Summary

This Vietnamese story tells the story of a fish named Cá Linh. It is a tale about the fish's experiences and reflections on life.

Full Transcript

Kể Một Chút Về Tôi 1. Các bạn miền Tây chắc sẽ không lạ gì tôi đâu. Vỗ ngực một cái, tôi là cá linh, tên đầy đủ là Linh Ống. Còn thằng bạn hàng xóm của tôi cũng chẳng xa lạ gì đâu, nó tên là cá Heo. Nhưng bạn chớ hiểu lầm, cá Heo không có bà con cô bác gì với con heo đâu. Chỉ l...

Kể Một Chút Về Tôi 1. Các bạn miền Tây chắc sẽ không lạ gì tôi đâu. Vỗ ngực một cái, tôi là cá linh, tên đầy đủ là Linh Ống. Còn thằng bạn hàng xóm của tôi cũng chẳng xa lạ gì đâu, nó tên là cá Heo. Nhưng bạn chớ hiểu lầm, cá Heo không có bà con cô bác gì với con heo đâu. Chỉ là, khi bị bắt lên bờ nó kêu “éc éc", giống heo kêu nên người ta gọi nó là cá Heo. Cá Heo hay ghẹo tôi rằng: - Vậy chắc tại mầy kêu "ống ống", nên người kêu mấy là Linh Ống đó. Về nhà, tôi giãy lên hỏi mẹ: - Sao con lại có cái tên kì vậy, mẹ? Hơi bất ngờ, nhưng mẹ vẫn mỉm cười thật bao dung, giải thích: - Hồi nhỏ mẹ cũng thắc mắc với bà ngoại như vậy. Trong đầu tôi bỗng suy nghĩ đăm chiêu: Phải chăng, tất cả những cá linh bé khi mới chào đời cũng đều thắc mắc về tên mình? Ngày tôi bắt đầu bơi lội rành, cũng là dịp dòng họ cúng giỗ Tổ mùng Năm tháng Năm. Trên đường đến nhà ông Linh Tía - trưởng tộc họ cá Linh để ăn giỗ, tôi hỏi ba: - Vì sao dòng họ mình được gọi là cá linh vậy ba? Ba từ tốn nói: Cá linh có nghĩa là con cá có linh tính. Bởi cứ sau ngày giỗ Tổ, tất cả những con cá linh non như các con sẽ bắt đầu thực hiện cuộc di cư cầu thực về hạ lưu. Đây vừa là cuộc phiêu lưu, vừa là cuộc đi học để lớn khôn. Và đến ngày mùng Mười tháng Mười, khi đã trưởng thành và tốt nghiệp trường học sông Cửu Long, các con sẽ được thiên nhiên mách bảo để kéo bầy kéo đàn từ giã đồng ruộng hạ lưu, ra sông để trở về quê hương Biển Hồ. Suốt hàng ngàn năm qua, bất kể thời tiết, dòng chảy có thay đổi, gia tộc chúng ta vẫn đúng hẹn không sai chút nào. 2. Tôi tự hào nhìn về phía xa xa là hàng triệu bầy cá lúc nhúc, đang nô đùa quanh bãi phù sa mênh mông gần như vô tận. Đâu đó trong số những bầy cá về ăn giỗ, tôi nghe các chú bác cá linh kể về chuyến đi của mình. Chợt tưởng tượng cuộc đi sắp tới của tôi không khác gì một cuộc thi, những con cá linh trở về quê hương là những thí sinh hiếm hoi nhất tốt nghiệp. Nhưng mẹ tôi nói, không nên nghĩ như vậy, bởi lẽ bậc làm cha làm mẹ tiễn con lên đường, ai ai cũng muốn chúng trở về, dù là con mình hay con của nhà hàng xóm. Sự sống đâu chỉ nằm ở việc khỏe giỏi, mà còn do sự rủi may của lòng người. Tôi thắc mắc: “Lòng người như thế nào hở mẹ?” Mẹ không trả lời, lấy vây bơi đặt nhẹ vào bụng