc hôn nhân giữa con trai Henry II của mình với Catherine de' Medici. Nhờ sự liên minh này, Pháp cuối cùng cũng bắt đầu sản xuất nước hoa, bởi Catherine de’ Medici không đến một mình ở Pháp mà đi cùng Renato Bianco, nhà chế tác nước hoa cá nhân của bà. Người này đã thành lập cửa hàng nước hoa của mình ở Paris và từ đây ngày càng có nhiều người làm nước hoa gốc Ý xuất hiện tại thủ đô. Không giống như thời Trung cổ, do sự ảnh hưởng của Cái Chết Đen, người dân thời Phục Hưng càng ngày càng ít tắm rửa do họ cho rằng nước là một yếu tố lây nhiễm. Đồng thời, ngoại hình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định địa vị và sự giàu có trong xã hội. Từ thế kỷ XVI, người ta chỉ thỉnh thoảng tắm rửa và việc này khá hời hợt vì mọi người chỉ đổ nước lên một số bộ phận của cơ thể. Vệ sinh đúng hơn là “kỳ cọ” bằng cách chà xát da với những miếng vải được tẩm nhiều tinh chất khác nhau. Thậm chí, vua Louis XIV của Pháp được biết đến là chỉ tắm… mỗi năm một lần! Cũng vì cơ thể lâu ngày không tắm bốc mùi hôi nên các loại hương sử dụng thời kỳ này rất mạnh và nồng. Mùi hương động vật như xạ hương hoặc hổ phách được sử dụng rộng rãi vì sức mạnh khứu giác và đặc tính kích thích tình dục của chúng. Các thành phần có mùi thơm khác cũng được sử dụng là hoa nhài hoặc hoa huệ. Vua Louis XIV Chính trong bối cảnh này, chiếc găng tay thơm đầu tiên đã xuất hiện, được sản xuất tại Grasse. Sự phổ biến rộng rãi của loại găng tay này dẫn đến sự ra đời của tập đoàn sản xuất chuyên nghiệp. Các tập đoàn sản xuất găng tay có được độc quyền phân phối nước hoa và thay thế nhà bào chế cùng dược sĩ. Tại Pháp, thành phố Grasse trở thành trung tâm sản xuất nước hoa của Châu Âu. Thời kỳ này cũng đánh dấu những thay đổi mạnh mẽ về trang phục, cách trang điểm và lối sống tại Châu Âu. Những người phụ nữ ưa chuộng trang phục có áo nịt ngực cứng và dài, tôn lên cơ thể “đồng hồ cát”. Họ trang điểm cầu kỳ hơn và chi rất nhiều tiền cho phục sức như găng tay, trang sức, váy vóc. Có lẽ bởi vậy, những hộp đựng sáp thơm, chai, lọ xuất hiện với nhiều màu sắc, kiểu dáng phong phú hơn, được khảm hoạ tiết cầu kỳ, khảm vàng, đá quý để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp và để thể hiện sự giàu có. Như đã đề cập ở phần trước, từ thế kỷ XII, những mùi hương mới thường được mang về từ các cuộc Thập tự chinh. Nhưng trong thời kỳ Phục hưng, nước hoa càng phát triển mạnh hơn nữa nhờ những chuyến thám hiểm hàng hải của các nhà thám hiểm vĩ đại như Christopher Columbus, Ferdinand Magellan hay Vasco de Gama. Tầm nhìn địa lý của thế giới thay đổi, và những con đường thương mại mới đang mở ra. Christopher Columbus mang đến những mùi hương chưa từng được biết đến từ châu Mỹ: vani và copal của Mexico, cacao, thuốc lá, dầu dưỡng của Tolu và Peru. Từ Ấn Độ, những con thuyền trở về châu Âu chứa đầy quế, cánh kiến trắng, gừng, hạt tiêu và đinh hương. Nhờ những chuyến thám hiểm này, con người không chỉ tiếp cận được với những nguyên liệu thô mới mà còn biết đến bí quyết trồng trọt và chiết xuất các loại gia vị cùng hoa từ phương Đông. Vì vậy, nước hoa trong thời kỳ Phục hưng được biết đến bởi những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật và khứu giác. Christopher Columbus (1451 - 1506) là một nhà hàng hải nổi tiếng người Ý. Những chuyến vượt Đại Tây Dương của ông đã mở ra những cuộc thám hiểm Châu Mỹ. Lịch sử coi chuyến đi đầu tiên năm 1492 của ông có tầm quan trọng lớn, dù thực tế ông không đặt chân tới lục địa cho tới tận chuyến thám hiểm thứ ba năm 1498. Tương tự, ông không phải là nhà thám hiểm đầu tiên của châu Âu tới châu Mỹ, nhưng vì chuyến đi