Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người - Robert Greene.pdf

Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...
Loading...

Full Transcript

Những quy luật của bản chất con người Tác giả: Robert Greene Dịch giả: Nguyễn Thành Nhân Thể loại: Tâm lý Số trang: 884 Khổ sách: 15.5x23 cm Phát hành: NXB Trẻ Năm xuất bản: 05/2020 Team ebook: chinhminhqb, Do dai hoc NEU, machine, Quân Minh, sucsongmoi Robert Greene, tác giả rất đ...

Những quy luật của bản chất con người Tác giả: Robert Greene Dịch giả: Nguyễn Thành Nhân Thể loại: Tâm lý Số trang: 884 Khổ sách: 15.5x23 cm Phát hành: NXB Trẻ Năm xuất bản: 05/2020 Team ebook: chinhminhqb, Do dai hoc NEU, machine, Quân Minh, sucsongmoi Robert Greene, tác giả rất được ưa chuộng do New York Times bình chọn của các tác phẩm 48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực; 33 chiến lược của chiến tranh; Nghệ thuật quyến rũ; Nguyên tắc 50 - không sợ hãi; Làm chủ bản thân đã được nhà xuất bản Trẻ lần lượt xuất bản, và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc. Vẫn sử dụng thủ pháp luận cổ suy kim, trong tác phẩm mới nhất của mình, Những quy luật của bản chất con người, ông chuyển sang chủ đề hệ trọng nhất – thấu hiểu những thôi thúc và động cơ của mọi người, thậm chí cả khi họ không ý thức về chính mình. Rút ra từ các ý tưởng và tấm gương của Pericles, Nữ hoàng Elizabeth I, Martin Luther King Jr., và nhiều người khác, Robert Greene chỉ cho chúng ta cách tách rời bản thân khỏi các cảm xúc của chính mình và làm chủ sự tự kiểm soát; cách phát triển sự cảm thông dẫn tới sự sáng suốt; cách nhìn xuyên qua chiếc mặt nạ của mọi người; và cách cưỡng lại sự phục tùng để phát triển nhận thức riêng biệt về mục đích của bạn. Dù là trong công việc, trong những mối quan hệ, hoặc trong việc định hình thế giới xung quanh bạn, Những quy luật của bản chất con người cung cấp các chiến thuật để thành công, tự hoàn thiện bản thân và phòng vệ. Trong cuốn sách này, Robert Greene tìm cách… biến độc giả thành một ‘quan sát viên điềm tĩnh hơn và có đầu óc chiến lược hơn’, miễn nhiễm với ‘bi kịch cảm xúc’. Đó là những hứa hẹn khá cao, nhưng ngay cả những kẻ hoài nghi cũng sẽ trở thành những người tin tưởng sau khi đọc kỹ tác phẩm chỉnh chu của ông. Việc vượt qua ‘quy luật của sự thiếu sáng suốt’, chẳng hạn, dẫn tới khả năng ‘mở rộng tâm trí bạn ra trước những gì thật sự đang diễn ra, trái hẳn với những gì bạn cảm thấy’. Điều tra thận trọng của Robert Greene về cái tôi và xã hội sẽ mang tới cho độc giả trung thành một quan điểm mới mẻ và tràn đầy sức sống. Hãy xem Những quy luật của bản chất con người là một dạng bảng mã để giải mã hành vi của mọi người – bình thường, lạ lùng, tiêu cực, toàn bộ các sắc thái. Mỗi chương xử lý một khía cạnh cụ thể hoặc quy luật cụ thể của bản chất con người. Chúng ta có thể gọi chúng là những quy luật ở chỗ, bên dưới tác động của những sức mạnh cơ bản này, con người chúng ta có khuynh hướng phản ứng theo những cách thức có thể dự đoán một cách tương đối. Mỗi chương chứa đựng câu chuyện về một cá thể hay một số cá thể điển hình vốn minh họa cho quy luật (một cách tiêu cực hoặc tích cực), cùng với những ý tưởng và chiến lược về cách xử lý đối với bản thân và những người khác dưới tác động của quy luật này. Mỗi chương kết thúc với một phần về cách chuyển hóa sức mạnh cơ bản này thành một thứ gì đó tích cực và hữu ích hơn, để chúng ta không còn là những nô lệ thụ động của bản chất con người, và có thể chuyển hóa nó một cách chủ động. Làm ngơ trước những quy luật của bản chất con người là chuốc họa vào thân. Khước từ không chấp nhận bản chất con người đơn giản có nghĩa là bạn tự lao mình vào những khuôn mẫu nằm bên ngoài khả năng kiểm soát của bạn và vào những cảm giác hỗn loạn và bất lực. Thông qua tác phẩm, độc giả có thể nắm được “bí kíp” nhằm tối ưu thế mạnh, và giảm thiểu rủi ro trong đối nhân xử thế. E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy. TVE-4U CÙNG ĐỌC - CÙNG CHIA SẺ! Gửi tặng mẹ tôi Giới thiệu Nếu bạn tình cờ bắt gặp bất kỳ nét hèn hạ hay ngu xuẩn nào… bạn phải cẩn thận đừng để cho nó làm bạn bực mình hay đau khổ, và nên xem nó như một sự bổ sung cho tri thức của bạn - một thực tế mới để suy xét trong việc nghiên cứu tính cách con người. Thái độ của bạn đối với nó sẽ là thái độ của nhà khoáng vật học vô tình gặp được một mẩu khoáng vật rất đặc biệt. - Arthur Schopenhauer(1) Trong suốt đời mình, chúng ta không thể tránh khỏi việc giao tiếp với nhiều cá nhân khác nhau, những kẻ chuyên gây rắc rối và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn, bực bội. Một số người là lãnh đạo hay ông chủ, một số là đồng nghiệp, và một số là bạn bè. Họ có thể ưa gây hấn hoặc gây hấn thụ động, nhưng nhìn chung họ là những bậc thầy trong việc khai thác các cảm xúc của chúng ta. Họ thường tỏ ra đáng yêu và tự tin một cách thú vị, tràn trề ý tưởng và nhiệt tình, và chúng ta mắc phải bùa mê của họ. Chỉ tới khi quá muộn, chúng ta mới phát hiện ra rằng sự tự tin của họ không hợp lý và những ý tưởng của họ chưa chín chắn. Trong số các đồng nghiệp, họ có thể là những kẻ phá hoại công việc hoặc sự nghiệp của chúng ta vì sự ganh ghét ngấm ngầm, chỉ muốn hạ bệ chúng ta. Họ cũng có thể là những đồng nghiệp hay nhân công khiến cho chúng ta phải nản lòng khi nhận ra rằng họ hoàn toàn ích kỷ, họ sử dụng chúng ta như những bàn đạp để tiến lên. Điều không thể tránh khỏi trong những tình huống này là chúng ta thường mất cảnh giác, bất ngờ trước những hành vi đó. Thông thường dạng người này sẽ tấn công chúng ta với những câu chuyện được che đậy công phu để bào chữa cho các hành động của mình, hoặc đổ lỗi cho những kẻ bung xung giơ đầu chịu báng. Họ biết cách làm chúng ta rối trí và kéo chúng ta vào một vở kịch mà họ điều khiển. Chúng ta có thể phản kháng hoặc nổi giận, nhưng rốt cuộc chúng ta cảm thấy khá bất lực - tổn hại đã xảy ra. Thế rồi một dạng khác tương tự bước vào cuộc đời của chúng ta, và câu chuyện lặp lại y chang. Chúng ta thường nhận ra một cảm xúc bối rối và bất lực tương tự khi chúng xảy ra với bản thân mình và hành vi của chính mình. Ví dụ, chúng ta bất ngờ nói điều gì đó làm phật ý ông chủ, đồng nghiệp hoặc bạn bè của mình - chúng ta không hoàn toàn chắc chắn vì sao như vậy, nhưng chúng ta nản lòng khi nhận ra một sự tức giận và căng thẳng từ bên trong đã rò rỉ ra ngoài theo một cách thức khiến chúng ta hối tiếc. Hoặc có lẽ chúng ta hăng hái dồn hết khả năng vào một kế hoạch hay dự án nào đó, chỉ để nhận ra rằng nó hoàn toàn ngu xuẩn và lãng phí thời gian kinh khủng. Hoặc có lẽ chúng ta yêu một kẻ thật sự không phù hợp với chúng ta và chúng ta biết điều đó, nhưng không thể cầm lòng được. Chúng ta tự hỏi: điều gì sẽ xảy đến với mình đây? Trong những tình huống như thế, chúng ta tự khiến cho mình rơi vào những khuôn mẫu hành vi mà dường như chúng ta không thể kiểm soát được. Như thể chúng ta cho một kẻ xa lạ ẩn náu bên trong mình, một con quỷ nhỏ hành động độc lập với sức mạnh ý chí của chúng ta và thôi thúc chúng ta làm những điều sai trái. Và kẻ xa lạ bên trong chúng ta này khá kỳ quặc, hoặc ít nhất cũng kỳ quặc hơn mức chúng ta tưởng tượng. Điều chúng ta có thể nói về hai vấn đề này - những hành động xấu xa của mọi người và hành vi đôi khi bất ngờ của chính mình - là thường chúng ta không có một manh mối nào về nguyên do của chúng. Chúng ta có thể bám lấy một trong những lý giải đơn giản sau: “Con người đó xấu xa, một gã tâm thần” hoặc “Có gì đó đã tác động tôi, tôi không còn là mình nữa”. Nhưng những lý giải bình thường như thế không dẫn tới bất kỳ sự thấu hiểu nào hoặc có thể ngăn ngừa những khuôn mẫu tương tự xảy ra lần nữa. Sự thật là nhân loại chúng ta sống hời hợt, phản ứng theo cảm xúc đối với những gì mọi người nói hay làm. Chúng ta hình thành những quan điểm khá giản đơn về kẻ khác và bản thân. Chúng ta chấp nhận câu chuyện dễ dàng và thuận tiện nhất để tự kể với chính mình. Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể đào sâu xuống dưới bề mặt và nhìn sâu vào bên trong, tới gần hơn gốc rễ thật sự của thứ gây ra hành vi của con người? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể hiểu vì sao mọi người trở nên ganh tị và cố phá hoại công việc của chúng ta, hoặc vì sao sự tự tin không đúng chỗ của họ khiến họ tưởng mình giống như thần thánh và không thể mắc sai lầm? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có thể thật sự thăm dò vì sao mọi người đột nhiên cư xử một cách vô lý và để lộ một khía cạnh đen tối hơn nhiều trong tính cách của họ, hoặc vì sao họ luôn sẵn sàng cung cấp một giải thích duy lý cho hành vi của họ, hoặc vì sao chúng ta vẫn tiếp tục quay sang những người lãnh đạo vốn yêu cầu ở chúng ta điều tệ hại nhất? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhìn sâu vào bên trong và xét đoán tính cách của mọi người, tránh những nhân công tồi tệ và những quan hệ cá nhân gây ra cho mình quá nhiều tổn hại về cảm xúc? Nếu chúng ta thật sự thấu hiểu căn nguyên của hành vi con người, những dạng người tiêu cực sẽ khó tiếp tục né tránh sự trừng phạt đối với những hành động của họ hơn nhiều. Chúng ta sẽ không dễ dàng bị chuốc bùa mê và trở nên mê muội. Chúng ta sẽ có thể đoán trước sự xấu xa và những thủ đoạn quỷ quyệt của họ, và nhìn thấu những câu chuyện che đậy của họ. Chúng ta sẽ không cho phép bản thân bị lôi kéo vào những vở kịch của họ, biết trước rằng sự chú ý của chúng ta là thứ mà họ dựa vào để nắm quyền kiểm soát. Cuối cùng, chúng ta sẽ tước đi sức mạnh của họ thông qua khả năng nhìn vào những chiều sâu tính cách của họ. Tương tự, với bản thân chúng ta, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhìn vào bên trong và trông thấy nguồn gốc của những cảm xúc rắc rối hơn của mình, và vì sao chúng lèo lái được hành vi của chúng ta, thường là chống lại mong muốn của chính chúng ta? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể thấu hiểu vì sao mình buộc phải khát khao những thứ mà kẻ khác có, hoặc trở nên đồng nhất với một nhóm đến độ chúng ta cảm thấy coi thường những kẻ bên ngoài nhóm đó? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhận ra lý do khiến chúng ta nói dối về con người thật của mình, hoặc vô tình xô đẩy kẻ khác tránh xa chúng ta? Việc có thể thấu hiểu rõ hơn kẻ xa lạ bên trong đó giúp chúng ta nhận ra đó không phải là kẻ xa lạ nào cả mà chính là một phần của chính mình; và chúng ta bí ẩn, phức tạp và thú vị hơn rất nhiều so với mức chúng ta tưởng tượng. Với nhận thức đó, chúng ta có thể phá vỡ những khuôn mẫu tiêu cực trong cuộc sống của mình, thôi tự bào chữa cho bản thân, và có khả năng kiểm soát tốt hơn những gì chúng ta thực hiện và những gì xảy ra với chúng ta. Nhận thức rõ ràng về chính mình và người khác có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta theo rất nhiều cách thức, nhưng trước tiên chúng ta phải xóa sạch một quan niệm sai lầm phổ biến: Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng hành vi của mình phát xuất phần lớn từ ý thức và ý chí. Việc hình dung rằng không phải lúc nào chúng ta cũng kiểm soát được những gì mình thực hiện là một ý nghĩ đáng sợ, nhưng trên thực tế đó chính là thực tại. Chúng ta lệ thuộc vào những sức mạnh từ sâu thẳm bên trong vốn điều khiển hành vi của chúng ta và hoạt động bên dưới mức nhận thức của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy những kết quả - những ý nghĩ, trạng thái và hành động của chúng ta - nhưng nhận thức rất ít ỏi về cái thật sự tác động lên những cảm xúc của chúng ta và buộc chúng ta cư xử theo những cách thức nhất định. Ví dụ, hãy xem xét sự tức giận của chúng ta. Chúng ta thường cho rằng một cá thể hay một nhóm là nguyên nhân của cảm xúc này. Nhưng nếu trung thực và đào sâu hơn xuống dưới, chúng ta sẽ thấy rằng cái thường gây ra sự tức giận hay thất vọng của chúng ta có những gốc rễ sâu xa hơn nhiều. Nó có thể là một điều gì đó trong thời thơ ấu của chúng ta hoặc một tập hợp tình huống cụ thể khơi gợi cảm xúc đó. Chúng ta có thể nhận ra những khuôn mẫu riêng biệt nếu chúng ta nhìn - khi điều này hay điều nọ xảy ra, chúng ta nổi giận. Nhưng trong khoảnh khắc tức giận đó, chúng ta không suy nghĩ hay dựa vào lý trí - chúng ta chỉ đơn giản chạy theo cảm xúc và chỉ trích hay lên án kẻ khác. Chúng ta có thể nói đôi điều tương tự về toàn bộ những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy - những dạng sự kiện cụ thể khơi gợi sự tự tin, thiếu tự tin hay lo lắng đột ngột, hoặc cảm giác ưa thích một con người cụ thể, hoặc niềm khát khao được kẻ khác chú ý. Hãy gọi tập hợp những sức mạnh này, vốn xô đẩy, lôi kéo chúng ta từ sâu thẳm bên trong, là bản chất con người. Bản chất con người bắt nguồn từ mạng lưới đặc biệt trong bộ não của chúng ta, là cấu hình của hệ thần kinh, và cách thức loài người chúng ta xử lý những cảm xúc, tất cả những thứ này đã phát triển và kết hợp với nhau trong khoảng năm triệu năm tiến hóa của chúng ta với tư cách một loài. Chúng ta có thể quy nhiều phương diện trong bản chất con người cho cách thức tiến hóa riêng biệt của chúng ta với tư cách một động vật có thuộc tính xã hội(2) nhằm bảo đảm sự sinh tồn - học cách hợp tác với những cá thể khác, phối hợp những hoạt động của chúng ta với nhóm ở một cấp độ cao hơn, sáng tạo những hình thức giao tiếp mới và cách thức để duy trì kỷ luật nhóm. Bước phát triển ban sơ này tiếp tục tồn tại bên trong chúng ta và tiếp tục quyết định hành vi của chúng ta, thậm chí trong cái thế giới hiện đại, phức tạp mà chúng ta đang sống. Đơn cử một ví dụ, hãy xem xét sự tiến hóa của cảm xúc con người. Sự tồn vong của những tổ tiên sớm nhất của chúng ta phụ thuộc vào khả năng giao tiếp tốt với nhau của họ trước khi ngôn ngữ được phát minh. Họ phát triển những cảm xúc mới và phức tạp - vui, xấu hổ, biết ơn, ghen tuông, oán ghét, vân vân. Có thể lập tức đọc được dấu hiệu của những cảm xúc này trên mặt họ, chúng truyền đạt tâm trạng của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Họ trở nên cực kỳ nhạy bén với cảm xúc của kẻ khác như một phương cách để ràng buộc những thành viên trong nhóm với nhau chặt chẽ hơn - cảm thấy vui vẻ hay đau khổ như nhau - hoặc đoàn kết với nhau để đối mặt với hiểm họa chung. Cho tới tận ngày nay, nhân loại chúng ta vẫn cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc và tâm trạng của mọi người xung quanh, trong khi về phần mình lại thực hiện mọi dạng hành vi như bắt chước kẻ khác một cách vô thức, mong muốn thứ họ có, bị cuốn vào những cảm giác tức tối hay phẫn nộ có tính chất lây lan. Chúng ta tưởng chúng ta đang hành động theo ý chí tự do của chính mình, không nhận ra sự nhạy cảm đối với những cảm xúc của các kẻ khác trong nhóm tác động sâu xa đến mức nào tới những điều chúng ta làm và cách thức chúng ta phản ứng. Chúng ta có thể hướng những sức mạnh vốn nảy sinh từ phần sâu thẳm này vào kẻ khác; tương tự, chúng cũng nhào nặn hành vi hằng ngày của chúng ta - ví dụ, nhu cầu đối với việc liên tục tự xếp loại và đo lường giá trị bản thân thông qua địa vị xã hội là một đặc điểm nổi bật trong mọi nền văn hóa săn bắn - hái lượm, thậm chí trong loài tinh tinh, cũng như những bản năng có tính chất bộ tộc của chúng ta, vốn khiến cho chúng ta phân loại mọi người thành người trong nội bộ và người ngoài. Chúng ta có thể bổ sung vào những phẩm chất nguyên thủy này nhu cầu đeo mặt nạ để che đậy bất cứ hành vi nào mà bộ lạc không tán thành, dẫn tới việc hình thành một mặt tối trong nhân cách từ mọi khát khao đen tối mà chúng ta kìm nén. Tổ tiên của chúng ta thấu hiểu mặt tối này và sự nguy hiểm của nó, hình dung rằng nó bắt nguồn từ những ma quỷ cần được yểm trừ. Chúng ta dựa vào một huyền thoại khác - “thứ gì đó đã điều khiển tôi”. Một khi dòng chảy hoặc sức mạnh nguyên thủy bên trong này đạt tới cấp độ ý thức, chúng ta phải phản ứng lại nó, và chúng ta làm điều đó bằng cách dựa vào tinh thần và tình huống cá nhân, thường là lý giải nó một cách mê tín mà không thật sự thấu hiểu nó. Do chính quá trình tiến hóa của nhân loại, chỉ có một số các sức mạnh này trong bản chất con người, và chúng dẫn tới những thái độ đã đề cập bên trên - chẳng hạn như sự ghen ghét, nhận thức phi thực tế về sự vượt trội của mình, sự thiếu sáng suốt, sự thiển cận, sự tuân thủ, sự gây hấn, và sự gây hấn thụ động. Chúng cũng dẫn tới sự thông cảm và các hình thức tích cực khác của hành vi con người. Trong suốt nhiều ngàn năm, định mệnh của chúng ta là dò dẫm trong bóng tối để tìm hiểu bản thân và bản chất của chính mình. Chúng ta đã bị huyễn hoặc bởi rất nhiều ảo tưởng về con người - động vật - tưởng tượng rằng chúng ta là dòng dõi của một nguồn cội thiêng liêng, của những thiên thần thay vì loài linh trưởng. Chúng ta nhận ra bất cứ dấu hiệu nào của bản chất nguyên sơ và nguồn gốc động vật của chúng ta đều rất khó chấp nhận, một cái gì đó phải bị khước từ và ngăn chặn, chúng ta đã che đậy những xung lực đen tối hơn của mình bằng mọi kiểu biện minh và lý giải duy lý, giúp cho một số người dễ thoát khỏi những hành vi khó chịu nhất hơn. Nhưng rốt cuộc cũng đến một lúc chúng ta có thể vượt qua sự phản kháng đối với thực tại về vấn đề chúng ta là ai thông qua sức mạnh tuyệt đối của tri thức mà chúng ta đã tích lũy được hiện nay về bản chất con người. Chúng ta có thể khai thác lượng tư liệu tâm lý phong phú đã tích lũy trong thế kỷ vừa qua, bao gồm những nghiên cứu chi tiết về thời thơ ấu và tác động của quá trình phát triển ban đầu của chúng ta (Melanie Klein(3), John Bowlby(4), Donald Winnicott(5)), cũng như các tác phẩm về nguồn gốc của sự ái kỷ [narcissism: sự tự yêu chính mình] (Heinz Kohut(6)), những mặt ẩn khuất trong tính cách của chúng ta (Carl Jung(7)), những nguồn gốc của sự thông cảm của chúng ta (Simon Baron- Cohen(8)), và cấu trúc của các cảm xúc của chúng ta (Paul Ekman(9)). Hiện nay, chúng ta có thể chọn lựa từ nhiều tiến bộ trong các bộ môn khoa học vốn có thể trợ giúp chúng ta trong việc tìm hiểu chính mình - những nghiên cứu về bộ não (Antonio Damasio(10), Joseph E. LeDoux(11)), về cấu trúc sinh học đơn nhất của chúng ta (Edward O. Wilson(12)), về mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí (V.S. Ramachandran(13)), về các loài linh trưởng (Frans de Waal(14)), và những người săn bắn - hái lượm (Jared Diamond(15)), về hành vi kinh tế của chúng ta (Daniel Kahneman(16)) và về việc chúng ta hoạt động như thế nào trong nhóm (Wilfred Bion(17), Elliot Aronson(18)). Chúng ta cũng có thể kể thêm trong số này tác phẩm của các triết gia cụ thể (Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzche(19), José Ortega y Gasser(20)), vốn đã soi sáng rất nhiều khía cạnh trong bản chất con người; cũng như những nhận thức sâu sắc của nhiều tiểu thuyết gia (George Eliot(21), Henry James(22), Ralph Ellison(23)), vốn thường là những người nhạy cảm nhất với những phần chưa hiển lộ trong hành vi của chúng ta. Và cuối cùng, nhiều thư viện đang ngày càng mở rộng với các tiểu sử sẵn có, vốn hé lộ bản chất con người trong chiều sâu và trong hành động. Quyển sách này là một nỗ lực tập hợp lại kho tàng tri thức và