THẨM QUYỀN CỦA KINH THÁNH, GIÁO TRÌNH CƠ ĐỐC GIÁO DỤC PDF

Summary

This document is an academic paper discussing the authority of the Bible and its role in Christian education. It examines the importance of the Bible as a foundational text and explores its application within educational contexts. The paper offers different points of view on understanding and applying scripture in a teaching setting.

Full Transcript

Bài Học 5 THẨM QUYỀN CỦA KINH THÁNH, GIÁO TRÌNH CƠ ĐỐC GIÁO DỤC Mục đích bài học: Giúp học viên hiểu được thẩm quyền của Kinh Thánh, ý nghĩa của giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục, và vai trò trung tâm của Kinh Thánh trong một giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục. Mục tiêu bài học: Sau khi học xong bài này, học viên...

Bài Học 5 THẨM QUYỀN CỦA KINH THÁNH, GIÁO TRÌNH CƠ ĐỐC GIÁO DỤC Mục đích bài học: Giúp học viên hiểu được thẩm quyền của Kinh Thánh, ý nghĩa của giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục, và vai trò trung tâm của Kinh Thánh trong một giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục. Mục tiêu bài học: Sau khi học xong bài này, học viên có thể: Trình bày thẩm quyền giáo dục của Kinh Thánh. Trình bày ý nghĩa của giáo trình theo nghĩa hẹp và rộng. Trình bày những nguyên tắc căn bản khi áp dụng Kinh Thánh vào việc xây dựng giáo trình cho mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục. Trình bày những nguyên tắc khi soạn thảo hoặc chọn lựa giáo trình cho một lớp học. Nội dung bài học: Từ những bài học trước, chúng ta có thể rút ra một kết luận tổng quát: nhiệm vụ của Cơ Đốc Giáo Dục là nhằm giúp cho “học viên” nhận biết Đức Chúa Trời và ý muốn cũng như chương trình của Ngài dành cho con người, đào tạo họ trở nên những Cơ Đốc Nhân trưởng thành theo mẫu mực của Chúa Giê-xu hầu cho họ có thể đáp ứng lại sự nhận biết Đức Chúa Trời đó bằng một đời sống thiện hảo trong một mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời và với những người chung quanh. Có hai điều chúng ta cần phải khẳng định ở đây. Trước hết, Kinh Thánh là mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời để qua đó con người có thể biết được Đức Chúa Trời, biết về chương trình cứu chuộc của Ngài dành cho con người, và biết Ngài muốn con người sống một đời sống công chính như thế nào qua sự tự bày tỏ chính mình Ngài qua con người và chức vụ của Chúa Giê-xu. Thứ hai, việc đào tạo tín hữu để họ trở thành những Cơ Đốc Nhân ngày càng giống như Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là một chương trình ngắn hạn mà là một quá trình lâu dài suốt đời. Quá trình đào tạo này phải theo một trình tự giảng dạy có hệ thống mà ở đây chúng ta tạm gọi là giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục. Một điều rất dễ nhận ra là để đạt được mục đích của Cơ Đốc Giáo Dục đề cập đến ở trên, một giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục hiệu quả phải hoàn toàn dựa trên nền tảng chính là Kinh Thánh, mặc dù chúng ta thừa nhận rằng mặc khải tổng quát của Đức Chúa Trời trong tự nhiên cũng góp một phần nhất định trong việc tăng hiệu quả của giáo trình. Kinh Thánh phải là sách giáo khoa chính của Cơ Đốc Giáo Dục, nhưng vì tính chất mênh mông của Kinh Thánh, người giáo viên Cơ Đốc cần phải biết tổ chức sắp xếp tiến trình truyền đạt những điều dạy dỗ của Kinh Thánh theo một trình tự có hệ thống và phù hợp với trình độ cũng như hoàn cảnh của học viên. Trong những chương sau đây, chúng ta sẽ học biết về thẩm quyền của Kinh Thánh, khái niệm căn bản về giáo trình, và những nguyên tắc để xây dựng một giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục hiệu quả. 1. Thẩm quyền của Kinh Thánh Kề từ thời kỳ Cải chánh Giáo Hội (Reformation) và với sự ra đời của học thuyết sola scriptura (chỉ Kinh Thánh mà thôi), Kinh Thánh đã chiếm vai trò trung tâm trong đời sống của giáo hội Tin Lành (Protestant). Tín hữu Tin Lành chúng ta tin rằng: - Kinh Thánh là mặc khải đặc biệt về chính mình Ngài của Đức Chúa Trời cho nhân loại - Kinh Thánh trong nguyên bản hoàn toàn được thần cảm bởi Đức Chúa Trời. - Khi được giải thích và hiểu một cách đúng đắn, Kinh Thánh có đầy thẩm quyền, chẳng những trong lãnh vực niềm tin và sống đạo nhưng còn cả trong lãnh vực lịch sử và khoa học. - Những phương tiện giải nghĩa Kinh Thánh thích hợp, bao gồm cả một sự hiểu biết về những nguyên tắc phê bình Kinh Thánh đúng đắn của cả ngành hạ phê bình (phê bình bản văn) và thượng phê bình (phê bình lịch sử, phê bình văn chương) chính thống, rất cần thiết cho việc đọc và hiểu Kinh Thánh một cách hoàn toàn hơn. a. Kinh Thánh là sự tự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời Chúng ta công nhận rằng con người có thể biết phần nào về Đức Chúa Trời khi nghiên cứu những mặc khải tổng quát của Ngài trong cõi tự nhiên. Nhưng chúng ta khẳng định rằng Kinh Thánh chính là mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời được viết ra và ban cho nhân loại với mục đích cung cấp sự hiểu biết cần thiết và rõ ràng nhất để nhờ đó con người có thể bước vào sự cứu rỗi, đáp ứng lại sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và sống theo một tiêu chuẩn đạo đức đẹp lòng Ngài. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng khi chúng ta nói Kinh Thánh là mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời thì điều này không có nghĩa là một sự thông suốt Kinh Thánh đồng nghĩa với sự thông biết hoàn toàn về Đức Chúa Trời. Ngài siêu việt hơn tất cả những gì chúng ta có thể hiểu được về Ngài qua những mặc khải về Ngài. Tuy vậy, sự siêu việt của Đức Chúa Trời không cản trở việc Ngài đã hạ mình xuống và bày tỏ chính Ngài cho nhân loại qua thân vị của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là cực điểm của sự tự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời, là trung tâm điểm của cả Kinh Thánh, và là mực thước lý tưởng để Cơ Đốc Nhân noi theo. Trong Đức Chúa Giê-xu, Đức Chúa Cha được bày tỏ một cách hoàn toàn nên chúng ta không cần thêm một mặc khải đặc biệt nào sau Chúa Giê-xu cả. Điều này không có nghĩa là kinh nghiệm thuộc linh cá nhân của chúng ta là không giá trị hoặc chỉ là tưởng tượng (nhất là những kinh nghiệm có tính cách “siêu hình”), nhưng có nghĩa là chúng ta cần đo lường những kinh nghiệm đó dựa vào những “tiêu chuẩn” của mặc khải đã được ghi lại trong Kinh Thánh. b. Sự thần cảm (inspiration) và tính vô ngộ (inerrancy) của Kinh Thánh Chúng ta khẳng định rằng Kinh Thánh được sự thần cảm hay “hà hơi” của Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3: 16). Kinh Thánh đã được bốn mươi trước giả viết ra dưới sự cảm động của Thần Đức Chúa Trời. Nhưng bốn mươi trước giả này là những con người khác nhau, sống trong những thời đại và bối cảnh xã hội khác nhau, viết cho những lý do và độc giả khác nhau. Các trước giả này dùng những văn thể khác nhau như văn ký thuật, thơ, châm ngôn, sấm truyền, lý luận, v.v..., và văn phong của họ cũng hoàn toàn khác nhau. Những điều này cho chúng ta hiểu rằng khi nói “Kinh Thánh được sự thần cảm của Đức Chúa Trời” không có nghĩa là những trước giả này được Đức Chúa Trời đọc cho chép một cách máy móc như viết chính tả, nhưng Ngài đã cho phép họ dùng ngôn ngữ và văn hóa của họ để diễn đạt những mặc khải mà họ đã nhận được. Đại đa số thần học gia đều đồng ý rằng sự thần cảm này được áp dụng cho những bản văn nguyên thủy. Phần lớn các bản văn nguyên thủy của Kinh Thánh được viết bằng tay trên cuộn da (vellum) hoặc giấy chỉ thảo (papyrus). Khi muốn lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phổ biến rộng rãi từ hội thánh này sang hội thánh khác, người ta chép thành những bản sao khác từ bản nguyên thủy. Khi muốn lưu truyền xa hơn nữa, người ta lại làm thêm những bản sao từ bản sao trước đó. Quá trình này rất công phu và cực nhọc và do đó không thể nào tránh được những lỗi sao chép, nhất là khi trãi qua nhiều lần sao chép sau này (như ta thường nói “tam sao thất bổn”). Ví dụ, người sao chép có thể sơ ý bỏ quên một dấu chấm hoặc một nét nhỏ khi sao lại một chữ ở bản văn nguyên thủy, và điều này trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp có thể làm thay đổi ý của cả một câu văn. Đôi khi, người sao chép trước thêm một vài chữ ghi chú bên lề và người sao chép sau lại đặt vào trong câu văn chính. Từ những lý do đó, chúng ta thừa nhận rằng mặc dù những bản văn của Kinh Thánh được bảo tồn rất tốt, sự biến thể ít nhiều của bản văn là một thực tế. Học giả Bahnsen của Thánk Kinh Hội Quốc Tế nhận xét: “Không có gì ngớ ngẩn khi nói rằng một bản văn vô ngộ đã được lưu truyền một cách không chính xác (qua những bản sao), và sự kiện một bản sao là bản sao của Kinh Thánh không thể bảo đảm là nó không chứa đựng những sai sót.” Tuy nhiên, công trình sao lục và nghiên cứu của Thánh Kinh Hội Quốc Tế, của những cơ quan khảo cổ, và cả những học giả độc lập đã đem lại những kết quả hết sức khích lệ. Hàng chục ngàn bản sao cổ của những sách trong Kinh Thánh—từ những mảnh vụn nhỏ cho đến bản sao của cả một sách hay nhiều sách cùng một lúc—đã được tìm thấy, trong đó có sự khám phá Cuộn Biển Chết gần đây. Khi đối chiếu những bản sao này với nhau và với quyển Kinh Thánh chúng ta đang dùng hiện nay, các học giả tin rằng chúng ta đang sử dụng một bản Kinh Thánh khá chính xác so với nguyên bản, mặc dù vẫn còn phải được hiệu đính lại đôi chút dựa trên những khám phá mới nhất. Do đó, chúng ta có thể sử dụng bản Kinh Thánh chúng ta đang có trong tay với một sự tin cậy hoàn toàn. Các nhà giải kinh học cũng thừa nhận rằng có những nan đề có vẻ khó hòa giải khi đi sâu vào việc nghiên cứu Kinh Thánh. Nhưng phần lớn những nan đề này xuất hiện là do sự hiểu lầm về thể loại văn chương mà trước giả đã dùng hoặc nền văn hóa của chính trước giả đó. Ví dụ, thơ là một thể loại văn chương có tính ẩn dụ hoặc hình bóng hơn là có tính mô tả thực tại. Vì vậy, không thể nào lấy một điều được diễn tả trong một câu thơ để gán ghép với một chân lý khoa học (những người phản bác Kinh Thánh thường dùng cách này để “chứng minh” rằng Kinh Thánh không đáng tin cậy). Cũng một cách như vậy, những mệnh đề có tính cường điệu (hyperbolic statement) được sử dụng trong văn thể hùng biện cũng thường được những người sống trong thời kỳ khoa học hiện đại diễn dịch là “thiếu chính xác.” Thực ra, những mệnh đề như vậy rất dể dàng được hiểu trong một nền văn hóa khác như là một cách nói (figure of speech), một cách nói không cần phải bám cứng nhắc vào thực tại để diễn đạt một chân lý. Do đó, những sai lầm hoặc nan đề không phải là của chính bản thân Kinh Thánh mà là của những người giải thích Kinh Thánh khi họ dựa trên một số kiến thức nông cạn về văn thể hoặc về nền văn hóa của các trước giả Kinh Thánh, nhất là khi họ cố ý bài bác Kinh Thánh. Chúng ta cũng công nhận rằng thuật ngữ “vô ngộ” là một từ ngữ thường bị hiểu lầm khi dùng để mô tả tính chất của Kinh Thánh. Nên hiểu rằng từ ngữ “vô ngộ” chỉ đơn giản là sự khẳng định tính chất hoàn toàn đáng tin cậy và hoàn toàn đúng với chân lý của Kinh Thánh. Học giả Feinberg nêu ra tám điểm cần lưu ý khi dùng từ ngữ “vô ngộ”: - Vô ngộ không đòi hỏi sự bám sát một cách cứng nhắc vào luật văn phạm - Vô ngộ không loại bỏ cách dùng những cách nói đặc biệt (figure of speech) hoặc những thể loại văn chương đặc biệt - Vô ngộ không đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối về lịch sử hoặc ngữ nghĩa học (semantics) - Vô ngộ không đòi hỏi cách dùng ngôn ngữ kỹ thuật của khoa học hiện đại - Vô ngộ không đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối từng chữ khi những trước giả Tân Ước trích dẫn Cựu Ước - Vô ngộ không có nghĩa là các trước giả Tân Ước ghi lại chính xác từng chữ một trong những câu nói của Chúa Giê-xu, nhưng họ chỉ ghi lại cái tinh túy của những lẽ thật được phán ra bởi Ngài mà thôi - Vô ngộ không có nghĩa là những sự kiện xảy ra được ghi chép lại một cách toàn bộ, cặn kẻ, và không thiếu một chi tiết nào - Vô ngộ không đòi hỏi sự “vô ngộ” của những tài liệu được các trước