diễn ra trong thời điểm chủ nghĩa đế quốc và sự cạnh tranh kinh tế giữa các nước đang phát triển thông qua những con đường thương mại và thuộc địa đang nổi lên nên chuyến đi được coi là dấu mốc quan trọng. Ferdinand Magellan (1480 - 1521) sinh ra tại Sabrosa, miền bắc Bồ Đào Nha, nhưng sau đó đã từ bỏ quốc tịch Bồ Đào Nha để nhập quốc tịch Tây Ban Nha nhằm mục đích phục vụ cho Vua Carlos I của Tây Ban Nha trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho chuyến đi về hướng tây đến quần đảo Maluku ở Indonesia. Chuyến hải hành trong khoảng thời gian 1519–1522 của Magellan đã đi vào lịch sử như là chuyến đi đầu tiên bằng đường biển của con người từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và là chuyến đi đầu tiên băng qua Thái Bình Dương. Chuyến đi này cũng đánh dấu sự kiện con người lần đầu tiên đi vòng quanh Trái Đất thành công, mặc dù chính bản thân Magellan cũng không hoàn thành chuyến đi của ông do bị giết trong Trận chiến Mactan ở Philippines. Vasco da Gama (1560 - 1524) là một nhà quý tộc người Bồ Đào Nha và là thuyền trưởng hạm đội đầu tiên đi thẳng từ châu Âu đến Ấn Độ. Trong chuyến đi này, đoàn thám hiểm vòng qua mũi phía nam của châu Phi tại Mũi Hảo Vọng, vượt Ấn Độ Dương và đến Calicut, Ấn Độ trong vòng chưa đầy một tháng. Riêng về thành tựu kỹ thuật, sự ra đời của máy in được sáng chế bởi Johannes Gutenberg vào thế kỷ XV đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nước hoa. Việc in ấn thúc đẩy việc xuất bản nhiều công thức pha chế có mùi thơm. Nhờ những cuốn sách này, bí quyết sản xuất nước hoa, từ cách làm bánh kẹo đến bảo tồn các tinh chất, đã được phổ biến rộng rãi ở châu Âu. Những bộ sưu tập này, được viết chủ yếu bằng tiếng Ý và tiếng Pháp, cho phép mở rộng văn hóa và kiến thức về nghệ thuật nước hoa, có công thức lưu hành và được truyền giữa các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, kỹ thuật thổi thuỷ tinh của thời kỳ này cũng phát triển vượt bậc. Nước hoa được đựng trong bình/lọ thuỷ tinh thay vì là đồng như lúc trước và nước hoa dạng rắn dần dần chuyển sang dạng lỏng. Trong thế kỷ XVII, người ta cũng dùng hoa nhài, hoa huệ và hoa hồng làm nước hoa. Hộp đựng sáp thơm trở nên phổ biến, thịnh hành mãi đến cuối thế kỷ XVIII. Chai lọ đựng nước hoa cũng nhiều kiểu dáng hơn; màu sắc phong phú hơn, từ trong suốt đến trắng sữa và các màu khác. Đặc biệt nổi tiếng là các chai lọ mạ bạc có chạm khắc và chai lọ dát kim loại quý như vàng bạc đồng hoặc đá quý. Nghệ thuật hoa mỹ ra đời với nhiều họa tiết lạ thường, tạo nên cái tên “kỷ nguyên hoa mỹ”. Catherine de' Medici (1519 - 1589) là một nữ quý tộc người Ý (Florence) và trở thành Vương hậu nước Pháp từ năm 1547 - 1559 khi kết hôn với vua Henry II. Bà là mẹ của 3 vị Quốc vương liên tiếp kế vị nước Pháp: François II của Pháp; Charles IX của Pháp và Henri III của Pháp. Ngoài ra, bà còn là mẹ của Élisabeth de Valois - Vương hậu Tây Ban Nha, vợ của vua Tây Ban Nha Felipe II - và Marguerite de Valois, vị Vương hậu Pháp nổi tiếng bởi sắc đẹp cùng phong cách thời trang lộng lẫy. Theo nhà sử học Mark Strage, Catherine là người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu vào thế kỷ XVI. Catherine de’ Medici được biết đến với nhiều sáng tạo thời trang và cách mà bà sử dụng trang phục như một công cụ thể hiện quyền lực. Trước hết, bà là người đã cho ra đời mẫu găng có mùi thơm để che lấp mùi của da thuộc và đưa chiếc corset vào lịch sử, khi ban hành lệnh cấm những người có vòng eo lớn xuất hiện tại triều đình. Bên cạnh đó, bà cũng đã đưa giày cao gót lên tầm cao mới. Khi được hứa hôn cùng Henry II, Thái Tử Pháp, bà