ý tưởng mênh mông này từ những nhánh khác nhau, nhằm đưa tới một hướng dẫn chính xác và hữu ích về bản chất con người, dựa vào chứng cứ chứ không phải những quan điểm riêng biệt hay những xét đoán về đạo đức. Nó là một đánh giá duy thực tàn nhẫn về loài người chúng ta, khảo sát xem chúng ta là ai để chúng ta có thể hoạt động với ý thức nhiều hơn. Hãy xem Những quy luật của bản chất con người là một dạng bảng mã để giải mã hành vi của con người - bình thường, lạ lùng, tiêu cực, toàn bộ các sắc thái. Mỗi chương xử lý một khía cạnh cụ thể hoặc quy luật cụ thể của bản chất con người. Chúng ta có thể gọi chúng là những quy luật ở chỗ, bên dưới tác động của những sức mạnh cơ bản này, loài người chúng ta có khuynh hướng phản ứng theo những cách thức có thể dự đoán một cách tương đối. Mỗi chương chứa đựng câu chuyện về một cá nhân hay một số cá nhân điển hình vốn minh họa cho quy luật (một cách tiêu cực hoặc tích cực), cùng với những ý tưởng và chiến lược về cách xử lý đối với bản thân và những người khác dưới tác động của quy luật này. Mỗi chương kết thúc với một phần về cách chuyển hóa sức mạnh cơ bản này thành một thứ gì đó tích cực và hữu ích hơn, để chúng ta không còn là những nô lệ thụ động của bản chất con người, và có thể chuyển hóa nó một cách chủ động. Bạn có thể có xu hướng hình dung rằng kiến thức này hơi lỗi thời. Nói cho cùng, bạn có thể lập luận rằng hiện nay chúng ta đã trở nên quá phức tạp và quá tiến bộ về kỹ thuật, quá phát triển và khai sáng; chúng ta đã di chuyển rất xa ra bên ngoài những nguồn cội nguyên sơ; chúng ta đang trong quá trình viết lại bản chất của mình. Nhưng thật ra, thực tế hoàn toàn ngược lại - chúng ta chưa bao giờ lệ thuộc vào bản chất con người và tiềm năng phá hoại của nó hơn hiện nay. Và bằng cách làm ngơ thực tế này, chúng ta đang đùa với lửa. Hãy xem mức độ chấp nhận của những cảm xúc của chúng ta đã bị đẩy cao đến đâu thông qua truyền thông xã hội, nơi những nỗ lực lan truyền tiếp tục quét qua chúng ta và nơi những nhà lãnh đạo quỷ quyệt nhất có thể khai thác và kiểm soát chúng ta. Hãy nhìn vào sự gây hấn hiện đang được biểu lộ một cách công khai trong thế giới ảo, nơi có thể bộc lộ những mặt tối của chúng ta dễ hơn nhiều mà không gánh chịu những hậu quả. Hãy lưu ý tới khuynh hướng so sánh bản thân với kẻ khác, cảm giác ganh ghét, và việc tìm kiếm vị thế xã hội thông qua sự chú ý chỉ trở nên mạnh mẽ hơn, cộng với khả năng giao tiếp rất nhanh với rất nhiều người của chúng ta. Và cuối cùng, hãy nhìn vào những khuynh hướng có tính chất bộ tộc của chúng ta và việc giờ đây chúng đã tạo được phương tiện hoàn hảo đến mức nào để vận hành bên trong đó - chúng ta có thể tìm ra một nhóm để gắn bó, củng cố những quan điểm có tính chất bộ tộc của chúng ta trong một buồng phản âm ảo, và xem bất cứ kẻ ngoại cuộc nào cũng giống như ma quỷ, dẫn tới việc dọa dẫm đám đông(24). Tiềm năng đối với tình trạng rối ren bắt nguồn từ khía cạnh nguyên thủy của bản chất của chúng ta chỉ ngày càng tăng lên. Vấn đề rất đơn giản: Bản chất con người mạnh hơn bất kỳ cá nhân nào, bất kỳ thể chế hoặc phát minh kỹ thuật nào. Rốt cuộc nó định hình thứ chúng ta tạo nên để phản ánh chính nó và những cội nguồn nguyên sơ của nó. Nó di chuyển chúng ta như những con chốt. Làm ngơ những quy luật này là chuốc họa vào thân. Khước từ không chấp nhận bản chất con người đơn giản có nghĩa là bạn tự lao mình vào những khuôn mẫu nằm bên ngoài khả năng kiểm soát của bạn và vào những cảm giác hỗn loạn và bất lực. NHỮNG QUY LUẬT CỦA BẢN CHẤT CON NGƯỜI được thiết kế để giúp bạn đi sâu vào mọi phương diện của hành vi con người và soi sáng các nguyên nhân gốc rễ của nó. Nếu bạn cho phép nó dẫn đường bạn, nó sẽ nhanh chóng thay đổi cách bạn nhìn nhận mọi người và toàn bộ phương thức để đối xử với họ. Nó cũng sẽ nhanh chóng thay đổi cách bạn nhìn nhận chính mình. Nó sẽ hoàn thành những chuyển biến nhận thức này theo các cách sau: Đầu tiên, Những Quy luật sẽ hoạt động để chuyển hóa bạn thành một kẻ quan sát mọi người một cách điềm tĩnh hơn và có đầu óc chiến lược hơn, giúp giải phóng bạn khỏi mọi cảm xúc kịch tính khiến bạn kiệt sức một cách không cần thiết. Việc hòa nhập với mọi người sẽ khuấy động những âu lo và bất an liên quan tới cách thức người khác nhìn nhận chúng ta. Một khi có những cảm xúc như thế, chúng ta rất khó quan sát đúng mọi người, vì chúng ta đã bị lôi kéo vào những cảm giác của chính mình, đánh giá những gì mọi người làm trong phạm vi cá nhân - họ thích hay không thích tôi? Những quy luật sẽ giúp bạn tránh rơi vào cái bẫy này bằng cách vạch rõ rằng nhìn chung mọi người đang đối phó với những cảm xúc và những vấn đề vốn có những gốc rễ sâu xa. Họ đang trải nghiệm một số ước muốn và thất vọng đã hiện hữu trước bạn nhiều năm và nhiều thập kỷ. Bạn cản trở đường lối của họ vào một khoảnh khắc nhất định và trở thành mục tiêu thuận tiện của sự tức giận hay thất vọng của họ. Họ tin tưởng rằng bạn có những phẩm chất mà họ muốn nhìn thấy. Trong hầu hết các trường hợp, họ không quan hệ với bạn với tư cách một cá nhân. Điều này sẽ không khiến cho bạn khó chịu nhưng nó giải phóng bạn. Cuốn sách này sẽ chỉ bạn cách thức để tránh sự bực mình trước những nhận xét bóng gió, những biểu hiện lạnh nhạt, hay những khoảnh khắc cáu kỉnh của họ. Càng bám sát cuốn sách này, bạn sẽ càng dễ phản ứng, không phải với những cảm xúc của mình, mà đúng hơn với ước muốn thấu hiểu hành vi của họ xuất phát từ đâu. Bạn sẽ cảm thấy điềm tĩnh hơn nhiều trong tiến trình này. Và khi điều này bắt rễ sâu trong bạn, bạn sẽ ít có khuynh hướng lên lớp hay phán xét mọi người; thay vì vậy, bạn sẽ chấp nhận họ và những thiếu sót của họ như một phần của bản chất con người. Mọi người sẽ thích bạn hơn nhiều khi họ cảm nhận được thái độ khoan dung này ở bạn. Thứ hai, Những Quy luật sẽ biến bạn thành một bậc thầy diễn dịch đối với những ám chỉ mà mọi người liên tục phát ra, mang tới cho bạn khả năng lớn hơn nhiều trong việc xét đoán hành vi của họ. Thông thường, nếu chúng ta chú ý tới hành vi của mọi người, chúng ta đang vội vã gán những hành động của họ vào những phạm trù và vội vã đi tới những kết luận, từ đó chúng ta đưa ra những phán xét phù hợp với định kiến của chính chúng ta. Hoặc chúng ta chấp nhận những lý giải vị kỷ của họ. Những Quy luật sẽ xóa bỏ khỏi bạn thói quen này bằng cách làm rõ việc hiểu sai mọi người dễ dàng xảy ra như thế nào và những ấn tượng đầu tiên có thể mang tính chất lừa dối như thế nào. Bạn sẽ bước chậm lại, không tin vào xét đoán ban đầu của mình, và thay vào đó bạn tự rèn luyện cho mình thói quen phân tích những gì bạn nhìn thấy. Bạn sẽ suy nghĩ theo hướng ngược lại - khi mọi người thể hiện một cách thái quá một đặc tính nào đó, như sự tự tin hoặc nam tính vượt mức bình thường, thông thường hầu hết đều đang che đậy một sự thật ngược lại. Bạn sẽ nhận ra rằng mọi người đang tiếp tục đóng kịch trước công chúng, tỏ ra ta đây tiến bộ hoặc thánh thiện chỉ để ngụy trang tốt hơn mặt tối của họ. Bạn sẽ nhìn thấy những dấu hiệu của mặt tối này rò rỉ ra trong cuộc sống hằng ngày. Nếu mọi người thực hiện một hành động dường như khác với tính cách bình thường của họ, bạn sẽ nhận thấy: Thông thường những gì khác với tính cách bình thường thật ra lại chính là tính cách thật sự của họ. Nếu về bản chất, người lười nhác hay ngốc nghếch, họ để lộ manh mối của đặc điểm này trong những chi tiết nhỏ nhất mà bạn có thể nhận ra trước khi hành vi của họ gây tổn hại cho bạn. Khả năng đo lường giá trị thật sự của mọi người, mức độ trung thành và tận tâm của họ, là một trong những kỹ năng quan trọng nhất bạn có thể thủ đắc, giúp bạn tránh những nhân công, đối tác và quan hệ xấu vốn có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ. Thứ ba, Những Quy luật sẽ mang tới cho bạn khả năng chống trả và chiến thắng trong cuộc đấu trí với những dạng người xấu xa vốn chắc chắn sẽ cản đường đi của bạn và có khuynh hướng gây ra sự tổn hại lâu dài về cảm xúc. Những kẻ hung hăng, đố kỵ và quỷ quyệt không thường lớn tiếng tuyên bố về mình theo cách đó. Họ đã học được cách tỏ ra đáng mến trong những lần gặp gỡ ban đầu, sử dụng sự tâng bốc và những phương tiện khác để tước bỏ vũ khí của chúng ta. Khi họ khiến cho chúng ta ngạc nhiên vì hành vi xấu xa của họ, chúng ta cảm thấy bị phản bội, tức giận và trở nên bất lực. Họ tạo ra áp lực thường xuyên, có nghĩa là khi làm điều đó họ áp đảo tâm trí của chúng ta với sự hiện diện của họ, khiến cho việc suy nghĩ đúng đắn hay trù bị kế hoạch trở nên khó khăn gấp bội. Những Quy luật sẽ dạy bạn cách nhận diện ngay từ đầu những dạng này, và đó là cách phòng vệ tuyệt vời nhất để chống lại họ. Bạn sẽ tránh xa họ, hoặc, nhìn thấy trước những hành động quỷ quyệt của họ, bạn sẽ không bị tấn công bất ngờ và do vậy sẽ có khả năng duy trì sự cân bằng cảm xúc tốt hơn. Bạn sẽ không thèm đếm xỉa tới họ và tập trung vào những nhược điểm và bất an rành rành ở phía sau mọi sự ầm ĩ phô trương của họ. Những câu chuyện hoang đường của họ không thể lừa bịp bạn, và điều này sẽ vô hiệu hóa sự dọa dẫm mà họ dựa vào. Bạn sẽ coi khinh những câu chuyện che đậy và những lý giải dông dài về hành vi ích kỷ của họ. Khả năng giữ sự điềm tĩnh của bạn sẽ khiến cho họ tức điên lên và thường đẩy họ tới chỗ lừa dối hoặc phạm sai lầm. Thay vì phải chịu đựng với những cuộc chạm trán này, bạn thậm chí có thể đánh giá chúng như một cơ hội để nâng cao những kỹ năng tự chủ và củng cố sức mạnh tinh thần của mình. Việc khôn ngoan hơn, dù chỉ một trong những dạng người này, sẽ mang tới