giả Kinh Thánh sử dụng Thần học gia Bloesch khuyến cáo rằng chúng ta không nên để triết học thực dụng hiện đại và khoa học đương thời áp đặt những khái niệm của chúng trên định nghĩa của khái niệm “vô ngộ” hiểu từ quan điểm Kinh Thánh. Ông nhấn mạnh: “Thuyết vô ngộ khẳng định rằng khi được giải thích một cách đúng đắn, Kinh Thánh là hoàn toàn đúng trong những phạm trù mà Kinh Thánh muốn nói đến, theo một mức độ chính xác đã được dự định sẵn.” Lý thuyết vô ngộ, khi được hiểu một cách đúng mức, sẽ khuyến khích người đọc tìm kiếm cho bằng được toàn bộ chân lý chứa đựng trong Kinh Thánh, với một ý thức rằng còn có những bí ẩn phải được khám phá. Lý thuyết này không “kềm chế” chân lý nhưng thừa nhận rằng có một nguồn chân lý tuyệt đối và đáng tin cậy cần phải được khám phá qua những dòng chữ của Kinh Thánh. Sự khám phá chân lý này sẽ có kết quả lớn lao nếu được sự hỗtrợ đúng mức của những ngành phê bình như phê bình bản văn, phê bình văn chương, phê bình lịch sử mang tính cách xây dựng. 2. Giáo trình là gì? Chữ giáo trình trong tiếng Anh là curriculum. Từ ngữ curriculum xuất xứ từ động từ La-tinh là currere có nghĩa là chạy. Theo nghĩa đen, giáo trình (curriculum) có nghĩa là một quãng đường để chạy. Trong thế giới học đường, nghĩa đen của “quãng đường chạy” được mở rộng để dùng với một nghĩa bóng là “một tiến trình học tập hoặc huấn luyện tại học đường.” Hơn thế nữa, tiến trình này phải đi đôi với một chủ đề hoặc một nội dung giảng dạy nhất định. Định nghĩa đơn giản về giáo trình này đã được dùng lần tiên tại Đại Học Glasgow từ năm 1633. Thực ra, định nghĩa về giáo trình của những nhà giáo dục trong những năm gần đây đã trở nên phức tạp và đa dạng hơn nhiều. Có những nhà giáo dục đặt trọng tâm vào kinh nghiệm. Ví dụ, Howard Colson và Raymond Rigdon đã định nghĩa giáo trình là “toàn thể những kinh nghiệm học tập trong một hoàn cảnh địa phương.” Iris Cully định nghĩa là “tất cả những kinh nghiệm học tập (trong cả cuộc đời).” William Pinar gọi giáo trình là “kinh nghiệm trong bối cảnh giáo dục.” Một số nhà giáo dục khác thì nhấn mạnh vào khái niệm một quá trình. D. Campbell Wyckoff định nghĩa giáo trình là “một băng tần truyền thông (channel of communication) được vận dụng một cách cẩn thận trong mục vụ giáo dục của hội thánh để qua đó niềm tin Cơ Đốc và đời sống Cơ Đốc được học viên hiểu biết, chấp nhận, và sống theo.” Lại có những nhà giáo dục thì đặt trọng tâm vào môi trường. MacKenzie định nghĩa giáo trình là “sự tiếp cận của học viên với những khía cạnh đa dạng của một môi trường mà môi trường này đã được sắp đặt trước theo phương hướng chung của học đường.” Một số các nhà giáo dục khác thì kết hợp tất cả những trọng tâm trên trong khi định nghĩa về giáo trình. Tuy có sự khác nhau về trọng tâm trong những định nghĩa trên về giáo trình, điều giống nhau là tất cả định nghĩa này đều nói về một giáo trình được áp dụng trong bối cảnh học đường hay lớp học. Trong vòng cộng đồng Cơ Đốc Giáo, ý nghĩa của giáo trình cũng đã phát triển và trãi qua nhiều thay đổi. Từ thập niên 1880, mục sư John Vincent của Hội Thánh Giám Lý và tín hữu B.F. Jacobs của Hội Thánh Báp Tít đã đề xướng một giáo trình gọi là “Toàn Thể Kinh Thánh.” Ước mơ của họ là có một chương trình giảng dạy bao gồm những bài học Kinh Thánh thống nhất được dùng cho tất cả mọi học viên từ già đến trẻ. Kết quả của công việc của họ là “Loạt Bài Học Thống Nhất” (Uniform Lesson Series). Đây là một loạt bài học tiêu chuẩn cho Trường Chúa Nhật mà trong đó những đề tài Kinh Thánh được trình bày thường xuyên trong năm. Trong loạt bài học này cũng có những hướng dẫn hữu ích cho giáo viên và câu gốc cho học viên. Giáo trình được biên soạn theo cách này đã thành công lớn sau sự khởi xướng của hai vị nói trên, và ảnh hưởng của nó vẫn còn mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay. Trong vòng giáo hội Công Giáo, một sự khởi xướng tương tự như vậy cũng đã xảy ra vào năm 1884. Tại hội nghị ở Baltimore, các giám mục Công Giáo đã chấp thuận một “giáo trình,” không phải là “loạt bài học Kinh Thánh thống nhất” như giáo hội Tin Lành nhưng là một “loạt bài học giáo lý thống nhất” (uniform catechism) dùng cho tất cả các tín hữu Công Giáo. Thành công của giáo trình này trong vòng giáo hội Công Giáo cũng tương tự như “Loạt Bài Học Kinh Thánh Thống Nhất” trong vòng giáo hội Tin Lành. Sự thành công của hai loại giáo trình kể trên đã dần dần đưa ý nghĩa của giáo trình thành “một tài liệu in sẵn trong đó những phân đoạn Kinh Thánh được biên soạn và thiết kế sao cho có thể giúp học viên biết Kinh Thánh và vâng giữ tiêu chuẩn luật pháp của Kinh Thánh.” Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, các nhà Cơ Đốc Giáo Dục đã chỉ ra sự hẹp hòi trong cách hiểu về giáo trình như vậy. Giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục không chỉ là những loạt bài học Trường Chúa Nhật hay giáo lý được soạn sẵn. Học viên không chỉ “học” ở những loạt bài học này mà họ còn học ở mọi khía cạnh khác của sinh hoạt hội thánh như thờ phượng, làm chứng, thông công, phục vụ, v.v... Nói một cách khác, mọi mặt sinh hoạt của hội thánh đều có tính giáo dục và đều phải là một phần của “giáo trình.” Trong khi vẫn đánh giá cao định nghĩa của “giáo trình thu hẹp” (giới hạn trong bối cảnh lớp học Trường Chúa Nhật hay các lớp học Kinh Thánh), các nhà Cơ Đốc Giáo Dục hiện nay kêu gọi các hội thánh cần phải xây dựng một “giáo trình toàn diện” trong đó mọi mặt sinh hoạt của hội thánh từ việc dạy Kinh Thánh trong các lớp học, giảng Kinh Thánh trên bục giảng, cho đến việc truyền bá Tin Lành hoặc công tác từ thiện phục vụ xã hội phải được tổ chức một cách hài hòa để hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhắm một mục tiêu chung là nhằm đào tạo tín hữu trở thành những Cơ Đốc Nhân trưởng thành. Khi mọi mặt sinh hoạt của hội thánh được tổ chức một cách hài hòa và có chủ đích giáo dục như vậy, hiệu quả của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục sẽ cao hơn nhiều. Hội thánh