🎧 New: AI-Generated Podcasts Turn your study notes into engaging audio conversations. Learn more

CDGD-BA-F01.pdf

Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...

Document Details

VersatileYellow7573

Uploaded by VersatileYellow7573

Tags

christian education religion teaching

Full Transcript

Bài Học 1 CƠ ĐỐC GIÁO DỤC LÀ GÌ? Mục đích bài học: Giúp học viên thấy được tầm quan trọng của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục trong Hội Thánh và vai trò của mục vụ này trong việc xây dựng và trưởng dưỡng đời sống của Cơ Đốc nhân. Mục tiêu bài học: Sau khi học xong bài này, học viên có thể: Hiểu được định ngh...

Bài Học 1 CƠ ĐỐC GIÁO DỤC LÀ GÌ? Mục đích bài học: Giúp học viên thấy được tầm quan trọng của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục trong Hội Thánh và vai trò của mục vụ này trong việc xây dựng và trưởng dưỡng đời sống của Cơ Đốc nhân. Mục tiêu bài học: Sau khi học xong bài này, học viên có thể: Hiểu được định nghĩa về Cơ Đốc Giáo Dục một cách tổng quát. Biết được những phương pháp giáo dục hiện đang được áp dụng trong các hội thánh địa phương. Hiểu được những ưu khuyết điểm của các phương pháp giáo dục hiện nay. Xây dựng được cho mình một khái niệm tổng quát và thực tiễn về mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục và từ đó đề ra những phương pháp để thực hiện mục vụ này có kết quả hơn tại hội thánh địa phương của mình. Nội dung bài học: 1. Những mô hình Cơ Đốc Giáo Dục Hiện nay, nếu được hỏi “Cơ Đốc Giáo Dục là gì?” thì có lẽ một phần lớn tín hữu, các vị lãnh đạo Hội Thánh, và cả các mục sư sẽ nghĩ ngay đến một chương trình dạy giáo lý cho thiếu nhi và thanh thiếu niên qua các lớp Trường Chúa Nhật và những giờ học Kinh Thánh trong tuần. Những vị có cái nhìn rộng rãi hơn thì bao gồm luôn cả những lớp học cho người lớn (tráng niên, trung niên, lão niên, nam giới, nữ giới, v.v...). Thực ra, trọng tâm của Cơ Đốc Giáo Dục trong Hội Thánh đã trãi qua nhiều thay đổi trong suốt lịch sử của Hội Thánh. Do đó, định nghĩa về Cơ Đốc Giáo Dục của thời kỳ này cũng khác nhau ít nhiều so với thời kỳ khác, tùy theo sự dịch chuyển của trọng tâm của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục trong từng thời kỳ. Ví dụ, trọng tâm của Cơ Đốc Giáo Dục trong thời kỳ Trung Cổ là dạy giáo lý qua sự thờ phượng. Trong thời kỳ Phục Hưng (Renaissance) người ta chú trọng vào kiến thức, mỹ thuật, và văn chương. Do đó, việc giảng dạy giáo lý trong thời kỳ này bị ảnh hưởng của những xu hướng của xã hội đương thời rất nhiều. Trong thời kỳ Cải Chánh (Reformation), trọng tâm của Cơ Đốc Giáo Dục là đức tin và truyền bá Phúc Âm. Trong thời kỳ cận đại, Cơ Đốc Giáo Dục xem Trường Chúa Nhật như là phương sách chính để giáo dục Cơ Đốc nhân (Sách Giáo Khoa Chương 1 sẽ nói chi tiết hơn). Bức tranh toàn cảnh của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục hiện nay thật phức tạp. Định nghĩa và trọng tâm của công tác này nhiều khi rất khác nhau giữa những hệ phái khác nhau của Cơ Đốc giáo. Sự khác biệt này đôi khi cũng hiện hữu giữa các Hội Thánh địa phương trong cùng một hệ phái. Tùy theo bối cảnh của mình, các Hội Thánh địa phương thường tập trung vào một phương diện đặc thù nào đó để đáp ứng nhu cầu của con cái Chúa tại địa phương mình. Jack Seymour, một chuyên gia về Cơ Đốc Giáo Dục của Hoa Kỳ, đã phân chia những khuynh hướng Cơ Đốc