Christian Counseling 1 - VMN.docx
Document Details
Uploaded by VersatileYellow7573
Tags
Full Transcript
TƯ VẤN CƠ ĐỐC Tư vấn là những câu chuyện, những câu chuyện về cuộc đời con người. Những câu chuyện cuộc đời bao gồm những trải nghiệm thời thơ ấu, niềm tin, chiến thắng, thảm họa, quyết định, thất vọng, khủng hoảng, và những lúc vui tột đỉnh. Và những câu chuyện cuộc đời xoay quanh con người. Ph...
TƯ VẤN CƠ ĐỐC Tư vấn là những câu chuyện, những câu chuyện về cuộc đời con người. Những câu chuyện cuộc đời bao gồm những trải nghiệm thời thơ ấu, niềm tin, chiến thắng, thảm họa, quyết định, thất vọng, khủng hoảng, và những lúc vui tột đỉnh. Và những câu chuyện cuộc đời xoay quanh con người. Phần lớn câu chuyện cuộc đời tôi gắn liền với Julie. Nó nói về sự hiện diện, tình yêu, sự hỗ trợ, thấu hiểu, khích lệ, và kiên trì đồng hành của nàng với tôi như một người bạn thân thiết nhất. Tôi hân hạnh đề tặng cuốn sách này cho nàng dù rằng không có lời đề tặng nào có thể bày tỏ trọn vẹn lòng biết ơn của tôi về cuộc hành trình của chúng tôi với nhau trải nhiều năm tháng. Hành trình đó bao gồm cả sự nàng khích lệ bên cạnh tôi khi tôi viết bản thảo này. Tôi biết ơn Chúa thật sâu đậm, và Julie về những cách nàng đã định hình và tiếp tục tác động đến câu chuyện cuộc đời đang diễn ra của tôi. Lời Nói Đầu Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên xuất bản cuốn sách này và ấn bản thứ ba mà bạn đang đọc. Chắc chắn nhiều điều đã thay đổi trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên trong một thế giới rất khác với thế giới ngày nay. Đã có rất nhiều cú nhảy vọt của kỹ thuật, khả năng truyền thông, những tiến bộ trong y sinh, và sự tái cấu trúc chính trị toàn cầu. Rất nhiều những giá trị lâu đời đã thay đổi, và chúng tôi cũng đã thay đổi những quan điểm của mình về đời sống tâm linh, tôn giáo, giáo dục, gia đình, đạo đức doanh nghiệp, chính trị, sự đa văn hóa, và điều mà chúng ta xem là giải trí. Một số những vấn đề cũ vẫn còn: sẽ luôn có những người bị trầm cảm, lo lắng, gặp xung đột với những người khác, vật lộn với những thay đổi, và tâm linh thì rối mù. Nhưng giống như mọi thứ khác, tư vấn đã thay đổi, sự nghiên cứu đã nâng cao hiểu biết của chúng ta về hành vi con người, và những nỗi lo sợ trước sự xung đột Đông-Tây bị thay thế bởi những nỗi lo sợ khủng bố và những điều bất định về tương lai. Nhiều năm trước, tôi học biết rằng viết một cuốn sách mới lại dễ hơn là cập nhật và hiệu đính một cuốn sách cũ và lỗi thời trên phương diện nào đó. Trong hơn một năm trời, tôi dán mắt vào màn hình máy tính hết ngày này sang ngày khác, xóa bỏ những ý tưởng lạc hậu, hiệu đính từng câu văn, đánh giá lại hàng trăm những bài nghiên cứu, đưa vào rất nhiều những nội dung mới, và trình bày các ý tưởng theo những cách mới phù hợp hơn với những độc giả thời nay, cả những độc giả quốc tế và những người có các quan điểm văn hóa đa dạng. Tôi đã hiệu đính toàn bộ và viết lại những phiên bản trước đây của cuốn sách này, bao gồm những trường hợp mới (case histories), thêm vài chương mới, và những thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng thời nay, nhưng lại ít được quan tâm tới, dù chỉ cách đây vài năm thôi. Khi làm việc với những nhà biên tập và nhà xuất bản, tôi đã cố gắng đưa ra một cuốn sách thân thiện hơn với độc giả, nhưng vẫn được xem là viết rõ ràng, dễ đọc, với rất ít những biệt ngữ (jargon) kỹ thuật, tâm lý hay thần học. Có một điều vẫn không thay đổi kể từ khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên. Nó vẫn có bìa màu vàng, ít nhất là trong ấn bản tại Bắc Mỹ, và vẫn nổi tiếng khắp thế giới với cái tên là *cuốn sách lớn màu vàng*. Nếu bạn đã thấy những ấn bản trước đây, bạn biết rằng cuốn sách lớn màu vàng bây giờ lại còn lớn hơn nữa, đầy đủ hơn và hữu dụng hơn. Tôi viết những lời giới thiệu này sau khi tôi đã viết xong những trang sách sau đây. Cũng như lúc trước, tôi ngạc nhiên vì có rất nhiều người dự phần vào việc xuất bản cuốn sách này. Nhiều người trong số họ tôi chưa gặp bao giờ, nhưng tôi rất là biết ơn: Những người làm việc trong ngành xuất bản, những người đã từng làm việc với những ấn bản trước đây của cuốn sách này, và những người đã làm công việc hiệu đính, thiết kế, in ấn và tiếp thị ấn bản thứ ba. Các giáo sư tại các trường cao đẳng, chủng viện, đại học và các trường cao học, những người đã chọn cuốn sách này cho các môn học của họ, và tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục dùng nó. Đặc biệt cảm ơn những người đã viết thư cho tôi trong suốt mười năm qua, thúc giục tôi cần phải cho ra ấn bản thứ ba. Lời của quý vị đã giúp khích lệ tôi trong một hành trình dài. Các sinh viên là những người sẽ đọc qua cuốn sách này. Đối với một số các bạn, cuốn sách này là cuốn bắt buộc phải đọc trong một môn học. Tôi biết bạn ước gì tôi đã viết ngắn hơn, rẻ tiền hơn, và ít toàn diện hơn, nên tôi mong bạn lượng thứ cho độ dày của cuốn sách này! Tôi hy vọng cuốn sách sẽ có tác động đầy ý nghĩa trong cuộc sống và sự nghiệp của bạn, và trong công việc tư vấn của bạn. Tôi cũng hy vọng bạn sẽ thường xuyên xem lại cuốn sách này trong những năm tới, dùng nó như một cẩm nang tham khảo thực tiễn và đáng tin cậy. Các mục sư và những người lãnh đạo Hội Thánh đã dùng những ấn bản trước đây của cuốn sách này trong mục vụ của quý vị. Hơn bất cứ nhóm nào khác, quý vị là tuyến đầu của tư vấn, tôi đã viết cuốn sách này cho quý vị. Cảm ơn những người đã thúc giục thành viên trong các hội chúng của quý vị sử dụng cuốn sách này để học biết về bản thân họ cũng như trong các khóa huấn luyện những nhân sự tư vấn. Các dịch giả là những người đã bỏ hàng trăm giờ đồng hồ để dịch các ấn bản trước đây của cuốn sách này sang tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, và một số ngôn ngữ khác, bao gồm cả ấn bản tiếng Ba Lan mới đây, cũng là một cuốn sách lớn với bìa màu vàng. Cũng xin cảm ơn những người đã xuất bản các ấn bản tiếng Anh của cuốn sách này để dùng ở những quốc gia ngoài Hoa Kỳ. Tôi xin lỗi những người ước gì tôi bỏ qua cách đánh vần của Mỹ và viết những từ như *counselling, counsellor,* và *counsellee* với hai chữ L. Những người bán sách đã mang cuốn sách này đến cho những người mua và tiếp tục rất chuyên cần trong công việc khó nhọc rất cần thiết, vốn là nền tảng cho rất nhiều những thay đổi. Những người đến từ Trung Tâm Thể Hình Bufffalo Grove, là những người tập thể dục với tôi trước bình minh mỗi sáng, và là những người đã hỗ trợ rất nhiều, dù rằng hầu hết trong số họ sẽ không bao giờ thấy hay đọc cuốn sách này. Họ là những người không ngừng khích lệ và là những người bạn cùng tập thể dục tuyệt vời. Những người bạn khắp thế giới đã khích lệ tôi, cầu nguyện cho tôi, thăm hỏi bản hiệu đính đã tới đâu rồi, và giúp tôi vô số cách khác nhau. Không có cách nào để tôi bày tỏ trọn vẹn lòng biết ơn sâu sắc của mình với tất cả những người đã đứng bên cạnh tôi khi tôi viết cuốn sách này và đã cầu nguyện cho tôi khi một cuộc phẫu thuật ngoài dự định xảy đến cho tôi, khiến tôi phải nằm suốt vài tuần, là khoảng thời gian lẽ ra tôi phải viết cuốn sách này. Tôi xin lỗi trước bất cứ ai tôi không nhớ. Thật cảm ơn: Cuối cùng, anh cảm ơn Lynn, Robin, Jan và đặc biệt là Julie, người đã đồng đi với tôi trong hơn bốn mươi năm. Chỉ có gia đình tôi mới biết dự án này thực sự đòi hỏi những gì. Vì tình yêu em và các con dành cho anh, và biết rõ những đòi hỏi, mỗi người đều đã phải tranh chiến trước khi hoàn toàn ủng hộ anh trong nỗ lực này. Nhưng từ khi bắt đầu, mỗi người đã nhìn thấy giá trị của ấn bản thứ ba, và không lâu sau thì mọi người đều đã hỗ trợ anh trọn hành trình theo những cách mà không ai khác ngoài gia đình mình có thể hiểu hoặc cảm nhận trọn vẹn. Không có lời nào có thể bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn của anh đối với em và các con. Nghe thì hơi khách sáo, nhưng quả thật là nếu không có sự khích lệ, cảm thông, và hỗ trợ của em và các con, cuốn sách này sẽ không bao giờ hoàn thành. Trên hết, tôi biết ơn Chúa, Đấng đã dẫn dắt, hướng dẫn, thêm sức, truyền năng lực, và giúp đỡ tôi rất nhiều cách khác nhau, dù Ngài biết rằng sản phẩm cuối cùng vẫn không trọn vẹn. Tôi cầu nguyện xin Chúa cho cuốn sách này sẽ được sử dụng để tác động đến đời sống của vô số người, và cuối cùng sẽ mang vinh hiển lại cho Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng duy nhất nắm giữ mọi bí quyết của sự tư vấn Cơ Đốc đầy thẩm quyền. Gary R. Collins Những Gợi Ý Sử Dụng Cuốn Sách Này Giống như những ấn bản trước, ấn