cho bạn lòng tự tin, rằng bạn có thể xử lý điều tệ hại nhất trong bản chất con người. Thứ tư, Những Quy luật sẽ chỉ cho bạn những đòn bẩy thật sự để thúc đẩy và tác động tới mọi người, giúp cho con đường của bạn trong cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Thông thường, khi gặp phải sự chống đối lại những ý tưởng hay kế hoạch của mình, chúng ta không thể không cố làm cho mọi người đổi ý bằng cách tranh luận, giảng giải, hoặc phỉnh phờ họ; tất cả những cách thức này đều khiến họ trở nên phòng thủ hơn. Những Quy luật sẽ chỉ bạn rằng, theo lẽ tự nhiên, mọi người khá ngoan cố và thích chống lại sự tác động. Bạn phải bắt đầu bất kỳ nỗ lực nào bằng cách hạ thấp sự chống đối của họ và không bao giờ vô tình cung cấp điều kiện cho những khuynh hướng phòng thủ của họ. Bạn sẽ tự rèn luyện để ý thức được những nỗi bất an của họ và không bao giờ vô tình khuấy động chúng. Bạn sẽ tư duy với ý thức về tính tư lợi và sự cố chấp cần được công nhận của họ. Khi hiểu rõ tính chất dễ thẩm thấu của cảm xúc, bạn sẽ biết rằng phương tiện hữu hiệu nhất của tầm ảnh hưởng là thay đổi tâm trạng và thái độ của mình. Mọi người phản ứng với năng lượng và hành vi của bạn thậm chí hơn nhiều so với những lời lẽ của bạn. Bạn nên từ bỏ bất cứ sự phòng vệ nào về phần mình. Thay vì vậy, cảm giác thoải mái và thành thật quan tâm tới những người khác sẽ có một hiệu ứng tích cực và có tính chất thôi miên. Với tư cách một người lãnh đạo, các phương tiện tốt nhất của bạn để lái mọi người theo hướng của mình nằm trong việc tạo nên một bầu không khí thích hợp thông qua thái độ, sự cảm thông và đạo đức lao động của bạn. Thứ năm, Những Quy luật sẽ giúp bạn nhận ra các nguồn lực của bản chất con người hoạt động sâu như thế nào bên trong bạn, mang tới cho bạn khả năng thay đổi những khuôn mẫu tiêu cực của chính mình. Phản ứng tự nhiên của chúng ta khi đọc hoặc nghe nói về những phẩm chất đen tối hơn trong bản chất con người là loại trừ chúng khỏi bản thân chúng ta. Kẻ ái kỷ, thiếu sáng suốt, đố kỵ, phi thực tế, ưa gây hấn, hoặc gây hấn thụ động luôn luôn là một cá nhân khác. Hầu như chúng ta luôn luôn nhận thấy bản thân mình có những dự định tốt đẹp nhất. Nếu chúng ta đi chệch hướng, đó là do lỗi của hoàn cảnh hoặc do mọi người buộc chúng ta phải phản ứng một cách tiêu cực. Những Quy luật sẽ giúp bạn hoàn toàn ngưng lại quá trình tự đánh lừa bản thân này. Tất cả chúng ta chẳng khác gì nhau(25), và có chung những khuynh hướng như nhau. Càng sớm nhận ra điều này, khả năng của bạn trong việc khắc phục những tính cách tiêu cực tiềm tàng bên trong con người mình càng lớn. Bạn sẽ kiểm tra các động cơ, nhìn vào mặt tối của chính mình, và trở nên ý thức về những khuynh hướng gây hấn thụ động của bạn. Điều này giúp bạn nhận ra dễ dàng hơn rất nhiều những tính cách như thế ở kẻ khác. Bạn cũng sẽ trở nên khiêm tốn hơn, ý thức được rằng bạn không có gì vượt trội hơn so với những người khác theo cung cách bạn từng tưởng tượng. Sự tự nhận thức về mình này sẽ không khiến cho bạn có cảm giác tội lỗi hay nặng lòng, mà hoàn toàn ngược lại. Bạn sẽ chấp nhận chính mình như một cá thể trọn vẹn, có cả tốt lẫn xấu, từ bỏ ý thức tự đánh lừa bản thân rằng bạn là một vị thánh. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi những hành động đạo đức giả và tự do trở thành chính mình hơn. Phẩm chất này của bạn sẽ thu hút mọi người. Thứ sáu, Những Qụy luật sẽ chuyển hóa bạn thành một con người biết cảm thông, tạo ra những liên kết sâu sắc và vừa ý hơn với mọi người xung quanh bạn. Loài người chúng ta được sinh ra với một tiềm năng lớn lao trong việc thấu hiểu mọi người ở mức độ không chỉ đơn thuần về mặt trí tuệ. Đó là một năng lực mà tổ tiên của chúng ta đã phát triển, trong đó họ học được cách trực cảm những tâm trạng và cảm giác của người khác bằng cách đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ. Những Quy luật sẽ hướng dẫn bạn cách đưa tiềm năng này tới những cấp độ lớn nhất có thể. Bạn sẽ học được cách xóa bỏ dần dần cuộc độc thoại nội tâm không ngớt của mình và lắng nghe chăm chú hơn. Bạn sẽ tự rèn luyện bản thân để thấu hiểu quan điểm của người khác càng nhiều càng tốt. Bạn sẽ sử dụng trí tưởng tượng và những kinh nghiệm của mình để cảm nhận được người khác có thể cảm thấy thế nào. Nếu họ miêu tả một điều gì đó đau đớn, bạn cũng có những giây phút đớn đau của chính mình để đem ra đối chiếu. Bạn sẽ không chỉ trực cảm, mà sẽ phân tích thông tin bạn thu thập được từ thái độ cảm thông này, và thủ đắc những hiểu biết sâu sắc. Bạn sẽ tiếp tục một chu kỳ giữa sự cảm thông và phân tích, luôn cập nhật những gì bạn quan sát được và tăng cường khả năng của mình trong việc nhìn thế giới qua con mắt của họ. Bạn sẽ chú ý một cảm giác kết nối về thể lý giữa bạn và người khác sẽ nảy sinh từ cách làm này. Bạn sẽ cần tới một mức độ khiêm tốn trong quá trình này. Bạn không bao giờ có thể biết chính xác điều mọi người đang nghĩ và có thể dễ dàng phạm sai lầm, do đó bạn không được vội vã xét đoán mà phải cởi mở tấm lòng để học hỏi nhiều hơn. Mọi người phức tạp hơn bạn nghĩ nhiều. Mục tiêu của bạn đơn giản là nhìn thấy rõ hơn quan điểm của họ. Quá trình học hỏi này giống như một cơ bắp; bạn càng tập luyện nhiều, nó càng rắn chắc. Việc nuôi dưỡng sự cảm thông như thế có vô số lợi ích. Tất cả chúng ta đều chỉ quan tâm tới chính mình, bị khóa chặt trong thế giới riêng. Thoát khỏi bản thân và hòa nhập vào thế giới của người khác là một trải nghiệm mang tính liệu pháp và giải phóng tâm hồn. Đó chính là cái đã lôi cuốn chúng ta hướng tới điện ảnh và bất kỳ hình thức hư cấu nào, nhằm bước vào tâm hồn và quan điểm của những người rất khác biệt với chúng ta. Thông qua cách làm này, toàn bộ cung cách tư duy của bạn sẽ chuyển biến. Bạn đang tự rèn luyện bản thân để thoát khỏi những định kiến, sống trong khoảnh khắc hiện tại, và tiếp tục điều chỉnh những ý tưởng của mình về mọi người. Bạn sẽ nhận ra sự linh động đó ảnh hưởng tới cách bạn tấn công vào những rắc rối nói chung - bạn sẽ nhận ra mình đang nuôi dưỡng những khả năng khác, có những quan điểm thay đổi linh hoạt. Đây chính là bản chất của tư duy sáng tạo. Cuối cùng, Những Quy luật sẽ chuyển đổi cách bạn nhìn nhận tiềm năng của chính mình, giúp bạn nhận thức được một cái tôi lý tưởng, cao hơn trong bạn, kẻ mà bạn muốn thể hiện. Có thể nói rằng nhân loại chúng ta có hai bản ngã [hoặc cái tôi] trái ngược nhau ở bên trong - một thấp hơn và một cao hơn. Bản ngã thấp hơn có xu hướng mạnh mẽ hơn. Những thôi thúc của nó kéo chúng ta xuống những phản ứng mang tính cảm xúc và những thái độ phòng vệ, khiến chúng ta cảm thấy mình luôn đúng và vượt trội hơn người khác. Nó khiến chúng ta cố chộp lấy những lạc thú và trò tiêu khiển trước mắt, luôn chọn con đường ít trở ngại nhất. Nó dẫn dụ chúng ta làm theo điều người khác đang nghĩ, đánh mất bản thân trong nhóm. Chúng ta cảm thấy những thôi thúc của bản ngã cao hơn khi chúng ta vượt thoát khỏi bản thân, muốn nối kết sâu hơn với kẻ khác, tập trung tâm trí vào công việc của mình, suy nghĩ thay vì phản ứng, đi theo con đường riêng của chính mình trong cuộc sống, và phát hiện ra cái khiến chúng ta trở nên độc đáo. Bản ngã thấp hơn là khía cạnh có tính chất động vật và phản ứng nhiều hơn trong bản chất của chúng ta, và khía cạnh mà chúng ta dễ dàng trượt vào. Bản ngã cao hơn là khía cạnh con người thật sự hơn của bản chất của chúng ta, khía cạnh khiến chúng ta chín chắn và tự ý thức về bản thân. Vì xung lực của bản ngã cao hơn thì tinh thần con người yếu ớt hơn, việc kết nối với nó đòi hỏi sự nỗ lực và sáng suốt. Thể hiện cái tôi lý tưởng này bên trong chúng ta là điều chúng ta thật sự mong muốn, vì chỉ với việc phát triển khía cạnh này của bản thân, nhân loại chúng ta mới cảm thấy thật sự mãn nguyện vì đã phát triển trọn vẹn năng lực của mình. Quyển sách này sẽ giúp bạn hoàn thành điều đó bằng cách giúp bạn ý thức được những nguyên tố tích cực và có tiềm năng tích cực chứa đựng trong từng quy luật. Khi biết rõ xu hướng thiên về sự thiếu sáng suốt của mình, chúng ta sẽ học để trở nên ý thức về cách thức các cảm xúc tô điểm tư duy của bạn (chương 1); mang tới cho bạn khả năng giảm thiểu chúng và trở nên thật sự sáng suốt. Khi biết thái độ trong cuộc sống của chúng ta tác động tới những gì xảy đến với chúng ta như thế nào, và tâm trí chúng ta có xu hướng khép chặt do sợ hãi (chương 8), bạn sẽ học được cách rèn luyện một thái độ cởi mở và không biết sợ. Khi biết mình có xu hướng so sánh bản thân với những người khác (chương 10), bạn sẽ sử dụng nó như một sự khích lệ để trở nên vượt trội trong xã hội thông qua việc lao động tốt hơn, ngưỡng mộ những người có các thành tựu lớn lao, và cạnh tranh với họ do được gợi cảm hứng từ tấm gương của họ. Bạn sẽ vận dụng phép lạ này với từng phẩm chất căn bản, sử dụng kiến thức đã mở rộng về bản chất con người để chống lại sự lôi kéo mạnh mẽ hướng xuống bản chất thấp kém hơn của mình. Hãy nghĩ về quyển sách này theo cách sau: Bạn sắp trở thành một thợ học nghề về bản chất con người. Bạn sẽ phát triển một số kỹ năng - cách quan sát và đo lường tính cách của những người đồng loại và nhìn vào những chiều sâu của chính mình. Bạn sẽ hành động để thể hiện bản ngã cao hơn của mình. Và thông qua thực hành, bạn sẽ trở thành một bậc thầy của nghệ thuật này, có khả năng ngăn cản điều tệ hại nhất mà kẻ khác có thể ném vào bạn và tự biến mình thành một cá nhân sáng suốt hơn, có ý thức hơn về bản thân, và hữu ích hơn. Con người sẽ chỉ trở nên tốt hơn khi bạn khiến cho y nhìn thấy y