chẳng những là nơi mà học viên nhận được những điều dạy dỗ của Kinh Thánh mà còn là một nơi an toàn để họ có thể thực hành những lời dạy của Chúa trong một môi trường của tình yêu thương Cơ Đốc. Khi “giáo trình” được mở rộng như vậy, Cơ Đốc nhân chẳng những biết và giải thích được lời Chúa một cách lý thuyết (nhờ những lớp học) mà còn có thể sống và làm theo lời Chúa một cách hiện thực (nhờ những cơ hội thực tế mà hội thánh đã tạo điều kiện). Chẳng hạn, các cháu thiếu nhi có thể học về “tình yêu thương” một cách lý thuyết trong các lớp học hay khi nghe mục sư giảng, nhưng một chương trình “recycle” kêu gọi các cháu thu góp lon nhôm hay bình nhựa plastic để gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt là một cách giúp các cháu hiểu được tình yêu thương một cách thực tiển. Một cách tương tự, học viên có thể học để có những “kiến thức” về Đức Thánh Linh trong các lớp học, nhưng học viên sẽ “kinh nghiệm” về sự hiện diện của Đức Thánh Linh một cách sống động trong một chương trình thờ phượng đầy ơn Chúa. Tóm lại, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của một “giáo trình thu hẹp,” tức là một chương trình giảng dạy Kinh Thánh hoặc giáo lý trong các lớp học. Nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu ý nghĩa của “giáo trình toàn diện,” tức là toàn bộ sinh hoạt của hội thánh. Nhìn chung, giáo trình thu hẹp “dạy” một cách trực tiếp trong khi giáo trình toàn diện “dạy” một cách gián tiếp. Giáo trình thu hẹp là một phần của giáo trình toàn diện. Điều này có nghĩa là những điều chúng ta dạy phải được sắp xếp hài hòa với hoạt động, mục đích, sứ mạng, và khải tượng của hội thánh hầu cho tất cả đều kết hợp chặc chẽ với nhau nhằm giúp việc đào tạo Cơ Đốc nhân trưởng thành đạt đến kết quả tối ưu. 3. Kinh Thánh và Giáo Trình a. Vai trò của Kinh Thánh trong giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục Như trên đã nói, mục đích của Cơ Đốc Giáo Dục là nhằm giúp học viên nhận biết Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài đối với con người để từ đó có thể đáp ứng lại sự nhận biết đó bằng đức tin nơi Cứu Chúa Giê-xu và sống một đời sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời được bày tỏ một cách trọn vẹn qua chức vụ và cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu. Tất cả những điều này đã được truyền đạt cho con người một cách rõ ràng trong Kinh Thánh. Do đó, Kinh Thánh phải là nội dung của giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục. Tuy nhiên, những điều dạy dỗ của Kinh Thánh thật là bao la, cho nên việc truyền đạt những điều dạy dỗ này cần phải được thực hiện một cách có hệ thống. Khi giáo viên xây dựng một chương trình để truyền đạt những điều dạy dỗ của Kinh Thánh một cách có hệ thống là người đó đang xây dựng một giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục. Những kiến thức về Kinh Thánh và những bài học giáo lý căn bản cần phải được dạy từ thấp lên cao, tùy theo trình độ của từng nhóm học viên. Việc một học viên từ lúc mới tin Chúa cho đến khi trưởng thành trong đức tin là một quá trình lâu dài, có khi kéo dài cả một đời người. Do đó, giáo trình Cơ Đốc Giáo Dục cũng phải là một giáo trình cho cả một cuộc đời Cơ Đốc Nhân. Tuy vậy, việc xây dựng và phát triển một giáo trình như vậy sẽ trở thành quá tổng quát và tản mạn. Nó cần phải được chia ra nhiều giai đoạn. Chúng ta cần phải xây dựng những giáo trình cụ thể cho những giai đoạn như vậy, miễn là chúng ta nhớ rằng mỗi “giáo trình giai đoạn” (giáo trình thu hẹp) là một bậc thang nối tiếp nhau trong “giáo trình toàn diện” để đưa học viên đến sự trưởng thành thuộc linh—ngày càng giống Chúa Giê-xu hơn. Trọng tâm của bài học này là việc xây dựng giáo trình dạy trực tiếp trong một lớp học (giáo trình giai đoạn hay giáo trình thu hẹp), nhưng người giáo viên Cơ Đốc cần nhớ rằng mọi hoạt động của hội thánh đều mang tính chất giáo dục. Một giáo trình trực tiếp sẽ đạt kết quả cao khi nó biết tận dụng những sự hỗ trợ của các hoạt động khác. Dựa theo Thánh Kinh, những hoạt động trong hội thánh có thể xếp vào năm nhóm khác nhau (nhưng liên quan chặt chẽ với nhau): Công bố Phúc Âm (kerygma), dạy dỗ (didache), thờ phượng (leiturgia), thông công (koinonia), và phục vụ (diakonia). Những hoạt động này được đề cập đến một cách khá đầy đủ trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2: 32, 42 – 45: “Đức Chúa Giê-xu này, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó (kerygma)... Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ (didache), sự thông công của anh em (koinonia), lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện (leiturgia)... Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người (diakonia).” Học viên “học trực tiếp” từ mục vụ giáo dục (didache), nhưng cũng “học gián tiếp” qua các mục vụ khác của hội thánh. Vì lý do đó mà nhà Cơ Đốc Giáo Dục Maria Harris đã đề nghị các hội thánh nên chú ý chẳng những đến việc xây dựng giáo trình giáo dục trong các lớp học (giáo trình didache) mà còn phải chú ý đến việc xây dựng và sắp xếp một cách hài hòa các giáo trình kerygma, giáo trình koinonia, giáo trình leiturgia, và giáo trình diakonia. Hiệu quả của việc học của học viên sẽ đạt đến mức cao nhất nếu năm “giáo trình” này của hội thánh được sắp xếp hài hòa và đồng bộ với nhau. b. Giáo trình và hình thức giảng dạy Như đã đề cập đến ở trên, mục vụ “dạy” một cách trực tiếp trong hội thánh qua các lớp học hay những bối cảnh tương tự được mô tả bằng từ ngữ Hy-lạp didache. Trong khi thi hành chức vụ của Ngài, Chúa Giê-xu đã được xưng là một giáo sư (rabbi, didaskale, epistata). Cần nên biết rằng trong thời kỳ Hội Thánh Đầu Tiên, một văn kiện giáo dục quan trọng đã được truyền bá rộng rãi là The Didache (xin đừng nhầm lẫn danh từ chung didache với danh từ riêng The Didache). Nghĩa đen của từ ngữ The Didache là “Lời Dạy của Các Sứ Đồ.” Kinh Thánh đã đề cập đến “lời dạy của các sứ đồ” này rất sớm trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ (2: 42). Mục