Giáo Dục hiện nay thành bốn nhóm: (1) truyền đạt kiến thức về giáo lý; (2) huấn luyện tâm linh để giúp tín hữu tăng trưởng về thuộc linh; (3) xây dựng một đại gia đình—công đồng Cơ Đốc; và (4) trang bị tín hữu để từ đó mang lại sự thay đổi trong xã hội. Nhìn chung, mỗi khuynh hướng này đều có những khía cạnh tốt của nó, và những nhà giáo dục cổ súy cho những khuynh hướng này đều có lý do chính đáng của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu một Hội Thánh tập trung quá nhiều vào một khuynh hướng trong khi xem nhẹ hoặc hoàn toàn bỏ qua những khuynh hướng khác thì mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục của Hội Thánh đó chắc chắn sẽ mất cân bằng. Chương trình Cơ Đốc Giáo Dục của một Hội Thánh địa phương nếu muốn đạt được sự cân đối thì phải chú trọng cả bốn phương hướng nói trên. Có thể sự mất cân đối này đã dẫn đến những nhược điểm trong mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục của một số lớn các Hội Thánh địa phương hiện nay. Charles R. Foster, một chuyên gia Cơ Đốc Giáo Dục đầy kinh nghiệm, đã liệt kê những nhược điểm này như sau. Nhược điểm thứ nhất là đã để xảy ra sự mất đi một ký ức cộng đồng (corporate memory) trong các thế hệ trẻ của Hội Thánh. Dưới ảnh hưởng của một xã hội công nghiệp trong thời kỳ hiện đại có khuynh hướng đưa con người đến chủ nghĩa cá nhân, nếp sống của giới trẻ đã thay đổi rất nhiều so với các thế hệ cha ông của họ trước đây. Trong khi đó, mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục của Hội Thánh đã thiếu nhạy cảm với sự chuyển biến này. Sự yếu kém về tài nguyên (nhân lực, vật lực) trong các Hội Thánh cộng thêm sự đánh giá nhẹ mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục đã dẫn đến việc các nhân sự (phần đông là tình nguyện) hầu việc Chúa trong mục vụ này đã không được huấn luyện đầy đủ để đối phó một cách có hiệu quả với những đổi thay nhanh chóng trong đời sống xã hội hiện nay. Nhược điểm thứ hai theo Charles R. Foster là cách giảng dạy chân lý của Kinh Thánh trong các Hội Thánh ngày nay có thể không còn hợp thời nữa. Nên nhớ là sứ điệp của Kinh Thánh luôn luôn thích hợp với mọi thời đại, nhưng có thể là cách thức truyền đạt của chúng ta phải luôn luôn được cập nhật hóa để trở nên dễ hiểu đối với những thế hệ mới. Chúng ta không chạy theo nền văn hóa thời thượng, nhưng chúng ta phải tìm cách tốt nhất để truyền đạt chân lý một cách có hiệu quả nhất. Nhược điểm thứ ba thường thấy trong các Hội Thánh đang cố gắng “hiện đại hóa” là trọng tâm của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục hiện nay đang được chuyển dần từ những nền tảng chính (chân lý cứu rỗi, quá trình trưởng dưỡng thuộc linh cho tín hữu) sang sự đáp ứng những “nhu cầu” của học viên để tạo ra sự “thu hút”. Những “nhu cầu” này thì lại thường được định nghĩa theo tâm lý học thời thượng rất thịnh hành trong thế giới hiện đại và nhiều khi được “ngụy trang” bằng ngôn ngữ thuộc linh. Kết quả là mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục “chạy theo” những điều học viên “muốn” thay vì truyền đạt những chân lý thuộc linh. Nhược điểm thứ tư là chiến lược của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục hiện nay đã không còn thích hợp để đối phó với những đổi thay trong xã hội bên ngoài môi trường tôn giáo. Ví dụ, phần lớn các Hội Thánh đã phải bối rối không biết đối phó thế nào với những hoạt