bản thứ ba của cuốn *Tư Vấn Cơ Đốc: Một Cẩm Nang Toàn Diện* được viết để hỗ trợ những người lãnh đạo Cơ Đốc và những người lãnh đạo tương lai trong công tác tư vấn của họ. Cuốn sách này được chia làm chín phần. Phần thứ nhất gồm có bảy chương, trình bày tổng quát về những nguyên tắc tư vấn có thể áp dụng cho hầu hết những nan đề mà những nhà tư vấn chắc chắn sẽ gặp phải trong công việc của mình. Chương cuối cùng của cuốn sách bàn đến tương lai khả dĩ của tư vấn, được xây dựng trên những gì đang diễn ra trong hiện tại. Mỗi phần ở giữa sách có năm chương. Những chương này độc lập với nhau và đọc theo thứ tự nào cũng được. Hầu hết những chương giữa này (8---42) bắt đầu với một tình huống lịch sử và lời giới thiệu, theo sau đó là quan sát sự dạy dỗ Kinh Thánh về nan đề đang bàn đến. Kế đến là cái nhìn tổng quát về những nguyên nhân, tác động, những gợi ý tư vấn, và những đề nghị để ngăn ngừa từng nan đề. Toàn bộ điều này là để mang lại thông tin phù hợp, cập nhật, có thể thực tế, hữu dụng và dễ tìm kiếm. Kinh nghiệm cho thấy rằng cuốn sách này được dùng như là cẩm nang hướng dẫn cho cá nhân những nhà tư vấn, cẩm nang cho nhiều người lãnh đạo Cơ Đốc (gồm có các mục sư), sách giáo khoa cho các sinh viên và giáo sư, một tài liệu huấn luyện cho những nhân sự tư vấn, nguồn thông tin cho những người muốn hiểu sâu hơn về hành vi con người, sách hướng dẫn về nền tảng Kinh Thánh của tư vấn, và một cuốn sách mang đến nhận thức lớn hơn về những kỹ năng giúp đỡ người khác. Ấn bản hiện tại có thêm nhiều trường hợp nghiên cứu so với các ấn bản trước, và những tóm tắt súc tích ở cuối mỗi chương. Cuốn sách này được xuất bản tại Hoa Kỳ, và rất có thể hầu hết quý độc giả là những người ở tại Hoa Kỳ và Canada. Tôi vẫn nghĩ đến quý độc giả Bắc Mỹ khi viết cuốn sách này, nhưng tôi cũng để ý đến những độc giả quốc tế. Trong sự nghiệp của tôi, tôi có vinh dự thăm viếng nhiều quốc gia với những nền văn hóa khác biệt, và những phương pháp của Mỹ thường không có tác dụng. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để khiến cuốn sách này dễ hiểu đối với những độc giả ngoài Hoa Kỳ, và áp dụng được trong các quốc gia nơi mà sự huấn luyện tư vấn, các phương pháp tư vấn, những kỳ vọng văn hóa, và những giới hạn pháp lý rất khác với cộng đồng mà tôi đang sống và đất nước mà tôi ra đời và lớn lên (Canada). Trong hầu hết những quốc gia nơi cuốn sách này được đọc, thích ứng hoặc phiên dịch, sẽ có nhiều người thuộc nhiều bối cảnh sắc tộc và văn hóa khác nhau. Tôi đã cố gắng ghi nhớ những nét riêng này khi viết sách. Ngoài việc đọc cuốn sách này, cũng hãy xem xét một số cách dưới đây để học và sử dụng cuốn sách này. 1\. *Đánh Dấu Trong Sách*. Trừ phi đây là sách mượn, bạn có thể gạch dưới nhiều câu văn, ghi chú bên lề, hoặc tìm những cách khác để dễ dàng đọc lại các ý chính. 2\. *Đăng Nhập Trang Web Kèm Theo Cuốn Sách Này*. Trang web này là nguồn thông tin miễn phí kèm theo sách: [www.garycollins.com](http://www.garycollins.com). Đây không phải là nguồn thông tin được cập nhật thường xuyên hay có đầy đủ nghiên cứu mới nhất cũng như những xu hướng mới nhất trong tư vấn. Trái lại, đây là cố gắng của tác giả hầu giữ liên lạc với các độc giả. Bản tin hằng tuần Gary Collins về dìu dắt (coaching) và tư vấn sẽ được đăng trên website (bạn có thể nhận một bản sao trên máy tính của mình mà không phải trả phí nếu vào website, nhấn vào nút *newsletter* và *subscribe* (đăng ký). Trang web này sẽ cho bạn cơ hội để đáp ứng với cuốn sách, kết nối với các độc giả khác, đọc những mẩu tin về nghiên cứu mới đây hoặc những cuốn sách mới, tìm kiếm địa chỉ của những website hữu ích khác, tìm hiểu về những tài liệu phụ kèm theo cuốn sách này, và thỉnh thoảng cập nhật điều mà Gary Collins sẽ làm trong thời gian tới. 3\. *Dùng Những Tài Liệu Phụ Kèm Theo Cuốn Sách Này*. Những tài liệu này bao gồm cuốn sổ tay trường hợp nghiên cứu kèm theo cuốn sách vàng và những tài nguyên khác sẽ được thông tin trên website khi có. 4\. *Chia Sẻ Và Sử Dụng Cuốn Sách Này*. Mỗi giáo sư đều biết rằng cách tốt nhất để học là dạy những người khác. Khi bạn đọc qua các chương dưới đây, hãy hỏi mình xem bạn có thể chia sẻ những gì bạn đang học như thế nào. Một số người đã dùng nội dung trong sách này trong các bài diễn thuyết, bài dạy, bài giảng, và các bản tin. Những người bạn nào đó đang phải vật lộn với những vấn đề liệt kê trong sách này có thể sẽ được giúp nhiều nếu bạn gần gũi chia sẻ với họ những gì cuốn sách nói về những tranh chiến của họ. Khi bạn dùng cuốn sách này để giúp đỡ những người khác, ngay cả khi không có tư vấn, bạn vẫn có thể giúp họ và củng cố sự học hỏi của chính mình. Một cuốn sách như thế này nên được sử dụng, chứ không nên nằm trên kệ sách rồi bị lãng quên. 5\. *Thực Hiện Nhập Vai Dựa Trên Cuốn Sách Này*. Điều này thường diễn ra trong bối cảnh dạy học, nơi hướng dẫn viên khuyến khích các học sinh chia thành các nhóm ba người. Một người đóng vai trò người tư vấn, một người vào vai người được tư vấn, và một người thì quan sát. Sau mỗi phần nhập vai này, hãy thảo luận điều bạn đã học được và cách bạn có thể cải thiện. Sau đó hãy đổi vai và lặp lại tiến trình này. 6\. *Xây Dựng Trên Cuốn Sách*. Tập sách này có những điều căn bản cho tư vấn. Phần lớn nội dung sẽ vẫn không thay đổi theo thời gian. Nhưng chúng ta sống và làm việc trong những môi trường đang thay đổi, thậm chí những điều căn bản cũng cần được áp dụng vào những hoàn cảnh mới. Hãy dùng cuốn sách này như khởi đầu để tìm kiếm thêm thông tin hầu xây dựng trên những gì đã viết ở đây. Internet là một khởi đầu tốt, đặc biệt là khi bạn giới hạn những tìm kiếm của mình trong các website hoặc các nhóm chuyên nghiệp (chẳng hạn như Alzheimer's Association hoặc American Psychological Association), các trang web chính phủ hay trường đại học. Trang web đi kèm cuốn sách này sẽ đưa ra những đường link khi có thông tin. 7\. *Kết Nối Với Những Độc Giả Khác Của Cuốn Sách Này*. Website kèm theo sẽ cho phép bạn làm điều này. 8\. *Trả Lời Và Thảo Luận Các Câu Hỏi Đặt Nền Tảng Trên Cuốn Sách Này*. Việc suy ngẫm và thảo luận những câu hỏi, chẳng hạn như những câu dưới đây, là điều hữu ích. Bạn có thể viết ra những câu trả lời để đo lường hiểu biết của bạn về chương sách, hoặc đây có thể là những câu hỏi thảo luận cho sinh viên các lớp hoặc những nhóm khác. Chúng cũng có thể dùng làm cơ sở để kiểm tra về cuốn sách. Một số các câu hỏi này có thể không áp dụng cho tất cả các chương, nhưng đây là một khởi đầu để bạn phát những câu hỏi khác, thích thú hơn và hữu ích hơn. Bạn có những câu hỏi nào về chương này? Bạn có thể tóm tắt lời dạy Kinh Thánh về nan đề bàn đến trong chương này không? Hãy tóm tắt những nguyên nhân và hậu quả của nan đề này. Bạn có nghĩ ra được những nguyên nhân hay hậu quả nào khác mà tác giả có thể bỏ lỡ hay không? Bạn đã học được gì từ việc tư vấn cho những người gặp phải nan đề này? Bạn có thể nêu những ví dụ về những người từng gặp nan đề này hay không? (Nhớ đừng nêu tên thật của những người có liên quan; hãy thay đổi bất cứ chi tiết nào có thể tiết lộ danh tính của một người nào đó.) Người này có thể đã được tư vấn như thế nào? Vạch ra một chương trình để ngăn ngừa nan đề này phát triển. Làm thế nào để bạn chia sẻ thông tin về chương này? Bạn đã chia sẻ nó với ai? Bằng cách nào? Những câu hỏi nào của bạn chưa được giải đáp? Bạn có thể tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này ở đâu? 9\. *Hãy Bắt Đầu Đọc Cuốn Sách*. Khi bạn bước sang chương đầu tiên, tôi hy vọng hành trình của bạn qua cuốn sách này sẽ là một hành trình xứng đáng. Khi bạn đọc, bạn có thể liên lạc với tôi qua website. Tôi không thể bảo đảm là tôi sẽ trả lời vì số lượng điện thư ngăn trở điều này. Tôi thường đọc những điện thư của cá nhân mình, tuy nhiên, tôi vẫn rất muốn nghe từ bạn. Cũng hãy lưu ý rằng tôi không thể đưa ra hướng dẫn tư vấn qua điện thư cho những người nào muốn được giúp đỡ hoặc lời khuyên hoặc cho những người đang tư vấn những người khác và có nhiều thắc mắc. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy thử tìm một nhà tư vấn Cơ Đốc, người có thể tư vấn cho bạn cách cá nhân. Cảm ơn bạn đã đọc qua phần giới thiệu này. Bây giờ tôi cầu xin Chúa ban sự hướng dẫn đặc biệt và sự đọc sách đầy hứng thú khi bạn đọc qua những phần còn lại của cuốn sách này. Phần Một Những Vấn Đề Dẫn Nhập Chương 1 Những Thay Đổi Trong Tư Vấn RW[^1^](#fn1){#fnref1.footnote-ref} lớn lên trong thành phố, tại một khu vực tồi tàn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự nghèo đói, bạo lực, hoạt động băng đảng, lạm dụng chất gây nghiện, và những kẻ buôn ma túy trẻ tuổi. RW chưa bao giờ nhận được bất cứ món quà Giáng Sinh nào. Anh chưa bao giờ có một bữa tiệc sinh nhật và chưa bao giờ nếm trải một đời sống gia đình ổn định. Gia đình gần gũi nhất mà anh từng có là những đứa trẻ khác trong khu nhà của anh, là những đứa có những hoàn cảnh tương tự. RW học cách sử dụng nắm đấm của mình để tồn tại, và không lâu sau đó, khi bước vào tuổi thiếu niên, anh thử nghiệm ma túy. Anh trở thành kẻ bán ma túy trước khi vào trường trung học, và lần đầu tiên đi tù khi mới mười bảy tuổi. Một ngày nọ, anh gặp một nhà tư vấn Cơ Đốc, một người phụ nữ độc thân từ ngoại ô dọn vào khu vực của anh sống để làm việc với những đứa trẻ như RW. Cô là người đầu tiên từng tin tưởng nơi anh, nhìn nhận anh, và cố gắng giúp đỡ anh. Cô khích lệ anh, nói với anh về Đấng Christ, và giúp anh tăng trưởng trong đời sống Cơ Đốc sau khi anh tin Chúa. Ảnh hưởng của cô là ảnh hưởng của một nhà tư vấn và một người bạn tâm tình, nhưng cô biết cách thách thức anh đồng thời kháng cự lại những nỗ lực của anh nhằm thao túng cô. Một lần nữa, cô giúp anh bắt đầu chương trình phục hồi, nhưng anh bỏ ngang sau ba ngày, và trở về với đường phố, với ma túy, với bạo lực. "Tôi không chịu được những quy tắc và luật lệ," anh nói với nhà tư vấn phục hồi trước khi đi. "Bây giờ tương lai tôi chỉ có hai khả năng mà thôi. Trong vòng một tháng, hoặc tôi sẽ chết, hoặc tôi đi tù." Và anh ta đã nói đúng.[^2^](#fn2){#fnref2.footnote-ref} Hầu hết các bạn, những người đọc cuốn sách này, sẽ không tư vấn cho những người như RW, nhưng bạn sẽ gặp những người khác mà cuộc đời của họ cũng rối rắm và lộn xộn y như vậy. Giống như nhà tư vấn sống trong khu vực đầy dẫy ma túy và nỗ lực mỗi ngày để giúp đỡ những người như RW, nhiều lúc bạn sẽ bị thất vọng, bức xúc, và không chắc phải nói gì hay làm gì. Một số những người mà bạn tư vấn sẽ trở nên tốt hơn; nhưng rồi họ sẽ lại rơi vào tình trạng cũ và trở nên tệ hơn. Một số người sẽ rút hết năng lượng của bạn, làm cạn kiệt nguồn sáng tạo của bạn, và khiến bạn khô hạn đến mức phải tự hỏi vì sao bạn lại quá quan tâm đến cuộc đời của những người đang bị tổn thương này. Thế nhưng, giống như nhà tư vấn nội thành kia---vốn là con gái của tôi---bạn sẽ nếm trải niềm vui của việc tuôn đổ cuộc sống của mình vào người khác và nhìn thấy họ thay đổi. Bạn sẽ thấy nhiều cuộc đời được Chúa đụng chạm, và sẽ kinh ngạc khi thấy rằng những nỗ lực tư vấn của bạn được dùng để dạy người khác cách sống khác, vượt qua những sự ngược đãi trong quá khứ, thay đổi những góc nhìn của họ về cuộc sống, được thoát khỏi những xung đột nội tâm làm họ mệt mỏi, và tiến tới phía trước theo những hướng mới lành mạnh hơn. Khi bạn đọc các trang dưới đây, bạn sẽ được nhắc nhở về dữ kiện căn bản này: *tư vấn xoay quanh việc thay đổi*. Nó xoay quanh những người muốn thay đổi, những người không biết cách thay đổi, những người cần sự giúp đỡ để thay đổi, những người kháng cự sự thay đổi, và những người giống như RW, dường như họ không thể rời bỏ những hoàn cảnh hiện tại của họ và chấp nhận sự giúp đỡ từ những người khác để mình thay đổi. Những nhà tư vấn làm việc với những người bị quá tải bởi những hoàn cảnh hoặc thay đổi trong đời sống của họ, những người không biết làm thế nào để đương đầu hoặc điều họ có thể làm để thay đổi. Cộng thêm sự phức tạp và không chắc chắn, những người mà chúng ta tư vấn sống trong một thế giới đầy dẫy những thay đổi phi mã, điều tác động đến toàn bộ đời sống, nơi làm việc, các mục vụ, và các cộng đồng của chúng ta. Bản Chất Của Sự Thay Đổi Chỉ có hai điều chắc chắn trong cuộc sống này: sự chết và thuế. Có lẽ bạn đã nghe câu cách ngôn xưa này. Trong thế kỷ hai mươi mốt, có lẽ điều mà chúng ta nên thêm vào sự chết và thuế chính là sự thay đổi, vốn là điều chắc chắn sẽ xảy ra cho mọi người, ít nhất là trong tương lai có thể thấy trước. Khi tôi tìm nhanh trên Internet những bài viết, sách vở, và những nguồn tham khảo khác về sự thay đổi, máy tính của tôi nhanh chóng đưa ra 122 triệu kết quả, và phân những kết quả này thành 19 triệu phạm trù khác nhau. Những con số đó càng tăng lên khi tôi đang viết đoạn văn này. Với sự nhấn mạnh như thế này về sự thay đổi, thật ngạc nhiên là chúng ta lại không biết nhiều hơn về cách thức có thể giúp đỡ những người được tư vấn đương đầu với sự thay đổi bất ngờ, cách giúp họ thay đổi, và cách giữ cho sự thay đổi được lâu bền. Dù sự thay đổi là phổ biến và quen thuộc, nó cũng có thể rất khó khăn và đau đớn. Tiểu thuyết gia James Baldwin viết rằng "hầu hết chúng ta nóng lòng được thay đổi như thể nóng lòng chào đời, và chúng ta trải qua những sự thay đổi trong trạng thái sốc tương tự."[^3^](#fn3){#fnref3.footnote-ref} RW muốn thay đổi cuộc đời anh. Anh đến một trung tâm phục hồi Cơ Đốc nổi tiếng vì đã thay đổi đời sống nhiều người. Sự cám dỗ để quay trở lại lối sống nghiện ma túy quen thuộc trên đường phố quá lớn nên anh không cưỡng lại được, bất chấp nỗ lực nhiệt tình nhất của những nhà tư vấn nhằm can ngăn anh. Sự thay đổi có thể nằm trong mong đợi hoặc ngoài mong đợi, thình lình hoặc diễn ra từ từ, gây tác hại lớn hoặc chỉ tác động nhỏ, dễ kiểm soát hoặc ngoài tầm kiểm soát. Cách một người đáp ứng sẽ tùy thuộc một phần vào nhân cách, những hoàn cảnh cuộc sống, hoặc những kinh nghiệm quá khứ trong sự đương đầu với thay đổi. Khi hôn nhân tan rã hoặc căn bệnh nặng dần lên tác động đến thân thể chúng ta, mình có thể hoảng hốt hoặc phản ứng thái quá, dẫn đến hành vi hoặc lời nói khiến chúng ta hối hận về sau. Trên một phương diện khác, những thay đổi này có thể bị phủ nhận khi một người cố tránh đối diện với những hoàn cảnh đang thay đổi càng lâu càng tốt. Những thay đổi đột ngột hơn, chẳng hạn như sự qua đời bất thình lình của một người thân, hoặc bị mất việc, là những cuộc khủng hoảng không thể làm ngơ. Những thay đổi ít kịch tính (dramatic) hơn, chẳng hạn như sự suy giảm chất lượng của một khu nhà hoặc những cách thức thờ phượng mới trong một Hội Thánh truyền thống, có thể bị kháng cự, làm ngơ, hoặc chấp nhận cách dè dặt, nhưng chỉ sau khi trải qua một khoảng thời gian dài suy tư, và quen thuộc với những thực tại mới. Những lúc khác chúng ta chấp nhận sự thay đổi một cách hết sức nhiệt tình, tận hưởng nó, và thậm chí tìm kiếm nó, ví dụ như thử chơi một môn thể thao mới, hoặc đi học để chuẩn bị cho một sự nghiệp mới. Rồi cũng có những người đầy sáng tạo, là những người thích tạo ra sự thay đổi, khuấy động mọi sự, và mở ra những con đường mới xuyên qua thế giới đầy bất ổn của chúng ta. Trong toàn bộ điều này, phần nhiều tùy thuộc vào việc ai kiểm soát sự thay đổi. Chúng ta thiên về sự kháng cự và sợ thay đổi khi mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Có lẽ đây là lý do vì sao chúng ta sợ thời tiết khắc nghiệt hoặc cưỡng lại việc đi nha sĩ. Là một nhà tư vấn, bạn là một chuyên gia thay đổi. Công việc của bạn là giúp người khác đối diện với những thay đổi xảy đến trong đời sống của họ và đưa ra những thay đổi giúp cải thiện đời sống của họ. Nếu bạn muốn tư vấn cách hiệu quả, thì điều thiết yếu là bạn phải hiểu tiến trình thay đổi. Bạn phải nhận biết cách con người cố gắng thay đổi bản thân, vì sao thay đổi lại khó khăn, và điều gì khiến sự thay đổi được lâu bền. Hiểu Sự Thay Đổi Bản Thân Bạn có bao giờ đưa ra những quyết tâm dịp Đầu Năm và rồi bỏ cuộc sau vài tuần---hoặc có thể vài giờ---trong năm mới? Không chỉ có mình bạn đâu. Các nhà nghiên cứu khám phá rằng 25 phần trăm những điều quyết tâm dịp Năm Mới sẽ bị từ bỏ trong tuần đầu tiên; 60 phần trăm sẽ biến mất trong vòng sáu tháng. Trong số những người thất bại, phần lớn sẽ đưa ra cùng một quyết tâm hết năm này đến năm khác suốt cả chục năm trước khi họ bỏ cuộc hoặc cuối cùng thì thành công với một thay đổi nào đó kéo dài ít nhất sáu tháng. Điều này dường như chẳng mấy khích lệ đối với một số người trong chúng ta là những người quyết định chấm dứt một thói quen có hại hoặc tội lỗi nào đó, quyết tâm thêm những kỷ luật thuộc linh vào đời sống chúng ta, hoặc dự phần thúc giục những người khác thay đổi đời sống của họ. Không giống như những nhà nghiên cứu tâm lý, các Cơ Đốc nhân hiểu vai trò của Đức Thánh Linh trong việc mang lại những thay đổi lâu bền, nhưng tính hiệu quả của sự thay đổi bản thân trong các Cơ Đốc nhân có thực sự khác biệt chút nào so với sự thay đổi của những người không tin hay không? Bất luận một người có những niềm tin gì, sự thật vẫn là: sự thay đổi bản thân là điều khó, và sự tái phạm là điều phổ biến giữa vòng tất cả chúng ta.