là kẻ như thế nào. - Anton Chekhov(26) 1 Làm chủ cái tôi cảm xúc Quy luật của sự thiếu sáng suốt Bạn thích tưởng tượng rằng bạn kiểm soát được số phận bản thân, trù hoạch một cách có ý thức con đường đời của mình tốt nhất trong phạm vi khả dĩ. Nhưng bạn hầu như không nhận ra những cảm xúc của bạn chi phối bạn sâu sắc tới mức nào. Chúng khiến cho bạn xoay về phía những ý tưởng vuốt ve cái tôi của bạn. Chúng khiến cho bạn nhìn thấy những gì bạn muốn thấy, tùy vào tâm trạng của bạn; và sự tách rời khỏi thực tại này là nguồn cội của những quyết định tệ hại và những khuôn mẫu tiêu cực ám ảnh cuộc đời của bạn. Sự sáng suốt là khả năng hóa giải những hiệu quả cảm xúc này, để tư duy thay vì phản ứng, để mở rộng tâm trí bạn tới điều đang thật sự diễn ra, trái ngược hẳn với điều bạn đang cảm thấy. Nó không đến một cách tự nhiên; nó là một năng lực mà chúng ta phải vun trồng nuôi dưỡng, nhưng khi thực hiện điều này chúng ta nhận ra tiềm năng lớn nhất của mình. Đấu trường nội tâm Một ngày cuối năm 432 TCN, công dân thành Athens nhận được một tin tức rất đáng lo: Những đại biểu từ thành bang Sparta đã tới thành phố và đệ trình lên hội đồng điều hành Athens những điều khoản hòa bình mới. Nếu Athens không đồng ý những điều khoản này, Sparta sẽ tuyên chiến. Sparta là kẻ thù không đội trời chung của Athens và trên nhiều phương diện là cực đối lập của nó. Athens đứng đầu một liên minh các bang dân chủ trong khu vực, trong khi Sparta đứng đầu một liên minh các chế độ chính trị đầu sỏ, được biết với tên gọi Các thành bang vùng bán đảo Peloponnese. Athens dựa vào lực lượng hải quân và sự giàu có - nó là thế lực thương mại hàng đầu ở khu vực Địa Trung Hải. Còn Sparta dựa vào quân đội. Nó là một thành bang hoàn toàn quân sự hóa. Cho tới lúc đó, hai thế lực này đã cố tránh né một cuộc chiến tranh trực tiếp vì hậu quả có thể rất tàn khốc - bên bại trận không chỉ đánh mất tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực, mà toàn bộ lối sống của nó có thể lâm nguy - tất nhiên với Athens, đó là nền dân chủ và sự giàu có. Tuy nhiên, lúc này dường như chiến tranh là điều không thể tránh khỏi và một cảm giác về nguy cơ đe dọa nhanh chóng bao trùm toàn thành phố. Vài hôm sau, Hội nghị toàn bang Athens được tổ chức trên đồi Pnyx nhìn xuống vệ thành Acropolis để thảo luận về tối hậu thư của Sparta và quyết định điều cần thực hiện. Hội nghị được mở rộng cho toàn thể nam công dân, và hôm đó gần mười ngàn người đã tụ tập trên đồi để tham dự cuộc thảo luận. Những kẻ hiếu chiến trong số này đang trong một tâm trạng rất lo âu - Athens nên nắm lấy thế chủ động và tấn công Sparta trước, họ nói. Những kẻ khác nhắc nhở họ rằng trong một trận đánh trên đất liền, các lực lượng của Sparta hầu như bất khả chiến bại. Tấn công Sparta theo cách này không khác gì trao chiến thắng vào tay họ. Tất cả những kẻ chủ hòa đều tán thành việc chấp nhận những điều khoản hòa bình, nhưng như nhiều người chỉ ra, điều đó chỉ để lộ sự sợ hãi và càng khuyến khích những người ộ ự ợ g y g g Sparta. Nó chỉ cho họ thêm thời gian để tăng cường quân đội của mình. Cuộc tranh luận cứ nhùng nhằng, với cảm xúc ngày càng nóng lên, mọi người la ó ầm ĩ, và không có giải pháp nào ngay trước mắt. Tới xế trưa hôm đó, đám đông đột nhiên trở nên im lặng khi một nhân vật quen thuộc bước ra để phát biểu trước Hội nghị. Đó là Pericles, lãnh tụ cao niên trong số các chính khách Athens, lúc này đã hơn 60 tuổi. Pericles được dân chúng yêu mến, và ý kiến của ông có tầm quan trọng hơn ý kiến của bất cứ người nào khác, nhưng dù dân Athens kính trọng ông, họ nhận thấy ông là một lãnh tụ rất khác thường - giống một triết gia hơn một chính khách. Với những người đủ lớn tuổi để nhớ lại thời ông khởi đầu sự nghiệp, thật đáng ngạc nhiên khi ông trở nên thành công và nhiều quyền lực như thế. Ông không hề làm điều gì theo cung cách thông thường. Vào những năm đầu tiên của nền dân chủ, trước khi Pericles xuất hiện trên chính trường, dân chúng Athens thích một dạng tính cách ở các lãnh tụ của họ - những người có thể diễn thuyết một cách đầy cảm hứng, thuyết phục và có một khả năng về kịch nghệ. Trong chiến trận, đó là những kẻ liều lĩnh; họ thường phát động những chiến dịch quân sự mà họ có thể lãnh đạo, mang tới cho họ cơ hội giành được vinh quang và sự chú ý. Họ thăng tiến trong sự nghiệp bằng cách đại diện cho một phe cánh trong Hội nghị, bao gồm giới quý tộc, địa chủ và quân đội, và tiến hành bất cứ việc gì có thể để nâng cao quyền lợi của nó. Điều này dẫn tới một nền chính trị phân rẽ cao độ. Các nhà lãnh đạo lên voi xuống chó trong chu kỳ vài năm, nhưng dân chúng Athens thích thực trạng này; họ không tin tưởng bất cứ người nào nắm quyền quá lâu năm. Pericles bước vào chính trường vào khoảng năm 463 TCN, và nền chính trị của Athens không bao giờ giống như trước nữa. Động thái đầu tiên của ông bất thường hơn hết. Dù xuất thân từ một gia đình quý tộc nổi tiếng, ông giao du với các tầng lớp trung lưu và hạ lưu trong thành phố - nông dân, lính chèo thuyền trong hải quân, và thợ thủ công, vốn là niềm tự hào của Athens. Ông hoạt động để nâng cao tiếng nói của họ trong Hội nghị và mang tới cho họ quyền lực lớn hơn trong nền dân chủ. Lúc này ông lãnh đạo không phải một phe cánh nhỏ mà là đại đa số công dân Athens. Có vẻ như không thể nào kiểm soát một khối quần chúng rất lớn, bất kham, với những quyền lợi khác nhau, nhưng ông thiết tha với việc nâng cao quyền lực của họ đến độ ông dần dần chiếm được sự ủng hộ và tin tưởng của họ. Khi tầm ảnh hưởng tăng lên, ông bắt đầu khẳng định bản thân trong Hội nghị và điều chỉnh chính sách của nó. Ông lập luận chống lại việc mở rộng đế chế dân chủ Athens. Ông e rằng người Athens sẽ với tay quá cao và đánh mất sự kiểm soát. Ông hoạt động để củng cố đế chế và các liên minh đang tồn tại. Khi chiến tranh nổ ra, với tư cách một vị tướng, ông cố gắng hạn chế các chiến dịch và giành chiến thắng thông qua các chiến thuật, với tổn thất thương vong tối thiểu. Với nhiều người, điều này có vẻ không quả cảm, nhưng do những chính sách này hữu hiệu, thành phố bước vào một thời kỳ thịnh vượng chưa từng có. Không còn những cuộc chiến không cần thiết khiến cho ngân sách cạn kiệt, và đế chế vận hành êm xuôi hơn bao giờ hết. Điều Pericles đã thực hiện với nguồn tiền thặng dư khiến toàn thể công dân giật mình kinh ngạc; thay vì sử dụng nó để mua ân huệ chính trị, ông bắt tay vào một dự án công trình công cộng khổng lồ ở Athens. Ông cho xây dựng những ngôi đền, nhà hát và phòng hòa nhạc, tạo công ăn việc làm cho tất cả thợ thủ công ở Athens. Ở mọi nơi người ta đều thấy thành phố trở nên đẹp đẽ hơn nhiều. Ông ưa thích một kiểu kiến trúc phản ánh đầu óc thẩm mỹ của cá nhân ông - trật tự, có tính kỷ hà(27) cao độ, hoành tráng, nhưng nhìn rất bắt mắt. Công trình lớn nhất ông đặt làm là đền Parthenon, với pho tượng nữ thần Athena khổng lồ cao 12 mét. Athena, nữ thần của minh triết và tri thức thực hành, là thần bảo hộ của Athens. Bà đại diện cho mọi giá trị mà Pericles muốn cải thiện. Đơn thương độc mã, Pericles đã biến đổi bộ mặt và tinh thần của Athens, và nó bước vào một thời đại hoàng kim trong tất cả các bộ môn nghệ thuật và khoa học. Có lẽ phẩm chất lạ lùng nhất ở Pericles là cách nói của ông - tự chủ và đầy phẩm cách. Ông không tham dự những cuộc thi đấu hùng biện. Thay vì vậy, ông hoạt động để thuyết phục một lượng khán giả thông qua những lập luận không thể bác bỏ. Điều này khiến mọi người chăm chú lắng nghe khi họ tham dự khóa luận lý học thú vị của ông. Phong cách của ông hấp dẫn và điềm tĩnh. Không như bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác, Pericles nắm giữ quyền lực hết năm này sang năm khác, đặt toàn bộ dấu ấn lên thành phố theo cung cách lặng lẽ, khiêm tốn của mình. Ông có những kẻ thù. Không thể tránh khỏi điều này. Ông đã nắm giữ quyền lực lâu đến độ nhiều người lên án ông là một kẻ độc tài kín đáo. Ông bị tình nghi là một kẻ vô thần, một người nhạo báng mọi truyền thống. Điều đó giải thích vì sao ông quá khác thường. Nhưng không ai có thể phủ nhận những thành quả dưới sự lãnh đạo của ông. Do vậy, khi ông bắt đầu phát biểu trước Hội nghị chiều hôm đó, ý kiến của ông về cuộc chiến với Sparta sẽ có trọng lượng lớn nhất, và một sự im lặng bao trùm lên đám đông khi họ nôn nóng chờ nghe lập luận của ông. “Hỡi dân chúng Athens”, ông mở đầu, “quan điểm của tôi vẫn giống như trước giờ. Tôi chống lại bất kỳ nhượng bộ nào với liên minh Peloponnese, dù tôi biết rằng nhiệt tình sẵn sàng bước vào cuộc chiến của mọi người sẽ không còn khi bắt tay vào hành động, rằng tâm trí của mọi người thay đổi theo dòng sự kiện”. Ông nhắc nhở họ rằng những khác biệt giữa Athens và Sparta được cho là đã giải quyết thông qua những trọng tài trung lập. Nếu họ nhượng bộ những yêu cầu đơn phương của Sparta, đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm. Nó sẽ kết thúc ở chỗ nào? Phải, một trận chiến trên đất liền với Sparta sẽ là sự tự sát. Điều ông đề xuất là một hình thức hoàn toàn mới mẻ của chiến tranh - có tính chất hạn chế và phòng vệ. Ông sẽ đưa mọi người đang sống trong vùng vào bên trong tường thành của Athens. Cứ mặc cho lính Sparta kéo tới và cố nhử chúng ta đánh nhau, ông nói; cứ mặc cho chúng tàn phá đất nước chúng ta. Chúng ta sẽ không cắn mồi câu; chúng ta sẽ không đánh nhau với chúng trên đất liền. Với thủy lộ thông ra biển, chúng ta sẽ duy trì được nguồn cung cấp cho thành phố. Chúng ta sẽ sử dụng hải quân để tấn công các thị trấn duyên hải của chúng. Theo thời gian, chúng