vụ giảng dạy trực tiếp trong hội thánh cũng có chức năng giống như Torah đối với dân tộc Y-sơ-ra-ên của thời Cựu Ước: Cung cấp hướng đi, chỉ dẫn, kiến thức thuộc linh cho tín hữu trên hành trình đức tin của họ. Trong lịch sử của Hội Thánh, mục vụ này đặt trọng tâm vào Chúa Giê-xu: sự hóa thân thành người, cuộc đời, sự thương khó, sự chết, và sự phục sinh của Ngài. Những lẽ đạo căn bản được kết tinh trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ cũng là những phần quan trọng của sự dạy dỗ. Học viên cũng được học cách cư xử theo tiêu chuẩn đạo đức được truyền dạy qua Kinh Thánh khi họ sống trong cuộc sống hàng ngày. Đây là quá trình áp dụng đức tin vào đời sống thực tại. Một bước tiếp theo của quá trình này là học viên được khuyến khích để dùng Phúc Âm mang đến sự thay đổi sâu xa trong xã hội mà họ đang sống. Chúng ta cũng cần nên biết một từ ngữ quan trọng nói về việc dạy giáo lý là catechesis (nghĩa đen là chuyển giao những gì đã nhận được). Qua Hê-bơ-rơ 6:1, chúng ta có thể biết phần nào nội dung căn bản của catechesis vào thời kỳ đầu tiên của lịch sử Hội Thánh: sự cải đạo (trở lại đầu phục Chúa), đức tin nơi Đức Chúa Trời, giáo lý báp têm, phép đặt tay, sự sống lại của thân thể, sự phán xét đời đời. Dần dần, catechesis được hiểu theo một ý nghĩa hẹp hơn như là việc dạy giáo lý căn bản cho ứng viên (người lớn) sắp nhận lễ báp-têm. Sau đó, catechesis lại còn được chia ra làm hai giai đoạn: Lớp giáo lý “tiền báp-têm” (baptismal catechesis) và giáo lý “bí tích” (mystagogical catechesis). Nhưng đến khi hội thánh không cần chú ý nhiều đến việc làm báp-têm cho ứng viên người lớn nữa (vì phần lớn là báp-têm cho trẻ em) và trẻ em trở thành đối tượng chính của việc dạy dỗ giáo lý, từ ngữ catechesis dần dần biến mất trong giáo hội. Mãi cho đến phong trào Cải Chánh giáo hội khởi xướng bởi Martin Luther (Reformation) và phong trào Đối Cải Chánh (Counter-Reformation) trong giáo hội Công Giáo vào thế kỷ 16, thì tầm quan trọng của catechesis mới lại được thừa nhận. Hiện nay, catechesis có thể hiểu là một hoạt động dạy dỗ bao gồm việc truyền thụ những chỉ dẫn thiết yếu về đức tin cho tân tín hữu và việc truyền đạt kiến thức Kinh Thánh. Dù từ ngữ này thường được dùng trong những giáo hội thiên về truyền thống (high hoặc liturgical churches như Lutheran, Episcopal, v.v...) và ít khi được đề cập đến trong những giáo hội “tự do” (low churches như Báp-tít, Cải Cách, Mennonite, Ngũ Tuần, v.v...), nhưng ý nghĩa của catechesis như là việc dạy dỗ những điều căn bản về đức tin cho tân tín hữu hiện đang được áp dụng trong tất cả các giáo hội Cơ Đốc Giáo một cách rộng rãi. Một hình thức “dạy dỗ” trực tiếp quan trọng khác trong hội thánh là sự thuyết giảng của mục sư. Mặc dù, sự “giảng” của mục sư thường được hiểu là khác với hoạt động “dạy” của giáo viên trong lớp học. Nhưng sự phân biệt này có tính cách máy móc và khá sai lầm, xuất phát từ khuynh hướng chuyên môn hóa hay phân ngành (departmentalism) của thời kỳ hiện đại. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng sự thuyết giảng của chính Chúa Giê-xu vừa mang tính chất “giảng Đạo” (kerygma) nhưng cũng vừa mang tính chất “dạy Đạo” (didache). Do đó, mục sư cần phải vừa “giảng” vừa “dạy.” Hiểu được điều này, quý tôi tớ Chúa có thể tận dụng thẩm quyền đã được trao cho mình trong chức vụ “người giảng Đạo” để góp phần rất lớn trong mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục của hội thánh. c. Xây dựng hoặc chọn lựa giáo trình Những nguyên tắc cụ thể khi soạn thảo một giáo trình cho một lớp học (giáo trình didache) đã được trình bày khá rõ ràng ở sách Giáo Khoa, chúng ta không cần phải nhắc lại ở đây. Nhưng khi xây dựng và phát triển một giáo trình cho một lớp học trong một giai đoạn nhất định, chúng ta nên để ý những nguyên tắc tổng quát quan trọng được nhà Cơ Đốc Giáo Dục Maria Harris nêu ra: (1) Luôn để ý sự khác biệt giữa một giáo trình của một lớp học và giáo trình toàn diện (bao gồm mọi sinh hoạt của hội thánh); (2) giáo trình của một lớp học là một phần của giáo trình toàn diện, nó cần được kết hợp một cách hài hòa với những sinh hoạt khác của hội thánh vì giáo viên hiểu rằng học viên có thể “học” qua nhiều “băng tần” (channel) khác nhau và học một cách hiệu quả nhất khi những băng tần này được phối hợp một cách hài hòa; (3) chủ đề của một giáo trình có nhiều lớp khác nhau, chúng ta chỉ “khai quật” từ từ, hết lớp này đến lớp khác; (4) một giáo trình cần phải vừa truyền đạt được chân lý vĩnh hằng vừa phản ánh được những thực tế xảy ra trong đời sống hàng ngày của học viên và trong xã hội chung quanh; (5) giáo trình chẳng những phải chú ý đến nội dung giảng dạy mà còn phải chú ý đến phương cách được dùng để truyền đạt nội dung đó. Người giáo viên Cơ Đốc cần phải biết vận dụng những nguyên tắc căn bản đã nêu ra trong sách Giáo Khoa và những nguyên tắc tổng quát được đề cập đến ở đây để xây dựng một giáo trình hầu đáp ứng nhu cầu của học viên trong lớp mình. Nhưng đây không phải là cách duy nhất để chúng ta có được một giáo trình giảng dạy. Hiện nay trên “thị trường” tài liệu Cơ Đốc Giáo Dục, có những giáo trình rất tốt được soạn thảo bởi những soạn giả đầy ơn Chúa. Giáo viên có thể chọn những giáo trình được soạn sẵn này để dùng. Tuy nhiên, khi chọn một giáo trình, giáo viên cần để ý xem giáo trình này có thích hợp hay không. Sau đây là một số đề nghị về những điểm cần lưu ý: (1) Giáo trình này có “đòi hỏi” cả giáo viên và học viên sử dụng Kinh Thánh hay không? (2) Kinh Thánh có được trình bày đúng với bối cảnh lịch sử hay không? (3) Giáo trình có đưa học viên đến một mối quan hệ riêng tư với Chúa Giê-xu hay không? (4) Mục tiêu của giáo trình có được xác định rõ ràng và có thể đo lường được hay không? (5) Giáo trình có phù hợp với nền văn hóa của học viên hay không? (6) Những bài học trong giáo trình có liên hệ trực tiếp đến những biến cố hay kinh nghiệm của học viên trong đời sống thường nhật hay không? (7) Phương pháp giảng dạy có đa dạng và tận dụng