đã ấp ủ tham vọng lãnh đạo đất nước và ý thức rằng bản thân cần nắm thóp người chồng tương lai, người đứng đầu của triều đình Pháp. Biết được nhà Vua đã có một mối tình lâu năm với Diane de Poitiers, một cận thần xinh đẹp và cao ráo hơn mình. Vì thế bà đã ủy thác cho một thợ đóng giày tại Florence tạo ra một biến thể của giày cao gót giúp nâng cao vóc dáng với mũi giày phẳng và thoải mái khi mang. Chẳng lâu sau, hoàng gia các nước, thậm chí cả đàn ông, đua nhau mang loại giày này để có tướng tá cao lớn nhằm thể hiện địa vị xã hội xứng tầm. Catherine de’ Medici cũng quan tâm đến việc bảo trợ các loại hình nghệ thuật, khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo trong nỗ lực tô điểm cho một vương triều đang dần suy vong. Vua Louis XIV (1638 - 1715): Đây được mệnh danh là “Vị vua có mùi ngọt ngào nhất”. Ông sợ tắm, chỉ tắm 3 lần trong đời, thêm nữa là trong thế kỷ XVII, người ta đồn rằng nước là nguồn lây bệnh, nên giới quý tộc thường hạn chế tắm rửa nhất có thể. Tuy nhiên, ở cung điện Versailles nơi hoàng tộc sống thì lại rất thơm. Những chiếc bát chứa đầy cánh hoa để làm dịu không khí xuất hiện ở khắp mọi nơi. Tất cả đồ nội thất, đài phun nước đều được tẩm nước hoa, thậm chí là du khách trước khi vào cung điện cũng phải xịt nước hoa vì vấn đề vệ sinh chưa được phổ biến. Thậm chí là không khí trong cung điện thơm đến mức thời Louis XIV còn được gọi là “Triều đại thơm” (Scented Court). Vua Louis đã nâng tầm việc sử dụng nước hoa lên một tầm cao mới, bằng cách giao cho nhà chế tác của mình chế ra mỗi loại nước hoa mới cho mỗi ngày trong tuần. Marie Antoinette (1755 - 1793): Bà sinh ra ở Áo, là con gái của Francis I và Hoàng hậu Marie Ther. Sau này bà trở thành nữ hoàng Marie Antoinette - vợ của vua Louis XVI. Bà nổi lên như một biểu tượng thời trang. Mức độ xa xỉ và phô trương đã làm nên “thương hiệu” riêng của bà. Trong lúc cả vương quốc lâm nạn đói, Antoinette đổ rất nhiều tiền cho quần áo, giày dép, tóc giả và trang sức - chủ yếu là kim cương, ngọc trai, rồi say sưa trong các vũ phòng xa hoa thâu đêm đến tận bình minh. Ngoài việc vung tay may sắm vô số váy áo, giày dép, bà còn có sở thích ngâm mình trong bồn tắm đổ đầy rượu sâm panh thượng hạng. Bà cũng cho xây dựng một cung điện mới, hoành tráng có tên Petit Trianon ngay cạnh cung điện Versailles, lập một điền trang theo kiểu Áo để bản thân thỏa thích chơi trò đóng giả cô gái vắt sữa bò vào những chiếc âu bằng sứ được tạo hình theo khuôn ngực mình. Tháng 8/1784, hoàng hậu đã mua thêm một lâu đài trị giá 6 triệu livre nhằm làm tài sản thừa kế cho các con sau này. Sự bê bối này được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến ngân khố của Pháp thâm hụt nghiêm trọng, triều đình nợ nần chồng chất, thổi bùng lên ngọn lửa của cuộc cách mạng Pháp. Bà cũng là một phụ nữ rất đam mê những loại nước hoa đặc biệt khi yêu cầu nhà chế tác nước hoa riêng của bà tạo ra những mùi hương ngày càng xa hoa để phù hợp với tính cách và tâm trạng kỳ lạ của bà. IV. Thời kỳ Khai Sáng (Thế kỷ XVIII - XIX) Thời kỳ Khai sáng là giai đoạn nở rộ của những trào lưu và tư tưởng mới lạ vào thế kỷ XVIII tại châu Âu. Đó là sự hoài nghi không ngừng tăng về tính chính danh (legitimacy) của các vương triều, đặc biệt là quan niệm về một vị quân chủ nắm quyền lực tuyệt đối – người có thể tùy tiện đặt ra luật pháp dựa trên ý thích. Thay vào đó, người ta bắt đầu biết đòi hỏi và cổ vũ việc xác lập các quyền tự do, nhất là tự do cá nhân. Khai Sáng, bên cạnh lĩnh vực chính trị, triết học và khoa học, cũng là thời kỳ đỉnh cao của nước hoa. Giữa thế kỷ XVIII, các loại nước hoa nồng nặc để che giấu mùi hôi thối được chuyển sang những mùi hương tươi mát và tinh tế hơn. Hương Eau de Cologne, sự hòa trộn của tinh dầu hương thảo, cam bergamot và chanh, đã ngay lập tức quyến rũ các tầng lớp trung lưu. Ngoài việc dùng như nước hoa, người ta dùng nó để pha nước tắm, pha vào rượu uống hoặc súc miệng. Các triết gia thời Khai Sáng dần dần khôi phục vị trí của nước trong vấn đề vệ sinh, ngay cả khi người ta vẫn thoa nước hoa cho tóc và quần áo. Chậu rửa vệ sinh lại được đặt trong phòng tắm của các nhà quý tộc vào năm 1730 để chống lại mùi hôi. Loại nước hoa Eau de Cologne nhanh chóng được yêu thích trở lại. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự xuất hiện tại Pháp của một loại nước hoa Eau de Cologne nổi tiếng hiện nay, được tạo ra bởi Jean-Marie Farina. Sáng tạo mùi hương này làm say lòng các tầng lớp thượng lưu trong nước, ngay cả với chính hoàng đế Napoleon Bonaparte (1769- 1821). Napoleon sử dụng nước hoa ở mọi nơi có thể: trong bồn tắm, trên quần áo, trên tóc… Các thuyết về sự ra đời của Eau de Cologne Một thuyết nói rằng gia đình Farina ở vùng Emilia (Bắc Ý) đã sáng chế ra nước hoa này, thoạt đầu gọi nó là Eau de Bologna. Thuyết này không được nhiều người chấp nhận. Thuyết được đa số chấp nhận vì kể rằng vào thế kỷ XIV, các nữ tu ở tu viện Santa Maria Novella vùng Florence đã chế ra aqua reginae. Nước hoa này rất nổi tiếng, và đến thế kỷ XVII thì một người tên là Giovanni Paolo Feminis đã quyến rũ mẹ bề trên của tu viện để xin công thức pha chế. Rồi tự xưng là dược sĩ ở vùng Cologne (Đức), ông này đã nhại sản phẩm và đem bán với tên gọi Eau Admirable và sau cùng đổi thành là Eau de Cologne. Thế rồi xuất hiện những người khác mang họ Farina tự cho mình là kẻ phát minh ra Eau de Cologne. Nổi tiếng nhất là trong ngành kinh doanh nước hoa là Jean Marie Farina (không biết là tên thật hay mạo nhận) với cửa hiệu ở Paris năm 1806. Nước hoa của ông, cùng với sự nhạy bén trong kinh doanh, đã để lại dấu ấn. Napoléon, một trong những khách hàng của Farina, đã rưới nước hoa lên những viên đường để ăn. Cũng có một thuyết khác nói rằng năm 1792, nhân lễ cưới của Wilhelm, con trai của chủ ngân hàng Mulhens Bank ở Cologne, một thầy tu là khách mời trong buổi lễ đã tặng cho đôi vợ chồng trẻ một bản chép tay công thức của một nước hoa có dược tính gọi là aqua mirabilis. Chú rể sau đó đã tung ra thị trường dưới tên gọi “4711, Eau de Cologne thứ thiệt” (4711 là số nhà của chú rể). Eau de Cologne truyền cảm hứng cho Bonaparte đến mức nó trở thành bùa may mắn của vị vua này. Hoàng đế uống nó trước mỗi trận chiến và có thể tiêu thụ tới 40 lít mỗi tháng. Napoleon luôn muốn thể hiện bản thân ở mức tốt nhất, vệ sinh và ngoại hình là điều rất quan trọng đối với vua. Vì vậy, vị vua này mang theo túi đựng đồ vệ sinh cá nhân đi khắp nơi với hương thơm quý giá của mình. Bên cạnh đó, Jean-Marie Farina cũng nhanh chóng trở thành nhà cung cấp chính thức của hoàng đế. Nhưng Napoleon I không phải là người duy nhất khuất phục trước sức hút của nước hoa. Vợ của ông, Hoàng hậu Josephine, thường mặc mùi hương vani, hay hoắc hương, đậu tonka và gỗ. Đặc biệt là nhờ vị hoàng hậu này mà cây hoắc hương đã được yêu thích rộng rãi tại châu Âu vào thời điểm đó. Bên cạnh hoắc hương, thế kỷ XIX cũng gắn liền với các note hương mạnh mẽ như xạ hương và cầy hương hay note gia vị như nhục đậu khấu. Năm 1720, dịch bệnh quay trở lại ở Marseille, người ta tìm ra phương pháp chữa bệnh bằng hương thơm, chế ra “Vinaigre des quatres voleurs”, một dung dịch gồm dấm hoặc rượu kết hợp với hương thảo, cây ngải cứu, bạc hà, long não, nghe nói là