động ngoại khóa hiện nay tại các trường học hay những sinh hoạt trong cộng đồng. Những hoạt động này hiện nay có vẻ đang “cạnh tranh” với những hoạt động tại Hội Thánh, nhất là trong những ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, màn ảnh truyền hình, computer, và những phương tiện giải trí hoặc truyền thông khác cũng đang làm giảm dần số học viên của các chương trình Cơ Đốc Giáo Dục tại Hội Thánh. Trong khi đó, sự huấn luyện dành cho các nhân sự làm công tác Cơ Đốc Giáo Dục trong các Hội Thánh địa phương thì càng ngày càng yếu đi, nếu không muốn nói là không có gì cả. Đa số các nhân sự này là những người rất có lòng nhưng thiếu sự huấn luyện chuyên môn. Ai biết gì thì làm nấy theo kinh nghiệm riêng của mình. Nhược điểm thứ năm là sự “tù hãm về phương diện văn hóa” (cultural captivity) của chương trình Cơ Đốc Giáo Dục. Ví dụ, một số các Hội Thánh Việt Nam tại Hoa Kỳ áp dụng giáo trình do các tác giả Hoa Kỳ biên soạn cho các học viên người Hoa Kỳ mà không để ý đến những sự khác nhau tinh tế về văn hóa giữa các học viên người Hoa Kỳ và các học viên Việt Nam. 2. Định nghĩa Cơ Đốc Giáo Dục Nhận thức rõ sự mất cân bằng và những nhược điểm trên của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục, những nhân sự làm công tác này tại các Hội Thánh cần phải có một định nghĩa toàn diện hơn. Từ ngữ catechesis là một từ ngữ đôi khi thường được dùng để ám chỉ hoạt động giáo dục trong Hội Thánh, nhưng từ ngữ này không thể chuyển tải hết ý nghĩa của mục vụ Cơ Đốc Giáo Dục vì ý nghĩa của từ ngữ này chỉ giới hạn trong lãnh vực giảng dạy giáo lý, thần học, và kiến thức Kinh Thánh trong một bối cảnh chính thức (formal setting) ví dụ như lớp học hay một bối cảnh tương tự. Các nhà Cơ Đốc Giáo Dục hiện đại đã đòi hỏi rằng Cơ Đốc Giáo Dục phải được hiểu như là một quá trình giáo dục toàn diện bao trùm hơn. Randolph Crump Miller, một nhà Cơ Đốc Giáo Dục lỗi lạc của Hoa Kỳ, đã nói: “Mục đích của Cơ Đốc Giáo Dục là phải lấy Đức Chúa Trời làm trung tâm điểm và mang học viên đến một mối quan hệ đúng đắn với Ngài và với những người chung quanh dựa trên những chân lý của Cơ Đốc Giáo trong mọi khía cạnh của đời sống.” Theo Lawrence O. Richards, “đời sống” của một Cơ Đốc nhân bao gồm cả đời sống xã hội và đời sống thuộc linh. Hay nói một cách khác hơn, đức tin và cuộc sống thường nhật của một Cơ Đốc nhân phải là một, không phải là hai lãnh vực riêng biệt nhau. Từ ý nghĩa đó, Lawrence đã định nghĩa Cơ Đốc Giáo Dục như là “một tiến trình truyền đạt và nuôi dưỡng đức tin như là đời sống” (a process of the communication and the nurture of faith-as-life). Cùng với một ý nghĩa đó, Lewis Sherill đã đưa ra một định nghĩa: “Cơ Đốc Giáo Dục là một nỗ lực của những thành viên của cộng đồng Cơ Đốc để tham dự và hướng dẫn sự biến đổi của con người theo một mối quan hệ (đúng đắn) với Đức Chúa Trời, với người lân cận, với cõi tự nhiên, và với chính mình.” Westerhoff gọi Cơ Đốc Giáo Dục là quá trình “Cơ Đốc Xã Hội Hóa” (Christian socialization) với ý nghĩa là Cơ Đốc Nhân chẳng những được dạy “Đạo” mà còn phải được dạy “Sống Đạo” trong thế giới nữa. Như vậy, Cơ Đốc Giáo Dục không chỉ là một chương trình truyền thụ giáo lý trong các lớp Trường Chúa Nhật hay một chương trình huấn luyện tâm linh cho tín hữu (catechesis, đôi khi còn được ám chỉ bởi một từ ngữ có ý nghĩa hẹp hơn là didache) nhưng đó là một tiến