hết những băng tần học tập của học viên như nghe, nhìn, vận động hay không? (8) Những bài học có khích lệ mọi học viên tham gia một cách tích cực hay không? (9) Giáo trình có thích hợp với độ tuổi của học viên hay không? Và (10) Những hình ảnh minh họa có hấp dẫn hay không? Khi giáo trình được xây dựng hoặc chọn lựa một cách cẩn thận và mang tính sáng tạo, công tác Cơ Đốc Giáo Dục chẳng những có hiệu quả cao mà còn mang lại niềm vui cho cả giáo viên và học viên trong một lớp học. Sách Giáo Khoa Chương 5 VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG GIÁO TRÌNH Khi học môn sinh học, học sinh sử dụng sách giáo khoa sinh học. Khi học Pháp văn, học sinh sử dụng sách giáo khoa Pháp văn. Trong lớp học Kinh Thánh, học sinh sử dụng Kinh Thánh là sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi học Pháp văn hay sinh học, học sinh có thể lựa chọn và sử dụng nhiều sách giáo khoa khác nhau, không tuỳ thuộc trực tiếp vào một sách giáo khoa nào, trái lại khi học Kinh Thánh, học sinh chỉ tuỳ thuộc vào Kinh Thánh. Sự hiểu biết về Kinh Thánh liên quan trực tiếp đến việc sử dụng Kinh Thánh cách đúng đắn. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới những phương cách giúp chúng ta trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Trước hết chúng ta sẽ thảo luận về bản chất của Kinh Thánh và sau đó tìm hiểu về Kinh Thánh như một giáo trình. Không có một chủ đề nào quan trọng bằng những chủ đề của Kinh Thánh. Không có cuốn sách nào chứa đựng những phước hạnh như Kinh Thánh. Không có cuốn sách nào chỉ cho con người đến sự sống vĩnh cửu. Vì thế, sử dụng Kinh Thánh cách đúng đắn là điều vô cùng quan trọng. BẢN CHẤT CỦA KINH THÁNH 1. Kinh Thánh và sự mặc khải Kinh Thánh là sách ký thuật về những mặc khải của Đức Chúa Trời cho con người. Nếu không có quyển sách ký thuật này về sự mặc khải của Đức Chúa Trời thì nhân loại sẽ biết rất ít hoặc không chính xác về Đức Chúa Trời. Khởi đầu với A-đam và đặc biệt chú ý đến Áp-ra-ham và dòng dõi của ông, Kinh Thánh hướng về Chúa Cứu Thế Giê-xu như là trọng tâm. Có hai loại mặc khải: mặc khải tổng quát và mặc khải đặc biệt. Trong mặc khải tổng quát, sự cao cả và quyền năng của Thượng Đế được mặc khải qua thiên nhiên: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm, ngày này giảng cho ngày kia, đêm này tỏ tự tri thức cho đêm nọ, đây đó chúng nó truyền đến cực địa, nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (Thi Thiên 19:1-2, 4) Sứ đồ Phalô cũng đã minh định chân lý này như sau: “Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (Rô-ma 1:20). Nếu bầu trời đầy sao là mặc khải duy nhất về Thượng Đế cho chúng ta, thì Thượng Đế sẽ rất trừu tượng và xa vời. Kinh Thánh cho thấy Thượng Đế đã tạo dựng con người để Ngài có thể tương giao với con người. Và Ngài đã tạo dựng con người để con người sẽ thờ phượng Ngài với tất cả khả năng tâm linh, trí khôn và ngôn ngữ mà Thượng Đế ban cho họ (Sáng 1:27). Thượng Đế trong Kinh Thánh là Thượng Đế tự mặt khải chính mình. Chìa khoá để hiểu biết Ngài là sự mặc khải trong Kinh Thánh và qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu chính là trọng tâm của Kinh Thánh. Ngài là Lời Hằng Sống của Thượng Đế mà lời thành văn tức là Kinh Thánh làm chứng cho (Giăng 5:39,46). Mục đích đời đời của Thượng Đế bao gồm chương trình cứu chuộc nhân loại. Vậy nên, bắt đầu với A-đam, rồi qua Áp-ra-ham và Môise, chúng ta thấy chương trình cứu rỗi của Thượng Đế hé mở. Thượng Đế đã can thiệp vào lịch sử và tự tỏ mình ra cho dân tộc mà Ngài lựa chọn là Y-sơ-ra-ên để thiết lập một giao ước đặc biệt với họ. Chính là qua Áp-ra-ham và dòng dõi của ông mà sau đó gần 2.000 năm, Đấng Cứu Chuộc đã sinh ra bởi một người nữ. Trong khi nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta không nên quên sứ điệp chính yếu của Kinh Thánh. Chúng ta không nên sa lầy trong chữ nghĩa của Kinh Thánh mà quên rằng Kinh Thánh bày tỏ về Lời Hằng Sống. Những điều ký thuật trong Kinh Thánh là rất quan trọng vì đó là phương cách duy nhất nhân loại có thể hiểu về Thượng Đế. Khi chú giải Rôma 1:16-32, Lawrence Richards đã viết: “Khi thu nhập những dữ kiện về Thượng Đế qua Lời Kinh Thánh, chúng ta kinh nghiệm về Ngài. và khi chúng ta suy niệm về Chúa thì trong kinh nghiệm đó chúng ta nhận biết Ngài” (Lawrence Richards, Creative Bible Teaching, Chicago, ILLinois: Moody Press, 1970, tr. 55). Nhờ Kinh Thánh chúng ta gặp được Lời Hằng Sống là Chúa Giê-xu và Ngài đòi hỏi nơi chúng ta sự đáp ứng. Sự đáp ứng mà Ngài mong muốn đó là sự thay đổi đời sống (IICô-rinh-tô 5:17). Do đó, Kinh Thánh không phải chỉ để nghiên cứu một cách lý thuyết hoặc nghiên cứu chỉ để thu thập kiến thức như chúng ta học một sách giáo khoa về khoa học. Làm như thế là đi ngược lại mục đích mà Kinh Thánh đã được viết ra. Kinh Thánh là một cuốn sách sống động bởi vì khi chúng ta đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ gặp gỡ Lời Hằng Sống và kết quả là chúng ta sẽ được Chúa biến đổi đời sống qua quyền năng của Đức Thánh Linh. 2. Kinh Thánh và sự hà hơi Sự mặc khải có liên quan đến việc tiết lộ nội dung của sứ điệp, còn sự hà hơi có liên quan đến sự ghi chép nội dung đó bởi những người được Đức Thánh Linh hướng dẫn. Lawrence Richards, khi tóm tắt phần giải luận về 1Cô-rinh-to 2:9-13, ông đã viết: “Căn nguyên của sự mặc khải là Đức Thánh Linh. Nội dung của mặc khải là kiến thức về Thượng Đế. Phương tiện của mặc khải là ngôn ngữ. Do đó bức tranh nhất quán của Kinh Thánh là kiến thức về Thượng Đế được ban truyền cho chúng ta trong ngôn ngữ loài người tức là trong chữ viết” (Lawrence Richards, sách đã dẫn, tr.44). Phi-e-rơ đã cho chúng ta biết rõ về phương cách Đức Chúa Trời đã dùng để mặc khải chính Ngài cho chúng ta: “Vì chẳng hề có lời tiên trì nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2Phi-e-rơ 1:21). Kết quả của việc được “cảm động” (linh cảm) bởi Thánh Linh là gì? Kết quả đó là những ý tưởng các tác giả Kinh Thánh viết ra thực sự là bởi Chúa. Hết thảy đều chân