ra dấu im lặng. Ngó nhẹ về phía mặt nước, có tiếng gầm vang động inh tai nhức óc. Mẹ nói đó là tiếng tàu máy của con người. Chiếc tàu vụt lướt qua trên bầu trời mặt nước của chúng tôi, mọi thứ tối sầm lại một chút. Tôi và những người anh em sợ quá, cuống quýt nép vào vây mẹ. Lúc đó tôi mới hiểu, con người thật sự là ông trời của loài cá chúng tôi! Cậu Bé Trời 1. Nhưng ông Trời là ai? Tôi đã thắc mắc câu hỏi đó khi được năm ngày tuổi. Mãi đến ngày thứ mười tôi mới tìm ra đáp án. Hôm ấy, tại nhà trưởng tộc, bác Linh Tía kêu chúng tôi ra ngồi quây quần, rồi dạy rằng: Năm xửa năm xưa, Tạo Hóa đã hoài thai một cái trứng thật to, tên trứng là Vũ Trụ. Đó là cái trứng duy nhất trên đời không bao giờ nở, bởi trứng chứa ông Trời mà. Thế là ông Trời lớn lên ngay trong cái trứng mà không cần phải chui ra ngoài chi cho phức tạp. Tôi nghĩ, ông ta thật sự quá sung sướng, được sinh ra và lớn lên mà mãi ở trong cái trứng; được bao bọc ấm áp, không phải chật vật kiếm ăn như chúng tôi, cũng không sợ bất cứ hiểm nguy nào. Tôi nói điều này với thằng bạn cá Heo, thì nó phán ngay một câu xanh rờn: "Ổng là Trời mà mậy!" 2. Thế nhưng đứa bé được bảo bọc mãi trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi mà không có bạn, cũng không có gì để vui chơi thì làm sao trưởng thành lớn khôn cho được. Cậu ấy sẽ buồn héo hắt chết đi mất. Như vậy có phải là hoang phí một cái trứng hay sao. Tạo Hóa nghĩ ngợi rất lâu rồi đặt quả trứng đứng yên. Nhìn cậu bé Trời đang ngồi thu lu trong góc vắng, Tạo Hóa thấy xót lòng nên đã ban thêm cho Trời cục đất tròn như quả bóng để cậu vui chơi thỏa thích. Thế là trái bóng đất tròn trĩnh ấy trở thành món đồ lí tưởng cho cậu bé Trời mặc sức tò mò vừa chơi vừa học. 3. Lăn qua lăn lại hoài cũng chán, một bữa bé Trời đặt quả đất vào không trung, và bỗng dưng quả đất đứng yên lơ lửng. Tò mò quá, Trời liền lấy móng tay mình, cào cào lên quả đất. Đột nhiên nơi những đường cào ngoằn ngoèo hóa thành những dòng sông. Thích thú với huyền năng đặc biệt của mình, bé Trời liền lấy mớ đất dư ra sau khi cào lên quả đất, để tạo thành núi non, cây cối, muông thú chim trời cá nước. 4. Cậu mải mê hết tạo ra vật này đến tạo ra thứ khác. Không chỉ vậy, tạo ra con chim rồi thì cậu bé Trời còn phải tạo ra con sâu làm thức ăn, mà tạo ra sâu thì phải tạo ra cây lá... Thế là bài toán hết sức rắc rối đã xảy ra, nhưng giải bài toán ấy cũng không kém phần thú vị. Bạn hãy tưởng tượng hàng triệu loài được sinh ra với hàng triệu dáng hình, đặc tính khác nhau từ những phép tính, có làm điên đầu không chứ? Nhưng không, cậu bé Trời hết sức chăm chỉ siêng năng làm bài, và trí thông minh cậu vô biên, đầu cậu đầy năng lượng, gương mặt