[^4^](#fn4){#fnref4.footnote-ref} Đây có thể là một lý do vì sao nhiều người bỏ cuộc trong sự thay đổi chính họ và tìm đến những người bạn và gia đình nhờ giúp đỡ. Khi cách này không xong, họ chạy đến các mục sư và những người lãnh đạo tôn giáo khác, hoặc đến gặp các chuyên viên sức khỏe tâm thần và những nhà tư vấn khác. Trong nỗ lực để hiểu lý do vì sao sự thay đổi bản thân thường thất bại, hai tâm lý gia người Canada đã thực hiện một cuộc nghiên cứu dài hạn và đề xuất điều mà họ gọi là Hội Chứng Ảo Vọng (False Hope Syndrome---FHS).[^5^](#fn5){#fnref5.footnote-ref} Hình 1-1 là bản tóm tắt khái niệm này.[^6^](#fn6){#fnref6.footnote-ref} Hội Chứng Hão Vọng (False Hope Syndrome) Những Kỳ Vọng Phi Thực Tế Cam Kết Thay Đổi (cảm xúc mình đang kiểm soát) Những Nỗ Lực Bước Đầu (thành công bước đầu) Sự Kháng Cự Thay Đổi (sự thay đổi dừng lại) Thất Bại / Từ Bỏ Nỗ Lực Tìm Kiếm Những Lý Do Thất Bại Hình 1-1. Hội Chứng Hão Vọng. Phỏng theo Janet Polivy và C. Peter Herman, "If at First You Don't Succeed: False Hopes of Self-Change," *American Psychologist 57* (Tháng Chín 2002): 684. Theo giả thuyết dựa trên nghiên cứu này, sự thay đổi bản thân thất bại là vì chúng ta đặt ra *những kỳ vọng không thực tế*. Giả sử vào dịp đầu năm mới, một người quyết tâm giảm năm mươi cân trong mười tuần lễ đầu tiên, đi tập thể dục mỗi buổi sáng trước khi đi làm, hoặc cầu nguyện và học Kinh Thánh một tiếng mỗi ngày. Mỗi mục tiêu này rất có khả năng sẽ thất bại vì những quyết tâm này đầy tham vọng và phi thực tế. Lúc đầu thì có *cam kết thay đổi* mạnh mẽ, và người đó cảm thấy mình đang kiểm soát cả tiến trình. Thông thường, *những nỗ lực bước đầu* đưa đến thành công rất sớm. Ví dụ, người ăn kiêng để ý thấy mình giảm cân nhanh chóng khi cơ thể thải bớt nước và cái cân cho thấy số cân giảm. Tuy nhiên không lâu sau đó, *sự thay đổi dừng lại*. Cơ thể thích nghi với sự giảm lượng thức ăn đưa vào. Giờ dưỡng linh mỗi sáng cứ bị bỏ qua khi người này không nghe tiếng đồng hồ reo và thức dậy trễ. Người ta không nhận ra rằng sự tái phát (relapse) và *những thất bại* theo chu kỳ là chuyện bình thường, nên họ đổ lỗi cho bản thân khi những điều này xảy ra, đôi lúc cố gắng thử lại một, hai lần nữa, nhưng cuối cùng thì bỏ cuộc và quyết định rằng sau này mới thử lại. Ở điểm này, người ta thường sẽ tìm những lý do giải thích vì sao nỗ lực của họ thất bại. Thử ăn kiêng lại lần nữa. Suy nghĩ trong lòng có thể diễn ra như thế này, mà phần lớn là không hợp lý: "Mình nghĩ mình không nên ăn miếng bánh ngọt đó ngày hôm qua. Có lẽ đó là điều khiến cho cân nặng ngừng giảm. Bây giờ mình đã thất bại và phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng điều đó có thể không mấy khôn ngoan vì mình sẽ đi dự tiệc sinh nhật tuần tới. Mình nghĩ rằng mình sẽ chờ cho đến sau buổi tiệc rồi mới bắt đầu lại. Có lẽ mình cũng sẽ chờ cho tới sau đám cưới mà mình sẽ dự vào cuối tháng này. Khi đó sẽ có ít cám dỗ hơn, và mình sẽ có thể thành công." Bằng cách lý luận như thế nào, những người này tránh đổ lỗi cho bản thân, kết luận rằng những hoàn cảnh bên ngoài là nan đề lớn hơn---chẳng hạn buổi tiệc sinh nhật và đám cưới---cho rằng họ sẽ làm tốt hơn lần sau, và quyết định thử lại lần nữa. Hy vọng về sự thay đổi chết từ từ, thường là chỉ sau khi lặp lại nhiều thất bại, khi mọi sự trở nên rõ ràng hơn rằng sự thay đổi bản thân sẽ không ổn. Có nhiều cách để ngăn ngừa tác động của Hội Chứng Hão Vọng và đưa ra những thay đổi bản thân lâu dài. Những điều này được liệt kê dưới đây, và tất cả những điều mà các nhà tư vấn có thể dạy những người họ tư vấn: Đặt ra những kỳ vọng thực tế về khoảng thời gian cần thiết (thường thì sự việc sẽ kéo dài hơn mong đợi). Đặt những mục tiêu thực tế và có thể đạt được. Hãy thực tế khi xét xem sự thay đổi dễ dàng xảy ra như thế nào (thường thì nó khó hơn mong đợi). Hãy tập trung vào thành công hơn là những thất bại. Có thể ghi rõ những thành công và đề ra những phần thưởng khi đạt được các mục tiêu. Hãy dự đoán tật cũ sẽ tái phát. Chuyện này sẽ xảy ra. Khi đã dự đoán trước, họ sẽ bớt thất vọng và tan vỡ, đặc biệt là khi có một cam kết bắt đầu lại ngay sau khi tật cũ tái phát. Hãy cảnh giác trước những tình huống cám dỗ và tránh xa chúng. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội, sự khích lệ, và trách nhiệm giải trình từ một nhà tư vấn hoặc một người bạn đáng tin cậy để bạn không thử thực hiện tiến trình thay đổi một mình. Khi chúng ta cố gắng thay đổi mà không có trách nhiệm giải trình xã hội, việc bỏ cuộc sẽ dễ dàng hơn. Và khi không có một người khác, thì việc gian lận hoặc bào chữa cho thất bại sẽ dễ xảy ra hơn. Thách thức những lý do thất bại. Điều này sẽ dễ hơn khi có một người khác tham gia, và có thể thách thức những lý do bạn bỏ cuộc hoặc tái phạm. Đức Chúa Trời có dự phần trong toàn bộ tiến trình này không? Còn chiến trận thuộc linh mà trong đó Sa-tan và thế lực của hắn sẽ cố gắng ngăn cản sự thay đổi thì sao, đặc biệt là khi có quyết tâm từ bỏ một thói quen tội lỗi hoặc phát triển một lối sống tin kính hơn? Những thay đổi như thế này vượt ngoài tầm phân tích tâm lý. Sự cầu nguyện là điều quan trọng trong tiến trình thay đổi bản thân và sự cam kết thường xuyên lắng nghe sự hướng dẫn và chịu sự tác động của Đức Thánh Linh cũng quan trọng như vậy. Tuy nhiên, thông thường những thay đổi thuộc linh diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ mà trong đó những người khác đưa ra lời khuyên thực tiễn và sự cầu thay giúp cho người thay đổi bản thân được thành công. Sự Khó Khăn Của Thay Đổi Có hai phạm trù bao quát về sự thay đổi liên hệ đến những nhà tư vấn, và sẽ được lồng ghép vào những chương sau. *Những thay đổi phản ứng* là những thay đổi xảy đến trong đời sống chúng ta từ bên ngoài và đòi hỏi một đáp ứng. Những cuộc khủng hoảng bất thình lình là những ví dụ kịch tính nhất, nhưng những người chúng ta tư vấn thường đến tìm sự giúp đỡ để đáp ứng trước những vấn đề như sự thất vọng, thất bại tài chánh, những xung đột liên cá nhân, sự cô đơn, hoặc việc cần phải đưa ra quyết định quan trọng. Chúng được gọi là những thay đổi phản ứng vì tất cả chúng xảy ra như một phản ứng trước một sự kiện hay hoàn cảnh nào đó trong cuộc sống. Trái lại, *những thay đổi chủ động* là những thay đổi mà chúng ta đang cố tạo ra. Giảm cân, xây dựng một hôn nhân tốt đẹp hơn, nuôi dạy con cách hiệu quả hơn, xây dựng những kỷ luật thuộc linh trong đời sống chúng ta, hoặc thực hiện những gợi ý của nhà tư vấn... tất cả đều là những ví dụ về sự thay đổi chủ động. Cả hai loại thay đổi này có thể và thường chồng lắp lên nhau. GA là một vận động viên chuyên nghiệp bị cảnh sát bắt vì say rượu lái xe và bị buộc tội sở hữu chất cấm khi cảnh sát lục soát xe của anh. GA có thu nhập cao, một hôn nhân ổn định, và hai đứa con tuyệt vời, nhưng vợ anh không ngừng căng thẳng vì nghề nghiệp của anh. Mỗi ngày anh đều đối diện với sự thay đổi gây choáng. Anh thường đi xa nhà, đi với đội bóng từ thành phố này sang thành phố khác. Những người hâm mộ và các ký giả thể thao kỳ vọng anh chơi xuất sắc và rất mạnh miệng phê bình khi anh không đáp ứng được những kỳ vọng của họ. Anh bắt đầu uống rượu và thỉnh thoảng sử dụng ma túy để giúp giải tỏa căng thẳng khi đi ra ngoài sau những trận đấu với đồng đội mình. Đôi lúc anh quan hệ tình dục với những người lạ mà anh gặp trong các quán rượu. Anh cảm thấy có lỗi vì không chung thủy với vợ, và lo sợ, không biết anh có mắc phải một căn bệnh nào đó lây qua đường tình dục, rồi lại lây sang cho vợ khi anh về nhà hay không. Khi nói chuyện với một nhà tư vấn sau khi bị bắt, GA cho biết anh cảm thấy quá sức trước những áp lực vốn là một phần trong cuộc sống của anh, và thấy thất vọng khi không thể thay đổi lối sống mà anh cần phải thay đổi. Nhà tư vấn của anh giúp anh đương đầu tốt hơn với những thay đổi bên ngoài, và hướng dẫn anh đưa ra những lựa chọn phản ứng quan trọng để có thể kiểm soát tốt hơn hành vi "mất kiểm soát" của mình khi anh xa nhà. Vụ bắt giữ là một sự thức tỉnh nghiêm trọng khiến anh thay đổi. Vì sao sự thay đổi lại khó khăn đến vậy? Và vì sao người ta lại kháng cự sự thay đổi, ngay cả khi họ nói rằng họ muốn thay đổi? Có rất nhiều lý do, nhưng những lý do bên dưới là phổ biến nhất. Có thể bạn sẽ gặp một số nguyên nhân này trong việc tư vấn của mình. Đôi lúc bạn có thể thấy chúng trong chính bản thân mình. Người ta kháng cự sự thay đổi vì: Họ không sẵn sàng từ bỏ những gì an toàn, có thể đoán trước, và quen thuộc. Họ không thực sự tin quyết rằng thay đổi là tốt hơn hiện trạng. Họ có một nỗi sợ, không biết cuộc sống sẽ như thế nào nếu sự thay đổi diễn ra. Thường thì họ cảm thấy an toàn hơn khi cứ ở chỗ hiện tại của mình, ngay cả khi họ hết sức khổ sở, so với việc mạo hiểm thay đổi và đối diện với những điều không thể đoán trước, không quen thuộc, và tiềm ẩn những nguy cơ. Họ thiếu những kỹ năng, tri thức, khả năng, kinh nghiệm, hoặc những tài nguyên có thể mang lại sự thay đổi có tiềm năng lâu bền. Những thay đổi đề ra không thực tế. Những người khác muốn sự thay đổi, còn bản thân người đó thì không. Ví dụ, sự thay đổi sẽ ít khi xảy ra trong một thiếu niên không hề muốn thay đổi, nhưng lại buộc phải đi tư vấn vì cha mẹ cô ấy muốn cô thay đổi. Họ có thể tin quyết rằng thay đổi không thể xảy ra---thế nên họ ít có động lực để cố gắng. Không có người đáng tin cậy nào ở bên cạnh để hỗ trợ, cảm thông, khích lệ, và hướng dẫn trong suốt tiến trình thay đổi. Họ có một số niềm tin phi thực tế về điều họ có thể làm. Thường thì những niềm tin này đến từ người khác (đôi khi đến từ chính những nhà tư vấn), là người nói những thứ đại loại như, "Chuyện gì cũng có thể làm được hết, cứ làm đi," "Hãy giành quyền điều khiển và bạn có thể đạt được những mục tiêu của mình," "Hãy tưởng tượng sự thành công và bạn sẽ đạt được nó," Hãy cố gắng nhiều hơn và mọi sự sẽ ổn thôi," hay là "Hãy cầu nguyện về điều đó và có đủ đức tin, rồi sự thay đổi sẽ đến cách dễ dàng." Thường thì những khẩu hiệu khích lệ này mang lại những kỳ vọng không thực tế về sự khó khăn của sự thay đổi, và tạo áp lực trên người muốn thay đổi. Liên hệ một cách gần gũi với những điều trên, nhiều người đã bị cha mẹ, thầy cô, huấn luyện viên, hoặc những người khác nói rằng họ kém cỏi và không chắc có thể thay đổi được. Những lời tiêu cực này làm cạn kiệt bất cứ động cơ nào để nỗ lực thay đổi. Mang Lại Sự Thay Đổi Lâu Dài Khi chúng ta xem xét những khó khăn này, thật dễ để kết luận rằng sự thay đổi, nhất là sự thay đổi lâu dài, là hầu như không thể. Nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự thay đổi lâu dài *là* có thể, miễn là hội đủ điều kiện. Jeffrey Kottler là một nhà tư vấn, nhà nghiên cứu, và tác giả viết rất nhiều, người đã dành hơn hai mươi năm nói chuyện với những nhà tư vấn và các chuyên gia thay đổi, duyệt lại nghiên cứu khoa học về sự thay đổi, làm việc với những người đến để được tư vấn, khích lệ các sinh viên cao học của mình viết những bài luận về sự thay đổi, và thu thập những câu chuyện về những người đã có những thay đổi ý nghĩa lâu dài. Với tất cả những thông tin này, Kottler chuyển đến Iceland vài tháng, nơi ông đưa hết tất cả những kết luận của mình vào một cuốn sách dày đặc thông tin mà ông đề tựa là *Making Changes Last*.[^7^](#fn7){#fnref7.footnote-ref} Khi ông tới Iceland, sẵn sàng để viết, bản thân Kottler phải đối diện với sự thay đổi lớn. Ông "khổ sở cách hoàn hảo"---cô đơn, chán nản, mất phương hướng, lo lắng, và bệnh tật. Ông viết, "Khoảng thời gian đó thật là đen tối," ông viết. "Tôi không thể hiểu ngôn ngữ hoặc phong tục... Tôi chẳng nghĩ tới chuyện gì cả ngoài chuyện đi về nhà."[^8^](#fn8){#fnref8.footnote-ref} Tuy nhiên ông đã điều chỉnh trước những thay đổi đó và về sau viết rằng những ngày tháng của ông tràn đầy sự hứng thú và kích thích đến độ tối ông hầu như không ngủ được. Đời sống chính Kottler đã trải nghiệm nhiều điều trong những kết luận nghiên cứu của ông. 1\. *Sự Cam Kết.* Đây là điều mà Kottler gọi là "yếu tố quan trọng hàng đầu" để tạo ra sự thay đổi lâu dài. Sự cam kết cho thấy mức độ mãnh liệt một người muốn thay đổi, và quan trọng hơn là người đó được thúc đẩy như thế nào để duy trì những thay đổi khi chúng xảy ra. Thường thì người ta rất muốn thay đổi, và họ nỗ lực làm mọi điều cần thiết cho tới khi họ đạt được những mục tiêu của họ. Thế rồi họ thả lỏng. Họ cho rằng mình đã đến đích và không nhận ra rằng họ có thể dễ dàng rơi vào những lề thói cũ như thế nào. Đối với họ, sự tự tin quá mức trở thành kẻ thù lớn nhất của sự thay đổi lâu dài. Chúng ta thường thấy điều này trong những chương trình ăn kiêng. Sau nhiều tháng nỗ lực và tốc độ giảm cân chậm lại, người ta đạt đến mức độ cân nặng mà họ muốn. Thế rồi họ mất cảnh giác, rơi trở vào những thói quen ăn uống cũ, và chứng kiến cân nặng của họ tăng vọt lên mức trước khi họ ăn kiêng. Tuy nhiên, để việc giảm cân được dài lâu, sự duy trì sau khi ăn kiêng thậm chí còn quan trọng hơn cả việc ăn kiêng nữa. Những nhà tư vấn giảm cân biết điều này và thường ngăn cản các khách hàng của mình sử dụng những từ như *ăn kiêng* hay *đang ăn kiêng* vì chúng hàm ý một sự thay đổi trong những thói quen ăn uống mà họ có thể dừng lại khi đạt được mục tiêu. Thay vào đó, họ cần phải có cam kết giữ sự thay đổi dài lâu trong những thói quen ăn uống nếu muốn duy trì cân nặng ở mức thấp. Kottler nói thêm rằng dấu hiệu tốt nhất của sự thay đổi lâu dài là điều mà ông gọi là "hiệu lực bản thân" (self-efficacy), tức là một người kỳ vọng sự thay đổi, tự tin rằng mình sẽ thay đổi, sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để mang lại sự thay đổi lâu dài, và sẵn sàng theo đuổi dài hạn, chứ không chỉ ngắn hạn. 2\. *Những Mục Tiêu Có Thể Đạt Được.* Điều này đã được đề cập ở trên, nhưng không có điều gì "phá hoại những nỗ lực thay đổi cho bằng đặt ra những mục tiêu không thực tế, và không thể đạt được."[^9^](#fn9){#fnref9.footnote-ref} Những mục tiêu có thể đạt được rất cụ thể chứ không mơ hồ. Chúng rất có thể mang đến sự thay đổi lâu dài nếu những mục tiêu này trở thành một phần của lối sống. Người đó cũng sẽ kiên trì theo đuổi các mục tiêu hơn nếu nhận được thông tin phản hồi đều đặn và chính xác về tiến trình của mình. Ví dụ, việc cân hằng tuần trong một trung tâm thể dục dụng cụ sẽ cung cấp những chỉ số cụ thể và thường xuyên về tiến trình giảm cân. 3\. *Ngăn Ngừa Tái Phát*. Ở trên tôi có khẳng định rằng những đợt tái phát sẽ diễn ra trong bất cứ tiến trình thay đổi nào. Điều đó hầu như là chắc chắn. Nhưng có nhiều cách để giảm thiểu những điều này và giúp một người nhanh chóng phục hồi để tiếp tục đi tới khi những thất bại tạm thời diễn ra. Người được tư vấn có thể được giúp đỡ để lượng giá những thất bại trong quá khứ hầu xác định xem đã sai điều gì và tính trước xem có thể tránh những lỗi lầm tương tự trong tương lai như thế nào. Những người được tư vấn cần phải biết rằng sự tái phát không phải là chuyện bất thường để họ không cảm thấy tuyệt vọng khi họ vấp ngã. Tuy nhiên, hãy bảo đảm rằng họ cũng biết cách tốt nhất để phục hồi và đi tới là tiếp tục thực hiện những hành vi mới mình mong muốn càng nhanh càng tốt. Khi một người ăn kiêng không kháng cự nổi một món tráng miệng giàu calo, họ sẽ bị cám dỗ để nghĩ rằng "đã lỡ thất bại rồi, thôi thì mình ăn luôn những thứ chẳng thể giúp mình giảm cân. Sau đó mình sẽ bắt đầu lại." Đây là một bước dài tới thất bại. Sẽ tốt hơn nhiều nếu quay trở lại ăn kiêng ngay lập tức sau khi thất bại. Nhìn chung, có ba cách để xác định và ngăn ngừa sự tái phát.[^10^](#fn10){#fnref10.footnote-ref} Thứ nhất, xác định những tình huống có nguy cơ cao. Sẽ là tốt nhất nếu người được tư vấn có thể liệt kê cụ thể những tình huống cám dỗ mạnh mẽ rất có khả năng xuất hiện trong tương lai. Một ví dụ là trường hợp của một người quanh năm nhút nhát đang tập để trở nên tự tin và quyết đoán hơn, nhưng cô cũng biết rằng mình dễ bị dọa dẫm bởi những người hung hăng, hống hách. Chuyện này càng tệ hơn khi cô ở một mình với những người này. Khi biết như vậy, cô có thể tìm cách tránh tiếp xúc với những người hay hăm dọa này, và không bao giờ ở một mình với họ. Một ví dụ rõ ràng khác là một người trước đây từng nghiện rượu, và anh biết rõ nguy cơ của việc gặp gỡ bạn bè trong một quán rượu, ngay cả khi dự định ban đầu chỉ là ngồi lại với nhau uống cà phê hoặc nước ngọt. Tương tự như vậy, một cậu thiếu niên gặp khó khăn trong việc tiết chế bản năng sinh dục của mình có thể đi đến kết luận rằng cậu cần phải tránh một số nơi nào đó và một số người cậu cần lánh mặt. Thứ hai, học những kỹ năng đối phó cho phép một người tránh các nan đề. Bảo các em thiếu niên "cứ nói không" khi bị cám dỗ dùng ma túy thì cũng được, nhưng khi chúng ở với bạn bè, chúng thường không biết cách chống lại sự cám dỗ và nói *không.