có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn. “Vinaigre des quatres voleurs” (Giấm 4 tên trộm): Trong thời gian xảy ra bệnh dịch hạch, thành phố Marseille của Pháp có bốn tên trộm chuyên đi đào mộ. Ban đầu chính quyền lẫn người dân đều biết nhưng lại kệ không thèm bắt vì cho rằng đa số trộm mộ chỉ hành nghề được một thời gian sẽ lăn ra chết vì bệnh. Thế nhưng, lạ là bốn tên trộm của Marseille này cứ thế đi chôm chỉa mà chẳng bị sao cả. Thành phố ra lệnh bắt khẩn cấp bốn tên này, và bọn chúng khai ra “bí kíp” sống sót trong tâm dịch chính là nhờ giấm. Công thức của nó biến thể tùy theo nguồn ghi chép, nhưng đại khái là dùng giấm rượu có độ đậm đặc để ngâm các thảo dược có tính diệt khuẩn, đuổi côn trùng như đinh hương, long não, hương thảo, xô thơm, ngải Tây (wormwood), kinh giới Tây (majoram)... cùng nhiều loại thảo mộc linh tinh khác. Ngâm một thời gian - thường là nửa tháng - rồi lọc bỏ cái, sau đó dùng giấm “đã ngâm qua thảo mộc” này thoa lên tay, thoa lên tai, lên thái dương. Một số bản còn ghi lại rằng, bọn trộm nhúng khăn vào giấm rồi bịt lên mặt trước khi đi cướp mộ. Các chai lọ đựng nước hoa trong thế kỷ XVIII cũng đa dạng như các loại hương. Nước hoa được đựng trong những lọ hình quả lê kiểu Louis XIV. Chai lọ thủy tinh ngày càng phổ biến, đặc biệt ở Pháp với sự khai trương của xưởng Baccarat vào năm 1765 và rất nhiều xưởng thủy tinh khác tập trung ở Saint Louis. Thợ kim hoàn gia công chạm khắc vàng bạc, trang trí ngọc thạch và thạch anh trên các chai lọ. Người ta không còn theo trường phái hoa mỹ mà học hỏi theo mỹ nghệ Trung Quốc đương đại hoặc theo trường phái tự nhiên của Rousseau. Chẳng hạn như những lọ sứ Chantilly được tô điểm theo hoa văn Trung Quốc, những sản phẩm của xưởng Saint Cloud thì nổi tiếng với nghề mạ vàng, và những lọ hình quả lê của xưởng Sèvres. Tuy nhiên, nói về đồ sứ thì Pháp không thể nào so được với các xưởng của Đức, Áo và Anh. Xưởng Chelsea chuyên làm các lọ sứ mang hình người, hình thú và hoa quả, mà đầu của người hay thú chính là nút đậy; các lọ sứ của xưởng Wedgwood thì chuyên về những họa tiết trắng và xanh. Xưởng Meissen ở Đức đi tiên phong trong việc cẩn đá quý lên gốm với các họa tiết Rococo, họa tiết phương Đông, các hình hoa quả và chiến trận. Thế kỷ XVIII cũng là kỷ nguyên của hộp đựng mỹ phẩm có tên gọi Nécessaire. Những hộp nhỏ xinh này không chỉ dùng để đựng chai lọ mà còn có chỗ để đồ cá nhân, bút vẽ mắt, bàn chải răng, cậy nạo lưỡi và cả móc tai. Năm 1870, vòi xịt được phát minh bởi một người sành ăn uống tên là Brillat Savarin, trở thành sáng tạo mang tính bước ngoặt cho việc sử dụng nước hoa thời kỳ này. Hàng loạt các công ty hương liệu ra đời và chiếm vị trí quan trọng trong ngành điều chế nước hoa hiện nay như Chiris (1768), L. T. Piver (1774), Lantier (1795), Roure Bertrand Dupont (1820), Sozio (1840), Robertet (1850) và Payan - Bertrand (1854). Đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đưa ngành sản xuất nước hoa vào kỷ nguyên công nghệ là sự ra đời của hóa học hữu cơ vào thế kỷ XIX. Điều này cho phép các nhà khoa học trích ly các cấu tử hương và tổng hợp chúng lại. Từ đó, trí tưởng tượng tha hồ bay bổng để tạo ra những hợp hương chưa hề có trong tự nhiên. Xuât hiện một nghề mới được thực sự công nhận trong thế kỷ XX, biến nước hoa thành một nghệ thuật: nghề pha chế nước hoa. V. Thời kỳ Hiện đại (cuối thế kỷ XIX - thế kỷ XX) Đến cuối thế kỷ XIX, công nghệ nước hoa ở Pháp sử dụng gần 20.000 công nhân và xuất khẩu 1/3 sản phẩm làm ra. Hội chợ thế giới tổ chức ở Paris năm 1900 đã dành cho ngành công nghệ nước hoa những gian hàng bao quanh đài