trình giáo dục đức tin lâu dài, toàn diện của Hội Thánh và chạm đến mọi mặt của cuộc sống một “học viên.” Khi chúng ta giới hạn vai trò của Cơ Đốc Giáo Dục vào các “lớp học giáo lý” là đã vô tình tạo ra một khoảng cách lớn giữa những điều chúng ta tin (về mặt tâm linh) và những điều chúng ta thật sự sống mỗi ngày. Khi đức tin của các tín hữu được trưởng dưỡng trong một môi trường hạn hẹp như vậy, họ sẽ rất lúng túng khi cố gắng dùng niềm tin để đương đầu với những khó khăn trong đời sống thực tế. Cơ Đốc Giáo Dục không phải chỉ là “một trong nhiều mục vụ khác nhau của Hội Thánh,” mà đó là một mục vụ bao trùm tất cả những sinh hoạt của Hội Thánh. Nói một cách khác, mọi mặt sinh hoạt của Hội Thánh đều có tác dụng giáo dục đức tin (hiểu theo nghĩa rộng: đức tin và cuộc sống là một). Khi nghiên cứu Thánh Kinh, chúng ta có thể thấy rằng những sinh hoạt của Hội Thánh có thể chia vào năm lãnh vực cụ thể: Thông công (koinonia), thờ phượng (leiturgia), rao giảng Phúc Âm (kereygma), công tác phục vụ (diakonia), và hoạt động dạy dỗ (didache). Đây không chỉ là những sinh hoạt có tính “tôn giáo” và bị giới hạn bên trong bốn bức tường của nhà thờ. Tín hữu sẽ được “giáo dục” qua tất cả năm lãnh vực này. Như vậy, chúng ta thấy rằng hoạt động giảng dạy trong các lớp học giáo lý hay những chương trình tương tự (catechesis hay didache) chỉ là một trong những phương cách của Cơ Đốc Giáo Dục mà thôi. Khi hiểu được tầm quan trọng và phạm vi rộng rãi của Cơ Đốc Giáo Dục trong đời sống của cả Hội Thánh và tín hữu như vậy, chắc chắn các Hội Thánh ngày nay phải thay đổi sách lược giáo dục và tăng cường những chương trình huấn luyện cho các nhân sự trong mục vụ quan trọng này hầu cho việc đào tạo nên những Cơ Đốc nhân “tầm thước vóc dạc trọn vẹn” trong Chúa ngày càng hiệu quả hơn. Sách Giáo Khoa Chương 1 CƠ ĐỐC GIÁO DỤC LÀ GÌ? CƠ ĐỐC GIÁO DỤC LÀ GÌ? Cơ Đốc Giáo Dục là gì? Sau đây là những lời phát biểu về Cơ Đốc Giáo Dục nhằm giúp chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và mục đích của mục vụ quan trọng này trong Hội Thánh. Xin bạn đọc kỹ và nhận xét về những lời phát biểu này và cho biết những lời phát biểu nào bạn đắc ý nhất. 1. Cơ Đốc Giáo Dục là một kinh nghiệm học hỏi nhờ đó chúng ta được biết Đức Chúa Trời và kinh nghiệm về Ngài như được mặc khải qua Chúa Cứu Thế Giêxu. 2. Cơ Đốc Giáo Dục là học Kinh Thánh 3. Cơ Đốc Giáo Dục nhằm đem người ta đến với Chúa Cứu Thế 4. Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình giúp con người phát triển và trưởng thành về mặt tâm linh. 5. Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi để xây dựng một trật tự xã hội công chính, tốt đẹp. 6. Cơ Đốc Giáo Dục là công tác giúp con người nhận ra giá trị của chính mình đồng thời biết lựa chọn một lối sống phù hợp với người Cơ-đốc. 7. Cơ Đốc Giáo Dục nhằm tạo một cộng đồng yêu thương và săn sóc nhau qua đó con người hiểu biết về chính mình, ý thức được giá trị của chính mình và chấp nhận chính mình như là con cái của Đức Chúa Trời. 8. Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi để biết Kinh Thánh được viết như thế nào, viết cho ai và Kinh Thánh muốn nói gì với chúng ta hôm nay. 9. Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi để biết yêu Chúa hết lòng, hết trí, hết linh hồn, hết sức và yêu người lân cận như chính mình. 10. Cơ Đốc Giáo Dục là tìm cách nuôi dưỡng con người trong sự nhận biết mục đích của Chúa cho đời sống. 11. Cơ Đốc Giáo Dục là tiến trình học hỏi nhờ đó con người được giải phóng khỏi những âu lo, sợ hãi và những bối rối của đời sống. 12. Cơ Đốc Giáo Dục là học để biết sống một đời sống vui mừng và biết ơn về ân điển kỳ diệu của Đức Chúa Trời. 13. Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi về đời sống, chức vụ, sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu. 14. Cơ Đốc Giáo Dục nhằm giúp con người tìm thấy hướng đi về mặt đạo đức và tâm linh trong thời đại mà nền văn hoá và những hệ thống giá trị đang thay đổi. 15. Cơ Đốc Giáo Dục nhằm dạy chúng ta sống theo gương mẫu của những nhân vật trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. 16. Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình truyền đạt cho học viên Lời thành văn của Đức Chúa Trời qua quyền năng Đức Thánh Linh, đặt Chúa Giê-xu làm trọng tâm và lấy Kinh Thánh làm nền tảng, nhằm mục đích dẫn người khác đến với Chúa và gây dựng họ trưởng thành trong Chúa Cứu Thế. 17. Cơ Đốc Giáo Dục bao gồm tất cả những phương cách và sinh hoạt nhằm giúp chúng ta biết Chúa rõ ràng hơn, uốn nắn chúng ta để càng trở nên giống Chúa hơn, giúp chúng ta nhận biết mình là ai và phải làm gì trong tương quan với Đức Chúa Trời, với cộng đồng đức tin, và với thế giới mình đang sống. Cơ Đốc Giáo Dục giúp chúng ta trở nên nhạy bén trong việc áp dụng lời Chúa dạy trong cuộc sống thực tế, giúp chúng ta biết dùng khả năng, ân tứ của mình để phục vụ Hội Thánh và đồng loại. ĐỊNH NGHĨA CƠ ĐỐC GIÁO DỤC Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình dạy dỗ và học hỏi đặt nền tảng trên Kinh Thánh và trong sự dẫn dắt của Thánh Linh. Cơ Đốc Giáo Dục nhằm hướng dẫn những cá nhân thuộc mọi trình độ đến chỗ hiểu biết và kinh nghiệm mục đích và chương trình của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế trong mọi khía cạnh của đời sống bằng những phương tiện giáo dục đương thời. Cơ Đốc Giáo Dục cũng nhằm trang bị con người để làm công tác mục vụ cách có hiệu quả, đặt trọng tâm vào Chúa Cứu Thế Giê-xu là vị Giáo sư gương mẫu, và lời giáo huấn của Ngài để giúp người khác thành những môn đồ trưởng thành. (Werner C. Graendorf, Introduction to Bibilical Christian Educa-tion, Chicago: Moody, 1981, tr.16) BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA CƠ ĐỐC GIÁO DỤC Lịch sử là một ngành học về những sự kiện trong quá khứ có liên hệ đến một dân tộc, một thời đại, một nhân vật, hay một tôn giáo cặp theo những lời giải luận về nguyên nhân hay một lượng giá cho những sự kiện đó và được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Theo Maro Bloch, lịch sử là khoa học về con người qua thời gian. Theo Martin Luther, lịch sử là câu chuyện về sự quan phòng của Đức Chúa Trời và sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống chúng ta. Lịch sử là những gì viết về quá khứ, điều chỉnh sự sai lạc trong quá khứ. Lịch sử luôn luôn cho chúng ta những bài học. Trong Cựu Ước, giáo dục được đặt trên nền tảng luật pháp của Đức Chúa Trời. Phương pháp giảng dạy thời bấy giờ là truyền khẩu. Môi trường giáo dục chủ yếu là gia đình (Phục 6,7). Trong các dịp lễ, những nhà lãnh đạo dạy cho dân chúng luật pháp của Thượng Đế tại các nơi công cộng (Nêhêmi: 8:3). Về sau, những luật ấy được viết thành văn và thường theo thể thi ca hoặc phổ nhạc để truyền tụng trong dân chúng. Người