bừng sáng chói lóa khắp nơi. Bạn hãy ngước mắt nhìn lên cao, sẽ thấy gương mặt của Trời sáng rực rỡ đến mức nào. Mẹ tôi bảo "Đó là nhờ bé Trời chăm học đấy!" 5. Trời cứ say mê với việc tạo ra vật mới cho trái đất. Mê đến mức già đi tự bao giờ không hay. Khi giật mình thì cậu bé Trời ngày nào, bây giờ đã hóa thành người đàn ông với triệu triệu năm tuổi. Râu ông đã mọc dài đến mức gió thổi tung bay, tỏa đi khắp nơi. Khi nhìn lên cao, nơi bầy râu ông Trời đang bay trong gió, mẹ tôi thường bảo đó là mây. Ông Trời vuốt râu qua một bên, lộ ra màu xanh vô tận. Dừng tay ngắm nghía thành quả của mình rồi ông nghĩ, “đã đến lúc mình phải nghỉ ngơi thôi." 6. Ngủ một giấc dài. Thức dậy, nhìn trái đất đã chật ních những sinh vật, ông Trời bắt đầu thấy cần để cho chúng tự sinh tồn. Ông liền đẩy nhẹ ngón tay vào quả đất, và đột nhiên chúng bắt đầu quay (ổng là trời mà, muốn làm gì chả được!). Trái đất quay vòng tròn, và quay quanh ông như đứa con quây quần bên người mẹ. Vòng quay của quả đất đã tạo nên hai phía. Một nửa đối diện với Mặt Trời, nên được chiếu sáng thì là ngày, nửa kia là đêm. Cứ vậy ngày - đêm luân phiên nhau theo vòng quay của trái đất. Cứ quay một vòng là hai mươi bốn giờ đồng hồ, tức là một ngày một đêm. Không chỉ vậy, nhờ trái đất nghiêng về một phía và quay vòng liên hồi nên đã làm cho nước chảy xuôi rồi chảy ngược. Những dòng sông bắt đầu lớn dần và chia tách những nhánh con len lỏi chi chít khắp nơi trên mặt đất. Những lạch nhỏ cũng len lỏi tìm về nguồn, đổ ra biển lớn, thế là những dòng sông, lạch nước gặp nhau, hòa vào như một mạch máu chảy xuyên suốt để nuôi trái đất lớn lên, xanh tươi và màu mỡ. 7. Ông Linh Tía nói, sự tích này chỉ có nhà cá linh chúng ta biết thôi, kể cả loài người cũng chưa chắc biết. Tôi nghiêng đầu thắc mắc: - Nhưng vì sao họ không biết hả ông? Bởi họ không nghe được lời cá chúng ta nói. Và chúng ta cũng không biết nói tiếng người. Tôi vừa nghĩ suy vừa nói: - Khi nào biết tiếng người, cháu sẽ kể cho con người biết! Ông Linh Tía nghiêng mắt nhìn, rồi vuốt lấy đầu tôi nhè nhẹ bảo: - Khó đấy, nhưng ông tin cháu sẽ làm được. Sẻ chia điều mình biết với mọi người, sẽ giúp hiểu biết mình được lớn lên thêm! Chuyến Du Lịch Đầu Đời 1. Bạn biết không, khi ông Trời tạo nên loài cá, ông đã tạo ra cá chép trước. Sau đó ông buồn ngủ quá, nên lấy một con cá chép con, nặn lại thành cá linh chúng tôi, rồi thả chúng tôi vào dòng sông Mê Kông. Từ nơi đây dòng họ tôi chia nhau trôi theo dòng sông mẹ kiếm sống. Theo hạt phù sa trôi, lang thang một đoạn thì chợt thấy đã qua tới nước Lào. Nghe đồn Lào có nhiều voi, chúng tôi nán lại đây lâu để kiếm voi chơi. Nhưng một thời gian sau mới phát hiện, voi