nước trung tâm với những trang hoàng lộng lẫy. Nhận thức về nước hoa cũng dần dần thay đổi. Những nhà chế tạo nước hoa cũng đứng chung tên với những bậc thầy về làm chai lọ, thiết kế đồ họa, và quảng cáo. Điển hình thành công nhất là sự hợp tác giữa nhà chế tạo nước hoa François Coty và nhà làm chai lọ René Lalique (*). (*) Năm 1906, François Coty quyết định tạo ra những lọ nước hoa xinh đẹp và đắt giá hơn nhiều so với trước đây. Ông đã tìm đến René Lalique cùng với lời đề nghị hợp tác tạo ra những chiếc bình đẹp đẽ dùng để đựng nước hoa, một hình thức marketing mang tính cách mạng thời bấy giờ. René Lalique lúc này là một trong những nhà kim hoàn nổi tiếng nhất và cũng là cái tên bị “sao chép” các tác phẩm nhiều nhất ở thời kỳ bấy giờ. Từng thiết kế trang sức cho các hãng kim hoàn nổi tiếng như Cartier, Boucheron và thành công rực rỡ với nghề kim hoàn nhưng đam mê đối với đồ thủy tinh và cuộc gặp gỡ với François Coty đã xoay chuyển toàn bộ hướng đi của René Lalique. Chuyển hướng tập trung của mình đối với trang sức sang đồ thủy tinh, ông đưa con mắt thẩm mỹ của một nhà chế tác trang sức vào việc sản xuất những lọ nước hoa. Không như những đồng nghiệp cùng thời, René Lalique không thêm chì vào pha lê của mình, thay vào đó ông thích dùng chất liệu bán pha lê vì giá thành rẻ hơn, dễ sản xuất đồng thời nó mang lại cho các chai nước hoa của ông một màu sữa trắng đục. Sau này, nhận biết này đã trở thành dấu hiệu nhận diện thương hiệu của René Lalique. Ông thậm chí còn áp dụng quy trình đổ khuôn sáp của trang sức để tạo ra những bản mẫu. Trong khi nửa đầu của thế kỷ XIX được đánh dấu bằng các loại nước hoa nhẹ nhàng, hoa cỏ và mềm mại, đặc biệt là nhờ Eau de Cologne, nửa sau thế kỷ này đã chuyển sang các mùi hương nồng nàn hơn với mùi động vật. Điều này đã được thực hiện bởi hóa học tổng hợp. Đây là thế kỷ của những tên tuổi, những nhà chế tạo nước hoa vĩ đại, một số người trong số họ đã đến với chúng ta. Cụ thể, một số nhà khoa học đã bắt đầu phân lập các phân tử khứu giác thú vị trong tự nhiên. Sự sáng tạo bùng nổ và những loại nước hoa mới xuất hiện với những note hương nhân tạo như: Coumarin, vanilin, xạ hương nhân tạo, aldehyde, ionones và heliotropin,... Dần dần, giá của những loại nước hoa mới này trở nên phải chăng hơn và không còn dành riêng cho giới thượng lưu nữa. Những mùi hương này được kết hợp vào các sản phẩm tự nhiên, mang đến những gợi ý mới cho các chế phẩm. 1882: Houbigant - Fougère Royale Fougère là họ hương tinh chế từ hỗn hợp tinh dầu oải hương, cây phong lữ, sồi và coumarin. Công thức của nó đã được tất cả các khu buôn bán nước hoa suốt thế kỷ XX xem là chuẩn mực của nước hoa nam đặc biệt sau khi chai Fougère Royale của Houbigant ra mắt vào năm 1882. 1889: Guerlain - Jicky Theo truyền thuyết, chai nước hoa này được đặt theo tên của một cô gái mà Aimé Guerlain đã phải lòng khi còn là sinh viên ở Anh Quốc. Nhưng lại có khả năng tên của chai nước hoa được theo biệt danh của người chú của Aimé Guerlain đó là Jacques Guerlain. Ông có biệt danh là Jicky. Jicky được nhiều người coi là loại nước hoa đầu tiên kết hợp các thành phần tổng hợp cũng như chiết xuất tự nhiên, khiến nó trở thành một trong những loại nước hoa quan trọng nhất trong lịch sử thiết kế mùi hương. Phá vỡ truyền thống và xu hướng, Guerlain thách thức các quy ước bằng cách đưa các phân tử tổng hợp vào nước hoa của mình. Các note hương chính của Jicky chủ yếu bao gồm mùi hương hoa oải hương và vani, cùng với hương cam quýt và một chút hương thơm của bó hoa Guerlain truyền thống. 