Hy Lạp rất chú trọng đến vấn đề giáo dục, và họ có một nền triết học rất vững vàng, có ảnh hưởng sâu sắc trên nền văn hoá thế giới. Ví dụ, Plato chủ trương giáo dục là để giúp người công dân sống toàn hảo và công chính, dùng giáo dục để biến đổi chính trị. Trong thời Tân ước, Cơ Đốc Giáo Dục đầu tiên được tóm tắt trong bài Tín Điều Các Sứ Đồ; có thể do các tín đồ sau các sứ đồ viết ra. Hội Thánh đầu tiên cũng có những lớp giáo lý. Các tín hữu phải học giáo lý 3 năm mới được nhận phép báp tem. Trong những thế kỷ đầu (sau Chúa) có những trường giáo lý. Những người cùng quan điểm với nhau họp lại chống tà giáo, vì vậy phát sinh ra những trườngphái thần học như Clement, Tertullian, Origen, Nicene.... Tác phẩm Didache, (hay còn gọi là Giáo lý của Mười hai Sứ Đồ, được đặt bên cạnh các sách Phúc Âm), là tác phẩm đầu tiên được lưu hành trong Hội thánh. Didache là hình thức xưa nhất của tài liệu Cơ Đốc Giáo Dục. Vào thời Trung Cổ, dưới thời Constanstine, Cơ Đốc Giáo Dục thay đổi toàn diện. Thờ phượng là môi trường chính để học biết giáo lý cho các tín đồ. Ngoài ra, có các trường huấn luyện đặc biệt cho hàng giáo phẩm. Thời kỳ này ít chú trọng đến nền tảng gia đình. Những tu viện và những nhà ẩn tu tự tìm cho mình một đường lối thực hành tâm linh trong những cộng đồng nhỏ (kỷ luật thuộc linh), tìm kiếm sự tương giao với Chúa cách riêng rẽ. Hình ảnh, kiến trúc nghệ thuật có ý nghĩa biểu tượng gián tiếp dạy về đức tin. Những mặc khải của Thiên Chúa qua lịch sử đều được mô tả qua những tác phẩm nghệ thuật như điêu khắc, chạm trổ. Những nghi thức tế lễ, kịch nghệ và kiến trúc đóng vai trò rất quan trọng trong phương diện giáo dục. Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 14-16), người ta chú ý đến các vấn đề thuộc lãnh vực văn chương chữ nghĩa. Thời kỳ này phát xuất từ La Mã, rồi lan tràn qua Âu Châu. Đây là thời kỳ đề cao nhân bản. Giá trị của con người được coi trọng hơn thế giới siêu hình. Vì vậy, có phần coi nhẹ việc nghiên cứu, học hỏi về Đức Chúa Trời. Vì đề cao cá nhân chủ nghĩa, giáo dục nhằm phục vụ cá nhân con người hơn là tìm đến những vấn đề thuộc về Thượng Đế. Vì đề cao lý trí hơn là đức tin và đề cao các ngành khoa học, người ta đã chú trọng đến tạo vật hơn là Đấng Tạo Hoá. Vì ảnh hưởng văn hoá của thời Phục Hưng, Cơ Đốc Giáo Dục cũng chú trọng nhiều đến xã hội và nhân loại học hơn là chú trọng đến Thượng Đế và lời của Ngài. Thời kỳ Cải Chánh là một thời kỳ hoàn toàn trái ngược với thời kỳ Phục hưng. Thời kỳ này chú trọng đến đức tin và sự truyền bá đức tin, nhấn mạnh đến chức tế lễ của tín đồ. Đứng đầu các nhà cải chánh là Martin Luther, đã chủ trương hai trọng điểm: Sola Scriptura (Chỉ có Kinh thánh mà thôi) và Sola Fide (chỉ có đức tin mà thôi). Trong thời kỳ này, mục tiêu Cơ Đốc Giáo Dục là nhằm giáo dục tín đồ trở nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Hằng Sống. Vì vậy, tín hữu phải được tương giao trực tiếp với Thượng Đế, không cần qua trung gian. Tín hữu biết Thượng Đế qua Thánh Kinh với cặp mắt của đức tin. Trong thời kỳ này, Cơ Đốc Giáo Dục là lãnh vực thực hành của Thần học. So sánh thời Phục Hưng và thời Cải Chánh chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Thời kỳ Phục Hưng chú trọng con người, chú trọng thành phần tuyển chọn trí thức, chú trọng vấn đề phục hưng trí tuệ, văn hoá, chú trọng đến lý trí, chú trọng đến các tác