* Nhà tư vấn có thể dạy "những kỹ năng từ chối" và thực hành chúng với người được tư vấn trong những hoàn cảnh tư vấn. Những kỹ năng này sẽ giúp trang bị cho người đó để chống lại sự cám dỗ cách hiệu quả hơn. Thứ ba, hãy giúp phát triển một lối sống giảm thiểu khả năng bị cám dỗ. Có thể khuyên một người đàn ông bị nghiện phim ảnh khiêu dâm trên Internet dẹp bỏ máy tính của mình đi, nhưng điều này là không thực tế vì anh cần máy tính để làm việc. Thay vào đó, dù ở sở hay ở nhà, anh có thể dời bàn làm việc của mình sao cho ai bước vào phòng cũng có thể thấy rõ màn hình máy tính của anh. Nhờ làm vậy, anh học cách tránh những hành vi của thói quen cho phép anh giấu màn hình máy tính khỏi vợ mình và những người khác. 4\. *Những Hệ Thống Hỗ Trợ.* Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi sự duy trì sự thay đổi lệ thuộc phần lớn vào việc có hay không một người đồng hành hoặc một hệ thống hỗ trợ mang lại sự khích lệ và trách nhiệm giải trình. Những hệ thống hỗ trợ hiệu quả nhất là những điều có sẵn khi cần đến. Các thành viên của Viện Cai Rượu Alcoholics Annonymous biết rõ nguyên tắc này và cam kết sẵn sàng có mặt ngay lập tức bên cạnh bất cứ ai đang đối diện với cám dỗ uống rượu. Lý tưởng mà nói, nên có nhiều hơn một người hỗ trợ để lúc nào cũng có sẵn ai đó. Cách này sẽ giảm thiểu khả năng có sự lệ thuộc không lành mạnh vào một người nào đó. Những người hỗ trợ cũng nên là những gương mẫu tốt, và sẵn sàng cho thông tin phản hồi chân thật, nhạy cảm và xây dựng, ngay cả khi người kia không muốn nghe.[^11^](#fn11){#fnref11.footnote-ref} Ngoài bốn hướng dẫn chính thức giúp mang lại sự thay đổi dài lâu này, nhiều hướng dẫn khác cũng đã được đề nghị, một số gây nhiều tranh cãi hơn và có ít nghiên cứu hỗ trợ chắc chắn hơn. Những hướng dẫn này bao gồm việc giới thiệu những người bạn tư vấn đến với những chương trình tự lực hữu hiệu (ví dụ Alcoholics Annonymous), giúp xác định những dấu hiệu cảnh báo cho thấy khả năng sẽ tái phát hầu có hành động tránh đi, khích lệ đương sự ghi lại hành vi của họ cách có hệ thống nhằm giám sát những kinh nghiệm của họ, và dạy những người bạn tư vấn cách nhìn ra và chống trả sự tự thoại (self-talk) "những lời dối trá chúng ta tự bảo mình." Trong một cuốn sách tôi đọc nhiều năm trước đây, Jeffrey Kottler đề nghị "du lịch biến đổi" như là một công cụ khác để tạo ra sự thay đổi lâu dài.[^12^](#fn12){#fnref12.footnote-ref} Dĩ nhiên đi du lịch cũng có những nguy cơ. Chúng ta đi xa những mạng lưới hỗ trợ mình và đôi lúc dễ gặp cám dỗ hơn. Tuy nhiên, du lịch thường đưa con người ra khỏi những áp lực, cho phép họ có một cái nhìn tươi mới về đời sống của mình, buộc họ phải đối diện và khắc chế những nỗi sợ hãi hoặc lo lắng, và cho phép họ trải nghiệm sự tươi mới nhờ những lúc thư giãn. Dù chúng ta đối diện với điều gì, chính quyền năng tuyệt vời của Đức Chúa Trời là điều mang lại sự thay đổi lâu dài, là điều có thể sẽ không bao giờ đến nếu không có Ngài. Trong thư Ê-phê-sô, Phao-lô dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời vì Ngài là "Đấng hành động trong chúng ta bằng quyền năng Ngài, có thể làm trổi hơn bội phần mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng" (Ê-phê-sô 3:20). Sứ đồ cầu nguyện rằng "tùy sự phong phú của vinh quang Ngài, ban cho anh em năng lực bởi Thánh Linh Ngài, để con người bên trong của anh em trở nên mạnh mẽ" (Ê-phê-sô 3:16). Sự thay đổi triệt để và lâu dài trong định hướng đời sống của chính Phao-lô là một minh chứng cho niềm tin của ông rằng nỗ lực con người chỉ có giá trị giới hạn, nhưng ông có thể làm mọi sự nhờ sự giúp đỡ của Đấng Christ, là Đấng không ngừng ban cho ông sức lực ông cần (Phi-líp 3:3; 4:13). Những nhà tư vấn Cơ Đốc từ lâu đã thấy điều Đức Chúa Trời có thể và đang làm---thường thì theo cách của riêng Ngài, và trong thời điểm của Ngài. Thế Giới Tư Vấn Cơ Đốc Đang Thay Đổi Công việc của nhà tư vấn là khơi dậy sự thay đổi lâu dài trong đời sống của những người chúng ta tư vấn. Công việc này có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi không ngừng đang diễn ra trong thế giới xung quanh chúng ta. Theo định kỳ, tôi được mời thuyết trình về những thay đổi văn hóa này, nhưng tôi chưa bao giờ trình bày một bài thuyết trình nhiều hơn một lần vì mọi sự thay đổi nhanh chóng, và nhiều diễn biến mới cứ xuất hiện dù trước đó chưa từng là vấn đề. Ví dụ, trước ngày 11 tháng 09 năm 2001, tôi chưa bao giờ bàn đến những mối đe dọa khủng bố khắp thế giới trong những bài phát biểu của mình, nhưng bây giờ và trong tương lai gần, đây rất có thể là một mối lo đối với nhiều nhà tư vấn và những người họ tư vấn. Đến lúc bạn đọc những dòng chữ này, thế giới hẳn sẽ thay đổi theo những cách mà tôi không thể đoán trước được. Vì vậy, dưới đây chỉ là một vài ví dụ về tác động của thế giới đang thay đổi trên những nhà tư vấn. Bạn có thể thêm những điều khác vào danh sách này. *Nhịp sống đang thay đổi, và nhiều người choáng ngợp bởi sự bận rộn.* Cuộc sống vội vã này phổ biến ở những khu vực thành thị hơn là nông thôn, nơi cuộc sống có khuynh hướng chậm hơn. Khi nhịp sống quá nhanh, hoặc khi chúng ta quá bận rộn hoặc quá choáng ngợp bởi công việc, sẽ có ít thời gian và năng lượng dành cho sự tăng trưởng tâm linh, hôn nhân và xây dựng gia đình, hay thậm chí tư vấn. Một hệ quả là sự gia tăng của những liệu pháp tâm lý ngắn hạn hầu đẩy nhanh tiến trình (tư vấn) và cho phép người được tư vấn về với những lối sống bận rộn của họ càng nhanh càng tốt.[^13^](#fn13){#fnref13.footnote-ref} *Kỹ thuật ngày càng tân tiến đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc*. Tôi viết cuốn sách này trên một máy tính, vào Internet bất cứ lúc nào hoặc chỗ nào nếu tôi muốn thêm dữ liệu nghiên cứu, và có thể chứa toàn bộ bản thảo cùng với những tập tin (files) khác trong một thẻ nhớ dài hai inch mà tôi mang theo trong chùm chìa khóa. Kỹ thuật cho phép chúng ta dễ dàng giữ liên lạc với những người được tư vấn ở nhiều khu vực khác nhau ở vùng lân cận hoặc trên thế giới, lưu trữ và tiếp cận những hồ sơ khi chúng ta cần chúng, tham vấn các chuyên gia, thu thập thông tin chuyên môn khi gặp nhiều câu hỏi, và thúc giục những người chúng ta tư vấn tự thu thập thông tin trên Internet hoặc gia nhập các nhóm hỗ trợ ảo. Việc giảng dạy cũng như các bài thuyết trình trước công chúng của tôi bây giờ khác nhiều vì cớ kỹ thuật. Tất cả những điều này có thể áp đảo một nhà tư vấn không giỏi kỹ thuật, nhưng chúng ta có rất nhiều những chuyên gia kỹ thuật xung quanh, một số chỉ mới sáu, bảy tuổi, những người có thể giải quyết vấn đề máy tính mà những người "không giỏi kỹ thuật" chúng tôi gặp phải.[^14^](#fn14){#fnref14.footnote-ref} Kết nối hết sức chặt chẽ, c*ơn lũ thông tin ngày càng dâng cao* có thể vừa hữu dụng vừa gây choáng ngợp. Khi tôi viết ấn bản đầu tiên của cuốn sách này cuối thập kỷ 1970, tôi phải dựa vào hầu hết những bản in trong các tập hồ sơ, sách vở hoặc thư viện địa phương của tôi. Giờ thì không cần nữa. Tất cả chúng ta, bao gồm cả những người chúng ta tư vấn, có thể tiếp cận vô số thông tin cách hiệu quả. Ngày càng nhiều người cần sự tư vấn đến với chúng tôi với hiểu biết chi tiết và phức tạp về những vấn đề của họ, và biết nhiều về những kế hoạch trị liệu khả dĩ hơn cả chúng tôi. Chính vì vậy, những nhà tư vấn trở thành những người học hỏi. Một phần quan trọng khác của cuộc cách mạng kỹ thuật là *tác động không ngừng gia tăng của công nghệ sinh học*, điều đang đẩy mạnh hiểu biết của chúng ta về hành vi con người. "Hiểu biết mới mẻ về di truyền học bắt đầu khuấy động thế giới của chúng ta cũng giống như cách Galileo đã làm 500 trước khi ông tuyên bố rằng trái đất quay xung quanh mặt trời," John Naisbitt và những đồng tác giả của ông đã viết.[^15^](#fn15){#fnref15.footnote-ref} "Công nghệ di truyền sẽ áp đảo mọi công nghệ khác, kể cả công nghệ thông tin... có lẽ đang đặt ra thách thức lớn chưa từng có cho những niềm tin tôn giáo truyền thống.[^16^](#fn16){#fnref16.footnote-ref} Có lẽ sẽ không có điều gì tạo tác động lớn hơn đến việc tư vấn khi chúng ta tiến sâu hơn vào thế kỷ thứ hai mươi mốt. Chúng ta thậm chí đang nhìn thấy những sự hợp tác không ngờ chẳng hạn như những sự liên kết giữa các nghệ sĩ và khoa học gia. Naisbitt và đồng nghiệp của ông viết rằng những nghệ sĩ và khoa học gia là "những nhân tố cảnh báo sớm. Họ bắt được những tín hiệu đầu tiên, vẽ bản đồ cho những vùng lãnh thổ mới, sẵn sàng mạo hiểm, và trong suốt thời gian đó, họ chịu ảnh hưởng bởi công việc của nhau. Họ là những tiếng nói và những người báo trước những điều sắp đến."