1911: Les parfums de Rosine Paul Poiret (nổi tiếng vì đã giải phóng phụ nữ khỏi chiếc áo nịt ngực - corset) đã nảy ra ý định chế tạo ra một loại nước hoa để bổ sung vào ngành may mặc của mình vào năm 1911. Ông làm ra chai nước hoa “Les Parfums de Rosine” – lấy tên của con gái, và được xem là couturier đầu tiên làm nước hoa. Đây có thể xem là khởi đầu cho dòng nước hoa designer. 1917: François Coty - Chypre Một sáng tạo đáng chú ý của nhà hương François Coty đã tạo ra họ hương hoàn toàn mới là Chypre năm 1917, tên tiếng Pháp của đảo Cyprus. Sự pha trộn của Chypre gồm rêu sồi, labdanum và cam bergamot. 1919: Caron - Tabac Blond Tabac Blond by Caron là một loại nước hoa Da thuộc dành cho phụ nữ. Tabac Blond được ra mắt vào năm 1919 – đánh dấu giai đoạn phụ nữ Paris được phép hút thuốc ở nơi công cộng, nhà nước hoa pháp Caron làm ra chai nước hoa lấy cảm hứng những người phụ nữ tóc vàng tren tay cầm điếu thuốc. Tabac Blond đặt nền móng đầu tiên cho họ nước hoa da thuộc và họ chypre da thuộc. Tabac Blond là mùi hương thuốc lá đầu tiên với note da thuộc, quyện hương hoa ylang ylang, trên nền Vetiver, patchouli, cedarwood, sandalwood, amber và musk, lãng đãng hương powdery và chút dịu ngọt. Đây là chai nước hoa đầu tiên không đi theo phong trào “tái tạo hương của thiên nhiên” ở những năm trước. 1921: Chanel - No.5 Chanel No.5 là chai nước hoa đầu tiên sử dụng note Aldehyde trong chế tác. Năm 1921, Gabrielle Chanel đã yêu cầu nhà chế tác Ernest Beaux tạo nên "một loại nước hoa dành cho phụ nữ và mang hương thơm như một người phụ nữ", mãnh liệt và nguyên bản. Giữa những mẫu nước hoa mang mùi hương của sự mê hoặc, Gabrielle quyết định chọn mẫu thứ năm và đặt cho mùi hương này một cái tên đơn giản, N°5. Mùi hương mới lạ của dòng nước hoa này, cùng với cái tên và thiết kế chai giản dị hiếm có, đã cách mạng hóa lịch sử của ngành sản xuất nước hoa. Qua thời gian, N°5 đã trở thành một mùi hương được cả thế giới tôn sùng. Những nốt hương đầu của cam Neroli xứ Grasse hòa quyện với hương hoa gợi cảm của hai nguyên liệu quý hiếm, hoa hồng tháng Năm và hoa nhài xứ Grasse. Aldehyde mang đến sự tươi mát và hiệu ứng trừu tượng cho mùi hương. 1925: Guerlain - Shalimar Shalimar của Guerlain là mùi hương phương Đông được sáng tạo đầu tiên trên thế giới, từ đó mở ra kỷ nguyên của nước hoa Phương Đông. Mùi hương như một sự tôn vinh cho câu chuyện tình yêu huyền thoại đầy lãng mạn giữa Hoàng đế Shah Jahan và vợ Mumtaz Mahal. Trước khi trở thành Hoàng đế, tên của ông là Khurram, theo truyền thuyết, Hoàng tử Khurram hai mươi tuổi đã gặp một cô gái trẻ tên là Arjumand Banu tại một khu chợ, nơi gia đình cô làm việc. Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của cô, sau khi trở thành Hoàng đế, ông đã cưới cô về làm vợ, bỏ qua mọi quy tắc lễ nghi, giai cấp, chế độ hay sự ngăn cản của giới hoàng tộc, ông đặt tên hiệu cho vợ là Mumtaz Mahal, có nghĩa là "viên ngọc quý của cung điện". Sau đám cưới, Hoàng tử và Mumtaz luôn ở bên cạnh, cùng nhau trải qua những thăng trầm của thời gian, từ chiến tranh cho đến hòa bình. Cô đã sinh 13 đứa con cho Hoàng đế Shah Jahan và chết trong khi sinh đứa con thứ 14 ở tuổi 39. Cái chết của cô đã ảnh hưởng nặng nề tới Shah Jahan, ông đã xây dựng Taj Mahal để tưởng nhớ vợ và tình yêu bất diệt của họ. Shalimar được đặt theo tên của The Shalimar Gardens, khu vườn yêu thích Mumtaz khi cô còn sống. Shalimar là một dòng nước hoa cổ, và luôn luôn nằm trong nhóm những dòng nước hoa bán tốt nhất từ trước đến nay, không bởi chỉ vì câu chuyện đầy sử thi ngọt ngào ẩn giấu sau chai nước hoa này, mà còn bởi mùi hương mang một chất riêng của nó. Shalimar mang mùi vị ngọt ngào của vani cùng sự ma mị, phá cách đầy mê hoặc của nhang hương quyện lẫn hơi ấm từ da thuộc. 