không bơi trong lòng sông được. Buồn quá, ngó xa xa thấy nước Campuchia có đền đài thấp thoáng bóng dòng sông, chúng tôi liền băng qua đấy du lịch. Ai ngờ đâu xứ này có cái Biển Hồ êm quá, nên ông Tổ Cá Linh quyết định lấy nơi đây làm quê mình. 2. Tuy đã có chỗ để làm quê hương, nhưng có lẽ trong suốt nhiều năm tha phương, cái tính du thủy đã ăn sâu vào thói quen nhà cá linh. Nên cứ đến tháng Năm, chúng tôi sẽ đồng loạt đẻ trứng. Ấp suốt một đêm thì trứng nở. Cá con ở với ba mẹ một thời gian, thì sẽ lên đường để làm cuộc phiêu du về hạ lưu; vừa kiếm sống, vừa khôn lớn. Đối với chúng tôi, cuộc phiêu du này là một trường học, mà bất cứ con cá linh nào cũng phải trải qua, trước khi trở về lại quê hương để sinh sôi kế tiếp. Tôi cũng là thằng cá linh không ngoại lệ, được ba mẹ sinh ra cùng với gần năm chục ngàn người anh em khác, trong dề lục bình trôi trên Biển Hồ. 3. Khi chúng tôi được năm ngày tuổi, ba mẹ dắt chúng tôi đi ăn giỗ Tổ. Đây là dịp tất cả các con cá linh gặp nhau, nghe ông Linh Tía dặn dò, ăn uống no say rồi lên đường đi học. Chưa bao giờ tôi thấy loài cá chúng tôi nhiều đến thế, cá ba mẹ nào cũng dắt theo bầy con, làm cho cả đoạn sông đặc nghẹt cá và cá. Phía xa xa là ông cá Linh Tía to lớn vô cùng. Ông có cái miệng hô ra ở phía môi trên, lủng lẳng ở mép là hai sợi râu rất lạ. Ba tôi nói, Linh Tía là anh cả của dòng họ. Đây là hộ có truyền thống gia tộc sâu sắc nhất. Các thành viên trong gia đình Linh Tía đều có râu mõm, để nhớ về tổ tiên. Cái thời xa ơi là xa, xưa ơi là xưa ấy, khi cá linh chúng tôi được tiến hóa từ loài cá chép. Có thể nói, cũng từ đó, những con cá linh mới lần đầu xuất hiện trên sông. Ông Linh Tía trưởng tộc của tôi trông rất oách. Ông có thân hình to gấp chục lần ba tôi. Khoác lên mình bộ giáp bạc, nơi lưng ông đắp một mảnh màu xanh nhạt từ đầu đến tận đuôi. Các vây đuôi ông đều có màu xanh nhạt viền vàng trông rất sinh động. 4. Trong ngày giỗ, tôi nghe lóm được câu chuyện của những người lớn nói với nhau về ông trưởng tộc. Thì ra ông ấy là cá linh may mắn duy nhất thực hiện được hai chuyến ngược xuôi du thủy xuống hạ lưu và trở về ngoạn mục. Thông thường loài cá linh chúng tôi mỗi đời chỉ đi về hạ lưu một lần, sau đó quay về quê sinh sản. Đẻ xong lứa cá đầu tiên, họ tiễn con lên đường bắt đầu chuyến du thủy mới, cũng là thời điểm họ có tuổi và sẽ dần mất đi. Thằng bạn cá Heo ké theo đi ăn giỗ. Nó kề vai tôi nói, “họ bị điện giật chết đó". Tôi không tin mấy, bởi mẹ bảo rằng, có những bạn cá sinh ra để làm vật thế thân, hi sinh cho những bạn cá khác sống sót. Đức hi sinh của những cô bác cá linh nhà tôi thật cao thượng. Mẹ dặn, trên đường di cư, con sẽ gặp nhiều bạn bè là cháu