thực, chính xác và đầy thẩm quyền. Như thế sự hà hơi (linh cảm) của Kinh Thánh là ảnh hưởng của Đức Chúa Trời trên những tác giả Kinh Thánh để họ viết ra nội dung Kinh Thánh. Khi suy nghĩ về sự tạo dựng vũ trụ (Thi Thiên 33:6), tạo dựng nhân loại để tương giao với Đức Chúa Trời (Sáng 2:7), hay về sự mặc khải bằng lời thành văn (2 Timôthê 3:16), chúng ta thấy rằng tất cả những điều này đều được hoàn thành bởi sự “hà hơi” của Đức Chúa Trời. Vậy nên, sự hà hơi của Kinh Thánh ở cùng một mức độ với sự tạo dựng vũ trụ và con người. Mặc dầu quan niệm “ hà hơi ” (linh cảm) chỉ áp dụng cho những bản văn nguyên thuỷ chứ không áp dụng cho các bản sao chép hoặc bản dịch sau này, khoa phê bình bản văn đã chứng minh rằng việc lưu truyền Kinh Thánh rất chính xác. 3. Kinh Thánh và Cơ đốc Giáo dục Qua những điều vừa trình bày, có ba điều quan trọng đối với các lãnh đạo và giáo viên Cơ đốc giáo dục, đó là giảng dạy lời Chúa, có mối thông công riêng tư với Đức Chúa Trời, và chú trọng đến sự đáp ứng. Điều chúng ta giảng dạy là Đức Chúa Trời. Nội dung của Kinh Thánh vô cùng độc đáo. Kinh Thánh là sứ điệp của Thượng Đế loan truyền cho nhân loại. Để nhận biết Chúa, chúng ta phải biết về Ngài. Một giáo viên dạy Kinh Thánh phải truyền đạt nội dung của Kinh Thánh một cách rõ ràng và đơn giản để học viên có thể hiểu được Lời của Đức Chúa Trời. Mục tiêu của chúng ta là mối thông công cá nhân với Đức Chúa Trời. Ngoài việc được cứu và báp têm bằng nước, chúng ta cần phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh và được Ngài sử dụng để cùng gây dựng thân thể của Đấng Christ. Chúng ta phải được Chúa sử dụng trong việc làm chứng và trongviệc tham gia vào sinh hoạt của Hội Thánh. Chúng ta phải tiến tới bậc thành nhân trong Đấng Christ, bày tỏ những mỹ đức của Ngài. Vậy nên, mục đích của chúng ta trong việc giảng dạy Kinh Thánh không phải chỉ là nắm được những nội dung và dữ kiện trong Kinh Thánh mà còn là giúp các học viên nhận biết Chúa bằng cách trình bày chính kinh nghiệm bản thân của chúng ta. Chúng ta chú trọng đến sự đáp ứng. Sau khi nghe lời Chúa và nhìn thấy sự thực hành lời Chúa trong đời sống chúng ta thì các học viên sẽ có những thay đổi trong đời sống. Qua mỗi bài học, chúng ta cố gắng để đạt được kết quả đó là những đời sống thay đổi, những tâm trí thay đổi mới và sự tăng trưởng thuộc linh. Chúng ta cần kêu gọi sự đáp ứng. Từ ngữ thường xuyên trên môi miệng chúng ta là vâng lời, hành động, ban cho, đọc Kinh Thánh, sống, tin cậy, làm, suy gẫm, cầu nguyện, vui mừng, ca hát, chúc tụng... Những giáo viên chú trọng đến sự đáp ứng thường dùng những từ ngữ đó. 4. Kinh Thánh và việc học thuộc lòng Một loại hình quan trọng trong Cơ đốc giáo dục là học thuộc lòng Kinh Thánh. Trong bài học về Chúa Giê-xu, chúng ta đã thấy vị Giáo sư vĩ đại đã thấm nhuần Kinh Thánh đến nỗi lời nói và ý tưởng của Ngài đã rập theo khuôn mẫu Kinh Thánh. Các Cơ Đốc nhân sẽ nhanh chóng trưởng thành thuộc linh nếu họ có được mối liên hệ với lời của Đức Chúa Trời như thế! Chúng tôi muốn đề nghị một số nguyên tắc giúp cho việc thuộc lòng Kinh Thánh trở nên có ý nghĩa và lâu bền hơn. Những đề nghị này được dành cho cả người trưởng thành lẫn các thiếu nhi. 1. Chọn lựa những câu Kinh Thánh để học thuộc lòng theo đặc tính và nhu cầu của các học viên. Hãy theo các tiêu chuẩn sau đây: a. Học viên có khả năng hiểu được khúc Kinh Thánh đó không? b. Đối với các em thiếu nhi thì phải xem xét ý nghĩa của khúc Kinh Thánh đó có thể được giải thích bằng những từ ngữ cụ thể không? c. Từ ngữ có thích hợp với các thiếu nhi không? d. Khúc Kinh Thánh đó có quá dài không? Chẳng hạn các em tuổi mẫu giáo chỉ có thể học thuộc lòng một phần của câu Kinh Thánh. Thí dụ như “Con cái phải vâng phục cha mẹ”. Thiếu nhi từ 6 đến 8 tuổi có thể học một câu gốc trọn vẹn mà các em đã học từng phần rồi, thí dụ “Hỡi người làm con, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1). Thiếu nhi từ 9 đến 11 tuổi có thể học thuộc lòng một khúc Kinh Thánh dài về một đề tài nào đó chẳng hạn tình yêu thương (1 Cô-rinh-tô 13) hay đức tin (Hê-bê-rơ 11), 10 điều răn (Xuất 20), hay các phước lành (Ma-thi-ơ 5:1-12). 2. Giải thích cho học viên ý nghĩa của khúc Kinh Thánh họ cần học thuộc lòng. Học viên cần phải hiểu được điều họ học thuộc lòng. Hơn nữa người ta dễ học thuộc lòng một đoạn văn có ý nghĩa hơn là một chuỗi từ ngữ vô nghĩa. 3. Sử dụng bản dịch Kinh Thánh quen thuộc. Nên sử dụng bản dịch Kinh Thánh đang được dùng tại Hội Thánh. Người ta dễ ghi nhớ một khúc Kinh Thánh đã được nghe giảng rồi. Việc dùng một bản dịch Kinh Thánh thống nhất là điều quan trọng. 4. Sử dụng dụng cụ nghe nhìn (thị cụ) khi dạy học câu gốc (câu Kinh Thánh căn bản). Tranh vẽ, hình ảnh, bài hát có thể dùng để dạy câu gốc. 5. Nhắc lại câu gốc (câu Kinh Thánh căn bản) trong suốt bài học. Khi câu gốc được lặp đi lặp lại trong suốt bài học một cách tự nhiên, thì đến cuối bài học viên sẽ trở nên quen thuộc với ý nghĩa của câu gốc. 6. Giúp học viên hiểu câu Kinh Thánh đó được áp dụng vào đời sống của họ như thế nào. Mặc dù việc học thuộc lòng Kinh Thánh là rất quan trọng, nhưng điều đó sẽ có rất ít giá trị nếu học viên không áp dụng vào đời sống của họ. Mục đích việc học thuộc lòng Kinh Thánh là nhắm đến sự thay đổi trong đời sống. 7. Đối với thiếu nhi, việc học thuộc lòng Kinh Thánh cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Trong tuần, phụ huynh nên học câu gốc chung với con cái mình. Tốt hơn hết là chính cha mẹ cũng học thuộc lòng câu gốc. Việc học thuộc lòng câu gốc có thể trở thành một chương trình trong gia đình. Sau khi thực hiện một công việc và nhìn thấy kết quả người ta sẽ có niềm vui của sự hoàn thành. 