1947: Dior - Miss Dior Ra mắt năm 1947, Miss Dior là dòng nước hoa đầu tiên của thương hiệu và được đặt theo tên người em gái Catherine của nhà thiết kế Christian Dior. Đây là mùi hương “huyền thoại” tạo nên thành công vượt bậc, mở ra thời kì phát triển ở lĩnh vực làm đẹp của Dior. Đối với nhà Christian Dior, việc tạo ra một loại nước hoa đặc trưng không bao giờ là một suy nghĩ phải kiếm thêm tiền. Trên thực tế, hương thơm gắn bó với couturier đến nỗi nó đã được giới thiệu song song với buổi trình diễn runway đầu tiên ra mắt BST chấn động giới thời trang “New Look” vào năm 1947. 1950: Dior - Eau Sauvage Được chế tác bởi Edmond Roudnitska - “the 1st nose”, người đặt nền móng cho ngành điều chế nước hoa ngày nay. Ông sử dụng hợp chất hedione (có mùi tương tự hoa nhài, gia tăng ham muốn) để tạo nên Eau Sauvage. Là một bước đột phá trong ngành công nghiệp nước hoa, đến tận ngày nay hedion vẫn là 1 note hương đặc biệt. Quý ngài Roudnitska đã cẩn thận lựa chọn hàng loạt các tinh chất tự nhiên bao gồm lớp hương đầu nhẹ nhàng với cam bergamot, cỏ hương bài dần nổi lên sau ở lớp hương giữa. Hương cuối thanh thoát nam tính ấm áp nồng nàn từ mùi gỗ đặc trưng của nhựa thơm Myrrh. Về thiết kế, chai nước hoa Dior Eau Sauvage cũng có những đường gân chéo trên chai thủy tinh, đầy mạnh mẽ, bên trong là màu nước vàng chanh, trông đầy lịch lãm và rực rỡ. VI. Sự ra đời của Niche Perfume Người ta không có một mốc thời gian cụ thể đánh dấu sự ra đời của niche perfume. Nguyên nhân ra đời của loại nước hoa "hiếm có khó tìm" này có lẽ từ sự thoái trào của nước hoa chính thống: khi nghĩ ra phương án tạo ra nước hoa độc quyền, hầu hết thương hiệu designer đều tìm cách "nhái lại" những hương thơm từng gây tiếng vang trong lịch sử nhưng cuối cùng kết quả thu về không như mong đợi. Thay vì khiến khách hàng chao đảo với một mùi hương độc đáo, các hãng chính thống tạo ra vô vàn phiên bản khác nhau của cùng một chai nước hoa, khiến các "thượng đế" bị hoang mang giữa các lựa chọn na ná nhau. Những lần cải biên không thành công dần khiến khách hàng quay lưng với nước hoa designer để tìm tới những chai chất lỏng có tên lạ tai nhưng mùi thơm khác biệt. Niche Perfume có gì đặc biệt ? Đó hoàn toàn không phải designer perfume – nước hoa từ các nhà làm quần áo thời trang, bởi Frédéric Malle, Kilian Hennessy… không biết thiết kế vẽ vời quần áo, họ chỉ biết tạo ra mùi hương. Thuần chất. Niche perfume là dòng nước hoa hiếm có khó tìm, không thể dễ dàng tìm thấy ở các shop duty free, cũng không thể có trên những trang web bán hàng loạt nước hoa từ khắp nơi, không rõ nguồn gốc. Và những nhà niche perfume, họ không đặt lợi nhuận lên hàng đầu như những designer perfume kia (không quảng cáo rầm rộ, không có một ngôi sao làm gương mặt của thương hiệu đứng nhún nhảy lúng liếng trong clip quảng cáo hay những áp-phích dán kín đặc ngoài đường hay trong bến xe). Những nhà niche perfume đặt chất lượng lên trên số lượng. Tiêu chí cao nhất của họ là sáng tạo ra những mùi hương trường tồn cùng thời gian, cứ thế lan tỏa và vẽ nên cho bất kì ai ngửi thấy những bức tranh sống động mới lạ, vô vàn màu sắc và không thể quên. Niche nằm ngoài thế giới của những nhãn hiệu nước hoa designer, được sản xuất bởi những hàng thời trang nổi tiếng để đánh vào tâm lý chuộng hàng hiệu của đa phần mọi người. Nước hoa designer có đủ loại được sản xuất theo mùa, theo giới tính, theo trào lưu… Niche lại đề cao nghệ thuật và sự sáng tạo của thế giới mùi hương. Niche được làm ra bởi những người nghệ sĩ chân chính.