sẽ trở nên nản lòng vì không được lâm trận. Do phải nuôi dưỡng và cung cấp hậu cần cho quân đội thường trực, chúng sẽ cạn tiền. Những đồng minh của chúng sẽ hục hặc với nhau. Phe chủ chiến trong nội bộ Sparta sẽ mất uy tín và một nền hòa bình thật sự lâu dài sẽ được thỏa thuận, tất cả chỉ với phí tổn tối thiểu về sinh mạng và tiền của ở phía chúng ta. “Tôi có thể đưa ra cho quý vị nhiều lý do khác”, ông kết luận, “vì sao quý vị sẽ cảm thấy tự tin vào thắng lợi cuối cùng, chỉ cần quý vị quyết định không đặt thêm gánh nặng cho đế chế, và không suy nghĩ chệch hướng để lâm vào những nguy cơ mới. Điều tôi e ngại không phải là chiến lược của kẻ thù mà là những sai lầm của chúng ta”. Đề xuất mới mẻ của ông khơi dậy những cuộc tranh luận. Cả phe chủ chiến lẫn phe chủ hòa đều không hài lòng với kế hoạch của ông, nhưng cuối cùng, thanh danh của ông về sự minh triết đem tới thắng lợi, và chiến lược của ông được chấp thuận. Nhiều tháng sau cuộc chiến định mệnh nổ ra. Thoạt tiên, tất cả mọi chuyện không diễn tiến như Pericles đã hình dung. Quân Sparta và các đồng minh của nó không nản lòng khi cuộc chiến dây dưa kéo dài, mà chỉ táo tợn hơn. Dân chúng Athens mới chính là những người thoái chí khi nhìn thấy đất đai của mình bị tàn phá mà không có cách nào trả đũa. Nhưng Pericles tin rằng kế hoạch của ông không thể thất bại, miễn là dân Athens duy trì được sự nhẫn nại. Thế rồi, trong năm thứ hai của cuộc chiến, một tai họa bất ngờ làm xáo trộn mọi thứ: Một trận dịch kinh khủng phát sinh trong thành phố; với quá nhiều người sống chen chúc trong các bức tường thành, nó nhanh chóng lan rộng, giết chết trên một phần ba dân số thành phố và làm tiêu hao mất một phần mười lực lượng quân đội. Bản thân Pericles cũng mắc bệnh; và trong lúc hấp hối, ông chứng kiến cơn ác mộng cuối cùng: Tất cả những gì ông đã làm cho Athens trong suốt nhiều thập kỷ dường như bỗng chốc tan tành, dân chúng trở thành những nhóm người hoảng loạn cho tới khi mỗi người chỉ còn biết tự lo cho mình. Giá như ông thoát chết, hầu như chắc chắn ông sẽ tìm được cách giúp dân Athens bình tĩnh lại và thương thảo một hiệp ước có thể chấp nhận được với Sparta, hoặc điều chỉnh lại chiến lược phòng ngự của mình, nhưng giờ thì đã quá muộn. Lạ một điều là dân Athens không mấy thương tiếc vị lãnh tụ này. Họ trách ông vì trận dịch và chỉ trích chiến lược vô hiệu quả của ông. Họ không còn chút tâm trạng nhẫn nại hay tự chủ nào nữa. Ông đã sống lâu hơn thời của mình, và giờ đây các ý tưởng của ông được xem như những phản ứng mệt mỏi của một ông già. Lòng yêu mến Pericles của họ đã chuyển thành sự oán ghét. Khi ông không còn tại thế, những cung cách cũ quay lại với một tâm trạng trả thù. Phe chủ chiến trở nên đông đảo. Họ khai thác lòng căm phẫn đang gia tăng đối với người Sparta, vốn đã lợi dụng trận dịch để tấn công kịch liệt hơn. Phe chủ chiến hứa hẹn sẽ lấy lại thế chủ động và nghiền nát quân Sparta với một chiến lược tấn công. Đối với nhiều người dân Athens, những lời lẽ đó là một niềm an ủi lớn lao, một sự giải thoát khỏi các cảm xúc dồn nén. Khi thành phố dần dà khôi phục lại sau trận dịch, quân Athens cố xoay xở để chiếm thế thượng phong, và quân Sparta chính thức yêu cầu hòa giải. Muốn đánh bại hoàn toàn kẻ thù, người Athens tận dụng lợi thế của mình, chỉ để nhận ra quân Sparta đã phục hồi và xoay chuyển cục diện. Cuộc chiến cứ giằng co năm này sang năm khác. Bạo lực và căm phẫn ở cả hai phía gia tăng. Sau đó quân Athens tấn công đảo Melos, một đồng minh của Sparta, và khi người Melos đầu hàng, dân Athens biểu quyết để giết tất cả đàn ông của họ và bán phụ nữ và trẻ con làm nô lệ. Dưới quyền lãnh đạo của Pericles, chưa từng có sự kiện nào như thế xảy ra. Thế rồi, sau nhiều năm chiến tranh kéo dài, năm 415 TCN, nhiều nhà lãnh đạo của Athens có một ý tưởng thú vị về cách tung đòn quyết định. Thành bang Syracuse là thế lực đang nổi lên trên hòn đảo Sicily. Syracuse là một đồng minh của Sparta, cung cấp cho họ nhiều nguồn lực cần thiết. Nếu quân Athens, với lực lượng hải quân hùng hậu của họ, có thể thực hiện một cuộc viễn chinh và nắm quyền kiểm soát Syracuse, họ sẽ nắm được hai lợi thế. Nó sẽ mở rộng thêm đế quốc của họ, và nó sẽ tước khỏi Sparta những nguồn lực cần thiết để tiếp tục cuộc chiến. Hội nghị biểu quyết và nhất trí cử 60 chiến thuyền với một lực lượng quân đội tương thích trên tàu để hoàn thành mục tiêu này. Một trong các chỉ huy được bổ nhiệm cho cuộc viễn chinh này, Nicias, người có những mối hoài nghi lớn về mức độ khôn ngoan của kế hoạch này. Ông e rằng dân Athens đã đánh giá thấp sức mạnh của Syracuse. Ông vạch rõ mọi viễn cảnh tiêu cực có thể xảy ra, chỉ một lực lượng viễn chinh lớn hơn nhiều mới có thể đảm bảo thắng lợi. Ông muốn chấm dứt kế hoạch này, nhưng lập luận của ông có tác dụng ngược lại. Nếu cần có một lực lượng viễn chinh lớn hơn, thì họ sẽ cử một lực lượng như thế - một trăm chiến thuyền và quân số gấp đôi. Dân chúng Athens ngửi thấy mùi chiến thắng trong chiến lược này và không gì có thể ngăn cản họ. Trong những ngày sau đó, có thể nhìn thấy dân chúng Athens thuộc mọi lứa tuổi trên đường phố, vừa vẽ những tấm bản đồ đảo Sicily, vừa mơ tới những của cải sẽ đổ vào Athens và nỗi ô nhục chung cuộc của quân Sparta. Ngày nhổ neo các chiến thuyền trở thành một ngày hội lớn và một quang cảnh hoành tráng nhất mà họ từng chứng kiến - một hạm đội khổng lồ chật kín hải càng trong phạm vi tầm mắt, với các chiến thuyền được trang trí đẹp đẽ, lính tráng trong áo giáp lấp loáng đứng chật khắp boong tàu. Đó là một cuộc phô trương hào nhoáng sự giàu có và sức mạnh của Athens. Nhiều tháng trôi qua, dân Athens tìm kiếm một cách tuyệt vọng tin tức của đoàn quân viễn chinh. Có một thời điểm, thông qua tầm vóc thật sự của lực lượng quân đội, có vẻ như Athens đã giành được lợi thế và đã vây hãm Syracuse. Nhưng vào phút cuối, các lực lượng chi viện kéo tới từ Sparta, và giờ đây quân Athens ở vào thế phòng thủ. Nicias gửi một lá thư cho Hội nghị mô tả bước chuyển biến tiêu cực này. Ông khuyến nghị nên từ bỏ kế hoạch và quay trở về Athens, hoặc lập tức cử thêm viện binh. Không muốn tin vào khả năng bại trận, dân chúng Athens biểu quyết và cử lực lượng chi viện - một hạm đội thứ hai, lớn ngang với hạm đội đầu tiên. Trong tháng kế tiếp, nỗi lo âu của dân chúng Athens tăng lên một tầm cao mới - vì giờ đây khoản đặt cược đã tăng lên gấp đôi và Athens không thể gánh chịu nổi sự bại trận. Một hôm, một người thợ cắt tóc trong thành phố cảng Piraeus nghe thấy một tin đồn từ một khách hàng rằng từng con tàu và hầu như từng người trong đoàn quân viễn chinh Athens đã bị tiêu diệt trong chiến trận. Tin đồn này nhanh chóng lan rộng khắp Athens. Khó mà tin được điều này, nhưng sự hoang mang hoảng hốt dần dần trỗi dậy. Một tuần sau, tin đồn được xác nhận và Athens có vẻ đã tới hồi tận số, cạn kiệt tiền bạc, tàu chiến và người. Như một phép lạ, dân chúng Athens xoay xở được cách để tiếp tục cuộc chiến. Nhưng trong vài năm kế tiếp, mất cân bằng trầm trọng bởi những thất bại ở Sicily, họ liên tục gánh chịu nhiều đòn tấn công choáng váng, và rốt cuộc vào năm 405 TCN, Athens thua trận cuối và buộc phải đồng ý với những điều khoản khắc nghiệt cho nền hòa bình do Sparta áp đặt. Những năm vinh quang của họ, đế chế dân chủ hùng cường của họ, và thời đại hoàng kim của Pericles giờ đã mãi mãi kết thúc. Người đàn ông đã kiềm chế những cảm xúc nguy hiểm nhất của họ - sự hiếu chiến, lòng tham, sự ích kỷ - đã rời khỏi hiện trường quá lâu, sự minh triết của ông cũng đã bị quên lãng từ lâu. Diễn dịch: Vào hồi đầu sự nghiệp của mình, khi Pericles khảo sát bối cảnh chính trị, ông nhận thấy các hiện tượng sau: Mỗi nhân vật chính trị ở Athens đều tin rằng mình sáng suốt, có những mục tiêu thực tế và những kế hoạch để đạt được chúng. Tất cả đều tích cực hoạt động cho phe phái chính trị của mình và cố gắng nâng cao quyền lực của mình. Họ chỉ đạo quân đội trong chiến trận và thường tiến lên dẫn đầu. Họ cố mở rộng đế chế và mang về nhiều tiền của hơn. Và khi thủ đoạn chính trị của họ bất ngờ bị phản tác dụng, hoặc những cuộc chiến trở nên tồi tệ, họ có những lý do tuyệt hảo để giải thích vì sao điều này lại xảy ra. Họ luôn có thể đổ lỗi cho đối phương, hoặc các vị thần linh nếu cần. Thế nhưng, nếu tất cả những người này đều sáng suốt, vì sao chính sách của họ mang tới quá nhiều rối loạn và tự phá hoại như thế? Vì sao Athens trở nên hỗn độn và bản thân nền dân chủ yếu ớt như thế? Vì sao có quá nhiều tình trạng tham nhũng và hỗn loạn? Câu trả lời rất đơn giản: Những đồng hương người Athens của ông không hề sáng suốt chút nào, chỉ ích kỷ và giảo hoạt. Thứ dẫn đường cho những quyết định của họ là những cảm xúc cơ bản của họ - nỗi khao khát đối với quyền lực, sự chú ý của mọi người, và tiền của. Và với những mục đích này họ có thể rất mưu mẹo, khôn khéo, nhưng không thủ đoạn nào của họ dẫn tới bất cứ điều gì lâu dài hay phục vụ cho lợi ích toàn diện của nền dân chủ. Với tư cách một nhà tư tưởng và một chính khách, điều Pericles quan tâm nhất là cách thoát khỏi cái bẫy rập này, cách trở nên thật sự sáng suốt trong một đấu trường bị các cảm xúc chi phối. Giải pháp ông tìm được độc đáo vô song về mặt lịch sử và hữu hiệu một cách ấn tượng về mặt kết quả. Nó phục vụ như lý tưởng của chúng ta. Theo quan niệm của ông, tâm trí con người phải tôn thờ một thứ gì đó, phải hướng sự chú ý tới một thứ mà nó đánh giá cao hơn tất cả những thứ khác. Đối với đại đa số mọi người, đó chính là cái tôi của họ; với một số khác đó là gia