8. Ôn lại câu gốc (câu Kinh Thánh căn bản). Nếu không được ôn lại người ta rất mau quên. Câu châm ngôn “dao năng dùng thì bén” có thể được áp dụng cho việc học thuộc lòng Kinh Thánh. KINH THÁNH NHƯ MỘT GIÁO TRÌNH Giáo trình là gì? Chữ giáo trình được dùng trong nhiều cách. Hai định nghĩa sau đây sẽ giúp ích cho việc nghiên cứu của chúng ta. Giáo trình gồm “Những sinh hoạt của giáo viên và học viên trong việc học Kinh Thánh nhằm mục đích đưa học viên tới sự trưởng thành trong Đấng Christ” (Edwards J. Hakes, An Introduction to Eangelical Christian Education, Chicago, IL.: Moody Press, 1964, p.86). “Giáo trình là một chương trình theo đó tiến trình dạy và học được thực hiện một cách có hệ thống” (Daniel Eleaneor, Introduction to Christian Education, Cincinnati, Ohio: Standard Publishing, 1980, tr.78) Những đặc điểm của một giáo trình có hiệu quả: 1. Giáo trình đặt trọng tâm nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là Lời Hằng Sống như đã được mặc khải trong Kinh Thánh. 2. Giáo trình bao gồm sự giao tiếp và trao đổi (interaction) giữa giáo viên và học viên. 3. Giáo trình bao gồm kế hoạch được soạn thảo cẩn thận bởi mục sư và những người lãnh đạo Cơ Đốc Giáo Dục trong Hội Thánh. Kế hoạch đó phải gồm những chiến lược rộng lớn phù hợp những nhu cầu và khả năng của Hội Thánh. Những mục tiêu cho từng khoá học, từng phần của khoá học và từng bài học phải được minh định. Cần cầu nguyện nhiều và đầu tư thời gian thích đáng cho việc soạn giáo trình. 4. Giáo trình bao gồm những nguyên tắc hay qui luật căn bản trong tiến trình dạy và học (sẽ đề cập rõ hơn trong chương kế tiếp). 5. Giáo trình bao gồm những tài liệu và phương pháp được lựa chọn nhằm giúp đạt được những mục tiêu đã đề ra. Chúng ta phải suy nghĩ và tìm kiếm những phương pháp và tài liệu thích hợp nhất cho việc dạy dỗ từng lứa tuổi. Giáo viên phải có tinh thần sáng tạo. Trong bài học về Chúa Giê-xu, vị giáo sư vĩ đại, chúng ta thấy Ngài đã sử dụng một cách sáng tạo những hình ảnh đơn sơ, tự nhiên để thu hút mọi người, để minh hoạ bài học của Ngài và khích lệ những môn đồ của Ngài theo đuổi những mục tiêu thuộc linh. 6. Giáo trình bao gồm các hình thức bài học. Hình thức bài học có liên quan đến cách thức phối hợp các kinh nghiệm học tập. Xin đề cập ở đây ba hình thức bài học thường được những người soạn giáo trình sử dụng. a. Hình thức bài học thống nhất theo đó tất cả mọi người trong Hội Thánh đều học về một nội dung trong cùng một thời điểm. Điểm thuận lợi là mọi người trong gia đình sẽ học cùng một đề tài trong cùng một thời gian và qua đó tạo nên tinh thần cùng học tập trong gia đình. Điểm bất lợi là có những nội dung quá cao hay không phù hợp đối với các em thiếu nhi. b. Hình thức bài học theo trình độ gồm những loạt bài riêng cho từng độ tuổi gặp lại mỗi 2, 3, 4 hoặc 6 năm. Có những bài học riêng cho thiếu nhi, thanh niên, người lớn. Điểm thuận lợi là nội dung thích hợp với từng lứa tuổi. Điểm bất lợi là nó loại bỏ đề tài chung cho cả gia đình cùng học tập. c. Hình thức bài học tự lựa chọn cho phép mỗi nhóm tự lựa chọn các bài học từ một danh sacùh đề nghị. Hình thức này thường được dành cho những người trưởng thành hay cho lứa tuổi tráng niên. Lợi điểm của hình thức này là cho phép tự do lựa chọn, nhưng điểm bất lợi là nó có thể dẫn đến việc học Kinh Thánh không cân đối. 7. Giáo trình phải được thực hiện trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Công việc của Đức Chúa Trời không thể hoàn tất mà không nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời hành động và chúng ta cùng làm việc với Ngài. Chúng ta là những bạn cùng làm việc của Đức Chúa Trời (1Côrinhtô 3:7). Ngài vui lòng sử dụng chúng ta mặc dù có lúc chúng ta rất yếu đuối. Chúng ta không dập tắt công việc của Đức Thánh Linh bằng những mục tiêu, hình thức, tiến trình, tài liệu và phương pháp của chúng ta. Trái lại, chúng ta nên nhờ cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong khi cân nhắc mọi yếu tố của giáo trình mà chúng ta đề cập ở trên. Tuy nhiên thật là vô lý khi chúng ta đòi hỏi Chúa ban phước cho một bài học được chuẩn bị, sắp xếp, giảng dạy một cách sơ sài, cẩu thả. Với tư cách là những người lãnh đạo và giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục, chúng ta cần không những phải sửa soạn mọi sự chu đáo nhưng chúng ta cũng cần hoàn toàn lệ thuộc vào quyền năng của Đức Thánh Linh. Ngoài Đức Thánh Linh, chúng ta không thể làm được gì cả. Những tiêu chuẩn để lựa chọn các tài liệu học tập Ở nhiều nơi trên thế giới, các tài liệu học tập dùng cho chương trình Cơ Đốc Giáo Dục không có nhiều. Trong hoàn cảnh đó, các Hội Thánh địa phương phải tự soạn các tài liệu. Mặc dù đây là một nhiệm vụ lớn lao nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện được nếu chúng ta tiến hành từng bước và trải qua một thời gian dài. Trong trường hợp đã có sẵn tài liệu chúng ta vẫn không nên nghĩ rằng cứ việc sử dụng các tài liệu đó mà không cần bổ sung, điều chỉnh. Sau đây là một vài chỉ dẫn đối với việc lựa chọn các tài liệu học tập. 1. Tài liệu phải do uỷ ban giáo dục và những người lãnh đạo Hội Thánh địa phương lựa chọn. Như thế sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong Hội Thánh. 2. Các tài liệu này phải đề cao Kinh Thánh như là lời được hà hơi của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải xem qua tựa đề và mục lục của tập tài liệu. Chỉ cần chú ý một chút ở điểm này cũng có thể giúp tránh khỏi vô số khó khăn về sau. 3. Các tài liệu phải thích hợp với các lứa tuổi. Các thí dụ minh hoạ và sự áp dụng phải phù hơp với lứa tuổi học viên. Các tài liệu cần được soạn theo đúng các nguyên tắc giảng dạy bao gồm các dụng cụ nghe nhìn thích hợp, và sử dụng các phương pháp giảng dạy một cách phong phú. 4. Các tài liệu phải dễ sử dụng. Cần có những chỉ dẫn rõ ràng để một giáo viên dầu ít kinh nghiệm cũng có thể đọc và thực hành mà không bị nhầm lẫn. 5. Các tài liệu cần phải có tính hấp dẫn, có phẩm chất tốt, dễ hiểu và được soạn thảo nhằm có thể sử dụng lâu dài. Nhận thức được vai trò của Kinh Thánh trong giáo trình của Hội Thánh, chúng ta càng hiểu hơn lời sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê về vai trò của Kinh Thánh “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (2Ti-mô-thê 2:15).

Use Quizgecko on...
Browser
Browser