[^17^](#fn17){#fnref17.footnote-ref} Giống như hầu hết những cuốn sách viết về tương lai, công trình của Naisbitt đã lỗi thời trước khi nó được xuất bản, nhưng nó mang lại những ý tưởng sâu sắc độc đáo về cách thế giới đang thay đổi theo công nghệ cao, và có nguy cơ đánh mất sự quan tâm sâu sắc mà con người cần. Có ngạc nhiên không khi sự thay đổi này đã tạo nên một môi trường nơi mà *đời sống tâm linh* (spiritualities) và cuộc tìm kiếm những niềm tin và giá trị nền tảng đã bùng nổ? Chỉ vài năm trước thôi, những nhà tư vấn tránh động đến bất cứ điều gì mang tính tâm linh. Nhiều người vẫn còn tránh né. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm tâm linh đang lan rộng đã mang đến cho những nhà tư vấn Cơ Đốc và nhiều người khác sự tự do mới để đề cập đến những vấn đề tâm linh và đưa chúng vào các mối quan hệ tư vấn. Đời sống tâm linh không còn bị bác bỏ như là dấu hiệu của chứng loạn thần kinh chức năng (neurosis), như Freud đã tuyên bố một thế kỷ trước. Tuy nhiên, đối với hầu hết, đời sống tâm linh không còn được sánh với Chúa Jêsus, tôn giáo, hay bất cứ điều gì mang tính Cơ Đốc nữa.[^18^](#fn18){#fnref18.footnote-ref} Danh sách những thay đổi tác động đến những nhà tư vấn có thể còn dài nữa. Chúng ta có thể xét đến vai trò càng gia tăng của những loại thuốc thay thế không thuộc Tây Y, những giá trị đang thay đổi (bao gồm sự thay đổi những quan điểm về giới tính và những vấn đề gia đình), hoặc những nan đề lớn khắp thế giới, gắn liền với sự nghèo nàn, nạn đói, bất ổn chính trị, và trẻ em có nguy cơ (bao gồm sự gia tăng đáng báo động của việc mua bán phụ nữ và trẻ em để làm nô lệ tình dục). Trong những chương sau, chúng tôi sẽ bàn luận chi tiết hơn về tác động tâm lý của sự toàn cầu hóa và sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố. Bộ Mặt Đang Thay Đổi Của Tư Vấn Cơ Đốc Có lẽ không có điều gì tác động đến thế giới của chúng ta lớn hơn là sự xuất hiện và chấp nhận phổ biến thế giới quan hậu hiện đại. Triết lý được định nghĩa lỏng lẻo và không ngừng thay đổi này không thể mô tả hết ở đây trong vài đoạn văn, nhưng đã có sẵn nhiều sách vở dành cho những ai muốn tìm hiểu thêm về nó.[^19^](#fn19){#fnref19.footnote-ref} Vài năm trước đây, hội chúng địa phương của chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi cần phải có một khải tượng rõ ràng hơn và một hướng đi mới. Trong vài tháng trời, tôi ngồi với một nhóm phát triển tương lai, cẩn thận nhìn lại Hội Thánh, cộng đồng và những nền tảng Kinh Thánh của mình. Lúc đó chúng tôi biết rằng *chủ nghĩa hậu hiện đại* là một từ mơ hồ và có phần đe dọa đối với một số Cơ Đốc nhân, thế nên chúng tôi đã biên soạn một bản tóm tắt bao gồm Bảng 1-1. Giống như tất cả những bản tóm tắt bất cứ điều gì phức tạp, bản tóm tắt này được đơn giản hóa, nhưng cho phép hội chúng của chúng tôi nhìn thấy thế giới đang thay đổi như thế nào và các Hội Thánh cũng cần phải thay đổi ra sao, trong khi vẫn giữ nguyên những giá trị và nền tảng Kinh Thánh của họ. Điều này có ý nghĩa gì đối với những nhà tư vấn? Có lẽ người ta đã luôn nhận được sự hướng dẫn từ người khác hoặc từ một thành viên lớn tuổi hơn, có kinh nghiệm hơn trong gia đình và cộng đồng của họ. Khái niệm tư vấn được biết đến ít nhất là từ thời Kinh Thánh, nhưng chúng ta đã trau chuốt từ này và trao cho nó ý nghĩa cụ thể hơn trong 150 năm qua, đặc biệt là trong những nền văn hóa phương Tây. Chúng ta đã phát triển những chuyên gia sức khỏe tâm thần, là những người dựa vào tư duy hợp lý và khoa học của cái hiện đại, và họ chuyên môn giúp đỡ những người gặp vấn đề tâm lý. Những nhà tư vấn lớn tuổi hơn, và những chuyên gia sức khỏe tâm thần khác, có lẽ cùng với phần lớn các Hội Thánh, vẫn cứ giữ những cách truyền thống trong sự chăm sóc, truyền thông, và tạo sự thay đổi. Thế nhưng, với sự phát triển bùng nổ của chủ nghĩa hậu hiện đại, những nền tảng cho công việc của chúng ta đã bắt đầu thay đổi. Phần lớn dân số thế giới thì trẻ, thậm chí trong những nước chậm phát triển, những giá trị và ảnh hưởng hậu hiện đại đã xâm nhập vào hầu hết các nền văn hóa bằng những phương tiện như truyền thông, Internet, những công nghệ tương tác, những cách học tập đầy sáng tạo, thậm chí chính trị, thương mại, và ngành công nghiệp giải trí. Một số người, gồm cả con số đang suy giảm của những thần học gia và viện sĩ hàn lâm, vẫn nắm giữ ý tưởng đang phai mờ rằng chủ nghĩa hậu hiện đại phản ánh những khác biệt thế hệ hoặc là một thế lực gian ác cần phải kháng cự bằng mọi giá. Nhưng có sự nhất trí rộng khắp rằng chủ nghĩa hậu hiện đại, trong những hình thức không ngừng đổi mới của nó, là nền tảng của một sự chuyển đổi mô hình quan trọng vốn sẽ tiếp tục định hình mọi khía cạnh của thế giới chúng ta ít nhất là trong một hoặc hai thế kỷ tới. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xét xem sự chuyển đổi này đang định hình Hội Thánh như thế nào, nhưng nó cũng đang định hình bộ mặt đang thay đổi của tư vấn Cơ Đốc. Bảng 1-2 tóm tắt một số những thay đổi này. +-----------------------------------+-----------------------------------+ | **Bảng 1-1** | | | | | | **Chủ Nghĩa Hiện Đại & Chủ Nghĩa | | | Hậu Hiện Đại** | | +===================================+===================================+ | *Văn Hóa "Hiện Đại" Truyền Thống* | *Văn Hóa "Hậu Hiện Đại" Đương | | | Thời* | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | *Nổi bật trong các thế kỷ 19 và | *Nổi bật trong thế giới phi Cơ | | 20* | Đốc hậu thế kỷ 20 và thế kỷ 21* | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Đặt nền tảng trên khoa học | Đặt nền tảng trên kinh nghiệm | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Đề cao những sự thật, logic | Đề cao những câu chuyện, ẩn dụ | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Những người lãnh đạo là các | Những người lãnh đạo thì đáng tin | | chuyên gia | cậy | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Những người lãnh đạo "giữ mọi thứ | Những người lãnh đạo "bị tổn | | lại với nhau" | thương" và đang tăng trưởng | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Những người lãnh đạo được tôn | Những người lãnh đạo đạt được sự | | trọng vì những vai trò và địa vị | tôn trọng: điều này quan trọng | | của họ | hơn các vai trò hay địa vị | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Lãnh đạo từ trên xuống | Lãnh đạo là các đội ngũ | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Thính giả lắng nghe cách thụ động | Thính giả tham gia vào việc học | | (cả trong giáo dục lẫn thờ | (cả trong giáo dục lẫn thờ | | phượng) | phượng) | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Người ta khao khát đi tới | Người ta được truyền cảm hứng để | | | đi tới | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Những người không tin tôn trọng | Những người không tin tôn trọng | | điều Kinh Thánh nói | điều họ nhìn thấy nơi đời sống | | | của các tín hữu | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | *Loại tư duy này có khuynh hướng | *Loại tư duy này thẩm thấu vào | | giảm dần* | nền văn hóa, bao gồm cả truyền | | | thông, và chắc chắn sẽ gia tăng* | +-----------------------------------+-----------------------------------+ Bức tranh này không bao giờ tĩnh và có thể đã khác vào thời điểm bạn đọc những lời này. Hầu hết chúng tôi bắt đầu nhìn thấy rằng chủ nghĩa hậu hiện đại không hoàn toàn tốt hết cũng không hoàn toàn xấu hết. Ảnh hưởng của nó trên những người mà chúng tôi tư vấn có nghĩa là chúng tôi phải điều chỉnh những phương pháp của mình và có thể bỏ một số những lý thuyết và kỹ thuật vốn phù hợp hơn và hiệu quả hơn trong những thập kỷ trước. Trong các trang dưới đây, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra những góc nhìn rõ nhất và tốt nhất về cách mà các nhà tư vấn Cơ Đốc có thể giúp đỡ những người gặp các nan đề và vấn đề họ khiến chúng tôi chú ý. Chủ nghĩa hậu hiện đại hoặc những xu hướng văn hóa được tóm tắt trong chương này có thể sẽ không được bàn đến chi tiết, nhưng chúng sẽ không bao giờ rời khỏi suy nghĩ của chúng tôi khi chúng tôi thực hiện cuộc hành trình thú vị xuyên qua thế giới không ngừng thay đổi của tư vấn Cơ Đốc. +-----------------------------------+-----------------------------------+ | **Table 1-2** | | | | | | **Traditional and Newer | | | Approaches to Christian | | | Counseling** | | +===================================+===================================+ | *Tư Vấn Cơ Đốc Truyền Thống* | *Tư Vấn Cơ Đốc Mới* | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Mang tính hiện đại và khoa học | Hậu hiện đại | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Tập