con trôi dạt của các chú các bác ấy, con phải nhớ yêu thương và giúp đỡ bạn bè. Đó là sự đền đáp những người đã hi sinh cho mình. Thằng cá Heo nghe tôi nói, nó “xùy" một cái, nơi mõm sôi lên vài bọt khí: - Tại sao mình phải giúp tụi kia chớ? - Vì mẹ tao nói, biết ơn cũng như làm ơn, đó là một thứ rong có thể sinh sôi. Biết đâu mai này trong những lúc mình gặp khó khăn, mình sẽ nương vào đó mà sinh tồn. Thằng cá Heo cho rằng tôi lí sự, đáng lí tôi sẽ đẩy nó một cái thật mạnh. Nhưng không, tôi phải quay trở lại câu chuyện của ông cá Linh Tía. Bạn biết không, ông Linh Tía thật phi thường. Sau khi trở về, ông cưới vợ, sinh một bầy con, ông thương con phải di cư bơ vơ, nên tình nguyện đi theo. Trong lần di cư đó, các con đều bị đánh bắt ở dọc đường, chỉ mình ông thoát nạn. Buồn bã quay về cố hương, ông gặp lại vợ và sinh thêm một lứa nữa. Nhưng lần đó ông không đi nữa. Ông Linh Tía nói rằng ông đã cao tuổi, thân ngày một to, thuộc hàng quí hiếm, lại nổi tiếng vang danh khắp trong thiên hạ. Ông mà xuôi dòng du thủy nữa, thể nào cũng bị con người tìm mọi cách bắt. Hên thì bị họ cho vào bồn kín để ép giống sinh sản (trong khi ông là con cá trống, làm sao sinh đẻ cho được). Còn xui hơn thì sẽ bị kho rục xương trong cái nổi ngập đầy mía. Nói đến đó, ông rùng mình mấy cái rồi xoa xoa hai cái vây: "Không được, không được các cháu à!" Lúc đó, lòng tôi dâng lên niềm hâm mộ ông Linh Tía vô cùng. Tôi mơ ước mình được như ông, sẽ đi ngao du đây đó nhiều lần. Nghe nói vậy, mẹ nhìn tôi bao dung: “Khó lắm con, nhưng mẹ tin con sẽ làm được!" 5. Tại sao khó, khi ông Linh Tía đã làm được đó thôi. Hay mẹ lo sợ cho sức khỏe của tôi. Bởi khi mới chào đời, tôi yếu ớt hơn các anh chị cùng lứa. Tôi không cách nào thở nổi trước sự nghẹt cứng của hàng ngàn con cá. Chắc thấy tôi có điều đặc biệt nên mẹ đã đưa tôi ra ngoài. Mẹ cho tôi ở riêng biệt, và chính ở trong không gian riêng biệt ấy, một hôm tôi bị con nước đột ngột xô trôi đi. Chúng xô tôi va vào tảng đá thật to. Tôi bất tỉnh, không nhớ gì cả. Và khi mở mắt dậy thì thấy mình đang nằm ở ổ ông Linh Tía. Ba kể, khi đưa tôi đến ổ của ông trưởng tộc, thương cảm trước đứa bé lanh lợi thông minh, ông Linh Tía đã lật vây tôi ra để xem mạch. Vừa xem, ông vừa sáng bừng nơi ánh mắt. Không biết nghe được những gì từ cơ thể tôi, mà ông Linh Tía lấy cho tôi uống một liều thần dược. Đó là loại thuốc mà dòng họ cá linh tích góp được từ nhiều đời nhiều kiếp. Chỉ dành cho những con cá hoàng tộc dùng khi bất trắc. Thuốc có công dụng hết sức mạnh mẽ, có thể giúp lưu thông toàn bộ khí huyết trong cơ thể và sống ở đáy sông hàng tháng trời không cần ngớp nước. Ông Linh Tía nói với tôi: - Cháu thật là