đình, dòng tộc, thần linh hay quốc gia của họ. Với Pericles, đó là nous, từ Hy Lạp cổ chỉ “trí óc” hay “trí tuệ”. Nous là một lực lượng tràn ngập khắp vũ trụ, tạo nên ý nghĩa và trật tự. Tâm trí con người bị cuốn hút bởi trật tự này; đây là nguồn cội của khả năng hiểu biết của chúng ta. Với Pericles, hiện thân của nous mà ông tôn thờ là nữ thần Athena. Athena được sinh ra từ đầu của thần Zeus, bản thân cái tên của bà phản ánh điều này - một sự kết hợp giữa từ “thần” (theos) và “trí óc” (nous). Nhưng Athena đại diện cho một hình thức rất đặc biệt của nous - rất thực tế, nữ tính và trần tục. Bà là tiếng nói đến với các vị anh hùng vào những thời điểm cần thiết, đem lại cho họ một tinh thần điềm tĩnh, hướng tâm trí họ tới ý tưởng hoàn hảo để giành chiến thắng và sự thành công, rồi trao cho họ năng lượng để đạt được điều này. Được Athena tới thăm là phước lành lớn lao nhất của tất cả dân chúng, và chính tinh thần của bà đã dẫn dắt những vị tướng vĩ đại và những nghệ sĩ, nhà phát minh và doanh nhân giỏi nhất. Dưới ảnh hưởng của bà, một người đàn ông hay phụ nữ có thể nhìn thấy thế giới với sự rõ ràng tột độ và hành động rất đúng thời điểm. Với Athens, tinh thần của bà được cầu khẩn để thống nhất thành phố, làm cho nó trở nên phồn vinh, thịnh vượng. Về bản chất, Athena đại diện cho sự sáng suốt, món quà lớn nhất mà các thần linh ban cho con người, vì chỉ có nó mới có thể tạo nên một hành động của con người với sự khôn ngoan của thần linh. Để vun bồi tinh thần của Athena trong nội tâm, trước hết Pericles tìm ra một cách để làm chủ những cảm xúc của mình. Những cảm xúc hướng chúng ta vào bên trong, cách ly với hiện tại và thực tế. Chúng ta thường tập trung vào sự tức giận hay bất an của mình. Nếu chúng ta nhìn ra thế giới và cố giải quyết vấn đề, chúng ta nhìn các sự việc thông qua thấu kính của những cảm xúc này, chúng che mờ tầm nhìn của chúng ta. Pericles tự rèn luyện để không bao giờ phản ứng một cách tức thời, không bao giờ ra một quyết định trong lúc đang bị tác động bởi một cảm xúc mạnh mẽ. Thay vì vậy, ông phân tích những cảm xúc của mình. Thông thường, khi quan sát kỹ càng sự bất an hay tức giận của mình, ông thấy rằng chúng không thật sự hợp lý, và chúng mất đi tầm quan trọng dưới sự khảo sát cẩn thận. Đôi khi ông phải tránh xa Hội nghị và lui về nhà, nơi ông ở một mình suốt nhiều ngày liên tục để lấy lại sự điềm tĩnh. Dần dà, tiếng nói của Athena sẽ tới với ông. Ông quyết định đạt tất cả các quyết định chính trị dựa trên một thứ - điều thật sự phục vụ cho lợi ích lớn nhất của Athens. Mục tiêu của ông là thống nhất toàn thể công dân thông qua tình yêu dân chủ đích thực và niềm tin vào sự vượt trội của lối sống Athens. Việc có một chuẩn mực như thế giúp ông tránh được cái bẫy bản ngã. Nó buộc ông phải hành động để tăng cường sự tham gia và quyền lực của các tầng lớp hạ lưu và trung lưu, dù một chiến lược như thế có thể dễ dàng quay sang chống lại ông. Nó thôi thúc ông hạn chế những cuộc chiến, cho dẫu điều này có nghĩa là vinh quang của cá nhân ông bị giảm sút. Và cuối cùng nó dẫn tới quyết định lớn nhất của ông - dự án công trình công cộng đã thay đổi gương mặt của Athens. Để tự giúp bản thân trong dự án đã khảo sát cẩn thận này, ông mở rộng tâm trí tới càng nhiều ý tưởng càng tốt, thậm chí tới những ý tưởng của các đối thủ của ông. Ông hình dung mọi hậu quả khả dĩ của một chiến lược trước khi tận tâm thực hiện nó. Với một tinh thần điềm tĩnh và một đầu óc cởi mở, ông đưa ra những chính sách đã tạo nên một trong những kỷ nguyên hoàng kim thật sự trong lịch sử. Những gì đã xảy ra với Athens sau khi ông rời khỏi chính trường tự nó đã nói lên tất cả. Cuộc viễn chinh tới Sicily đại diện cho mọi thứ ông đã luôn phản đối - một quyết định bị thôi thúc một cách kín đáo bởi tham vọng xâm chiếm thêm đất đai, mù quáng trước mọi hậu quả tiềm tàng. Thấu hiểu: Như mọi người, bạn nghĩ bạn sáng suốt, nhưng không phải vậy đâu. Sự sáng suốt không phải là một khả năng bẩm sinh mà là một khả năng bạn đạt được thông qua rèn luyện và thực hành. Tiếng nói của Athena đơn giản đại diện cho một khả năng cao hơn vốn hiện hữu bên trong bạn ngay lúc này, một tiềm năng có lẽ bạn đã cảm thấy trong những lúc bình tĩnh và tập trung, ý tưởng hoàn hảo đến với bạn sau quá trình tư duy đó. Hiện tại bạn không nối kết được với khả năng cao hơn này là vì tâm trí bạn bị đè nặng bởi những cảm xúc. Như Pericles trong Hội nghị, bạn nhiễm phải toàn bộ vở kịch mà những kẻ khác khuấy động lên; bạn liên tục phản ứng với những gì mọi người trao cho bạn, trải nghiệm những làn sóng kích động, bất an, và lo âu vốn làm cho ta khó tập trung tư tưởng. Sự chú ý của bạn bị lôi kéo theo hướng này hướng khác, và do không có chuẩn mực nào để dẫn dắt các quyết định của mình, bạn không bao giờ hoàn toàn đạt được những mục tiêu đã đề ra. Có thể thay đổi tình trạng này vào bất cứ lúc nào với một quyết định duy nhất - vun bồi cho Athena bên trong bạn. Khi đó sự sáng suốt là điều mà bạn sẽ đánh giá cao nhất và nó sẽ phục vụ như một người dẫn đường cho bạn. Công việc đầu tiên của bạn là nhìn vào những cảm xúc vốn liên tục đầu độc những ý tưởng và quyết định của bạn. Học cách tự vấn bản thân: Vì sao có sự tức giận hay căm ghét này? Nhu cầu không ngớt muốn được chú ý bắt nguồn từ đâu? Dưới sự khảo sát cẩn thận như thế, những cảm xúc của bạn sẽ không còn tác động nhiều tới bạn. Bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ cho chính mình thay vì phản ứng lại những gì mọi người mang đến cho bạn. Những cảm xúc có khuynh hướng thu hẹp tâm trí, khiến chúng ta tập trung vào một hoặc hai ý tưởng vốn thỏa mãn khát khao trước mắt của chúng ta đối với quyền lực hay sự chú ý của mọi người; những ý tưởng vốn thường là phản tác dụng. Giờ đây, với một tinh thần điềm tĩnh, bạn có thể cân nhắc đủ loại chọn lựa và giải pháp. Bạn sẽ suy nghĩ lâu hơn trước khi hành động và đánh giá lại các chiến lược của mình. Tiếng nói sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Khi mọi người vây quanh bạn với những cơn bi hài vô tận và những cảm xúc nhỏ mọn của họ, bạn sẽ phẫn nộ với sự gây xao lãng này và sẽ vận dụng đầu óc sáng suốt của mình để suy nghĩ sâu hơn họ. Như một vận động viên tiếp tục trở nên mạnh mẽ hơn thông qua rèn luyện, tâm trí của bạn sẽ trở nên linh hoạt và hồi phục tốt hơn. Với đầu óc sáng suốt và điềm tĩnh, bạn sẽ nhìn thấy những lời giải đáp và những giải pháp sáng tạo mà không ai khác có thể hình dung. Như thể có một bản ngã thứ hai của ta đứng cạnh ta, một bản ngã thì hiểu biết và sáng suốt, nhưng bản ngã kia bị thôi thúc làm điều gì đó hoàn toàn điên rồ, và đôi khi rất buồn cười; và đột nhiên bạn nhận thấy rằng bạn đang muốn làm điều thú vị đó; chỉ có trời biết vì sao; nghĩa là bạn muốn, trái với ý chí của mình, có thể nói như vậy; dù bạn chiến đấu với nó bằng tất cả khả năng của mình, bạn vẫn muốn làm điều đó. - Fyodor Dostoyevsky, “A Raw Youth” (Thời niên thiếu) Những giải pháp đối với bản chất con người Bất cứ lúc nào có gì đó không ổn xảy ra trong cuộc đời của chúng ta, tự nhiên chúng ta sẽ tìm kiếm một sự lý giải. Việc không tìm ra nguyên nhân vì sao những kế hoạch của chúng ta bị thất bại, hoặc vì sao chúng ta gặp phải sự ngăn trở bất ngờ đối với những ý tưởng của mình, sẽ khiến chúng ta rất bực dọc lo âu và gia tăng nỗi đau của chúng ta. Nhưng khi nhìn vào một nguyên nhân, tâm trí chúng ta có xu hướng xoay quanh những cách lý giải như nhau: Một ai đó hoặc nhóm nào đó đã ngầm quậy phá tôi, có lẽ vì không ưa tôi; những lực lượng đối kháng lớn mạnh ngoài kia, như chính quyền hoặc quy ước xã hội, đã ngăn trở tôi; tôi đã nhận được một lời khuyên tệ hại, hoặc thông tin đã bị ngăn cản không tới được tai tôi. Cuối cùng - nếu sự tồi tệ trở thành sự tồi tệ nhất - tất cả đều do vận rủi và những tình huống không may. Nhìn chung những lý giải này nhấn mạnh vào sự bất lực của chúng ta. “Tôi có thể làm gì khác được? Làm sao tôi có thể biết trước những hành động xấu xa của X chống lại tôi?” Chúng cũng khá mơ hồ. Thông thường chúng ta không thể chỉ ra những hành động hiểm độc cụ thể của kẻ khác. Chúng ta chỉ có thể ngờ vực và tưởng tượng. Những lý giải này có xu hướng gia tăng các cảm xúc của chúng ta - tức giận, chán nản, thất vọng - mà khi đó chúng ta có thể chìm đắm vào chúng và cảm thấy tệ hại cho bản thân mình. Quan trọng hơn cả, phản ứng đầu tiên của chúng ta là nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm nguyên nhân. Phải, chúng ta có thể có trách nhiệm đối với một số sự kiện đã xảy ra, nhưng trong phần lớn trường hợp, chính những kẻ khác và những lực lượng đối kháng đã ngáng chân chúng ta. Phản ứng này đã ăn sâu vào con người - động vật. Hồi thời cổ đại, người ta có thể đổ lỗi cho các thần linh hay ma quỷ. Con người hiện đại chúng ta chọn cách đặt cho các nguyên nhân này những cái tên khác. Tuy nhiên, sự thật rất khác với điều này. Hẳn nhiên là có những cá nhân và những lực lượng to lớn ngoài kia, vốn liên tục tác động tới chúng ta, và có nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát trong thế giới. Nhưng nhìn chung điều khiến chúng ta đi chệch hướng lúc đầu, điều dẫn tới những quyết định tồi tệ và tính toán sai lầm, là sự thiếu sáng suốt thâm căn cố đế của chúng ta, mức độ mà ở đó tâm trí chúng ta bị điều khiển bởi cảm xúc. Chúng ta không thể nhìn thấy điều này. Đó là điểm mù của chúng ta, và hãy nhìn vào chứng cứ đầu tiên của điểm mù này, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2008, vốn có thể xem là một bản tóm lược của tất cả các dạng