phẩm ngoài Kinh Thánh. Trái lại thời kỳ Cải Chánh chú trọng đổi mới tâm linh. Vì nhận biết sự bại hoại của lý trí con người cho nên chú trọng đến các tác phẩm của Kinh Thánh và sự thuận phục Lời Đức Chúa Trời. Sang thời cận đại, Cơ Đốc Giáo Dục nhấn mạnh đến Trường Chúa Nhật. Trường Chúa Nhật do Mục sư người Anh là Robert Raikes khởi xướng năm 1780. Vào thời kỳ ấy, do tình trạng thiếu niên nghèo đi làm cả tuần không có ngày nghỉ, nên ông tổ chức dạy Kinh Thánh vào ngày Chúa Nhật để hướng dẫn các em vào nếp sống đạo qua sự học Kinh Thánh. Những lớp học này trở thành một sinh hoạt thường xuyên của Hội Thánh gọi là Trường Chúa Nhật. Tại Mỹ, Hiệp Hội Trường Chúa Nhật (Gloucester) được thành lập vào năm 1854. Trong thời hiện đại, kể từ khi khoa triết học về tôn giáo (philosophy of religion) ra đời, triết học cũng giữ vai trò quan trọng trong Cơ Đốc Giáo Dục. Triết học (philosophy) là yêu thích sự khôn ngoan (Philo=love=yêu; sophy=wisdom=khôn ngoan). Vì Đức Chúa Trời là cội nguồn ban sự khôn ngoan (Châm 2:6, 1:7, 9:10) cho nên yêu mến sự khôn ngoan tức là yêu mến Đức Chúa Trời. Vai trò của triết học trong Cơ Đốc Giáo Dục là đặt vấn đề. Ví dụ: tại sao có sự sống? Có Đức Chúa Trời hay không? Qua đó, Cơ Đốc Giáo Dục có cơ hội để trả lời vấn đề dựa trên Kinh Thánh và sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã giao công tác giáo dục cho Hội Thánh: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh và làm phép báp tem cho họ và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Mathiơ 28:19). Cả Cựu Ước và Tân Ước đều cho chúng ta những ý tưởng quý báu về quan niệm và việc thực hành công tác giáo dục. Từ nền tảng này chúng ta có thể khám phá được những nguyên tắc của Cơ Đốc Giáo Dục qua đó giúp chúng ta hình thành phương pháp hiệu quả để hoàn tất nhiệm vụ giáo dục. Điều vô cùng quan trọng đối với các giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục là vị trí của Kinh Thánh trong chương trình giảng dạy của Hội Thánh. Kinh Thánh phải là trung tâm điểm của mọi sự dạy dỗ. Công tác giáo dục của Hội Thánh nhắm tới mọi người ở mọi lứa tuổi. Thừơng những cố gắng của chúng ta tập trung vào các thiếu nhi. Trong khi thi hành chức vụ Chúa Giê-xu rõ ràng đã chú ý đến các thiếu nhi. Chúng ta phải dạy dỗ chúng cách nào để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của chúng. Cũng vậy, khi dạy dỗ thanh niên chúng ta phải hiểu được những nhu cầu cá biệt của họ và đáp ứng một cách có hiệu quả. Lứa tuổi thanh niên là tuổi phải quyết định những điều quan trọng trong cuộc đời. Dạy dỗ những người trưởng thành đòi hỏi hiểu biết về những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống mà họ đã phải trải qua. Chúng ta phải cố gắng dạy dỗ họ thế nào để đáp ứng những nhu cầu riêng tư của họ. Cơ cấu tổ chức của một Hội Thánh địa phương ảnh hưởng rất lớn trên kết quả của công tác giáo dục của Hội Thánh. Vai trò của Mục sư quản nhiệm, cơ cấu của các ban ngành liên quan đến giáo dục và những quan điểm về hành chánh đều là những yếu tố quan trọng cần được cân nhắc. Tổ chức và lãnh đạo các tín đồ bình thường để họ trở thành các giáo viên và nhân sự trong Hội Thánh là điều rất quan trọng. Sau cùng, công tác giáo dục của Hội Thánh phải có liên quan đến nhiệm vụ chung của Hội Thánh. Hoàn tất công tác giáo dục là góp phần khiến Hội Thánh tăng trưởng.

Use Quizgecko on...
Browser
Browser