may mắn, bởi tình yêu thương của ba mẹ cháu đã bất chấp mạng sống đưa cháu đến đây, ta cảm động và cứu cháu. Cháu là con cá linh may mắn nhất trần đời. Từ nay cháu sẽ có sức sống mạnh mẽ hơn các bạn. Cháu hãy nhớ rằng chuyến đi này cháu phải trở về, biết đâu mai này cháu sẽ là người kế tục sứ mệnh của ta. Tôi thiêm thiếp nhìn ông, gật đầu nói "dạ" mà tự nghe lời nói của mình sao lại vang xa đến như vậy. Ông Linh Tía tặng tôi miếng thẻ bài, được làm từ một phần vảy giáp của ông. Miếng bài sáng lấp lánh có khắc chữ Linh Tía Biển Hồ: - Năm xưa ta có kết bạn với bác Rùa ở Láng Sen. Bác ấy là người hiểu chuyện và tốt bụng. Dọc đường đi, nếu có khó khăn bất trắc gì, cháu hãy tìm cách đến chỗ bác Rùa. Bác ấy sẽ giúp cháu. Ông Linh Tía nói xong thì đưa miếng thẻ bài cho tôi. Lễ phép nhận lấy, tôi liền cất vào trong tấm vảy của mình. Ông gật đầu ưng bụng. Tôi thấy đôi mắt ông sáng lên những tia hi vọng ngập tràn. 6. Sau ngày giỗ Tổ sẽ đến ngày hội Xuất quân. Trăm ngàn bầy cá tụ hội, bầy trẻ nhao nhao cả mặt nước. Ông Linh Tía giọng trang nghiêm nói: “Tất cả trật tự nghe ta nói!" Ông to lớn, tiếng nói vang vọng chẳng khác gì cái loa, loang những tần sóng âm xa ơi là xa trong nước. Những bầy cá con im phăng phắc ngay. - Những đứa cá linh con năm nay sắp bước vào cuộc di cư, các cháu sẽ cùng các anh chị bạn cá heo, cá chốt theo dòng Mê Kông trôi xuôi. Nơi đó có đồng ruộng bao la với biết bao thức ăn ngon lành để lớn nhanh như thổi. Nhưng các cháu phải nhớ, mình sinh sống nương nhờ trên đất Cửu Long, thì cũng phải biết ơn đất đai đã cho mình thức ăn và nơi sinh trưởng. Nơi đó là quê hương thứ hai của chúng ta. Mỗi đứa cá con hãy ngậm lấy một hạt phù sa, các cháu xuôi dòng chia nhau đến những nơi đồng bãi mà đắp hạt phù sa lại đó để cho đất đai màu mỡ. Đó là cách trả ơn của dòng họ Linh chúng ta. 7. Nói xong, mỗi đứa cá linh đớp ngay một hạt phù sa bé tẹo. Ngó qua ngó lại thì chỗ ổ ông Linh Tía đã hóa thành một lòng chảo. Ông nói, không sao, nay mai nước đẩy đất cát sẽ lấp đẩy. Nói xong ông cho giải tán, chúng tôi theo ba mẹ về ổ. Trên đường đi, tôi thấy những gia đình cá chia tay nhau bịn rịn. Tôi hỏi mẹ vì sao họ lại buồn đến vậy. Mẹ nói, những năm gần đây, cá di cư bị nạn chết dần chết mòn dọc theo đường cầu thực. Có những gia đình cá gần trăm ngàn con, mà khi về không thấy một đứa nào. Tôi hỏi mẹ vì sao họ lại chết dọc đường, không về nữa? Mẹ lặng im không nói, bà chỉ hôn lên má tôi, giọng nghèn nghẹn, không giống sự dịu dàng tươi vui thường ngày chút nào. Trước giờ tôi chưa bao giờ thấy giọng mẹ chùng xuống như vậy: - Các con cố gắng theo bầy đàn mà trở về. Ba mẹ sẽ đợi các con...

Use Quizgecko on...
Browser
Browser