trung vào quá khứ | Tập trung vào hiện tại và tương | | | lai | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Những chiến lược dài hạn | Sự tư vấn chiến lược ngắn gọn | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Có cấp bậc---nhà tư vấn là chuyên | Nhà tư vấn là "người chữa lành đã | | gia, có tri thức và sự huấn luyện | bị thương tổn," người có thể đã | | cao hơn | được huấn luyện nhưng không cao | | | cấp hơn | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Mục tiêu là sự chữa lành | Mục tiêu là sự truyền năng lực | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Tập trung vào những sự kiện và dữ | Tập trung vào việc kể lại và tạo | | liệu | ra câu chuyện của một người (liệu | | | pháp tâm lý kể chuyện) | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Nhà tư vấn hướng dẫn | Nhà tư vấn và người được tư vấn | | | tham gia và tương tác | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Những bằng cấp và giấy chứng nhận | Sự xác thực (authenticity) của | | của nhà tư vấn là quan trọng | nhà tư vấn là quan trọng hơn | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Những vấn đề văn hóa bị xem nhẹ | Những vấn đề văn hóa là quan | | | trọng | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Nhấn mạnh tối thiểu về nghệ thuật | Nghệ thuật có thể rất quan trọng, | | | chẳng hạn như liệu pháp âm nhạc, | | | liệu pháp nghệ thuật bao gồm | | | "những liệu pháp biểu cảm," hoặc | | | liệu pháp nhảy | | | múa[^20^](#fn20){#fnref20 | | |.footnote-ref} | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Công nghệ bị xem nhẹ hoặc phớt lờ | Công nghệ được xem là giá trị và | | | quan trọng | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Đức Thánh Linh phần lớn bị phớt | Đức Thánh Linh truyền năng lực | | lờ | | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Những nhà tư vấn tách biệt với | Những nhà tư vấn hợp tác với Hội | | Hội Thánh | Thánh | +-----------------------------------+-----------------------------------+ | Nền tảng Kinh Thánh | Nền tảng Kinh Thánh | +-----------------------------------+-----------------------------------+ Những Điểm Chính Cho Những Nhà Tư vấn Bận Rộn Sự tư vấn nhắm đến sự thay đổi. Những nhà tư vấn giỏi nhất là những chuyên gia thay đổi. Sự thay đổi bản thân thường thất bại. Để ngăn ngừa thất bại này, hãy khích lệ người được tư vấn: Đặt những mục tiêu thực tế về những điều có thể hoàn thành, và thời gian cũng như nỗ lực cần phải bỏ ra. Tránh những hoàn cảnh và con người có thể đưa đến sự cám dỗ tái phát. Kỳ vọng thỉnh thoảng sẽ tái phát nhưng quyết tâm tiếp tục thực hiện hành vi đã thay đổi ngay lập tức sau đó. Sau khi tái phát, hãy bàn về điều đã xảy ra, và thực hiện những bước để ngăn ngừa tái phát. Cung cấp sự hỗ trợ và trách nhiệm giải trình từ những người khác. Sự thay đổi lâu dài có những đặc trưng sau: Cam kết từ chính người muốn thay đổi Đặt ra những mục tiêu có thể đạt được Tích cực nỗ lực để ngăn ngừa tái phát Sự hỗ trợ từ những người khác Sự tư vấn ngày nay càng thêm phức tạp bởi những xu hướng tác động đến công việc của chúng ta, bao gồm: Nhịp sống nhanh hơn và sự bận rộn Công nghệ phát triển phi mã, bao gồm công nghệ sinh học Sự quá tải thông tin Sự quan tâm nhiều hơn đến đời sống tâm linh, bao gồm cả đời sống tâm linh phi Cơ Đốc Những nhà tư vấn phải có sự hiểu biết về chủ nghĩa hậu hiện đại và biết những cách nó đang thay đổi phương pháp tư vấn. ::: {.section.footnotes} ------------------------------------------------------------------------ 1. ::: {#fn1} Để bảo vệ sự riêng tư và danh tính cá nhân, những trường hợp nghiên cứu trong sách này đều không có thật, nhưng thường được dựa trên những hoàn cảnh có thật hoặc sự tổng hợp các sự kiện từ đời sống của một vài người. Trong một số các trường hợp, tôi dùng tên viết tắt, chẳng hạn như RW, vì cuốn sách này được đọc khắp thế giới, và tên gọi thường khác nhau ở mỗi quốc gia. Trong một số trường hợp hiếm hoi, tôi dùng tên thật. Dĩ nhiên tôi đã xin phép những người trong cuộc, và thường là vì trường hợp nghiên cứu này sẽ có tác động mạnh mẽ hơn nếu độc giả biết danh tính thật của những người có liên quan.[↩](#fnref1){.footnote-back} ::: 2. ::: {#fn2} Câu chuyện của RW là câu chuyện của một người thật. Tôi đã thay đổi một số những chi tiết để bảo vệ sự riêng tư của anh. Hai tháng sau khi rời chương trình phục hồi, anh đã bị bắt. Anh đang ở tù (lần thứ ba) vào thời điểm tôi viết điều này.[↩](#fnref2){.footnote-back} ::: 3. ::: {#fn3} Được trưng dẫn bởi Jeffrey A. Kottler, *Making Change Last* (Philadelphia: Brunner-Routledge, 2001), 41.[↩](#fnref3){.footnote-back} ::: 4. ::: {#fn4} Để tìm hiểu sâu hơn về sự thay đổi, kể cả sự thay đổi bản thân, hãy tìm đọc Howard Gardner, *Changing Minds: The Art and Science of Changing Our Own and Other People's Minds* (Boston, MA: Harvard Business School Press, 2004).[↩](#fnref4){.footnote-back} ::: 5. ::: {#fn5} Janet Pilovy và C. Peter Herman, "If at First You Don't Succeed: False Hopes of Self Change," *American Psychologist* 57 (Tháng Chín, 2002): 684.[↩](#fnref5){.footnote-back} ::: 6. ::: {#fn6} Sẽ là không chính xác nếu ngụ ý rằng Hội Chứng Hão Vọng được chấp nhận rộng rãi trong tâm lý học. Sau khi bài viết đầu tiên của tiến sĩ Polivy và tiến sĩ Herman, tờ *American Psychologist 58* (Tháng Mười, 2003): 818-824 đã đăng tải nhiều bức thư từ những nhà nghiên cứu khác, với quan điểm nghi ngờ tính hợp lệ của FHS. Tôi đưa nó vào sách này vì tôi thấy ấn tượng hơn với bằng chứng ủng hộ FHS, thay vì những bằng chứng và lập luận phản đối.[↩](#fnref6){.footnote-back} ::: 7. ::: {#fn7} Kottler, *Making Changes Last*.[↩](#fnref7){.footnote-back} ::: 8. ::: {#fn8} Sđd., 139.[↩](#fnref8){.footnote-back} ::: 9. ::: {#fn9} Sđd., 107.[↩](#fnref9){.footnote-back} ::: 10. ::: {#fn10} Bốn nguyên tắc ngăn ngừa tái phát dưới đây được lấy từ M. D. Spiegler và D. C. Guevremont, *Contemporary Behavior Therapy* (Pacific Grove, CA: Brooks/Cole, 1998).[↩](#fnref10){.footnote-back} ::: 11. ::: {#fn11} R. L. Rogers và C. S. McMillan, *Relapse Traps* (New York: Bantam, 1992).[↩](#fnref11){.footnote-back} ::: 12. ::: {#fn12} Jeffrey A. Kottler, *Travel That Can Change Your Life* (San Francisco: Jossey-Bass, 1977).[↩](#fnref12){.footnote-back} ::: 13. ::: {#fn13} Bất chấp những niềm tin của một số nhà tư vấn rằng liệu pháp ngắn hạn đó không hiệu quả, vẫn có bằng chứng cho thấy những liệu pháp tâm lý ngắn hạn chiến lược thường rất hiệu quả. Tại Hoa Kỳ, nơi đã phát triển nhiều trong số những liệu pháp tâm lý này, chất xúc tác không chỉ là những lối sống bận rộn của chúng ta. Các công ty bảo hiểm từng chi trả cho những đợt trị liệu dài hạn giờ hiếm khi làm thế nữa, cho nên cần phải phát triển và kiện toàn những phương pháp nhanh hơn.[↩](#fnref13){.footnote-back} ::: 14. ::: {#fn14} Nếu muốn xem phần thảo luận đầy hào hứng, hãy tìm đọc M. Rex Miller, *The Millennium Matrix: Reclaiming the Past, Reframing the Future of the Church* (San Francisco, CA: Jossey-Bass, 2004).[↩](#fnref14){.footnote-back} ::: 15. ::: {#fn15} John Naisbitt, Nana Naisbitt, và Douglas Philips, *High Tech-High Touch and Our Search for Meaning* (New York: Broadway Books, 1999), 115.[↩](#fnref15){.footnote-back} ::: 16. ::: {#fn16} Sđd., 115, 117.[↩](#fnref16){.footnote-back} ::: 17. ::: {#fn17} Sđd., 185.[↩](#fnref17){.footnote-back} ::: 18. ::: {#fn18} Một số những thay đổi này được tóm tắt trong Gary R. Collins, *Soul Search: A Spiritual Journey to Authentic Intimacy with God* (Nashville, TN: Thomas Nelson, 1998).[↩](#fnref18){.footnote-back} ::: 19. ::: {#fn19} Ví dụ, hãy tìm đọc Robert C. Greer, *Mapping Postmodernism: A Survey of Christian Options* (Downers Grove, IL: lnterVarsity, 2003); Stanley J. Grenz, *A Primer on Postmodernism* (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1996); và Leonard Sweet, *Postmodern Pilgrims* (Nashville, TN: Broadman & Holman, 2000). Được viết cho những nhà tư vấn, nhưng mang tính triết lý và khó đọc hơn là cuốn của Del Loewenthal và Robert Snell, *Post-Modernism for Psychotherapists: A Critical Reader* (New York: Brunner-Routledge, 2003).[↩](#fnref19){.footnote-back} ::: 20. ::: {#fn20} Để tìm hiểu thêm về những loại liệu pháp tâm lý này, hãy tìm đọc Cathy A. Malchiodi, bt., *Expressive Therapies* (New York: Guilford, 2004). Cuốn sách bàn về nghệ thuật, âm nhạc, khiêu vũ/vận động, kịch sân khấu, thơ, khay cát và những liệu pháp biểu cảm khác.[↩](#fnref20){.footnote-back} ::: :::