khác nhau của sự thiếu sáng suốt của con người. Sau đợt sụp đổ thị trường chứng khoán này, những lý giải thông thường nhất trên phương tiện truyền thông cho những gì đã xảy ra là: Sự mất cân bằng của cán cân thương mại và các yếu tố khác đã dẫn tới tín dụng lãi suất thấp (cheap credit) hồi đầu thập niên 2000, điều này dẫn tới sự lợi dụng đòn bẩy vốn thái quá; không thể nào xác định giá trị chính xác của những sản phẩm tài chính vô cùng phức tạp đang được mua bán, vì thế không ai có thể thật sự đo được các mức độ lợi nhuận và tổn thất; đã từng tồn tại một bè phái những tay trong giảo hoạt và thối nát, họ nhận được những ưu đãi để thao túng hệ thống nhằm đạt lợi nhuận nhanh chóng; những tổ chức cho vay tham lam đã đẩy các khoản thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgages) cho các chủ sở hữu nhà không chút ngờ vực; có quá nhiều quy định của nhà nước; không có đủ sự giám sát của nhà nước; các mô hình điện toán và các hệ thống thương mại hoạt động ngoài khả năng kiểm soát. Những lý giải này để lộ một sự phủ nhận đáng chú ý đối với một thực tế cơ bản. Để dẫn tới sự sụp đổ năm 2008, nhiều triệu người đã đưa ra những quyết định hằng ngày về việc đầu tư hoặc không đầu tư. Ở mỗi thời điểm của những giao dịch này, lẽ ra những người mua và người bán có thể rút lui khỏi những hình thức đầu tư có nguy cơ cao nhất nhưng họ đã quyết định không làm điều đó. Có rất nhiều người ngoài kia cảnh báo về bong bóng kinh tế. Chỉ mới vài năm trước, sự sụp đổ của quỹ đầu tư phòng hộ(28) khổng lồ Long-Term Capital Management(29) đã chỉ ra chính xác một cú sụp đổ lớn hơn có thể và sẽ xảy ra như thế nào. Giá như mọi người có ký ức lâu hơn, họ có thể nghĩ tới bong bóng kinh tế năm 1987, nếu đọc lịch sử, họ sẽ nghĩ tới bong bóng thị trường chứng khoán và vụ sụp đổ năm 1929. Hầu như bất cứ chủ sở hữu nhà tiềm năng nào cũng có thể hiểu những nguy cơ của các khoản thế chấp không đặt cọc(30) và những điều khoản cho vay với tỷ lệ lãi suất tăng nhanh. Điều mà tất cả các phân tích làm ngơ là sự thiếu sáng suốt cơ bản vốn đã nhấn chìm hàng triệu người mua và người bán trong suốt quá trình này. Họ bị đầu độc bởi ham muốn kiếm tiền dễ dàng. Ham muốn này tác động mạnh tới ngay cả những nhà đầu tư có học thức cao nhất. Những nghiên cứu và những chuyên gia bị cuốn hút vào những ý tưởng ủng hộ mà mọi người sẵn sàng tin theo - chẳng hạn như các cụm từ “lần này thì khác” và “giá nhà không bao giờ hạ xuống”. Một làn sóng lạc quan tột độ quét qua vô số người. Sau đó là sự hoảng loạn, sụp đổ, và sự đối mặt thê thảm với hiện thực. Thay vì chấp nhận rằng sự đầu tư điên cuồng đã chế ngự mọi người, khiến những kẻ thông minh trở thành lũ ngốc thì người ta lại đổ tội cho các lực lượng bên ngoài, bất cứ thứ gì lệch khỏi nguồn gốc thật sự của sự điên dại đó. Đây không phải là điều gì đặc biệt trong đợt sụp đổ tài chính năm 2008. Kiểu lý giải tương tự cũng đưa ra sau những cuộc suy thoái năm 1987 và 1929, sự đầu tư điên cuồng vào việc mở đường xe lửa ở Anh vào thập niên 1840, và bong bóng South Sea(31) vào thập niên 1720, cũng tại nước Anh. Mọi người nói tới việc cải cách hệ thống; các đạo luật được thông qua để hạn chế đầu cơ. Và không giải pháp nào có hiệu quả. Những bong bóng kinh tế xảy ra do sức hút cảm xúc ngày càng tăng của chúng đối với mọi người, vốn áp đảo bất cứ khả năng suy luận nào có trong tâm trí của một cá nhân. Chúng kích thích những xu hướng tự nhiên của chúng ta đối với lòng tham, tiền dễ kiếm, và những kết quả nhanh chóng. Rất khó để bạn không nhập cuộc khi trông thấy mọi người đang hái ra tiền. Không có sức mạnh pháp lý nào trên hành tinh này có thể kiểm soát được bản chất con người. Và vì chúng ta không đối mặt với nguồn gốc thật sự của vấn đề, những bong bóng và những vụ sụp đổ kinh tế cứ lặp đi lặp lại, và sẽ còn lặp đi lặp lại chừng nào còn có những kẻ dễ bị lừa và những kẻ không đọc sử. Sự tái diễn của những tấm gương này cũng chính là sự tái diễn cùng những vấn đề và sai lầm trong cuộc sống của chính chúng ta, tạo nên những khuôn mẫu tiêu cực. Khó mà học hỏi được từ kinh nghiệm khi chúng ta không nhìn vào bên trong, vào những nguyên nhân thật sự. Thấu hiểu: Bước đầu tiên để trở nên sáng suốt là thấu hiểu sự thiếu sáng suốt cơ bản của chúng ta. Có hai yếu tố khiến cho sự thiếu sáng suốt này dễ thâm nhập vào bản ngã của chúng ta: Không ai thoát khỏi tác động không thể chống lại của cảm xúc đối với tâm trí, ngay cả những người thông thái nhất trong số chúng ta; và ở một mức độ nhất định, sự thiếu sáng suốt là một chức năng của cấu trúc não bộ của chúng ta và gắn liền với chính bản chất của chúng ta thông qua cách chúng ta xử lý cảm xúc. Tình trạng thiếu sáng suốt hầu như nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Để hiểu điều này, chúng ta phải nhìn vào quá trình tiến hóa của chính bản thân các cảm xúc. Trong suốt nhiều triệu năm, các cơ thể sống phụ thuộc vào việc hòa hợp tốt với các bản năng sinh tồn. Trong một phần nhỏ của giây, một động vật bò sát có thể cảm nhận được sự nguy hiểm trong môi trường và phản ứng bằng cách chạy vù khỏi chỗ đó. Không có sự phân cách giữa sự thôi thúc và hành động. Thế rồi, dần dần, đối với một số động vật, cảm giác này tiến triển thành một thứ lớn hơn và kéo dài hơn - một cảm giác sợ hãi. Thoạt tiên, sự sợ hãi này chỉ bao gồm một mức độ kích động cao với sự giải phóng các hóa chất cụ thể, báo động cho con vật về một nguy cơ khả dĩ. Với sự kích động này và sự chú ý xuất hiện cùng với nó, con vật có thể phản ứng theo nhiều cách thay vì chỉ một. Nó có thể trở nên nhạy cảm hơn với môi trường và hiểu biết nhiều hơn. Nó có một cơ hội sống sót tốt hơn vì các khả năng chọn lựa mở rộng hơn. Cảm giác sợ hãi này chỉ kéo dài vài giây hoặc thậm chí ngắn hơn, vì tốc độ là yếu tố cơ bản. Với một số động vật xã hội, những kích động và cảm giác này có một vai trò sâu sắc và quan trọng hơn: Chúng trở thành một hình thức giao tiếp chủ yếu. Những tiếng gầm gừ và hiện tượng lông dựng đứng có thể biểu thị sự tức giận, nhằm xua đuổi một kẻ thù hoặc báo hiệu một nguy cơ; những tư thế hay mùi nhất định bộc lộ khát khao tình dục và sự sẵn sàng; những tư thế và điệu bộ nhất định báo hiệu mong muốn chơi đùa; những tiếng gọi nhất định của thú con biểu lộ sự lo lắng và mong muốn mẹ nó quay trở lại. Với động vật linh trưởng, những biểu hiện này trở nên tinh tế và phức tạp hơn. Khoa học đã chỉ ra rằng loài tinh tinh có thể cảm thấy ghen tị và mong muốn báo thù, trong số các cảm xúc khác. Sự tiến hóa này diễn ra trong suốt quá trình nhiều trăm triệu năm. Gần đây hơn, những khả năng nhận thức đã phát triển ở động vật và con người, lên tới đỉnh cao ở việc phát minh ra ngôn ngữ và tư duy trừu tượng. Như nhiều nhà khoa học thần kinh đã khẳng định, sự tiến hóa này đã dẫn tới não bộ phát triển cao hơn của động vật có vú, bao gồm ba phần. Phần cũ nhất là phần bò sát của não, kiểm soát mọi phản ứng tự động điều khiển cơ thể. Đây là phần mang tính bản năng. Bên trên nó là bộ não cũ của động vật có vú hoặc có chi, điều khiển cảm giác và cảm xúc. Và trên cùng là lớp vỏ não mới sau quá trình tiến hóa, phần kiểm soát nhận thức, và ngôn ngữ, đối với con người. Những cảm xúc phát sinh như sự kích ứng được hình thành để thu hút sự chú ý của chúng ta và khiến cho chúng ta chú ý tới một thứ gì đó ở xung quanh. Chúng bắt đầu từ các phản ứng hóa học và cảm giác mà sau đó chúng ta phải diễn dịch thành ngôn ngữ để cố thấu hiểu. Nhưng vì chúng được xử lý trong một phần khác của não chứ không phải phần điều khiển ngôn ngữ và tư duy, sự diễn dịch này thường lệch lạc và thiếu chính xác. Ví dụ, chúng ta cảm thấy tức giận cá nhân X, trong khi thật ra nguồn gốc thật sự của cảm xúc này là sự đố kỵ; bên dưới mức nhận biết có ý thức chúng ta cảm thấy thấp kém hơn trong mối quan hệ với X và muốn có thứ gì đó mà anh ta hoặc cô ta có. Nhưng đố kỵ không phải là một cảm giác mà chúng ta thoải mái chấp nhận, và thông thường chúng ta diễn dịch nó thành một thứ khác dễ chấp nhận hơn - tức giận, không ưa, ghét. Hoặc có một hôm, trong lúc chúng ta với tâm trạng bực bội và sốt ruột, bỗng cá nhân Y cản ngang đường của chúng ta không đúng lúc và chúng ta trút giận lên anh ta, không nhận ra rằng sự tức giận này bị thôi thúc từ một tâm trạng khác và không tương xứng với những hành động của Y. Hoặc cứ cho rằng chúng ta thật sự tức giận cá nhân Z. Nhưng sự tức giận đang xâm chiếm chúng ta là do một ai đó trong quá khứ vốn từng làm chúng ta tổn thương sâu sắc gây ra, có lẽ là cha hoặc mẹ. Chúng ta hướng sự tức giận vào Z vì anh ta khiến cho chúng ta nhớ tới người kia. Nói cách khác, chúng ta không có phương tiện để tiếp cận về mặt ý thức với nguồn gốc của các cảm xúc và các tâm trạng do chúng gây ra. Khi cảm thấy chúng, tất cả những gì chúng ta có thể làm là cố diễn giải cảm xúc, dịch nó sang ngôn ngữ. Nhưng thông thường chúng ta diễn dịch sai nhiều hơn đúng. Chúng ta bám vào những diễn dịch đơn giản và phù hợp với mình. Hoặc chúng ta vẫn cứ lúng túng. Chẳng hạn chúng ta không biết vì sao mình lại cảm thấy phiền muộn. Khía cạnh vô thức này của cảm xúc cũng có nghĩa rằng chúng ta khó mà học hỏi được từ chúng, để chấm dứt hay ngăn ngừa hành vi có tính chất ép buộc.(32) Những đứa trẻ cảm thấy bị cha mẹ ruồng bỏ về sau sẽ có xu hướng tạo ra những khuôn mẫu của sự ruồng bỏ mà không nhìn thấy nguyên nhân. (Xem Những điểm kích hoạt từ thuở đầu đời ở phần sau). Chức năng truyền tải của các cảm xúc, một nhân tố quan trọng đối với động vật xã hội, c

Use Quizgecko on...
Browser
Browser